PGS. TS Vũ Ngọc Ánh – Giảng viên ngành Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã chế tạo thành công nhiều loại máy bay không người lái ngay từ khi còn là sinh viên.
PGS. TS Vũ Ngọc Ánh là một trong số ít giảng viên trẻ được vinh danh và công nhận chức danh phó giáo sư ở tuổi 37. Thầy cũng được biết đến nhiều qua các nghiên cứu khoa học, chế tạo, phát triển dòng máy bay multi-rotor và dòng máy bay cá nhân chuyên dụng.
PGS. TS Vũ Ngọc Ánh (thứ 4, từ trái sang) tại Lễ Bổ nhiệm và vinh danh Phó Giáo sư – Hình: PLO
Ngay từ khi còn là sinh viên năm Tư ngành Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách Khoa, PGS. TS Vũ Ngọc Ánh và bạn của mình đã thiết kế thành công máy bay điều khiển từ xa không người lái. Sản phẩm này được PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không đánh giá cao bởi máy bay được thiết kế toàn bộ ngay từ đầu, không dựa trên mô hình có sẵn.
Sau ba năm nghiên cứu và thử nghiệm, thầy và cộng sự đã tạo ra chiếc máy bay không người lái phục vụ cho nông nghiệp mang tên NOBA ROBOTICS AQ 10. Máy bay nặng khoảng 25 kg, thời gian hoạt động 15-20 phút, tốc độ 0-10 m/giây, khi sử dụng để phun thuốc trừ sâu có diện tích phun 1 ha/10 phút, nhanh gấp 50 lần phun thủ công. Để phục vụ mụ đích phun thuốc trừ sâu trên cây lúa, máy bay được thiết kế thêm bình chứa được và có thể hoạt định ổn định trong thời tiết khắc nghiệt.
Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu của PGS. TS Vũ Ngọc Ánh – Hình: PLO
Theo PGS. TS Ánh, máy bay phun thuốc trừ sâu có công suất tương đương 28 lao động. Đặc biệt, chế độ phun sương siêu tiết kiệm, máy bay có thể giúp tiết kiệm 90% nước và 30% thuốc so với phun tay, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả diệt trừ sâu bệnh. Năm 2019, máy bay phiên bản đầu tiên đã được bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk theo đầu tư của tỉnh này. Chiếc máy bay phiên bản thứ hai dùng để hỗ trợ nông dân phun thuốc trừ sâu. Chiếc thứ ba sẽ được nhóm triển khai dùng để gieo hạt cho rừng và thực hiện đi gieo trong năm 2020.
Tổng kinh phí chế tạo ra ba máy bay này mất hơn một tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách do tỉnh Đắk Lắk cấp khoảng 400 triệu đồng, còn lại là kinh phí cá nhân, vừa chế tạo vừa nhập linh kiện từ nước ngoài.
Hiện tại, PSG. TS Ánh đang xin giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư cùng sản xuất ra thị trường và xin phép bay để giúp nông dân thuận tiện sử dụng hơn. Ngoài ra, nhóm cũng đang nghiên cứu để tối ưu hóa và giảm giá thành để người nông dân tiếp cận được sản phẩm. Đồng thời, nhóm của thấy Ánh cũng đang tiến hành cải tiến để máy bay thực hiện việc gieo hạt trồng rừng cho những vùng núi trọc hoặc rừng ngập mặn, những nơi con người khó tiếp cận để phủ kín rừng.
Năm 2020, Trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia HCM) sẽ tuyển sinh ngành Kỹ thuật Hàng không chương trình Chất lượng cao (Mã ngành 245).
Ngành Kỹ thuật Hàng không dành cho sinh viên có đam mê về máy bay và các phương tiện bay. Chương trình bao gồm các nhóm môn học cốt lõi nền tảng của kỹ thuật hàng không như Khí động lực học, Cơ học bay và điều khiển bay, Kết cấu hàng không, Hệ thống lực đẩy, Thiết kế và bảo dưỡng máy bay…
GIA NGHI tổng hợp