PGS.TS Trần Minh Thái người đầu tiên nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị laser bán dẫn công suất thấp ứng dụng trong y học và sinh học. Thầy cũng là người dành cả cuộc đời cho nghiên cứu và giáo dục tại Trường Đại học Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM.
NGƯỜI THẦY KHÔNG MÁY TÍNH
PGS.TS Trần Minh Thái theo học ngành vật lý và tốt nghiệp tiến sĩ về lĩnh vực laser bán dẫn ở Nga. Năm 1979, Thầy trở về Việt Nam làm giảng viên tại Trường ĐH Bách Khoa và thành lập phòng thí nghiệm (PTN) Công nghệ laser. Thầy cũng là trưởng khoa đầu tiên của khoa Khoa học Ứng dụng Trường ĐH Bách Khoa.
Ấn tượng đầu tiên khi đến phòng làm việc của Thầy là số lượng lớn tài liệu giấy và sổ sách. Thầy có thói quen viết ra và lưu lại tất cả bằng giấy. Đặc biệt, phòng làm việc của thầy không có máy tính. Đây là lí do thầy có trí nhớ rất tốt và trình bày lưu loát khi giảng dạy cũng như phỏng vấn. PGS-TS Thái cho hay do Thầy học cách làm việc của những người thầy của ông khi du học ở Nga. “Tôi giữ tất cả ở trong đầu. Tôi muốn bộ não hoạt động liên tục để gìn giữ và phát triển bộ não. Còn máy tính, tôi chỉ dùng ở nhà để tìm hiểu thông tin và nhận, gửi tài liệu các nơi thôi” – ông nói.
2 TRIỆU ĐÔ VÀ LÒNG TỰ ÁI DÂN TỘC
Thầy đến với ngành vật lý và laser như một cái duyên. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp lớp 10 Thầy dự định du học ngành chế tạo máy nông nghiệp nhưng do chính sách nhà nước thời bấy giờ Thầy phải chọn học vật lý. Sau khi sang Nga, Thầy được bạn bè rủ đi tìm hiểu về laser rồi Thầy đam mê luôn với laser vì những ứng dụng hữu ích của nó trong cuộc sống.
Năm 1987, Thầy đã có được thành quả đầu tiên là thiết bị quang châm và quang trị liệu bằng laser bán dẫn công suất thấp. Sản phẩm này phục vụ điều trị phục hồi chức năng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, điều trị viêm xoang, viêm màng não, viêm amidan, viêm khớp… Những thiết bị này dùng ánh sáng laser tạo hiệu ứng kích thích sinh học lên các bộ phận cơ thể để điều trị bệnh trên nền tảng y học cổ truyền của Việt Nam, tức hướng châm cứu cổ truyền nhưng không dùng kim. Sản phẩm của Thầy được nhiều người biết đến và đặt mua. Năm 1990, phòng thí nghiệm bắt đầu sản xuất thiết bị để cung ứng cho các cơ sở y tế như bênh viện Y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bình Dương… theo hợp đồng thầu giữa họ với nhà trường.
Tại hội nghị về nghiên cứu khoa học diễn ra tại Canada năm 1992, một đối tác nước ngoài đã đề nghị “Các thiết bị laser bán dẫn công suất thấp của ông chất lượng hơn hẳn ở Canada nhưng mẫu mã xấu quá. Ông có thể bán bản quyền cho chúng tôi với giá 2 triệu USD không? ” Thầy từ chối. Thầy lý giải: “Tôi biết, tôi bán sẽ được một số tiền lớn nhưng Việt Nam sẽ bị mất đi nhiều thứ, bởi thiết bị dựa trên nền châm cứu Việt Nam mới có. Họ chê nhưng mua giá cao đã làm tôi tự ái, sự tự ái dân tộc. Và tôi nghĩ sẽ quyết tâm trở về để đầu tư, để họ sẽ “chết” với tôi”.
Thầy rất chú ý đến các cơ sở điều trị miễn phí cho bệnh nhân, Thầy đã suy nghĩ và tạo ra thiết bị chuyên điều trị bại não cho trẻ em chào đời, thiết bị điều trị cắt cơn và cai nghiện ma túy, thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh phục hồi chức năng vận động sau tai biến mạch máu não… Trong quá trình nghiên cứu và đi thực tế ở các cơ sở, Thầy và nhóm học trò đã cho ra đời hơn mười lăm dạng thiết bị điều trị trên nền công nghệ laser bán dẫn công suất thấp và đã chuyển giao trên 1000 thiết bị cho 335 cơ sở chữa trị của 33 tỉnh và ba thành phố lớn phía Nam.
Hiện tại, Thầy và các cộng sự đang nghiên cứu về các đông dược có khả năng kết hợp với laser để điều trị ung thư. Đây là một hướng nghiên cứu mới dự kiến sẽ đóng góp một phần to lớn cho nên Y học Việt Nam.
Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh ngành Kỹ thuật Y Sinh chương trình Chất lượng cao (ngành mới 2020, mã ngành 237).
Kỹ thuật Y Sinh là lĩnh vực xuyên ngành, ứng dụng các nguyên lý và phương pháp kỹ thuật về vật lý, cơ khí, điện tử, hóa học và công nghệ thông tin trong lĩnh vực Y, Sinh học, đặc biệt là trong Y khoa.
Sinh viên tốt nghiệp có thể vận dụng các kiến thức đã học để thiết kế, mô phỏng, triển khai, vận hành và đánh giá các hệ thống, các sản phẩm cũng như giải pháp trong lĩnh vực Kỹ thuật Y Sinh.
Bài: GIA NGHI tổng hợp – Hình: PLO