Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19

Từ đợt dịch đầu tiên vào năm 2020 tới nay, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã liên tục cải tiến các phương án tuyển sinh, giảng dạy, dịch vụ hỗ trợ học tập, chính sách học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí, v.v. nhằm tối ưu hóa chất lượng nguồn tuyển và giúp sinh viên học tập hiệu quả.

TUYỂN SINH BẰNG HÌNH THỨC PHỎNG VẤN

Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa mở thêm phương thức xét tuyển mới kết hợp giữa phỏng vấn và kết quả THPT, nhằm đáp ứng tính đa dạng của người học và gia tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh có năng lực.

Thông qua phỏng vấn, nhà trường thấy được tính sẵn sàng cũng như sự cam kết của thí sinh đối với việc du học. Quá trình phỏng vấn diễn ra bằng song ngữ Việt – Anh. Trọng số điểm dành cho kết quả học tập và thi tốt nghiệp THPT là 70%, kết quả phỏng vấn là 30%. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển này chiếm khoảng 1-5% tổng chỉ tiêu.

Mục tiêu lâu dài của Trường ĐH Bách khoa là dù COVID-19 không còn nữa thì chương trình đào tạo quốc tế của nhà trường vẫn là lựa chọn hàng đầu của những thí sinh muốn học chương trình quốc tế và có nguyện vọng chuyển tiếp du học sang ĐH đối tác nước ngoài.

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Buổi phỏng vấn trực tuyến xét tuyển thí sinh dự tuyển chương trình Chuyển tiếp Quốc tế vào tháng 6/2021.

TIẾP NHẬN NHIỀU ĐỐI TƯỢNG DU HỌC SINH

Năm 2020, dịch COVID-19 khiến nền giáo dục ĐH trên toàn thế giới đảo lộn, nhiều du học sinh Việt Nam không thể quay lại các nước để tiếp tục học.

Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục & Đào tạo có văn bản chỉ đạo vào tháng 7/2020 cho phép các cơ sở giáo dục ĐH tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, nhiều du học sinh đã tìm đến các chương trình đào tạo quốc tế trong nước.

Mặc dù đã được tạo hành lang pháp lý nhưng không ít ĐH trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận du học sinh. Lý do là chuẩn đầu vào của ĐH Việt Nam bị chênh so với các ĐH nước ngoài. Hơn nữa, việc tiếp nhận chỉ áp dụng cho chương trình Liên kết Quốc tế, chưa mở rộng được cho chương trình chính quy. Nguyên nhân là chương trình chính quy tuyển sinh theo đề án, trong khi du học sinh về nước do dịch là diện chuyển trường nên phải theo quy chế đào tạo

Trong số các chương trình đào tạo quốc tế bậc ĐH hiện có ở Việt Nam (không kể các trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam), hiện gần như chỉ có chương trình đào tạo quốc tế của Trường ĐH Bách khoa được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Kế thừa kinh nghiệm tuyển sinh thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT quốc tế hoặc có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế được triển khai lần đầu tiên vào năm 2018, cộng với hành lang pháp lý đã được Bộ mở, tháng 8/2020 Trường ĐH Bách khoa nhanh chóng triển khai việc tiếp nhận không chỉ các du học sinh mà còn cả sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế của nhà trường đã hoàn tất các thủ tục chuyển tiếp du học nhưng chưa thể nhập học ở trường đối tác. Đích đến là các chương trình chính quy Chất lượng cao, Tiên tiến.

Nhà trường dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT (tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài), chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, kết quả học tập ở bậc ĐH để xét tuyển. Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa ưu tiên xét tuyển thí sinh là sinh viên đang học tại các ĐH nước ngoài có vị trí xếp hạng trong QS World Ranking 2021 đạt 1-750 hoặc QS Asian University Ranking 2021 đạt 1-146 hoặc THE University Ranking 2021 đạt 1-1.000.

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Nhờ chủ động lên phương án từ sớm nên quy định tiếp nhận du học sinh của Trường ĐH Bách khoa cho phép xét nhận các du học sinh cũng như sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế của nhà trường vào chương trình chính quy Chất lượng cao, Tiên tiến.

GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN PHỐI HỢP

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng về việc giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, Trường ĐH Bách khoa thực hiện giảng dạy trực tuyến phối hợp từ ngày 6/4/2020 nhằm đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên và giữ an toàn sức khỏe cho các bên.

Phương pháp đào tạo trực tuyến phối hợp gồm bốn cấu phần: (1) bài giảng trực tuyến thông qua BKeL; (2) bài giảng livestream để sinh viên theo dõi; (3) giảng viên tương tác trực tuyến thời gian thực với sinh viên qua BkeL (chat, forum), Google Meet; (4) giảng dạy truyền thống khi bắt đầu học tập trung và đối với các phần học cần phòng thí nghiệm/thực hành.

Để chất lượng ghi hình bài giảng đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường đã trang bị hàng chục phòng studio mô phỏng với trang thiết bị hiện đại. Mỗi phòng có diện tích hơn 40m2 với chỉ một giảng viên và một kỹ thuật viên hỗ trợ. Giảng viên mang khẩu trang từ nhà, được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi vào trường cũng như được phát găng tay, micro cũng được bọc vải kháng khuẩn và thay đổi liên tục.

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Giảng viên và kỹ thuật viên Bách khoa tại buổi ghi hình bài giảng trực tuyến.

TRỰC TUYẾN HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ LUẬN VĂN, HỘI NGHỊ KHOA HỌC

Lần đầu tiên, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến vào tháng 7/2021, nhằm đảm bảo tiến độ học tập và tốt nghiệp của sinh viên cũng như tuân thủ quy định phòng chống dịch của Chính phủ.

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp trực tuyến của sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học.

Song song đó, các hoạt động hội thảo, hội nghị khoa học của nhà trường cũng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Có thể kể đến như Hội nghị Khoa học & Công nghệ Sinh viên Bách khoa Quốc tế lần thứ VIII năm 2021 diễn ra vào tháng 6/2021 trên nền tảng Google Meet, với sự tham gia của 100 sinh viên chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế đến từ 10 khoa khác nhau; Hội thảo Phương pháp giảng dạy lần thứ IV năm 2021 chủ đề “Thế hệ Z – Hoạt động dạy và học hiệu quả” cũng diễn ra vào tháng 6/2021 trên nền tảng Google Meet, với sự tham gia của 70 giảng viên trong và ngoài trường Trường ĐH Bách khoa, cùng hơn 20 tham luận.

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Hội nghị Khoa học & Công nghệ Sinh viên Bách khoa Quốc tế lần thứ VIII năm 2021
Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Hội thảo Phương pháp giảng dạy lần thứ IV năm 2021

NHIỀU GÓI HỖ TRỢ TÀI CHÍNH KỊP THỜI CHO SINH VIÊN

Đại dịch cũng khiến không ít sinh viên Bách khoa gặp khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Tháng 7/2021, khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng về việc cách ly toàn xã hội, rất nhanh chóng, Trường ĐH Bách khoa – cùng với sự đồng hành hỗ trợ từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp, cựu sinh viên, giảng viên, cán bộ viên chức, sinh viên – công bố các gói hỗ trợ học bổng, sinh hoạt phí từ 2 đến 5 triệu đồng/suất cho nhiều đối tượng sinh viên.

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Nhà trường còn ban hành kịp thời các hình thức hỗ trợ học bổng, chi phí sinh hoạt cho sinh viên Bách khoa gặp khó khăn mùa dịch COVID-19.

Ngoài hỗ trợ kinh phí, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Ký túc xá Bách khoa và canteen nhà trường cũng đang triển khai bếp ăn nội trú cho sinh viên. Nhiều cá nhân, tập thể đã và đang kiếm tìm các hình thức hỗ trợ thực phẩm và các phương tiện khác để kịp thời đảm bảo sức khỏe, đời sống cho sinh viên.

Trước đó, vào tháng 4/2020, thời điểm đỉnh dịch năm ngoái, nhà trường đã ban hành gói hỗ trợ học tập trực tuyến giai đoạn dịch COVID-19 cho toàn bộ sinh viên của trường. Gói cước dữ liệu trị giá 50.000 đồng/tháng, có thể sử dụng lượng dữ liệu lên tới 90 GB (theo chu kỳ 30 ngày với dung lượng 3 GB tốc độ cao/ngày).

Sự ứng phó nhanh nhạy của Bách khoa trong tuyển sinh và đào tạo mùa COVID-19 - Văn phòng Đào tạo Quốc tế - chương trình Chất lượng cao
Mùa dịch đầu tiên năm 2020, Trường ĐH Bách khoa đã hỗ trợ gói cước dữ liệu cho sinh viên học tập trực tuyến hiệu quả.

Bài: THI CA – Hình: OISP, HCMUT

Bài trước

Bài tiếp