Thủ tướng: “Vị thế ĐH Quốc gia TP.HCM cũng là của đất nước”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra sáng 20/11/2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra sáng 20/11/2016.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc tham DHQGHCM 01

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan phòng thí nghiệm của Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM. – Ảnh: TRUNG DUNG

Phát biểu trước các nhà giáo, sinh viên, Thủ tướng cho rằng trải qua 34 năm, ngày 20/11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam.

Đồng thời Thủ tướng cho biết ở nhiều nơi có những thầy cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em học sinh trong những điều kiện khó khăn mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em.

BIẾT ƠN SỰ HY SINH CỦA CÁC NHÀ GIÁO

“Hôm nay, tôi bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến toàn thể các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Chính phủ và nhân dân ta luôn ghi nhớ, biết ơn tấm lòng, sự hi sinh và mọi cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo” – Thủ tướng xúc động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương ĐH Quốc gia TP.HCM đã luôn đi tiên phong cả nước về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, với việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm.

ĐH Quốc gia TP.HCM đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết các lĩnh vực khoa học trọng điểm với trung bình mỗi năm công bố từ 180 – 200 bài báo trên các tạp chí danh tiếng quốc tế. Các trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã hợp tác quốc tế, với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai bước đầu thành công dự án đô thị ĐH đầu tiên ở Việt Nam.

Trao đổi với cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng, ĐH này sẽ thành công khi và chỉ khi từng trường thành viên thành công. Mỗi trường đều cần những có chiến lược chương trình hành động cụ thể để có thể phát huy tốt nhất đặc thù, lợi thế của từng trường, có như vậy ĐH Quốc gia TP.HCM mới phát triển vững mạnh.

“Chiến lược tổng thể của ĐH Quốc gia TP.HCM là gì? Chiến lược của từng trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM là gì? Nếu trả lời chính xác những câu hỏi này tôi tin ĐH Quốc gia TP.HCM không chỉ đứng tốp đầu châu Á mà có thể của thế giới trong tương lai. Uy tín, danh tiếng của các trường tạo ra trên trường quốc tế cũng chính là hình ảnh và vị thế các đồng chí tạo ra cho đất nước chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.

KIẾN THỨC ĐA CHIỀU ĐÒI HỎI PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc tham DHQGHCM 02

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước tập thể thầy và trò ĐH Quốc gia TP.HCM. – Ảnh: Dân Trí

Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra thách thức với hệ thống giáo dục ĐH, đồng thời cho rằng đây là sức ép đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau, cách thức mà tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng thay đổi đáng kể. Kiến thức không phải từ một phía mà có tính đa chiều, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tận dụng tính đa chiều của thông tin và kiến thức dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.

Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới, do vậy khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. “ĐH Quốc gia TP.HCM cần chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng và ước mơ khởi nghiệp. Những hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; các đề án, ý tưởng do sinh viên đề xuất, nhằm đem đến những thay đổi tích cực cho nhà trường.

Nếu khuyến khích những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ. Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, một lần nữa Thủ tướng khẳng định, khởi nghiệp chính là thước đo thành công của chính phủ kiến tạo” – Thủ tướng khẳng định.

NGOẠI NGỮ LÀ CHÌA KHÓA KHÔNG GIỚI HẠN

Chia sẻ với các sinh viên, Thủ tướng nêu rõ sinh viên hiện nay có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề là sinh viên tận dụng và phát huy những điều kiện đó.

“Trong bài phát biểu đầu tiên khi nhậm chức Thủ tướng, tôi đã nói rõ, chúng ta phải làm sao để con em nông dân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Cá nhân tôi thấy không có gì ý nghĩa hơn khi được trò chuyện với các tài năng trẻ của đất nước. Các bạn không chỉ là tiềm năng, tương lai mà còn là động lực, là những người quyết định đến vận mệnh phát triển của dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kêu gọi các bạn sinh viên hãy mạnh dạn hơn nữa, làm chủ việc học tập của chính mình. “Sinh viên phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình, là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quá trình học ĐH. Phải chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với thầy cô giáo, tham gia hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua khảo sát thực tiễn và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn…” – Thủ tướng nhắn nhủ.

Dịp này, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NGND. GS. TS. Phan Thị Tươi – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và NGƯT. PGS. TS. Dương Ái Phương – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Sau đó, Thủ tướng cùng với lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương và các địa phương đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí ngân sách và các cơ chế đầu tư, tạo điều kiện cho ĐH này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

CHÍNH PHỦ TÀI TRỢ 20 Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN

Nhân dịp này, Thủ tưởng cho biết với những đề tài khoa học thuộc danh sách ISI (bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh sách Institute for Scientific Information – tổ chức xếp các tạp chí khoa học có uy tín, hệ số tham khảo cao, được thành lập bởi Eugene Garfield – Mỹ vào năm 1960) được đánh giá tốt, Chính phủ sẽ tài trợ 50 USD/bài.

Bên cạnh đó, tài trợ ít nhất 20 ý tưởng khởi nghiệp sinh viên cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tìm nguồn hỗ trợ thành lập một trung tâm văn hóa cho ĐH Quốc gia TP.HCM như cách làm ĐH Quốc gia Hà Nội, với kinh phí 1 triệu USD (tương đương 22 tỉ đồng).

 

21 NĂM VẪN… GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Thành Đạt, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này đang được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên cả nước trên diện tích 643,7 ha nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM. Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay, diện tích đất được giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 73% và hiện công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa hoàn thành khu tái định cư, chính sách và giá đền bù không ổn định, giá đất ngày càng tăng dẫn đến khiếu kiện ngày càng nhiều. ĐH mong chờ vào sự chỉ đạo, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ ngành để thúc đẩy xây dựng khu đô thị này.

Để thực hiện công tác này, ông Đạt đề xuất nhu cầu về vốn rất quan trọng, mà vốn phải tập trung. Nguồn vốn của ngân sách còn nhiều khó khăn nên ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị vay vốn 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương giải quyết việc này. Ngoài ra, có thể bố trí nguồn trái phiếu chính phủ để phục vụ công tác này. ĐH này kiến nghị để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch, đến hết năm 2018 nguồn vốn ngân sách nhà nước cần bố trí 2.000 tỉ đồng.

Trước những khó khăn đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành giải đáp trực tiếp từng vấn đề ĐH này kiến nghị. Có mặt tại buổi làm việc, đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đều thống nhất ủng hộ đề xuất của ĐH Quốc gia về ứng vốn trung hạn, vay vốn kích cầu địa phương để giải phóng mặt bằng.

Chốt lại vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thực hiện sớm, dứt khoát và quyết liệt để giao đất sạch cho ĐH Quốc gia TP.HCM. Đề nghị bố trí 2.000 tỉ đồng trong 5 năm theo đề nghị của ĐH này, ưu tiên ứng trước đồng thời đề nghị 2 địa phương thành lập ban chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện.

Tổng hợp từ Tuổi TrẻThanh Niên

Bài trước

Bài tiếp