Ngày hội TVTS Bách khoa Quốc tế 2023: Sức nóng chạm đỉnh trước thềm đăng ký nguyện vọng

Đón đầu mùa cao điểm đăng ký nguyện vọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Bách khoa Quốc tế 2023 ghi nhận số lượng PH-TS tham gia kỷ lục với gần 600 lượt.

Nhiều PH-TS có mặt tại hội trường sự kiện từ trước 7g và nhận quà vào cửa từ Ban Tổ chức.

PHƯƠNG THỨC 5 VÀ CHUẨN TIẾNG ANH SƠ TUYỂN: TỪ LẠ THÀNH QUEN

Sáng 9/7/2023, hơn 10 cụm gian tư vấn các chương trình chính quy quốc tế (Giảng dạy bằng tiếng Anh, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế [sang Úc, New Zealand, Nhật], Định hướng Nhật Bản) của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) quy tụ gần 600 PH-TS đến từ các quận huyện TP.HCM và tỉnh lân cận. Đây cũng là kỷ lục mới của chuỗi sự kiện tư vấn tuyển sinh thường niên thuộc khối Bách khoa Quốc tế giai đoạn hậu COVID-19.

2023 cũng là năm thứ hai Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí (còn gọi là phương thức 5) và chuẩn tiếng Anh sơ tuyển. Đa phần PH-TS đến ngày hội đều đã nắm các tiêu chí và trọng số điểm thành phần của phương thức 5, các mốc điểm chứng chỉ tiếng Anh cần đạt chuẩn trước khi đặt nguyện vọng vào trường.

Toàn cảnh Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Bách khoa Quốc tế 2023 với sự góp mặt của gần 600 PH-TS.

Phát biểu khai mạc ngày hội, PGS.TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng nhà trường – nhấn mạnh: “Trước khi áp dụng phương thức kết hợp nhiều tiêu chí, nhà trường đã quan sát, đánh giá độ phân hóa của từng kỳ thi, điểm chuẩn trúng tuyển theo từng phương thức, chất lượng học tập của sinh viên trúng tuyển từ các nguồn khác nhau từ năm 2018 tới nay. Qua đó, chúng tôi nhận thấy những em có kết quả thi Đánh giá năng lực cao thì đồng thời cũng thể hiện năng lực học tập tốt và đồng đều nhất tại Trường Đại học Bách khoa”.

TS. Phúc phát biểu khai mạc ngày hội.

Đồng thời, TS. Phúc cũng chia sẻ mục tiêu quốc tế hóa giáo dục đại học giai đoạn 2023-2028 của nhà trường thông qua hàng loạt cải tiến về chất lượng, nâng tầm giá trị của các chương trình đào tạo quốc tế. Từ đó chứng minh chương trình đào tạo của nhà trường đều “danh” xứng với “thực” khi trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng nghề nghiệp bậc cao, gồm kỹ năng ngoại ngữ và tin học, kỹ năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo và quản lý, kỹ năng học tập suốt đời… nâng cao năng lực cạnh tranh của các em trong môi trường làm việc quốc tế hóa.

THÔNG TIN VỀ NGÀNH HỌC, CÁCH ĐẶT NGUYỆN VỌNG ĐƯỢC TRUYỀN TẢI CHI TIẾT

Với phần trình bày của các thầy PGS. TS. Bùi Hoài Thắng – Trưởng Phòng Đào tạo, PGS. TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, PH-TS cũng có thêm nhiều thông tin thiết thực về các mốc thời gian tuyển sinh, cách đặt nguyện vọng, nộp hồ sơ và quy đổi chứng chỉ tiếng Anh… Đặc biệt, buổi tọa đàm hỏi – đáp trực tiếp do hai thầy chủ trì nhận được đông đảo sự quan tâm với nhiều lượt đặt câu hỏi từ PH-TS, là một trong những điểm nhấn hấp dẫn của ngày hội. 

TS. Thắng (bìa trái) và TS. Tùng trực tiếp giải đáp thắc mắc của PH-TS qua buổi tọa đàm kéo dài hơn 60 phút.
Những băn khoăn của PH-TS về phương thức tuyển sinh 2023 đều được giải đáp tường tận.

Bên cạnh đó, PH-TS còn có thể tham vấn chuyên sâu về ngành học, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, mức lương tương ứng… với các đại diện đến từ Khoa/ Bộ môn tại gian tư vấn của từng ngành. Với những thí sinh chưa đạt chuẩn tiếng Anh sơ tuyển, Ban Tổ chức cũng hỗ trợ thí sinh đăng ký thi Duolingo English Test để cập nhật điểm thi trước thời hạn quy định.

Cụm gian tư vấn các ngành Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính và Kỹ thuật Điện Điện tử luôn là tiêu điểm của sự kiện tư vấn tuyển sinh tại Bách khoa các năm qua.
TS. Đào Thị Kim Thoa (bên phải, gần màn hình nhất) đại diện Khoa Kỹ thuật Hóa học tư vấn thông tin về ngành Công nghệ Sinh học.

TRẢI NGHIỆM THAM QUAN MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ VĂN HÓA NHẬT ĐẦY THÚ VỊ

Với những thí sinh đam mê nghiên cứu – sáng tạo, các mô hình nghiên cứu khoa học như máy lọc nước, trung tâm phát triển nghề cho người khuyết tật trí tuệ, không gian nghỉ dưỡng văn hóa sinh thái kết hợp trải nghiệm bảo tồn và phát triển làng nghề dân tộc Chăm… của sinh viên Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Xây dựng (Kiến trúc) cũng góp phần mang tới cái nhìn cụ thể về hoạt động sáng tạo kỹ thuật.

Đại diện SV các ngành (bìa phải) giới thiệu tính năng của mô hình nghiên cứu tới thí sinh quan tâm.

Bên cạnh đó, không khí ngày hội càng thêm phần sôi động với các hoạt động trải nghiệm văn hóa Nhật Bản do Ban tiếng Nhật và CLB tiếng Nhật OISP tổ chức. Tại đây, thí sinh được mặc thử trang phục truyền thống yukata, xếp giấy origami, làm bùa omamori và thử thách gắp bi nước để rinh về những món quà mang đậm màu sắc Phù Tang.

Cô Phạm Thị Như Ý (đeo kính) – giảng viên tiếng Nhật hỗ trợ thí sinh mặc thử yukata.

Mời bạn xem thêm album hình đầy đủ tại đây.

Tin: INAKO – Hình: HUY PHAN, MAI KHUYÊN

Bài trước

Bài tiếp