Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tới thăm Văn phòng Đào tạo Quốc tế

Đầu tháng 4/2024, Văn phòng Đào tạo Quốc tế vinh dự đón tiếp đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation – JF[1]) trong chuyến thăm lần này là chuyên gia ngôn ngữ Nhật Kurita Emiko. 

Tại buổi gặp gỡ, hai bên cùng nhau tham quan lớp học, chia sẻ về hoạt động giảng dạy Nhật ngữ tại Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) nói riêng, Trường ĐH Bách khoa nói chung cũng như trao đổi về định hướng phát triển của nhà trường cùng kế hoạch hợp tác sắp tới giữa đôi bên. 

Hiện tại, OISP đang sử dụng bộ giáo trình Marugoto – một trong những đầu sách do JF tài trợ, trong công tác đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên chương trình Định hướng Nhật Bản. Sau một học kỳ vận hành, Ban Tiếng Nhật đánh giá đây là tài liệu bổ ích với chủ đề gần gũi, hình ảnh sinh động và có khả năng khơi gợi niềm hứng thú trong lòng người học. Tuy nhiên, giảng viên cần tiếp tục điều chỉnh phong cách truyền thụ kiến thức cho phù hợp với trình độ sinh viên.

Trong tương lai, JF dự định tổ chức nhiều buổi tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Nhật bậc đại học tại Bách khoa, gần nhất vào ngày 24 và 28/5. Hoạt động này, cùng với nhiều đợt tài trợ từ JF trong các năm qua, đã thể hiện rõ mối quan hệ hợp tác song phương vững chắc của OISP và JF. 

Chuyên gia ngôn ngữ Nhật Kurita Emiko (đại diện JF, thứ tư từ phải qua) chụp hình kỷ niệm với Ban Tiếng Nhật của OISP.

Trường ĐH Bách khoa là một trong số ít trường đào tạo kỹ thuật – công nghệ tiên phong áp dụng tiếng Nhật vào trong giảng dạy và học tập. Bên cạnh chương trình Định hướng Nhật Bản, nhà trường còn có chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật vận hành từ năm 2006 tới nay. Uy tín đào tạo của chương trình Chuyển tiếp Quốc tế Nhật Bản đã góp phần hình thành cộng đồng sinh viên Nhật ngữ ngày càng lớn mạnh trong lòng trường Bách khoa và mạng lưới cựu sinh viên Bách khoa tại Nhật gắn kết bền chặt.

Tin, hình: OISP


[1] JF là tổ chức chính phủ hoạt động chủ yếu ở ba lĩnh vực: hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật; tăng cường trao đổi giao lưu văn hóa – nghệ thuật; thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản, giao lưu trí tuệ, từ đó nâng cao mức độ hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thắt chặt tình hữu nghị giữa Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới.

Bài trước

Bài tiếp