Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Thông tin về ngành Kỹ thuật Xây dựng – Đại học Bách Khoa Tp. HCM

Trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiến tạo những không gian sống và làm việc có chất lượng, cũng như xây dựng rất nhiều các công trình khác là hết sức bức thiết.  Từ đó nhu cầu nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật Xây dựng là hết sức to lớn.

 

Thông tin về ngành Kỹ thuật Xây dựng

– Đại học Bách Khoa Tp. HCM

TS. Hoàng Nam – Khoa Kỹ Thuật Xây Dựng, tháng 12.2012

Tổng quan về ngành Kỹ thuật Xây dựng

Trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiến tạo những không gian sống và làm việc có chất lượng, cũng như xây dựng rất nhiều các công trình khác là hết sức bức thiết.  Từ đó nhu cầu nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật Xây dựng là hết sức to lớn.

Ngành Kỹ thuật Xây dựng (KTXD) là ngành học nghiên cứu về các lĩnh vực của Xây dựng như Kết cấu công trình, Địa kỹ thuật, Thi công và Quản lý dự án xây dựng, Vật liệu xây dựng, Giao thông, Cảng và Công trình biển, Kỹ thuật Tài nguyên nước, Địa tin học…  Với kiến thức này, sinh viên ngành KTXD khi ra trường sẽ có cơ  hội làm việc tại các Công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng của nhà nước cũng như tư nhân, trong nước cũng như nước ngoài; tại các Cơ quan quản lý các cấp Từ Bộ đến Tỉnh, Thành: Sở Xây dựng – Văn phòng kiến trúc sư -Viện Tư vấn và Thiết kế Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng; tại các Cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực xây dựng.  Có thể nói sinh viên tốt nghiệp ngành Xây dựng không bao giờ thất nghiệp.  Theo số liệu thống kê của Nhà trường những năm vừa qua Kỹ sư Xây dựng luôn nằm trong nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất, với hơn 90% sinh viên có việc làm ngay trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp. 

Môi trường học tập tại Trường Đại học Bách Khoa

Tại Trường Đại học Bách Khoa (ĐHBK), lực lượng Kỹ sư Xây dựng được đào tạo một cách chuyên nghiệp về tất cả các lĩnh vực chuyên môn cần thiết, được rèn luyện trong thực tiễn, phát huy tính năng động sáng tạo để thích ứng với điều kiện hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển không ngừng của xã hội.  Khoa Kỹ thuật Xây dựng của Trường ĐHBK là đơn vị thực hiện nhiệm vụ này, với truyền thống 55 năm và bề dày kinh nghiệm đào tạo cho đất nước hàng trăm Thạc sĩ và Tiến sĩ, hàng chục ngàn Kỹ sư xây dựng. 

Hàng năm Khoa KTXD tuyển sinh khoảng 800 sinh viên chính qui, 200 học viên cao học và một số nghiên cứu sinh.  Các hình thức đào tạo bằng 2, liên kết đào tạo tại địa phương, quốc tế và đào tạo không chính qui của Khoa cũng thu hút hàng ngàn học viên mỗi năm.  Kể từ năm 2010, Khoa bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành Kiến trúc, nâng tổng số ngành đào tạo bậc đại học lên 8 ngành (cùng với Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường, Cảng-Công trình biển, Kỹ thuật Tài nguyên nước, Vật liệu Xây dựng, và Địa Tin học).  Về đào tạo sau đại học, Khoa có 10 chuyên ngành ở trình độ thạc sĩ, và 11 chuyên ngành ở trình độ tiến sĩ.

Đội ngũ giảng dạy của Khoa hiện nay khoảng 170 Giảng viên ((không kể cán bộ đang học ở nước ngoài) trong đó hơn 1/3 có trình độ Tiến sĩ.  Sinh viên Khoa KTXD được học tập trong môi trường xanh của Cơ sở Lý Thường Kiệt (Tp. HCM) và Cơ sở Linh Trung (Thủ Đức) với đầy đủ phòng học, giảng đường lớn, phòng thí nghiệm và xưởng thực tập được trang bị đồng bộ và hiện đại.  Khoa hiện có 8 phòng thí nghiệm chuyên ngành, trong đó có Phòng thí nghiệm Công Trình với đầy đủ thiết bị hiện đại đo biến dạng, chuyển vị của kết cấu và hệ thống khung sàn chịu lực điểu khiển tự động bởi hệ điện tử FlexTest của hãng MTS, có thể thực hiện các thí nghiệm tải tĩnh và động, tải trọng lặp phức tạp ở mức tải đến 100 tấn.

Trong bối cảnh hội nhập, sinh viên Khoa KTXD còn được thụ hưởng tất cả các hoạt động hợp tác quốc tế của Khoa như các chương trình đồng nghiên cứu khoa học với Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản, các dự án tài trợ nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu và học bổng của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ như EU, JICA, AUN/SEED-Net, AUF.   Thế mạnh của Khoa KTXD còn đến từ lực lượng cựu sinh viên, mà trong suốt nhiều năm qua, đã duy trì kết nối và hỗ trợ mọi hoạt động của Khoa, cũng như tài trợ học bổng cho sinh viên đàn em với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng


Sinh viên ngành Xây dựng tham gia Ban tổ chức của OISP Night 2012

Chương trình liên kết đào tạo với Đại học Griffith (Úc)

Trong nỗ lực đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, Trường Đại học Bách Khoa đã tiến hành liên kết đào tạo ngành Kỹ thuật Xây dựng (Civil Engineering) với Trường Đại học Griffith, thuộc bang Queensland nước Úc, theo Thỏa thuận hợp tác chính thức (MoU) ký vào ngày 7 tháng 4 năm 2005.

Kể từ khi thành lập vào năm 1975, Đại học Griffith (GU) đã được coi là một trong những trường đại học sáng tạo nhất của Úc và có ảnh hưởng nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.  Trường là thành viên của nhóm “Các trường đại học nghiên cứu sáng tạo Úc (IRU Australia)” và được xếp hạng trong 10 trường hàng đầu nước Úc về năng lực nghiên cứu những năm gần đây (tư liệu minh họa hoặc link web http://www.griffith.edu.au/about-griffith/fast-facts).  Griffith hiện nay có 5 cơ sở chính tọa lạc ở 3 khu đô thị phát triển sầm uất của Úc, từ Brisbane tới Bờ biển vàng (Goal Coast).  Với hơn 40.000 sinh viên từ 124 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, Griffith hiện đã trở thành một học viện giáo dục đạt chuẩn Quốc tế với khuôn viên và quy mô vào loại hàng đầu của Úc.

Theo Thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo giữa ĐHBK và GU, học sinh hoàn tất bậc giáo dục phổ thông, có điểm tuyển sinh cao hơn điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và trình độ tiếng Anh tối thiểu là IELTS 5.5 (TOEFL tối thiểu 450), có thể được xét tuyển trở thành Sinh viên ĐHBK – Chương trình Liên kết Quốc tế.  Trong chương trình này, các sinh viên sẽ tiến hành học tập 4 học kỳ đầu (Giai đoạn 1) tại ĐHBK  trước khi chuyển tiếp sang GU học 4 học kỳ còn lại (Giai đoạn 2) và nhận bằng tốt nghiệp chính thức của GU.  Ở giai đoạn 1, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản gồm Toán, Lý, Hoá, các môn cơ sở, nền tảng về ngành cũng như các kỹ năng cần thiết (bao gồm cả ngoại ngữ), trong điều kiện học tập tiên tiến tại ĐHBK, với nội dung, tài liệu học tập bằng tiếng Anh và do các Giáo sư, Tiến sỹ tốt nghiệp từ nước ngoài trực tiếp giảng dạy.  Sau 2 năm rèn luyện tại BK, sinh viên phải đạt được trình độ tiếng Anh tối thiểu để học tập tại GU là IELTS 6.0 (không môn nào dưới 5.5), hoặc TOEFL tối thiểu 550.

Tại cơ sở Goldcoast của GU, sinh viên có thể chọn theo đuổi một trong các ngành của Trường Xây dựng: Kết cấu công trình, Địa kỹ thuật, Quản lý xây dựng hoặc Cảng-Công trình biển.  Sinh viên được tham gia tất cả các chương trình học tập và trao đổi của GU, sử dụng trang thiết bị hiện đại tại các giảng đường, thư viện, khu liên hợp thể thao, cũng như lưu trú tại các ký túc xá tiện nghi.  Sinh viên quốc tế có thể làm thêm đến 20 giờ/ tuần trong thời gian học ở Úc, và có thể làm lên đến 40 giờ/ tuần trong các kỳ nghỉ.  Goldcoast là thành phố du lịch, nên cơ hội làm thêm cho sinh viên tương đối phong phú.  

Chương trình liên kết đào tạo ĐHBK-GU từ năm 2006 đến nay đã thu hút hơn 70 sinh viên theo học và đã có những sinh viên đầu tiên nhận bằng tốt nghiệp.  Nhóm sinh viên này đã thành lập Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại GU (Griffith Univeristy Vietnamese Students Association – GUVSA) để hỗ trợ nhau trong sinh hoạt và học tập.  Trong những năm gần đây, Brisbane cùng nhiều bang khác của Úc đang trong nhu cầu phát triển mạnh mẽ ngành xây dựng, hoàn thành tốt chương trình Kỹ sư Xây dựng ở GU, sinh viên có cơ hội lớn tìm việc làm ưng ý với thu nhập cao và rất cao, chưa kể sinh viên còn có điều kiện thuận lợi làm việc cho các Doanh nghiệp Úc theo làn sóng đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm tới.

Bài trước

Bài tiếp