Câu chuyện trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, học sinh không còn là đề tài mới. Ở trường ĐH Bách Khoa Tp.HCM vấn đề này đã được thảo luận một cách rộng rãi ở các hội nghị cấp khoa, trường với sự tham gia của các giảng viên, sinh viên, các nhà quản lý giao dục.
Câu chuyện trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, học sinh không còn là đề tài mới. Ở trường ĐH Bách Khoa Tp.HCM vấn đề này đã được thảo luận một cách rộng rãi ở các hội nghị cấp khoa, trường với sự tham gia của các giảng viên, sinh viên, các nhà quản lý giao dục. Tuy đã có được nhận thức chung về tầm quan trọng của vấn đề này, nhưng việc triển khai giảng dạy kỹ năng mềm luôn có nhiều thách thức. Bài viết này phân tích 3 thách thức lớn của việc giảng dạy kỹ năng mềm tại trường đại học và chia sẻ kinh nghiệm của VPĐTQT (OISP) về vấn đề này.
OISP Camp 2010
Ba thách thức lớn
Thách thức đầu tiên đến từ thiết kế chương trình đào tạo. Các câu hỏi cơ bản thường đặt ra trong quá trình thiết kế môn học này: kỹ năng nào cần giảng dạy, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, thời lượng giảng dạy, phương pháp đánh giá. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều tài liệu, sách, chương trình huấn luyện, hội thảo về kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Tuy nhiên trong nhiều năm tham gia chỉ đạo thiết kế môn học, xây dựng bài giảng và trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở Khoa QLCN và OISP, chúng tôi nhận thấy hiện nay chưa có một bộ giáo trình giảng dạy tốt nội dung này ở bậc đại học. Đa phần các sách hay tài liệu tiếng Việt hiện nay đều được viết ở dạng chia sẻ kinh nghiệm thiếu các cơ sở lý thuyết nền tảng cần thiết trong các giáo trình ở bậc đại học. Các tài liệu nước ngoài được biên soạn công phu hơn tuy nhiên cầm phải điều chỉnh nhiều khi đưa vào giảng dạy trong bối cảnh Việt Nam do tính tình huống cao của môn học. Do vậy nhu cầu phát triển một bộ giáo trình giảng dạy môn học này là quan trọng và cấp thiết.
Thách thức thứ hai là về đội ngũ giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Do yêu cầu quan trọng là trang bị kỹ năng cho sinh viên, môn học đòi hỏi tính thực hành, tương tác và linh hoạt rất cao trong quá trình giảng dạy và huấn luyện. Điều này là thách thức khá lớn với các thầy cô đã quen giảng dạy lý thuyết hoặc thực hành chuyên ngành hẹp. Chưa kể đến để giảng dạy kỹ năng mềm chính các thầy cô cũng phải là những nhà thực hành kỹ năng mềm xuất sắc. Điều này thực sự là một thách thức với đội ngũ. Việc mời các nhà huấn luyện bên ngoài vào môi trường đại học cũng gặp một số trở ngại khác biệt về giá trị. Khác biệt về giá trị là thực tiễn rất rõ nét vì đứng trên bục giảng trường đại học có yêu cầu và đặc thù hoàn toàn khác với môi trường đào tạo thông thường trong xã hội.
Thách thức thứ ba đến từ bản chất môn học – tính rèn luyện và tự rèn luyện. Để có thể phát triển kỹ năng người thầy thông qua bài giảng và các công cụ trong lớp học cố gắng tác động vào nhận thức và sau đó hình thành thái độ và thay đổi hành vi người học. Tác động vào nhận thức và thái độ là cái dễ làm hơn, trong khi để tác động vào hành vi và hình thành thói quen (kỹ năng) thì đòi hỏi thời gian rèn luyện và thực hành. Do thời lượng của lớp học giới hạn thời gian cho thực hành kỹ năng thường không nhiều. Mặc khác, vì lớp học đông, thông thường chỉ một số sinh viên/ hoặc nhóm sinh viên được yêu cầu thực hành trước lớp, trong khi nhu cầu thực hành phải đạt đến mức độ từng cá nhân. Ngoài ra, môi trường thực hành trong không gian lớp học thường không thuận tiện các kỹ năng mềm thường xuất hiện trong các tình huống sống cụ thể mà không gian lớp học thường khó tái hiện. Đây cũng là một hạn chế của thiết kế lớp học đối với môn học này.
Cách tiếp cận mới: Lớp học là điểm bắt đầu – rèn luyện kỹ năng trong từng hoạt động sinh viên – Người Thầy là người hướng dẫn
Nhận thức được những thách thức của việc giảng dạy kỹ năng mềm trong không gian lớp học truyền thống, OISP đã chủ động thay đổi cách tiếp cận. Lớp học chỉ là điểm khởi đầu cho một quá trình học tập liên tục (continuous learning process) và người Thầy bên cạnh vai trò truyền thụ kiến thức, đóng vai trò người hướng dẫn/ người thúc đẩy, góp ý và phản hồi cho những nỗ lực tự thay đổi, tự rèn luyện của sinh viên. Không gian học không kết thúc trong lớp học mà mở rộng ra tất cả các hoạt động sinh viên được thiết kết đồng bộ với mục tiêu đào tạo và chương trình đào tạo kỹ năng mềm. Điểm cần chú ý là tất cả các hoạt động sinh viên được định hướng, thiết kế đồng bộ với chương trình đào tạo. Giảng viên, sinh viên, Đoàn thanh niên nắm rõ chương trình để phối hợp nhịp nhàng hướng đến các kết quả kỳ vọng.
Về chương trình đào tạo: từ học kỳ 1 năm học 2009-2010, OISP bắt đầu triển khai xây dựng chương trình đào tạo môn Kỹ năng mềm cho toàn bộ sinh viên thuộc chương trình đào tạo quốc tế. Nội dung bao gồm 2 phần chính là phương pháp học tập ở bậc đại học và kỹ năng giao tiếp với mục tiêu giúp sinh viên năm 1 có thể thích nghi với môi trường học tập ở bậc đại học và có những kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng công tác xã hội, kiến thức xã hội, xây dựng và phát triển quan hệ, và kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa. Toàn bộ bài giảng bao gồm đề cương môn học, slide chi tiết cho từng buổi học, bài đọc thêm, bài tập tình huống, games đã được chuẩn hóa từ năm học 2009 đến nay. Năm nay OISP đã thành lập nhóm viết giáo trình “Giáo Dục Kỹ Năng Mềm cho sinh viên” để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo môn học này. Dự kiến sẽ xuất bản trước tháng 9.2012 để kịp đi vào giảng dạy ở học kỳ 1, 2012-2013.
Về tổ chức lớp học: để đảm bảo mục tiêu huấn luyện kỹ năng, tổ chức lớp học là một yếu tố rất quan trọng. Lớp học tổ chức ở qui mô nhỏ khoảng 25-30 sinh viên. Các nhóm 5-6 sinh viên được phân công một dự án nhóm về các đề tài xã hội mà các em quan tâm ngay từ đầu học kỳ. Nhiệm vụ của nhóm là thâm nhập xã hội và cộng đồng tìm kiếm, xử lý thông tin, phân tích và báo cáo cho cả lớp về đề tài. Hàng tuần các nhóm sẽ báo cáo cho giảng viên về tiến độ công việc của nhóm mình. Ở tuần thứ 3 nhóm sẽ trình bày kế hoạch thực hiện chi tiết và nghe góp ý của lớp và giảng viên. Ở tuần cuối cùng nhóm sẽ tổ chức trình bày kết quả dự án nhóm và nộp báo cáo viết. Bên cạnh đó, mỗi nhóm được yêu cầu thiết kế 1 video clip về dự án nhóm của mình và trình chiếu trong buổi thuyết trình. Mỗi lớp sẽ chọn ra 1 nhóm xuất sắc nhất và video clip xuất sắc nhất để tham dự vòng chung kết Presentation Contest và Film Festival của toàn bộ chương trình. Thông qua một dự án nhóm nhỏ, các sinh viên học được hàng loạt các kỹ năng như làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, viết báo cáo, thuyết trình, thiết- quay- biên tập video clips, cũng như kiến thức và bài học xã hội từ chính đề tài của mình và các bạn trong lớp. OISP Presentation Contest đã thực hiện trong 2 năm 2010 và 2011, Ban Giám Khảo là các Thầy/ Cô trong và ngoài trường thực sự ngạc nhiên và tự hào về sự trưởng thành về nhận thức, thái độ, kiến thức và đặc biệt là các kỹ năng tổng hợp của các em. Việc tổ chức lớp học hiệu quả đã thực sự giúp em học một cách thực tiễn, ý nghĩa và rất vui vẻ. Học không căng thẳng mà hấp dẫn.
Hoạt động sinh viên: OISP tổ chức rất nhiều các hoạt động ngoại khóa để sinh viên có điều kiện thực hành các kỹ năng của mình trong không gian thực. Một trong các hoạt động ý nghĩa đó là OISP Camp. Hội Trại OISP đã tổ chức liên tiếp trong 3 năm 2009, 2010, 2011 và đã trở thành một hoạt động truyền thống được mong đợi của sinh viên. Đặc điểm của hội trại này là do sinh viên tự xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch, vận động tài trợ, triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đêm văn nghệ của hội trại bao gồm rất nhiều các tiết mục đa dạng từ đơn ca, hợp ca, nhảy hiện đại, múa truyền thống, kịch, hợp tấu, thời trang. Các tiết mục này được các em luyện tập trong suốt một học kỳ, được biên tập, dàn dựng công phu, trải qua 2 vòng sơ tuyển mới được chọn vào vòng chung kết biểu diễn trong đêm văn nghệ của hội trại. Để hội trại diễn ra thành công, có sự tham gia tích cực trong mọi vai trò của hơn 200 sinh viên OISP. Trong từng lớp kỹ năng mềm, các giảng viên nghe các em báo cáo tiến độ và góp ý cho công việc của các tiểu trại để đảm bảo tiến độ chung của trại và giúp các em giai quyết các mâu thuẫn phát sinh. Thông qua 3 tháng chuẩn bị và 2 ngày hội trại các em đã học được vô vàn các kỹ năng thiết yếu của cuộc sống nhưng cao hơn hết là tinh thần đoàn kết, tình đồng đội, và niềm tự hào về những đóng góp nỗ lực của chính mình và bè bạn.
Nét mới cho năm học 2012-2013: Để nâng cao chất lượng của chương trình năm nay OISP dự kiến sẽ có những nét cải tiến đáng kể:
Về dự án nhóm: thay vì các đề tài xã hội nói chung, năm nay OISP sẽ yêu cầu các nhóm xây dựng các dự án hỗ trợ cộng đồng như giúp đỡ trẻ em nghèo, người khuyết tật, bảo vệ môi trường…Các nhóm sẽ được yêu cầu thiết kế ý tưởng, vận động tìm kiếm nguồn lực (tài lực, nhân lực, vật lực), và thực hiện kế hoạch. Presentation contest sẽ là nơi để các em báo cáo kết quả thực hiện dự án đóng góp cho cộng đồng của mình sau 1 học kỳ và trình bày kế hoạch của giai đoạn sau. Thay đổi này dự kiến sẽ mang lại bài học về tinh thần cộng đồng sâu sắc hơn cho các em và từ đó hình thành ý thức/ kỹ năng cộng đồng cho các em. Mặt khác, nếu chương trình thành công sẽ mở rộng thành cuộc thi cho toàn thể sinh viên Bách Khoa hoặc sinh viên các trường trong thành phố cùng tham gia đóng góp cho cộng đồng.
Về kỹ năng: dự kiến sẽ tổ chức các lớp chuyên đề như viết báo, biểu diễn, nhảy hiện đại, thanh nhạc cho sinh viên. Trên cơ sở đó phát triển thành các câu lạc bộ kỹ năng một cách bền vững tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên. Các lớp chuyên đề ngắn hạn sẽ tạo điều kiện cho sinh viên đa dạng và toàn diện các kỹ năng của mình. Một hoạt động mới cũng sẽ được đưa vào chương trình là hoạt động “Bản tin lớp”. Ở hoạt động này, mỗi lớp sẽ được yêu cầu viết bài, hình ảnh về các hoạt động của lớp mình trong suốt học. Bản tin được yêu cầu thiết kế chuyên nghiệp, đẹp mắt với chất lượng nội dung tốt sẽ là sân chơi thú vị để sinh viên rèn luyện kỹ năng viết báo và thiết kế. Trong ngày Presentation Contest, các lớp cũng trình diễn bản tin của mình và tham gia thi dành giải “Báo Chí OISP 2012” và giải “Cây Bút Sinh Viên Quốc Tế”.
Về đánh giá: giảng viên sẽ chuyển trọng tâm đánh giá từ nhóm sang đánh giá và phản hồi cho từng cá nhân. Mỗi sinh viên sẽ có phiếu nhận xét riêng sau từng kỹ năng. Việc này là để cải thiện chất lượng kỹ năng đến từng cá nhân sinh viên.
Box các hoạt động của chương trình Pre-University
- Orientation tours: Exploring Sai gon – what students need to know about Sai gon
- Welcome day: Concert and Community Project Road Show
- Guess Speaker Series/ Field Trips
- University Camping
- Presentation Contest: Present Project Performance
- Film Festival
- Class Bulletin
- University Show/ Performance
TS. Vũ Thế Dũng