Trường ĐH Bách khoa vừa nghiên cứu thành công khẩu trang ứng dụng siêu vật liệu graphene kết hợp với nano bạc giúp kháng khuẩn và ngăn giọt lỏng chứa COVID-19.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các giảng viên của Trường ĐH Bách khoa: TS. Phạm Trọng Liêm Châu, ThS. Lê Thị Bích Liễu, ThS. Nguyễn Minh Đạt, KS. Trần Đỗ Đạt, KS. Trần Châu Điệp, CN. Đinh Ngọc Trinh. Dự án được hướng dẫn bởi PGS.TS. Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng – giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học và TS. Hoàng Minh Nam – giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu – Trưởng Phòng Thí nghiệm trọng điểm ĐHQG HCM – trưởng nhóm. Hoạt động nghiên cứu khẩu trang được thực hiện tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm ĐHQG HCM Công nghệ Hóa học & Dầu khí đặt trong khuôn viên Bách khoa.
Ưu điểm của khẩu trang là có thể tái sử dụng với năm lần giặt, bảo quản ở nhiệt độ thông thường. Sản phẩm khi đeo có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn, ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19. Đây được xem là điểm nổi trội nhất của sản phẩm, bởi bên cạnh bảo vệ sức khỏe nhóm nghiên cứu còn chú trọng đến tiết kiệm chi phí và giảm rác thải ra môi trường.
Theo ThS. Nguyễn Minh Đạt: “Graphene oxit có các nhóm chức chứa oxi giúp liên kết bền chặt với vải tạo nên vải kháng khuẩn. Từ đó kéo dài thời gian sử dụng, các hạt nano bạc nó sẽ không đi vào cơ thể con người, gây ảnh hưởng để sức khỏe người sử dụng.” Trong quá trình sử dụng khẩu trang, lớp nano bạc bị rửa trôi, khả năng kháng khuẩn không bền và làm ảnh hưởng sức khỏe con người. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã khắc phục hạn chế này bằng cách sử dụng graphene với hàm lượng dưới một mg làm vật liệu liên kết giữa vải cotton và nano bạc trở nên chặt chẽ hơn. Nano bạc bám trên bề mặt vải bền hơn và graphene cũng là vật liệu giúp nano bạc phân bố đều, giúp khẩu trang có khả năng kháng khuẩn luôn ở mức cao. Đây là khác biệt lớn nhất của sản phẩm so với các loại khẩu trang vải có chứa nano bạc trên thị trường.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hàm lượng graphene và nano bạc trong khẩu trang rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất thấp. Giới nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh các gốc graphene có thể ngăn chặn được giọt lỏng phân tán từ 2,5 đến 3 micromet. Trong khi virus Corona phân tán được từ hệ hô hấp của người bệnh trong các giọt lỏng có kích thước 5 micromet. Do vậy, với kích thước này virus không thể đi qua lớp graphene của khẩu trang.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên liệu graphene được điều chế từ bột than, không đắt tiền. Song, quá trình điều chế từ bột than thành graphene đòi hỏi chi phí lớn. Khẩu trang có giá khoảng 30.000 đồng một chiếc. Với hàm lượng graphene rất nhỏ, giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh và tiếp cận được nhiều người.
“Chúng tôi rất tự hào và vinh hạnh vì nhóm đã nghiên cứu thành công sản phẩm từ Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG HCM tại Việt Nam để công bố cho quốc tế, góp phần hỗ trợ trong việc hạn chế dịch bệnh” – PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu cho biết thêm.
Công trình nghiên cứu này được thực hiện và báo cáo hoàn thành trước Hội đồng nghiệm thu Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM vào giữa năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện. Đầu năm 2020, khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Ban Giám hiệu Trường ĐH Bách khoa rất ủng hộ nghiên cứu và đẩy mạnh các công tác để đưa sản phẩm tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Kế hoạch của nhóm nghiên cứu là hoàn tất thủ tục kiểm định an toàn từ cơ quan y tế, theo tiêu chuẩn Việt Nam và đưa sản phẩm gần hơn đến với người dân.
GIA NGHI tổng hợp từ P.QTTH-TT và VnExpress