Điểm danh ở bậc đại học: nên chăng?

ĐIỂM DANH Ở BẬC ĐẠI HỌC: NÊN CHĂNG?

TS. Vũ Thế Dũng

Khoa Quản Lý Công Nghiệp, Đại Học Bách Khoa Tp.HCM
Bài viết “Hội chứng … điểm danh” Bạn đọc có thể xem bài viết ở http://www.vnn.vn/giaoduc/chuyengiangduong/2004/04/61732/ của Thu Hương trên Vietnamnet (www.vnn.vn) ngày 23 tháng 4 vừa qua nêu số câu hỏi đáng suy nghĩ – nên hay không duy trì điểm danh ở bậc đại học? Mục tiêu của việc điểm danh ở cấp học này là gì? Điểm danh liệu có cải thiện chất chất lượng đào tạo hay không? Phương pháp này có mang tính sư phạm và phù hợp với đối tượng sinh viên đại học hay không? Ở các nước, bậc học này các giáo sư có điểm danh không?
Đây quả là những câu hỏi lý thú mà chúng tôi những người đang đứng trên bục giảng của các trường đại học cũng tự đặt ra cho mình và cho đồng nghiệp. Có thể nói rằng trong các kỹ thuật xử lý lớp học, điểm danh là một kỹ thuật có nhiều tranh luận và việc dùng nó phụ thuộc vào quan điểm của từng giáo viên. Phải khẳng định rằng không chỉ các thầy giáo ở Việt Nam mới điểm danh, mà các thầy giáo nước ngoài ở các đại học danh tiếng trên thế giới cũng điểm danh. Và việc tham dự đầy đủ và tham gia phát biểu trong các buổi học cũng được rất các giáo sư dùng làm tiêu chí đánh giá (thường chiếm từ 10-30% điểm đánh giá toàn khóa). Mà điều này không chỉ ứng dụng cho bậc đại học mà cho cả bậc cao học và thậm chí tiến sĩ. Vậy hiển nhiên điểm danh có cái lý và cơ sở lý luận của nó.
Lý luận mà rất nhiều bạn sinh viên hiện nay viện ra để không đến lớp đó: (1) vẫn đủ kiến thức vì vẫn qua được kỳ thi cuối môn học, (2) đi học phải xuất phát từ tự giác, (3) Karl Marx khi còn là sinh viên “đâu có mặt thường xuyên ở giảng đường, đâu có trông vào cái vụ điểm danh này mà học nên nhà nghiên cứu lỗi lạc, cha đẻ sau này của chủ nghĩa xã hội khoa học?” (trích nguyên văn từ bài báo nêu trên).
Giáo dục đại học nói chung và tổ chức học tập nói riêng hiện nay đã có rất nhiều thay đổi về quan điểm và cách tiếp cận. Nếu như trước đây, việc đánh giá học viên được thực hiện trên kết quả thi cuối môn học, thầy giáo không quan tâm đến việc sinh viên có đến lớp hay không mà chỉ dựa vào kết quả thi cuối cùng để thẩm định chất lượng. Quan điểm này có nguồn gốc từ nguyên lý quản trị dựa trên kết quả hay mục tiêu (MBO: Management by Objective). Tuy nhiên sau một thời gian dài, các nhà giáo dục cũng như các nhà quản lý đều nhận thấy những hạn chế của phương pháp này. Thứ nhất, bài thi không phải là một thang đo đáng tin cậy và chính xác để thẩm định chất lượng của một quá trình học tập. Thứ hai, phương pháp này dựa trên giả định về tính tự giác và tự hoàn thiện của người học – điều này cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, với cách đánh giá bằng một bài thi, nghiên cứu và thực tiễn cho thấy người học (dù ở bậc nào: đại học, cao học, tiến sĩ) đều có khuynh hướng lạc mục tiêu – nghĩa là thay vì mục tiêu chính là tích lũy kiến thức liên lục (qua từng buổi học) thì lại chuyển qua mục tiêu vượt qua các kỳ thi. Điều này không hẳn xấu, nếu như kỳ thi cuối khóa được thiết kế là một thang đo chất lượng chuẩn, nhưng như đã nói ở trên đây là thang đo có độ nhiễu cao (sinh viên chỉ tập trung học trong vài ngày trước khi thi, nội dung thi được giới hạn, thời gian thi ngắn, số câu hỏi không thể đại diện hết nội dung chương trình, các tình huống trong phòng thi) nên việc chuyển đổi mục tiêu như trên vô hình chung biến người học từ người ham học hỏi, tìm tòi thành những “thợ đi thi”, học chỉ để thi, hay xa hơn học chỉ để có bằng cấp. Để cải thiện chất lượng đánh giá, cũng như từ đó cải thiện chất lượng đào tạo, giáo dục đại học trên thế giới đã chuyển từ đánh giá kết quả cuối cùng sang đánh giá quá trình học tập (MBP: Management By Process). Đây cũng nằm trong bước chuyển chung về quan điểm đánh giá chất lượng trong khoa học quản trị. Phương pháp này không chỉ đánh giá người học ở một bài thi cuối học kỳ mà chia đánh giá thành nhiều phần như: có mặt đầy đủ ở các buổi học, tham gia phát biểu, các bài tập nhóm hay cá nhân, các bài trình bày, bài thi giữa kỳ, và bài thi cuối kỳ. Phương pháp này nhằm tạo ra sự tương tác và tham gia tích cực của người học trong quá trình tiếp thu kiến thức, nó đánh giá chất lượng đào tạo thông qua một quá trình tương tác giữa thầy và trò – do vậy nó là thang đo chất lượng hoàn chỉnh hơn. Tài liệu, sách vở hiện nay rất nhiều, nhưng rõ ràng chưa thể thay thế được vai trò của người thầy. Bên cạnh việc tiếp thu các kiến thức cụ thể của một môn học, sinh viên đến lớp là để học phương pháp học, phương pháp tư duy, tích lũy kiến thức và các kinh nghiệm từ giảng viên, và từ sự tương tác với các bạn học. Đây chính là giá trị quan trọng của việc đến lớp. Ap dụng phương pháp này cả giảng viên và sinh viên đều phải đầu tư rất nhiều cho từng buổi học. Phương pháp này do vậy không chỉ thay đổi về cách đánh giá mà nó thay đổi toàn bộ cách nhìn về chất lượng và nếu áp dụng tốt nó nâng cao chất lượng giảng dạy một cách đáng kể.
Việc dẫn K. Marx ở ví dụ trên cũng là một ý hay nhưng cần nhớ rằng Marx là thiên tài, mà thiên tài thì có logic và con đường phát triển đặc biệt mà chúng ta những người bình thường không thể và không nên đi theo. Thứ nữa vào thời của Marx có lẽ hệ thống giáo dục đại học Đức đang theo phương pháp đáng giá thứ nhất và do vậy việc vắng mặt trên lớp một vài buổi không phải là vấn đề. Những so sánh loại này thường gây mơ hồ trong trong nhận thức của các bạn trẻ.
Vậy về bản chất, điểm danh có cơ sở khoa học vững chắc. Vấn đề là trên thực tế có nhiều giáo viên  không hiểu thực chất cơ sở lý luận của cả phương pháp nên khi ứng dụng một phần (điểm danh) lại thành ra khập khiễng. Mặt khác, phương pháp đánh giá mới đòi hỏi người thầy phải đầu tư rất nhiều cho bài giảng để hấp dẫn sinh viên đến lớp. Nhưng hiện thực vẫn có rất nhiều các thầy lên lớp chỉ đọc và chép. Nên việc sinh viên có mặt ở lớp là vô nghĩa.. Ở trường hợp này đọc sách ở nhà là phương án hiệu quả hơn và điểm danh quả là vô nghĩa. Trên phương diện kỹ thuật, điểm danh có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, như cho sinh viên làm những bài tập nhỏ trên lớp, có chấm điểm – vừa kiểm tra được chính xác số sinh viên tham dự – vừa đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức ở buổi học. Tất nhiên, cũng cần phải nói đến điều kiện khách quan để thực hiện phương pháp này, đó là lớp học qui mô vừa phải (30-50 sinh viên). Vì với những lớp học với sĩ số từ 100 – 200 như hiện nay ở một số nơi thì không có cách nào áp dụng được phương pháp đánh giá theo quá trình.
Cuối cùng đi học là một cơ hội lớn. Nó là trách nhiệm của thầy và của trò. Sự nỗ lực từ phía các thầy cô là tất yếu, nhưng sự nỗ lực của mỗi sinh viên trong từng buổi học mới chính là nền tảng quan trọng nhất để cải thiện chất lượng tích lũy tri thức.

Bài tiếp