NƯỚC MỸ – MỘT VÀI QUAN SÁT
Khoa Quản Lý Công Nghiệp, Đại Học Bách Khoa Tp.HCM
Trái với tưởng tượng của tôi trước khi lên đường đến Mỹ để theo học chương trình PhD (Doctor of Philosophy) về Marketing, cảm nhận đầu tiên của tôi là một nước Mỹ thanh bình và thân thiện tuy có rất nhiều xa lạ về văn hóa và ứng xử. Về chất lượng giảng dạy, cơ hội học tập và điều kiện nghiên cứu khoa học thì nước Mỹ quả thật là “thiên đường” cho những ai thực sự mong muốn tích lũy kiến thức. Bên cạnh việc nghiên cứu chuyên môn và tìm hiểu về hệ thống giáo dục Mỹ, tôi còn kiểm nghiệm được rất nhiều bài học hay từ các quan sát và kinh nghiệm sống (tuy còn khá ít) ở đất nước này. Một lợi thế khi ở nước ngoài chính là sự so sánh và rút kinh nghiệm giữa hai hệ thống. Chính từ so sánh, các quan sát trở nên có nhiều ý nghĩa hơn. Tôi không có tham vọng đưa ra một bức tranh tổng quan mà trong bài viết này tôi chỉ muốn chia sẻ các câu chuyện hay mà tôi thấy được.
Một góc nhìn về Văn hóa Mỹ
Điều đầu tiên tôi học được khi đến Mỹ có lẽ chính là “văn hóa xếp hàng”. Tính tiền ở siêu thị, vào rạp chiếu phim, cơ quan nhà nước, các văn phòng của trường đại học, ra đến chợ trời chỗ nào cũng xếp hàng – một cách tự nhiên – một cách trật tự. Chỉ hai người cũng xếp hàng. Xếp hàng thể hiện tính kỷ luật của từng phần tử và tính hiệu quả của cả hệ thống. Hè tôi có dịp về nước, và lúc này bài học về xếp hàng mới rõ nét trong tôi. Chúng ta gần như không có khái niệm xếp hàng mà chỉ có khái niệm chen lấn, hai người cũng chen lấn. Ở đây có hai ý. Thứ nhất là ý thức của người dân thấp và hệ thống giáo dục của chúng ta không quan tâm đến những việc tưởng như rất nhỏ nhưng rất cơ bản này. Và thứ hai là chất lượng của quản lý. Rõ ràng tổ chức để mọi người xếp hàng cho một dịch vụ là việc không khó và chẳng tốn chi phí nhưng các nhà quản lý không nhận diện được, do vậy làm giảm hiệu quả hoạt động của cả hệ thống và nguy hại hơn là cư xử giữa các thành viên trong xã hội rất hằn học và thiếu văn minh. Câu chuyện xếp hàng tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.
Nhìn rộng ra các vấn đề khác của xã hội, có thể thấy phần lớn dân Mỹ rất tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Điều này hơi trái với những gì mà chúng ta hay mường tượng về Mỹ – một xã hội “tự do”. Thực sự dân Mỹ rất tự do nhưng tự do trong khuôn khổ của pháp luật, những gì pháp luật không cấm người dân có quyền làm. Xã hội Mỹ là điển hình của một xã hội được vận hành theo luật lệ (rule-based society), tức là tất cả đều được qui định, viết thành văn bản, và truyền thông rộng rãi. Tòa án là đầu mối quan trọng phân xử mọi tranh chấp trong xã hội. Người dân biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như ý thức được vai trò của các cơ quan chính phủ. Do vậy họ rất tự tin trong chức năng công dân của mình và nếu các viên chức hay cơ quan chính phủ vi phạm quyền của công dân họ sẽ bị kiện ra tòa. Tòa án thực sự có ý nghĩa và quyền lực vì nó là một thể chế hoàn toàn độc lập hành pháp và lập pháp. Và đây chính là cơ chế để hạn chế tham nhũng, lạm quyền, vượt quyền của các viên chức nhà nước. Xã hội kiểu này khác nhiều với các xã hội Á Đông – các xã hội vận hành dựa nhiều trên các mối quan hệ (relation based society) cá nhân. Mỗi cá nhân hay mỗi nhóm tự thiết lập các mối quan hệ và sử dụng các mối quan hệ đó để đạt các mục tiêu xã hội của mình thay vì sử dụng hệ thống pháp luật chung. Luật pháp không rõ ràng, đầy đủ và không được nghiêm túc thực thi chính là cơ sở của các xã hội nhóm này. Không cấm nhưng cũng không có quyền làm – điều này làm cho dân chúng đánh mất tự tin và tính tự tôn công dân cần thiết cho một xã hội dân chủ. Gần đây các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đang kêu gọi nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Để điều này trở thành hiện thực, đi kèm với đẩy mạnh giáo dục quyền và ý thức công dân, các tòa án phải có quyền hạn thực sự, độc lập và đủ mạnh để thiết lập kỷ cương trên nền tảng pháp lý.
Cạnh tranh quyết liệt, mọi lúc – mọi nơi là đặc điểm khá rõ nét trong văn hóa Mỹ. Không chỉ trong kinh doanh mà cạnh tranh xuất hiện ở mọi nơi: trong chính trị, trong học tập, trong các tổ chức của sinh viên, trong thi đấu thể thao… Tìm ra những cái hay, mới, cải tiến và sáng tạo là những giá trị mà dân Mỹ hết sức coi trọng. Các hình thức quảng cáo cạnh tranh của Mỹ thực sự đa dạng và trí tuệ, nhưng nếu theo dõi các chương trình truyền hình chất vấn của cử tri với các ứng cử viên Tổng Thống mới thấy cạnh tranh trong chính trị có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong đời sống dân chủ. Cạnh tranh quyết liệt nhưng không có nghĩa là bằng mọi thủ đoạn. Dân Mỹ biết chấp nhận thua cuộc một cách đường hoàng và chấp nhận học hỏi từ thành công của đối thủ. Tuy nhiên cạnh tranh không nhất thiết luôn là thắng- thua (win-lose) mà trong rất nhiều trường hợp nó là tình huống cùng thắng (win-win), lý thuyết cạnh tranh mà nhiều doanh nghiệp Mỹ sử dụng cũng thay đổi từ cạnh tranh đối đầu sang cạnh tranh hợp tác. Có lẽ đây chính là phần giá trị văn hóa quan trọng để người Mỹ thành công trong rất nhiều phương diện. Cạnh tranh lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân chúng. Hiện nay hầu hết các công ty ở Mỹ đều áp dụng chính sách đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, nghĩa là sau khi mua hàng nếu không hài lòng khách hàng có quyền trả lại hàng và được hoàn lại 100% chi phí. Một số các nhà bán lẻ như Best Buy, Home Depot, Sears áp dụng chính sách so sánh giá. Nghĩa là nếu người tiêu dùng phát hiện ra giá của sản phẩm ở nơi khác bán rẻ hơn thì những nhà bán lẻ này sẽ giảm giá bán đúng như giá của đối thủ.
Cởi mở và chấp nhận đổi mới có lẽ cũng là một phẩm chất rất đặc thù của xã hội Mỹ. Họ tiếp thu rất nhanh với những cái mới, cởi mở để chấp nhận mọi sự khác biệt. Đặc điểm này có lẽ xuất phát từ nguồn gốc lập quốc của nước Mỹ, dân Mỹ là một tập hợp của rất nhiều sắc dân trên thế giới – đúng như tên gọi Hợp Chủng Quốc. Văn hóa và tập quán Mỹ do vậy là sự tổng hợp, kế thừa của nhiều nền văn hóa. Dân Mỹ không có thành kiến với những điều khác biệt. Đặc điểm văn hóa này khuyến khích mỗi cá nhân – nếu có năng lực – phá bỏ mọi khuôn khổ, lề lối cũ sáo mòn để thiết lập những giá trị mới. Sáng tạo trở thành giá trị quan trọng trong xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ trong toàn bộ hệ thống giáo dục ở Mỹ. Học sinh từ nhỏ đã được khuyến khích tìm hiểu và đưa ra những cái mới. Học tập luôn đi đôi với quan sát, thực hành, và đánh giá. Đánh giá ở đây là người học tự đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của điều mình đang học. Học sinh học cách công nhận các giá trị của bài học nhưng cũng đồng thời phải chỉ ra những cách tiếp cận khác cho cùng một vấn đề và so sánh giữa các phương pháp hay giải pháp. Không có “khuôn vàng – thước ngọc” nào tồn tại mãi trong khoa học, những vấn đề hôm qua đúng (ngay cả đúng cũng không phải trong mọi trường hợp), hôm nay có thể sai và chính những người hôm nay phải tìm ra cái sai đó để xây những chuẩn mực mới. Đây chính là chỗ khác biệt rất lớn với cách giáo dục của chúng ta. Chúng ta hầu như chỉ cung cấp một lời giải cho một vấn đề và đó là lời giải tuyệt đối đúng, học sinh học thuộc lòng các lời giải đó. Khen, chê đều có mẫu sẵn – cũng học thuộc. Và khi phê phán một cách tiếp cận/ một quan điểm khác, thậm chí chúng ta cũng chẳng cho người học biết về nội dung cách tiếp cận/ quan điểm đó mà chỉ cung cấp những lời phê bình có sẵn. Học sinh của ta do vậy rất thiếu tự tin và kém tính sáng tạo. Không có tính sáng tạo thì không có xã hội và nền kinh tế tri thức.
Xã hội điện tử
Nếu nói đến một đặc trưng khác của nước Mỹ có lẽ phải nói đến mức độ áp dụng công nghệ thông tin. Quả vậy, nước Mỹ là một xã hội điện tử với đúng nghĩa đen của nó. Máy tính, internet, điện thoại di động có mặt ở mọi nơi trong đời sống xã hội từ quản lý nhà nước, trường học, giao thông đến kinh doanh, mua bán, trao đổi thông tin.
An tượng lớn nhất đối với tôi về xã hội điện tử có lẽ đến từ chất lượng của chính phủ điện tử của Mỹ. Tất cả các cơ quan chính phủ từ cấp liên bang, tiểu bang đến thành phố đều có website và mọi thông tin về luật pháp, qui định, thủ tục, các câu hỏi thường gặp, các dịch vụ đều có trên mạng. Mỗi người dân đều có 1 số An sinh xã hội (social security number), và chính phủ dùng con số này để quản lý xã hội, các thông tin về mỗi cá nhân liên tục được cập nhật và dựa trên các thông tin đó các cơ quan chính phủ sẽ cung cấp các dịch vụ cho công dân. Chẳng hạn, bằng lái xe cứ 5 năm sẽ hết hạn 1 lần, và trước đó vài tháng DMV (cơ quan phụ trách cấp bằng) sẽ gửi thông báo nhắc nhở và các biểu mẫu cần thiết về tận nhà. Ta có thể theo chỉ dẫn đăng ký gia hạn và thanh toán ngay trên mạng và sau vài ngày bằng lái mới sẽ được gửi về nhà. Cũng như vậy khi mua xe hơi và mua bảo hiểm cho xe, ta chỉ cần đọc qua điện thoại các thông tin về xe (như số đăng ký) và cung cấp số an sinh của mình hãng bảo hiểm sẽ truy cập được ngay thông tin về tình trạng chiếc xe và chi tiết về cá nhân để đưa ra chi phí bảo hiểm. Chi phí này cũng có thể được thanh toán trên mạng – thông qua tài khoản cá nhân hay bằng thẻ tín dụng. Đài truyền hình Mỹ dành 2 kênh để liên tục truyền các cuộc thảo luận, đối chất của quốc hội với chính phủ. Các quan chức cao cấp nếu có những phát biểu hay việc làm tiền hậu bất nhất cũng sẽ được các đài truyền hình và giới phóng viên công bố. Mới đây, ngay khi phó Tổng Thống Dick Cheney phát biểu trên truyền hình ủng hộ Bush trong việc sửa hiến pháp để cấm hôn nhân đồng giới, CNN và các đài truyền hình khác lập tức phát lại phát biểu cách đây 4 năm của Cheney ủng hộ quyền của giới đồng tính. Thật không dễ dàng gì cho các quan chức khi thông tin đã đến mức hoàn hảo!
Cũng như vậy trong trường học, mỗi sinh viên đều có một cơ sở dữ liệu, bao gồm các thông tin cập nhật như điểm số, các môn đã học, tình trạng thanh toán học phí, số sách mượn thư viện và ngày phải trả. Sinh viên cũng dùng cơ sở dữ liệu này để đăng ký các môn học cho học kỳ sau, thanh toán học phí cho nhà trường (qua credit card), nộp các hồ sơ xin học bổng hay trợ cấp, thảo luận môn học với các bạn qua các diễn đàn trên mạng (forum). Sinh viên cũng có thể truy cập các trang web của giáo sư để tải vể các bài tập và các bài giảng. Thư viện điện tử cũng là một điều kỳ diệu. Ở đâu sinh viên cũng có thể truy cập các cơ sở dữ liệu điện tử của trường mình để tìm kiếm các thông tin cho việc học như sách, tạp chí chuyên ngành, các số liệu thống kê. Ngay cả khi thư viện của trường không có, thì hệ thống liên thư viện (interlibrary) cho phép định vị ấn phẩm cần tìm và sinh viên có thể yêu cầu mượn thông quan hệ thống này. Công việc nghiên cứu của tôi đòi hỏi đọc một số bài báo chuyên môn từ năm 1940 hiện chỉ lưu trữ bản in ở một thư viện ở Anh, với hệ thống liên thư viện tôi đã tìm ra và yêu cầu thư viện Anh cung cấp. Với một hệ thống thông tin quản lý tốt như vậy, công việc của các phòng ban trong nhà trường trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều và chất lượng đào tạo cũng tăng lên rất nhiều vì các bộ phận được giải phóng khỏi các công việc hành chính để tập trung vào suy nghĩ cải tiến chất lượng đào tạo. Nghĩ mà thương các phòng ban của trường đại học chúng ta, suốt ngày đánh vật với hàng đống giấy tờ và hàng chục ngàn sinh viên. Bực bội, cáu gắt, thất lạc cũng là lẽ thường!
Nói đến xã hội điện tử có lẽ không thể không nói đến thương mại điện tử. Các giao dịch thương mại trên mạng đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho tất cả các doanh nghiệp và các quốc gia. Ở Mỹ hiện nay có thể mua hầu hết mọi thứ trên mạng từ sách vở, DVD, quần áo, thức ăn, máy vi tính và phụ kiện, các tiện nghi trong gia đình (bàn ghế) đến vé máy bay, mua tour du lịch, đặt phòng khách sạn, thuê xe hơi, rồi đến tra bản đồ để tìm đường đi đến địa chỉ cần thiết, các thông tin về tình hình giao thông (kẹt xe) trên các xa lộ. Tất cả đều trên mạng. Thời gian đầu tôi rất ngại mua hàng trên mạng vì những lý do an toàn thông tin và cảm giác không yên tâm khi đối diện với các nhà cung cấp “ảo”. Nhưng càng sử dụng tôi càng thấy hệ thống rất ổn định và đáng tin cậy. Thông thường mua hàng trên mạng giá rẻ hơn và đây là một thị trường trong suốt về giá. Nghĩa là khi mua một sản phẩm khách hàng trên mạng thường tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và nguồn nào cho giá rẻ nhất với dịch vụ tốt nhất thì mua. Trong những cái tên lớn, phải kể đến Amazon.com, không chỉ là nhà cung cấp rất nhiều chủng loại sản phẩm trên mạng, Amazon còn là một thị trường tập hợp các nhà cung cấp khác nhau, ai muốn bán sản phẩm thì đăng ký với Amazon và sẽ được đăng trên mạng này. Khi bán được sản phẩm nhà cung cấp trích phí cho Amazon. Để đảm bảo chất lượng cung ứng, sau khi hoàn tất một giao dịch, khách hàng được yêu cầu đánh giá chất lượng nhà cung cấp và đây là một thông số quan trọng để các khách hàng chọn nhà cung cấp. Mặt khác, với các giao dịch giá trị lớn khách hàng được khuyến cáo mua bảo hiểm để tránh rủi ro. Một cái tên lớn khác – E-bay.com lại là một thị trường bán đấu giá, bán đủ thứ trên trời dưới đất. Sản phẩm và giá cả rất đa dạng và phản ứng rất theo cung cầu của thị trường. Cần thấy rằng khi các giao dịch trên mạng phát triển thì hàng loạt các ngành dịch vụ liên đới như vận chuyển, bưu chính, tính dụng – ngân hàng, bảo hiểm cũng phát triển theo. Chúng ta có thể nghĩ đến các cơ hội xâm nhập thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc tham gia là nhà cung cấp trên Amazon, hay E-bay. Có nhiều vấn đề cần giải quyết như vận chuyển quốc tế, thông quan, ngôn ngữ, độ am hiểu các thủ tục và kỹ thuật giao dịch. Tất nhiên là khó nhưng đây là cơ hội, mà có lẽ sẽ là cơ hội rất quan trọng trong tương lai gần.
Còn nhiều, rất nhiều chuyện về nước Mỹ mà những quan sát cảm tính của cá nhân tôi ở đây chỉ có ý nghĩa trao đổi. Nước Mỹ chắc chắn cũng có rất nhiều vấn đề của nó như nhiều bài báo đã phân tích. Đối với chúng tôi – các du học sinh theo học bổng của chính phủ Việt Nam – cố gắng học hỏi, quan sát những cái ưu việt (lý do chính chúng tôi được gửi đi học) của nước bạn để góp phần phát triển quê hương mình sẽ luôn là mục tiêu chính yếu.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=28183&ChannelID=119