Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Tham khảo, sao chép, đạo văn: không được mập mờ đánh tráo khái niệm

Nhân báo Tuổi Trẻ có bài Sao chép trong khoa học có được không?, có mấy khái niệm sau cần làm rõ.

Nhân báo Tuổi Trẻ có bài Sao chép trong khoa học có được không?, có mấy khái niệm sau cần làm rõ.

plagiarism

Ảnh: Google Images

1. Tham khảo (reference) trong khoa học là đương nhiên, phải làm. Tham khảo là đọc, học hỏi các công trình nghiên cứu, các giải pháp, các tư tưởng của người khác. Học hỏi, tham khảo người đi trước là đương nhiên trong khoa học, vì nếu không thì sẽ không có kế thừa và phát triển.

2. Tham khảo luôn phải đi kèm với trích dẫn nguồn tham khảo một cách rất chi tiết. Trích dẫn là để: một là, thể hiện sự tôn trọng tác quyền của tác giả mà mình trích dẫn; và hai là, đảm bảo tính đúng đắn của điều được trích dẫn vì dẫn nguồn thì có thể kiểm tra được độ chính xác và độ tin cậy.

3. Trong các luận án đại học, cao học, tiến sĩ, thường có một chương là tổng quan cơ sở lý thuyết. Chương này yêu cầu nhà nghiên cứu tham khảo đầy đủ các lý thuyết, các nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Sau đó, (cực kỳ quan trọng) đưa ra các nhận định, phân tích về các lý thuyết, nghiên cứu này. Sau nhận định, đánh giá, thì chỉ ra được khoảng cách nghiên cứu (research gap), tức là những gì mà các nghiên cứu, lý thuyết trước đây chưa làm, hay chưa giải quyết được. Từ đây, nhà nghiên cứu sẽ đề xuất hướng đi cho nghiên cứu của mình thông qua mô hình nghiên cứu do mình đề xuất.

4. Từ đây có thể thấy, tham khảo là học hỏi người khác với cặp mắt phân tích, đánh giá khách quan, với phương pháp khoa học của người làm khoa học. Từ học hỏi mang tính phân tích đó nhà nghiên cứu đi đến các ý tưởng mới của riêng mình. Tiếng Anh gọi là tính nguyên bản (original) và đây chính là đóng góp mới của nhà nghiên cứu. Vậy tóm lại, tham khảo là đi từ học hỏi người khác một cách có khoa học để đi đến cái tìm tòi sáng tạo của riêng mình.

5. Còn sao chép (cut and paste) là chép nguyên văn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghiên cứu của người khác. Sao chép thì không có nhận định, phân tích và rút ra được khoảng trống nghiên cứu. Về bản chất rõ ràng là khác tham khảo. Về kỹ thuật viết, khi dạy sinh viên các nhà giáo luôn yêu cầu sinh viên đọc, tham khảo, nhưng phải nói và viết lại bằng ngôn ngữ của chính mình, rất hạn chế trích dẫn nguyên văn (direct quotation).

6. Sao chép (nếu có dẫn nguồn) thì vẫn có thể chấp nhận nếu tỉ lệ thấp, dù như trên đã phân tích, sao chép là bậc rất thấp của tham khảo vì nó không có hàm lượng trí tuệ.

7. Sao chép mà không trích dẫn hay trích dẫn thiếu là đạo văn, đơn giản hơn: ăn cắp.

8. Đạo văn diễn ra khắp nơi. Vai trò của thầy cô, hội đồng khoa học, nhà trường và sinh viên là xây dựng văn hóa trung thực trong khoa học, trong giáo dục. Chuyện một đề tài đạo văn lọt qua các vòng phản biện, hội đồng cũng không hiếm. Khi nó được công bố ra công chúng, phép kiểm tra đạo văn sẽ mạnh hơn rất nhiều. Đây chính là trường hợp được dẫn trong bài báo Tuổi Trẻ. Vấn đề không phải là không phát hiện ra trước khi cho xuất bản (đôi khi dù đã qua nhiều bước nghiêm ngặt vẫn để lọt), vấn đề là khi phát hiện – thái độ của chúng ta như thế nào? Cần hết sức nghiêm khắc phê phán tác giả, cần cho sinh viên và cộng đồng hiểu rõ: đạo văn là không thể chấp nhận.

9. Sự việc đáng tiếc này không phải là vấn đề của hai trường SPKT và BK, mà là vấn đề đạo văn của một sinh viên, học viên. Sự việc có thể xảy ra ở khắp nơi, vấn đề là nhận thức rõ và lên án nó. Bài viết không có ý phê phán hay nói xấu trường bạn. Chuyện này có thể xảy ra ở bất cứ trường nào, kể cả BK. Chỉ viết với lòng cầu thị để rút bài học cho chính mình, sinh viên mình và ngôi trường mình công tác.

TS. VŨ THẾ DŨNG
Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa

Bài trước

Bài tiếp