Vài năm gần đây, điểm chuẩn nhiều ngành thuộc chương trình Chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa ngang ngửa, thậm chí cao hơn chương trình Đại trà, trái ngược với giai đoạn trước.
NHIỀU NGÀNH ĐIỂM CHUẨN CAO HƠN ĐẠI TRÀ
Tại thời điểm nhà trường mới triển khai mô hình Chất lượng cao, 2014, và một số năm sau đó, điểm chuẩn trúng tuyển chương trình Chất lượng cao luôn thấp hơn Đại trà. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, khoảng cách điểm chuẩn giữa hai chương trình này có xu hướng tiệm cận nhau, thậm chí nhiều ngành thuộc chương trình Chất lượng cao có điểm chuẩn cao hơn hoặc ngang ngửa Đại trà.
Mới đây nhất, trong kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa 2021 theo phương thức Ưu tiên xét tuyển (ĐHQG-HCM) thì có hai ngành thuộc chương trình Chất lượng cao đạt điểm chuẩn cao kịch trần và hơn cả Đại trà: Khoa học Máy tính với 86,7 điểm (so với Đại trà là 86,5 điểm), Kỹ thuật Máy tính với 85,4 điểm (so với Đại trà là 85,3 điểm). Một số ngành thuộc chương trình chương trình Chất lượng cao đạt điểm chuẩn ngang ngửa Đại trà như: Logistics & Quản lý Chuỗi Cung ứng với 85,6 điểm (so với Đại trà là 85,8 điểm), Kỹ thuật Y Sinh với 81,2 điểm (so với Đại trà là 81,8 điểm).
Năm 2020, theo phương thức Đánh giá năng lực, điểm chuẩn trúng tuyển vào Bách khoa của hai ngành Khoa học Máy tính cũng “so kè” quyết liệt với 926 điểm cho Chất lượng cao và 927 điểm cho Đại trà. Đặc biệt, có nhiều ngành của chương trình Chất lượng cao đạt điểm chuẩn cao hơn Đại trà như: nhóm ngành Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Tài nguyên & Môi trường chương trình Chất lượng cao lấy 736 điểm trong khi Đại trà lấy 702 điểm; Kỹ thuật Dầu khí với 727 / 704; Kỹ thuật Cơ khí với 711 / 700; nhóm ngành Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông với 703 / 700.
Vẫn năm 2020, ở phương thức Tốt nghiệp THPT, dù thấp hơn Đại trà trên dưới 1 điểm nhưng nhiều ngành thuộc chương trình Chất lượng cao vẫn lấy điểm chuẩn ở mức khá cao. Thí sinh trúng tuyển vào chương trình này cần đạt trung bình trên 8-9 điểm/môn. Chẳng hạn, để trúng tuyển vào ngành Khoa học Máy tính chương trình Chất lượng cao, thí sinh phải đạt tổng điểm ba môn là 27,25; Kỹ thuật Máy tính và Kỹ thuật Cơ Điện tử là 26,25; Logistics & Quản lý Chuỗi Cung ứng cả hai chương trình đều lấy 26 điểm…
Ngược dòng thời gian, nếu so năm 2020 với năm tuyển sinh đầu tiên 2014 thì điểm chuẩn theo phương thức Tốt nghiệp THPT của nhiều ngành thuộc chương trình Chất lượng cao đã tăng mạnh, có ngành tăng tới 8,25 điểm như Khoa học Máy tính. Song song đó, độ chênh điểm chuẩn giữa chương trình Chất lượng cao và Đại trà ngày càng rút ngắn dần qua các năm.
XU HƯỚNG TẤT YẾU PHẢN ÁNH NHU CẦU CỦA NGƯỜI HỌC
PGS. TS. Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) thừa nhận xu hướng tăng dần điểm chuẩn chương trình Chất lượng cao không chỉ xuất hiện ở những ngành/ nhóm ngành “nóng” vốn thu hút nhiều thí sinh đăng ký, mà còn cả với những ngành bình thường. “Nguyên do trực tiếp là số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhưng chỉ tiêu thấp nên mức độ cạnh tranh cao, dẫn tới điểm chuẩn cao” – PGS. Thắng trả lời trên Báo Thanh Niên.
Mặt khác, do dịch bệnh COVID-19, nhiều thí sinh có dự định du học nước ngoài đã chuyển hướng sang học chương trình Chất lượng cao của Bách khoa vì sự phù hợp về ngôn ngữ đào tạo và môi trường quốc tế.
Còn nguyên nhân sâu xa, theo ông Thắng, chính là xu hướng một bộ phận người học có nhu cầu học tập trong môi trường tốt hơn đang lớn dần, đặc biệt là chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đồng thời, khả năng người học đáp ứng các điều kiện này cũng tốt hơn, trong đó tiếng Anh không còn là rào cản với nhiều thí sinh khi theo học chương trình Chất lượng cao.
Theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tối thiếu 20% số lượng tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành của chương trình Chất lượng cao phải được dạy bằng tiếng Anh. Trên thực tế, Trường ĐH Bách khoa là một trong số rất ít đơn vị giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, đó là chưa kể đào tạo khối ngành kỹ thuật có những đặc thù về tiếng Anh chuyên môn được xem là khó hơn so với đào tạo khối ngành kinh tế, xã hội.
TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, đơn vị vận hành chương trình Chất lượng cao – lý giải thêm ở góc độ tuyển sinh: “Về mặt lý thuyết, điều kiện để thí sinh đăng ký nguyện vọng vào chương trình Chất lượng cao gồm: (1) có trình độ tiếng Anh nhất định (có năng khiếu học ngoại ngữ); (2) có điểm xét tuyển cao (theo các phương thức); (3) có điều kiện tài chính tốt (trả học phí cao hơn chương trình Đại trà, được gia đình đầu tư cho học tiếng Anh từ nhỏ, sống ở khu vực thành thị). Tuy nhiên, trên thực tế thì số lượng thí sinh đáp ứng đồng thời các điều kiện này không nhiều, nên mức độ cạnh tranh ít hơn, dẫn tới điểm chuẩn thấp hơn (so với kỳ vọng lý thuyết).
Trong khi đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng vào chương trình Đại trà chỉ cần đáp ứng điều kiện về điểm xét tuyển nên đối tượng tuyển sinh đông đảo hơn, rộng khắp mọi miền đất nước. Do đó, điểm chuẩn cao hơn là lẽ tất yếu”.
Tuy nhiên, TS. Tùng cho biết, hiện tượng điểm chuẩn chương trình Đại trà cao hơn Chất lượng cao chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, khi nhà trường cho xã hội thấy được uy tín và chất lượng đào tạo, đồng thời ngày càng có nhiều thí sinh đáp ứng các tiêu chí xét tuyển thì điểm chuẩn chương trình Chất lượng cao tăng lên là lẽ đương nhiên.
“Mục tiêu lâu dài của nhà trường là dù COVID-19 không còn nữa thì chương trình Chất lượng cao vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của những thí sinh muốn học chương trình đào tạo ĐH bằng tiếng Anh” – TS. Đặng Đăng Tùng nhấn mạnh.
Ưu điểm nổi trội của chương trình Chất lượng cao là ngôn ngữ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, cơ sở vật chất tiện nghi, chính sách học bổng giá trị cao, chuẩn đầu ra cao hơn so với chương trình Đại trà, địa điểm học tập tại cơ sở nội thành (268 Lý Thường Kiệt, Q.10). Trong bối cảnh tự chủ ĐH hiện nay, khoảng cách học phí chương trình Đại trà (12,5 triệu đồng/học kỳ) và Chất lượng cao (33 triệu đồng/học kỳ) được rút ngắn, những gia đình có điều kiện sẵn sàng cho con em chọn học chương trình Chất lượng cao. |
Bài: THI CA, Hình: OISP