Xác nhận nhập học sớm hay chờ kết quả diện THPT?

Với phổ điểm thi Tốt nghiệp THPT 2021 các tổ hợp môn A00, A01 tăng, dự báo điểm chuẩn theo phương thức này sẽ tăng.

SỐ LƯỢNG THÍ SINH ĐẠT ĐIỂM CAO TĂNG VỌT

Ngày 26/7/2021, Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi Tốt nghiệp THPT: cả nước có 24.318 điểm 10 (gấp 4,1 lần so với năm 2020; gấp 19,1 lần so với năm 2019); phổ điểm tất cả các khối đều lệch sang phải theo hướng tăng. Đối với tổ hợp A00, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 22-23 với hơn 45.000 thí sinh (trên tổng 758.837 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH). Đối với tổ hợp A01, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất cũng là 22-23 với khoảng 35.000 thí sinh. 

Nguyên nhân một phần là do đề thi Tốt nghiệp THPT năm nay được ra theo hướng nhẹ nhàng, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và điều kiện học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

DỰ BÁO ĐIỂM CHUẨN DIỆN THPT TĂNG CAO

Với phổ điểm tăng, các chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn khối A00, A01 sẽ tăng từ 0,5-3 điểm.

Một lý do khác tác động tới dự báo điểm chuẩn tăng là nhiều trường ĐH đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM) chỉ dành 15-50% trên tổng chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) dành 30-60%, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM) dành tối thiểu 25%. Các chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác như Đánh giá năng lực, học bạ kết hợp phỏng vấn, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế tăng lên.

Đó là chưa kể, phương thức xét tuyển bằng kết quả thi Tốt nghiệp THPT công bố điểm chuẩn trúng tuyển khá trễ (trước 23/8). Vì vậy, càng nhiều thí sinh xác nhận nhập học theo các phương thức trước đó thì chỉ tiêu thực tế dành cho phương thức THPT càng ít dần theo hướng chạm ngưỡng sàn. Chỉ tiêu càng giảm thì điểm chuẩn càng tăng.

NHẬP HỌC SỚM HAY CHỜ KẾT QUẢ XÉT TUYỂN DIỆN THPT?

Trước đó, ngày 6/7, các trường thành viên thuộc khối ĐHQG-HCM đã công bố kết quả trúng tuyển theo diện Ưu tiên xét tuyển, Ưu tiên xét tuyển thẳng và Xét tuyển thẳng (Bộ GD&ĐT). Sau đó, ngày 26/7, ĐHQG-HCM tiếp tục công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức Đánh giá năng lực. Theo đó, đã có hàng ngàn thí sinh có được niềm vui trúng tuyển vào các trường tốp đầu.

Thí sinh đạt điều kiện trúng tuyển cần xác nhận nhập học trước 17g ngày 22/8 để các trường cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về kết quả sơ tuyển. Dựa vào đó, phần mềm của Bộ sẽ loại thí sinh ra khỏi danh sách xét tuyển theo phương thức Tốt nghiệp THPT (để lọc nguyện vọng ảo). Thí sinh không xác nhận nhập học đúng hạn thì sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển.

Mặc dù vậy, vẫn có không ít thí sinh chần chờ chưa xác nhận nhập học để chờ kết quả xét tuyển theo phương thức Tốt nghiệp THPT. Nguyên do chủ yếu là nguyện vọng trúng tuyển chưa phải là ngành thí sinh yêu thích nhất.

Các chuyên gia tuyển sinh cảnh báo, đừng chủ quan vì có điểm thi Tốt nghiệp THPT cao trong tay. Khi cơ hội xét tuyển còn lại không nhiều, thí sinh nên cân nhắc việc nhập học nguyện vọng đã trúng tuyển, nếu nguyện vọng đó thuộc nhóm ngành gần với ngành yêu thích. Việc này giúp thí sinh không đứng núi này trông núi nọ, có thể mất cả chì lẫn chài khi bỏ qua cơ hội đậu “trường top, ngành gần”, cuối cùng lại không đậu vào nguyện vọng như mong muốn.

NẾU VẪN MUỐN CHỜ, BÍ QUYẾT NẰM Ở ĐIỀU CHỈNH NGUYỆN VỌNG PHÙ HỢP

Từ ngày 29/8-5/9/2021, thí sinh còn một cơ hội cuối cùng để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH theo phương thức thi Tốt nghiệp THPT. Việc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành mình yêu thích.

TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Bách khoa – đưa ra lời khuyên: “Thí sinh nên đăng ký nguyện vọng theo thứ tự yêu thích về trường, ngành, chương trình (vì cùng một ngành sẽ có nhiều chương trình đào tạo với mã ngành khác nhau). Tuy nhiên phải có ít nhất một nguyện vọng vào ngành gần mà điểm chuẩn ngành này ba năm gần nhất phù hợp với điểm thi của thí sinh để đảm bảo cơ hội trúng tuyển”.

Đồng thời, TS. Tùng căn dặn, hãy chọn đúng ngành yêu thích, đừng vì trường yêu thích mà cố gắng chọn ngành dễ đậu nhưng lại không muốn học sau này.

PGS. TS. Bùi Hoài Thắng (trái), Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) và TS. Đặng Đăng Tùng (phải), Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế

Nhằm giúp các em thí sinh lựa chọn đúng ngành nghề, Trường ĐH Bách khoa tổ chức Ngày hội trực tuyến Bách khoa Quốc tế 2021:

  • Thời gian: 8g-12g Chủ Nhật 8/8/2021
  • Hình thức: tư vấn trực tuyến qua Zoom
  • Đăng ký tham dự tại: https://oisp.hcmut.edu.vn/bkquocte
  • Đối tượng tham dự: các em Thí sinh và các bậc Phụ huynh quan tâm và có nguyện vọng xét tuyển vào các chương trình đào tạo chính quy quốc tế của Trường ĐH Bách khoa bao gồm Tiên tiến, Chất lượng cao tiếng Anh/ tiếng Nhật, Chuyển tiếp Quốc tế, Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật, Tăng cường Tiếng Nhật

Lợi ích của thí sinh khi tham gia ngày hội:

  • Được tư vấn điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, tăng cơ hội đậu Bách khoa
  • Tìm hiểu thông tin tuyển sinh, điều kiện tiếng Anh/ tiếng Nhật
  • Tìm hiểu hệ sinh thái học tập tại Bách khoa Quốc tế
  • Cập nhật quy trình nhập học online
TỰ TIN LỰA CHỌN NGÀNH GẦN
Học ngành gần, khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn có thể làm công việc mơ ước, thậm chí có thể học tiếp lên thạc sỹ/ tiến sỹ ở ngành đúng (ngành ở nguyện vọng 1 mà thí sinh chưa đủ điều kiện trúng tuyển trước đây), vì các ngành gần có mối liên hệ mật thiết với nhau. Dưới đây là các nhóm ngành gần của Trường ĐH Bách khoa:
  • Nhóm Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ Điện tử, Kỹ thuật Robot
  • Nhóm Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Y Sinh
  • Nhóm Kỹ thuật Cơ khí, Cơ Kỹ thuật, Kỹ thuật Ô tô, Kỹ thuật Hàng không
  • Nhóm Kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Tài nguyên & Môi trường,  Kỹ thuật Dầu khí
  • Nhóm Kỹ thuật Xây dựng, Kiến trúc, Kỹ thuật Dầu khí
  • Nhóm Quản lý Công nghiệp, Logistics & Quản lý Chuỗi Cung ứng, Quản lý Tài nguyên & Môi trường

Bài trước

Bài tiếp