H., sinh viên năm 3, vừa bị Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM buộc thôi học do kết quả học tập quá kém
TT – H., sinh viên năm 3, vừa bị Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM buộc thôi học do kết quả học tập quá kém.
Ba mẹ H. ở quê nghe tin tức tốc vào TP.HCM gặp H. và xin trường cứu xét nhưng tất cả đều vô vọng. H. bị buộc thôi học do kết quả học kỳ vừa qua và các năm trước quá kém, không tích lũy đủ số tín chỉ tối thiểu để có thể tiếp tục học tập.
Ba mẹ H. quyết định đưa H. về quê làm nông cho "biết sướng biết khổ với người ta". Nhưng H. nài nỉ ba mẹ cho ở lại thành phố để ôn thi, làm lại từ đầu. Năm nay H. lại thi ĐH sau ba năm làm sinh viên một trường ĐH lớn. Ba năm ĐH với bao công sức, tiền của và thời gian đã trở thành công cốc.
Nhưng H. không phải là trường hợp cá biệt. Cứ sau mỗi học kỳ, mỗi năm học, danh sách sinh viên bị cảnh cáo học vụ hoặc bị buộc dừng học ở các trường ngày một dài hơn. Số sinh viên bị buộc thôi học ở mỗi trường ĐH thường lên đến con số vài trăm mỗi năm.
Trúng tuyển ĐH là mơ ước của cả triệu thí sinh mỗi năm và cũng là sự kỳ vọng của từng ấy gia đình, người thân, bạn bè và xã hội. Tuy nhiên, khi đã vào ĐH rồi, không phải sinh viên nào cũng có thể đi hết quãng đường bốn năm.
Môi trường sống mới, gặp gỡ nhiều bạn bè mới, có thêm nhiều mối quan hệ phức tạp trong khi thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình nên không ít sinh viên bắt đầu sa ngã. Việc học tập từ chỗ là việc quan trọng nhất đã thành thứ yếu, thậm chí không ngó ngàng đến. Và không đợi hết bốn năm, con đường đại học đã bị gãy đổ.
Cảm giác của những bậc cha mẹ dãi dầu mưa nắng, ky cóp từng đồng cho con ăn học sẽ ra sao? Và những sinh viên bị buộc thôi học ấy có cảm thấy ân hận vì đã phụ lòng mẹ cha, đã không sử dụng những đồng tiền đầy mồ hôi nhọc nhằn của đấng sinh thành đúng mục đích và đã lãng phí thời gian vào những việc không nên…?
Rõ ràng, họ đã trả một cái giá không hề rẻ cho sự nông cạn, thiếu nghĩ suy của mình.
MINH GIẢNG
Theo Tuoitre Online