Cùng sinh ra trong những gia đình thuần nông nghèo khó, cùng học lớp 12A3 THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), Vượng và Khánh đã giành danh hiệu thủ khoa ĐH Y và ĐH Bách khoa.
Từ khi biết tin Lê Thị Minh Vượng được 29 điểm ở hai trường, Y và Ngoại thương, trong đó ĐH Y đạt thủ khoa (Sinh 9,5; Toán 9,5; Hóa 9,75), cả xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa đã yêu mến gọi em là “cô bé khủng”, một biệt danh trái ngược với ngoại hình nhỏ bé, hiền lành của Vượng.
Là con thứ ba của một gia đình thuần nông đông con (5 chị em), Vượng phải đảm trách nhiều công việc đồng áng. Chẳng có điều kiện đi học thêm, cô phải tự học ở nhà và mượn sách của các bạn về tự mày mò tìm cách giải.
Nhận xét về cô gái với làn da bánh mật, bà Phạm Thị Nẩy, nhà kế bên nhà Vượng trầm trồ: “Trộm vía, con bé ngoan hiền và học giỏi lắm. Vừa ở ngoài đồng về là đã thấy nó ngồi vào bàn học. Tuyệt nhiên không thấy đi chơi bao giờ”.
Bà Nẩy cho hay, nhà Vượng nghèo, không có tiền mua cặp. Em phải đựng sách vở vào túi cám con cò mỗi khi đến trường. Bà thấy em ham học nên thương, mua tặng chiếc cặp sách, động viên Vượng cố gắng học hành.
Vượng (áo phông cổ trắng) vui vẻ bên gia đình. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Bình thường, cứ nửa ngày đi học, nửa ngày Vượng lại ra đồng phụ mẹ, khi thì nhổ cỏ lúa, khi thì cấy. Có vụ, đến mùa gặt mà bố đau tay, mẹ đau dây thần kinh, Vượng viết giấy xin phép nghỉ học cả tuần với lý do ốm để đi gặt lúa. “Không đi học em còn có thể mượn vở bạn bè về chép lại, chứ không đi gặt thì nhà em lấy gì mà ăn”, Vượng cười nói.
Gần ngày thi, bố mẹ ưu tiên cho Vượng việc nhẹ nhàng nhất là trông đứa em út 3 tuổi. Bên chiếc bàn học cũ kỹ, Vượng một tay sách, một tay ôm em học bài. Có lúc thằng bé nghịch ngợm cứ ôm chặt lấy chị, đòi đưa đi chơi khiến Vượng phải khó khăn lắm mới dỗ được em.
Có hôm chơi với em, ru em ngủ xong cũng đã 11h đêm, tranh thủ lúc rảnh rang, Vượng ngồi học mải miết cho đến sáng. Lúc mệt quá Vượng chỉ dám gục xuống bàn, nhắm mắt cho bớt mỏi rồi lại ngồi dậy học tiếp.
“Bố mẹ quanh năm phải làm bạn với cái cày, cái cuốc. Mẹ đau ốm liên miên mà không có tiền chữa. Em quyết học để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Em sẽ theo học ĐH Y để làm bác sĩ chữa bệnh cho bà con lối xóm”, Vượng tâm sự.
Cùng lớp với Vượng, thủ khoa ĐH Bách khoa Phạm Văn Khánh ở xã Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội) là con út trong gia đình nông dân nghèo. Khi biết tin đỗ thủ khoa, Khánh đang mải mê bắt ốc bươu vàng ngoài ruộng. “Biết tin em thấy rất vui, càng cố bắt nhiều ốc bươu vàng để chúng không cắn lúa, còn có tiền học ĐH”, Khánh cười.
Bố bị bệnh tâm thần phân liệt, không làm được việc gì, chị gái lại đi học xa, tất cả mọi việc đều do Khánh và mẹ lo liệu. Sát ngày thi, thương mẹ một mình vất vả, Khánh vẫn sắp xếp thời gian ra đồng phụ mẹ.
Bà Nguyễn Thị Síu, mẹ em cười trong nước mắt: “Thằng bé chăm chỉ lắm. Thương mẹ vất vả, nó chẳng để mẹ làm một mình. Bảo ở nhà lo ôn thi nhưng nó cứ nhất quyết là con sắp xếp được thời gian”.
Vượt lên cảnh nghèo, Khánh trở thành thủ khoa của ĐH Bách Khoa. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Ngày Khánh đi thi, trong nhà không còn một đồng, bà Síu chạy qua nhà anh em, vay mượn được vài trăm nghìn. Với số tiền ít ỏi ấy, bà phải tính chi ly mới có thể đủ trong mấy ngày ở Hà Nội. Mỗi ngày bà chỉ dám gọi một bữa cơm cho con ở KTX Bách khoa, còn lại hai mẹ con ăn mì. Thương mẹ nên bao giờ Khánh cũng chỉ ăn một nửa suất cơm, còn một nửa em dành phần cho mẹ.
Dù khó khăn vất vả, nhưng bảng thành tích học tập của cậu bé gầy gò, có nước da sạm đen này khiến bạn bè phải thán phục: 12 năm học sinh giỏi. Năm lớp 6 Khánh đoạt giải huyện môn tiếng Anh, đến năm lớp 9 đoạt giải huyện môn Vật lý, năm lớp 12 đạt giải nhì môn Toán thành phố và giải khuyến khích cấp quốc gia. Kỳ thi vào ĐH Bách khoa, Khánh được 29,5 điểm (Toán 10; Lý 9,5 và Hóa 9,75).
Niềm vui của gia đình cậu thủ khoa chưa kịp lắng xuống thì một nỗi lo mới lại ập đến. Giọng Khánh trùng xuống vì lo âu: “Không biết em có tiền để học không nữa. Bây giờ có mỗi chị gái học ĐH Ngoại thương mà mẹ đã phải giật gấu vá vai, vay mượn khắp nơi, rồi bố bệnh nặng nữa. Thêm em học không biết mẹ kiếm đâu ra tiền”.
Hiện Khánh dành hết thời gian để làm việc trong nhà, ngoài ruộng, hết cuốc đất lại nuôi gà, ngan, ngỗng. Em mong rằng sẽ chắt chiu được một khoản tiền nhập học. Khánh quyết tâm, khi đi học sẽ vừa học vừa làm để thực hiện tâm nguyện của bố mẹ là “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Hoàng Thùy – VnExpress
Recent Posts
- DỊCH VỤ MƯỢN LIÊN THƯ VIỆN (MLTV) GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA – ĐHQG-HCM VÀ ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
- SV BÁCH KHOA QUỐC TẾ TỎA SÁNG, CHINH PHỤC HỌC BỔNG AMCHAM DANH GIÁ 2024
- HÀNH TRÌNH NGHIÊN CỨU XE ĐUA TỰ HÀNH CỦA SV CHUYỂN TIẾP QUỐC TẾ: TỪ ĐƯỜNG ĐUA ĐẾN ĐƯỜNG ĐỜI
- Sinh viên Bách khoa quốc tế tỏa sáng tại đấu trường An toàn thông tin châu Á
- GẮN KẾT VĂN HÓA VIỆT – NHẬT CÙNG CÁC “ĐẠI SỨ TRẺ” BÁCH KHOA QUỐC TẾ