Ít ai biết Nguyễn Phát Tài trước khi đạt được thành tích top 13 sinh viên xuất sắc nhất Đại học Bách Khoa năm học 2016 – 2017 đã phải “cày” tới hai học kỳ Pre-University, vô chuyên ngành chậm hơn bạn bè đồng khóa gần một năm.
Ít ai biết Nguyễn Phát Tài trước khi đạt được thành tích top 13 sinh viên xuất sắc nhất Đại học Bách Khoa năm học 2016 – 2017 đã phải “cày” tới hai học kỳ Pre-University, vô chuyên ngành chậm hơn bạn bè đồng khóa gần một năm.
Nguyễn Phát Tài – từ rớt đài Pre-Uni đến top sinh viên xuất sắc nhất trường.
Tài là nhân vật vô cùng đặc biệt.
Pre-University là học kỳ chuyên đào tạo tiếng Anh và kỹ năng mềm cho sinh viên chương trình chính quy Chất lượng cao, Tiên tiến, Liên kết Quốc tế. Sinh viên chưa có IELTS 6.0 cần tham gia học kỳ Pre-Uni để nâng cao trình độ tiếng Anh rồi mới vào học chuyên ngành (tùy theo trình độ tiếng Anh đầu vào mà sinh viên có thể học một hay nhiều học kỳ Pre). Sinh viên đã có IELTS 6.0 được vào học chuyên ngành (giảng dạy 100% tiếng Anh) ngay. |
“Dám” chọn chương trình học 100% bằng tiếng Anh của Đại học Bách Khoa trong khi trình độ ngoại ngữ gần như là con số 0, anh bạn miệt vườn Đồng Tháp chấp nhận đương đầu với thử thách hai học kỳ Pre-University (còn gọi là Pre-Uni, Pre) để tích lũy “vốn liếng” ngoại ngữ.
Điều này đồng nghĩa, Tài vô học chuyên ngành chậm hơn bạn bè đồng khóa gần một năm. Ai nản chứ Tài thì không. Anh bạn hay cười có má lúm đồng điếu này càng thôi thúc quyết tâm phải vượt qua học kỳ tiếng Anh.
Và đây là những thành quả mà Tài đã đạt được:
NGUYỄN PHÁT TÀI – sinh viên K2015 ngành Kỹ thuật Dầu khí, chương trình chính quy Chất lượng cao
★ Á khoa năm học 2016 – 2017 với điểm trung bình tích lũy 9,40
★ Giải Nhất Ngày hội Kỹ thuật 2017
★ Giải Khuyến khích Presentation Contest 2016
Nụ cười hạnh phúc của Phát Tài khi trở thành á khoa Bách Khoa năm học 2016 – 2017. |
Cùng OISP khám phá hành trình from zero to hero của Tài nha!
* Tài giới thiệu đôi nét về bản thân cho mọi người cùng biết đi.
– Em tới từ Sa Đéc, nhiều bạn học cùng khi nghe quê em còn chưa định hình được nó ở đâu, vì nó chỉ là thành phố nhỏ bên trong tỉnh Đồng Tháp. Em có rất nhiều sở thích như là bơi lội, đánh cầu lông, đi xem phim, đọc sách và đi trà sữa cùng bạn bè :))). Theo mọi người xung quanh nhận xét thì em là một người hoạt bát, hòa đồng, chăm chỉ và ít khi nào bỏ cuộc khi làm một việc gì đó.
* Được biết Tài không giỏi tiếng Anh cho lắm. Sao em lại chọn học chương trình Chất lượng cao? Em có sợ mình sẽ không theo kịp bài giảng của thầy cô?
– Em chọn chương trình Chất lượng cao như là một cái duyên. Lần “bén duyên” với nó, em nhớ là vào Ngày hội Tuyển sinh Bách Khoa Quốc Tế 2015, ngay sau khi em vừa thi đại học xong. Em thì thích dầu khí từ lâu rồi. Lại nghe mấy anh trong nghề bảo nhất thiết phải biết tiếng Anh nên Mẹ kêu chọn cái này đi (chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí), sau này có “chút” tiếng Anh chuyên ngành mà xài nữa. Thế là em chọn OISP!
Thú thiệt ngày đầu tiên vào học chuyên ngành em bị shock vì tốc độ nói cũng như cách phát âm của các thầy cô. Dần dà em điều chỉnh lại cách học – sau khi học trên lớp, về nhà soạn bài và coi trước từ vựng mới cho bài tiếp theo – thì mọi thứ dần trở nên dễ dàng hơn một chút.
* Việc phải học đến hai học kỳ Pre có khiến Tài cảm thấy nản không? Em vượt qua cảm giác đó như thế nào?
– Quãng thời gian học hai học kỳ Pre có lẽ là khó quên nhất trong trong cuộc đời sinh viên của em. Đó là giai đoạn mà em cảm thấy mình phát triển qua từng ngày. Vào buổi học đầu tiên của Pre 1, em như một đứa trên trời rơi xuống, chỉ biết nói câu “My Name is Tai” là chấm hết. Cũng không biết IELTS là gì. Giống như tờ giấy trắng vậy. Rồi từ từ em bắt nhịp được với mọi người.
Học kỳ Pre 1 kết thúc với kết quả… em rớt. Mọi thứ lúc đó như dập tắt hết với em. Em thấy mấy bạn chung lớp SK (lớp kỹ năng mềm) vào chuyên ngành mà thấy hổ thẹn cho chính mình. Đó chính là động lực để em đặt mục tiêu phải pass Pre 2.
Và em đã làm được! Nhiều khi nhìn lại, em thấy tự hào về bản thân lúc đó lắm.
Nguyễn Phát Tài nhận giấy khen cho thành tích học tập xuất sắc từ thầy Vũ Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa.
* Tài có bí quyết gì để thích nghi với môi trường tiếng Anh từ con số 0?
– Theo em, giữa nghe và nói, mình phải chọn một kỹ năng phát triển nó trước. Chắc có lẽ vì em là đứa nói nhiều nên em học nói khỏe hơn học nghe :”>. Hai kỹ năng đó bổ trợ cho nhau nên khi đã rành một kỹ năng thì cái còn lại cũng tự lên theo. Còn đọc với viết thì sau khi biết sơ sơ nghe với nói thì hẵng đụng đến.
* Đối với Tài, tiếng Anh quan trọng ra sao?
– Tiếng Anh rất quan trọng với em. Vì học chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh nên nếu không biết tiếng Anh chắc em chỉ biết ngày ngày tới lớp ngồi nhìn giảng viên đợi điểm danh xong rồi đi về quá ^^. Ngoài ra, bên Khoa Địa chất & Dầu khí thường xuyên mời các giáo sư nước ngoài về thuyết trình các dự án của họ cũng như đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, nên bắt buộc tiếng Anh mình phải tốt.
* Sau hai học kỳ Pre, Tài cảm nhận thế nào?
– Cực, mệt, áp lực nhưng mà vui và ý nghĩa. Học kỳ Pre dạy cho em rất nhiều thứ: ngoài tiếng Anh còn có kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, viết e-mail đúng quy cách…
Em có một quãng thời gian khá dài để nhìn nhận lại bản thân trước khi bước vào “cuộc chiến” với các môn chuyên ngành. Em thấy mình đã thay đổi rất nhiều, theo hướng tích cực hơn. Từ một đứa thụ động, nói một câu tiếng Anh cũng không xong (dù rất muốn nói), nay đã trở nên tự tin hơn khi thuyết trình bằng tiếng Anh trước đám đông.
* Với điểm trung bình tích lũy năm học 2016 – 2017 là 9,40, Tài có thể chia sẻ phương pháp học hiệu quả của mình được không?
– Mỗi cá nhân sẽ phù hợp với một phương pháp học khác nhau. Riêng em thì đúc kết được kinh nghiệm như sau:
-
Đặt ra kế hoạch, mục tiêu học tập cho bản thân
-
Phân bố thời gian học tập và giải trí hợp lý
-
Học nhóm để ôn lại kiến thức trước kỳ thi
-
Nghe nhạc không lời khi học bài, làm bài
-
Chăm chỉ và không ngừng rèn luyện tư duy của mình
Tài thấy mình trưởng thành lên rất nhiều sau hai học kỳ Pre-University.
* Kế hoạch tương lai của Tài như thế nào?
– Em không dám nói trước vì sợ bước không qua ^^. Trước mắt, em cố gắng học để được ra trường đúng hạn cái đã, vì em còn tới ba năm học nữa lận. Em cũng hy vọng mình sẽ lấy được một suất học bổng du học nước ngoài để trau dồi chuyên môn và phát triển bản thân trong môi trường đa văn hóa.
* Trên vai trò đàn anh, Tài nhắn nhủ gì cho các bạn sinh viên khóa sau?
– Hãy siêng năng, chăm chỉ, đi học đầy đủ, làm bài tập về nhà, coi bài trước khi đến lớp, thì mọi thứ tốt đẹp sẽ đến. Và biết đâu chính bạn – người đọc bài viết này, sẽ được xướng tên là tân thủ khoa của trường năm học tiếp theo thì sao ;-).
* Cảm ơn em vì những chia sẻ chân thành. Chúc em giữ vững phong độ học tập và đạt nhiều thành công trong cuộc sống!
Bài: NGUYỄN HẰNG – Ảnh: Nhân vật cung cấp