“Bé Báo” ngành Ô tô: Giới tính nữ là lợi thế của chị em ta ở Bách khoa

Bảo vệ Luận văn Tốt nghiệp loại Xuất sắc, Phạm Tô Thùy Trâm – K2019 chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh – xóa tan nỗi e ngại “lép vế” trong ngành học toàn nam.

CHỌN BÁCH KHOA THAY VÌ DU HỌC ĐỨC

Chào các bạn, mình là Phạm Tô Thùy Trâm, một trong hai bông hồng của lớp CC19OTO1. Mọi người hay gọi mình là “bé Báo” ^^. Từ nhỏ, mình đã khoái xe hơi. Khoảng thời gian cấp Ba tại Trường Phổ thông Năng khiếu, mình ấp ủ ước mơ lên ĐH sẽ theo đuổi ngành học này. Dĩ nhiên, hồi đầu, gia đình không ủng hộ lựa chọn này của mình, và có lẽ hầu hết những gia đình có con gái thích engineering đều có chung tâm lý như vậy. Lựa chọn là của mình nên mình phải chịu trách nhiệm với nó.

LÝ LỊCH TRÍCH XÉO
• Đặc điểm nhận dạng: 1,50 m (± 1 cm), đi dép cá sấu màu xanh lá cây/ vàng, ưa lon ton ở Xưởng Ô tô C3
• Tiếng Anh: IELTS 7.0; tiếng Đức: B1
• Đồ án Tốt nghiệp loại Xuất sắc: 9,4/10
• Học bổng OISP: lãnh lai rai
• Tham gia Hội nghị Khoa học & Công nghệ SV Bách khoa Quốc tế lần thứ VIIIX
• Giải Nhì cuộc thi Mini Car Racing lần thứ VII – 2023

Ban đầu mục tiêu thi đậu Bách Khoa chỉ để hài lòng gia đình và là cơ sở để đi du học Đức. Đây là cường quốc trên thế giới về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong ngành chế tạo ô tô. Vì vậy từ năm 2016, mình đã bắt đầu học tiếng Đức và giành được ba học bổng du học hè toàn phần của Viện Goethe – hai sang Đức và một sang Indonesia.

Học bổng đi Đức đầu tiên vào năm 2017 ở vùng biển phía Bắc nước Đức, về là nghe lưu loát tiếng Anh giọng Ấn luôn :))).

Nhưng, mọi ngã rẽ của cuộc đời đều cho mình sự lựa chọn. Đứng giữa ngã ba đường, mình cần suy nghĩ và định hướng cuộc đời của bản thân. Cuối cùng, mình đã lựa chọn ở lại Việt Nam và quyết tâm thi vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Dù là du học Đức hay ở lại Việt Nam thì mình vẫn luôn chọn ngành Kỹ thuật Ô tô. Đã đam mê thì không bỏ cuộc và càng không được đổi ý.

ĐIỀN NGUYỆN VỌNG RẤT CHILL, VÔ BÁCH KHOA THẬT LIỀU, ĐƯỢC CẢ KHOA CƯNG YÊU

Cách đây bốn năm, mình dự tuyển Bách khoa bằng phương thức Ưu tiên xét tuyển của ĐHQG-HCM (PT2). Hồi đó mình chỉ điền nguyện vọng chill lắm, đúng một nguyện vọng duy nhất vô ngành Kỹ thuật Ô tô, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh. Giờ nghĩ lại thấy mình liều dễ sợ! Điền có một cái rồi lỡ “xu cà na” là sầu lắm á nha.

Nhưng mà, nói nào ngay, khi chọn ngành này, giới tính nữ là điểm khiến hồ sơ của chị em chúng ta đặc biệt hơn các ứng viên khác phái rồi. Lớp mình học bên cạnh các bạn nam cùng khóa thì còn có các anh khóa 2018 nữa. Đứa em này rất được mấy anh cưng chiều, được cả khoa cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Đăng ký cuộc thi, project nào đều luôn được suất ưu tiên, chỉ cần em gái muốn làm là luôn có chỗ :D. Thành thử, mấy em gái cứ MẠNH DẠN apply vô những ngành hiếm nữ này nha.

Phạm Tô Thùy Trâm bảo vệ Luận án Tốt nghiệp loại Xuất sắc, khóa 2019, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, ngành Kỹ thuật Ô tô
Kết thúc môn thực hành ở xưởng, Trâm (hàng đứng, thứ tư từ phải qua) đã nhanh trí tập hợp anh em làm pô hình kỷ niệm. Học môn này chỉ mỗi tội là hơi nóng thôi, chứ việc nào nặng mấy anh cân hết rồi.

Người lớn hay nói “lên ĐH nhàn lắm”, toàn gạt con nít thôi, không nhàn xíu nào đâu. Hai từ “Bách khoa” chưa từng dễ dàng với mình, nhưng mà học ở đây siêu vui nha. Mình từng đùa với mọi người rằng “Đi học Trâm chỉ cười thôi là hết tiết, hết học kỳ rồi hết bốn năm. Ước gì đi làm chỉ cần cười là hết giờ làm”. Lên ĐH, kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng, cùng nhau vượt qua n bài tập lớn. Và Trâm đã có cho mình một nhóm rất tuyệt vời, làm việc siêu ăn ý.

Cách tốt nhất để thuận lợi vượt qua khó khăn ở Bách khoa là mình cần một “chiếc team” làm việc hiệu quả và hạp cạ với nhau nhất có thể. Ngoài ra, mình may mắn được học với những người thầy rất truyền cảm hứng, mỗi thầy có cách dạy khác nhau và đều muốn sinh viên của mình ngày càng giỏi hơn.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Có những cộng sự cùng nhau làm việc nhóm, có những đồng đội cùng “cày deadline” xuyên đêm, có những chiến hữu cùng chia mồi trên bàn nhậu – là những thứ rất cần cho cuộc đời SV, đồng thời cũng là động lực đến trường mỗi ngày của mình đó.

Lâu lâu sẽ stress và bật khóc vì “no pressure, no diamonds”, vậy chớ học bốn năm mà mình cười hết ba năm “bảy mươi lăm” rồi. Mình từng ước rằng đi làm cũng có thể cười hoài như đi học nữa mà.

Phạm Tô Thùy Trâm bảo vệ Luận án Tốt nghiệp loại Xuất sắc, khóa 2019, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, ngành Kỹ thuật Ô tô
Nam thay vỏ xe được thì chị em mình cũng làm được nha! Là thay thiệt chớ khum có nét nào diễn đâu.

Trâm (hàng đứng, thứ tư từ phải qua) cùng các chiến hữu tại cuộc thi Mini Car Racing vào tháng 6/2023 khi vừa hoàn thành Đồ án Tốt nghiệp. Lúc đó mình là thành viên “già” nhất đội, bị mấy em trai chọc suốt.
Trước ngày bảo vệ Luận Tốt nghiệp, anh em tụi mình cũng không quên chụp chung với nhau một tấm hình. Cười tươi vậy chớ lòng bất an lắm đó. Trong hình, Trâm mặc áo họa tiết trắng đen.

KHÔNG AI DẠY CHO MÌNH TIẾNG ANH KỸ THUẬT NGOÀI THẦY CÔ BÁCH KHOA

Tin mình đi, học kỹ thuật bằng tiếng Anh rất là quan trọng và bổ ích luôn. Mình đã được tiếp thu một lượng lớn từ ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh thông qua quá trình học, đọc tài liệu và đặc biệt là đọc bài báo khoa học quốc tế tại chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh. Sau này đi làm, mình có thể được dạy thêm kiến thức chuyên môn đặc thù của công việc chớ không ai dạy tiếng Anh kỹ thuật cho mình như các thầy cô Bách khoa đâu.

Câu cửa miệng mình hay chọc mọi người suốt hai năm cuối ĐH: “Tốt nghiệp xong, em treo bằng lên tường, mở tiệm bánh – mọi người nhớ ủng hộ”. Ai ai cũng gật đầu, kêu cho đăng ký thành viên thân thiết. “Only time will tell”, mong mấy anh giữ lời để sau này em còn mở tiệm.

Hiện tại Trâm vẫn đang chờ đến Lễ Tốt nghiệp vào tháng 11/2023. Chill ở Bách khoa xong rồi, lúc này đây là khoảng thời gian để heal, trau dồi ngoại ngữ. “Bé Báo” còn vương vấn Xưởng Ô tô lắm. Nhớ thầy cô, nhớ bạn bè da diết lắm luôn.

Cảm giác nghe đọc điểm tổng kết Luận văn Tốt nghiệp từ các thầy và nhận quà lưu niệm từ OISP là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời SV của mình.

Lời người biên tập: Sau khi bài này lên “sóng” thì “bé Báo” nhắn tin vui – “bé” đã trúng tuyển vô Hella (CHLB Đức) Việt Nam, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất xe hơi và phụ tùng xe hơi. Như vậy, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ và ý chí kiên định, Thùy Trâm đã chạm tới ước mơ trờ thành kỹ sư ô tô trong môi trường Đức. Chúc “bé Báo” gặt hái nhiều thành công mới trên hành trình chinh phục niềm đam mê với ô tô.

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam là rất khả quan vì tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người của chúng ta rất thấp. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đều tập trung về Việt Nam. Hiện tại đa số các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đều có liên doanh với nước ngoài, kỹ sư Việt Nam phải thường xuyên tiếp xúc và làm việc với chuyên gia quốc tế. Do vậy, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong giao tiếp chuyên ngành, đọc hiểu tài liệu và cập nhật công nghệ mới.
Chương trình chính quy Giảng dạy bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 242) với ngôn ngữ giảng dạy và học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ SV và hoạt động SV phong phú và đa dạng. SV được trang bị kiến thức chuyên ngành cập nhật của khu vực và thế giới do có các môn học có sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài. So với chuẩn đầu ra của chương trình Tiêu chuẩn thì SV chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh được nâng cao về trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm về nghiên cứu, lãnh đạo, khởi nghiệp. SV tốt nghiệp có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế với vốn tiếng Anh thông thạo, có khả năng học tiếp chương trình Sau Đại học và nghiên cứu các lãnh vực liên quan trong và ngoài nước.

THI CA thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp