Bác sỹ giỏi cần có người am hiểu về máy móc, thiết bị y tế, vận hành kỹ thuật để giúp mình hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe con người. Tên gọi nghề nghiệp của người cộng sự ấy là Cử nhân Kỹ thuật Y Sinh.
CHỌN KỸ THUẬT Y SINH BÁCH KHOA ĐỂ ĐƯỢC SỚM TIẾP CẬN “ĐỒ NGHỀ”
Đối với Phúc Khang, môi trường học tập và yếu tố con người sẽ là điều đặc biệt khiến Bách khoa nổi bật hơn so với ngành Y Sinh ở các trường đại học khác. Vào Bách khoa, bạn được tiếp cận sớm với những thiết bị máy móc liên quan đến chuyên ngành ngay từ năm Nhất. Càng học nhiều và học sâu hơn về chuyên ngành bản thân Khang nhận thấy việc được tiếp cận sớm với những “đồ nghề” mà tương lai mình sẽ đụng chạm đến là điều vô cùng cần thiết. Từ những tiết học thực hành, sinh viên hiểu sâu sắc về thiết bị, biết cách đặt câu hỏi cho giảng viên và mày mò ra những phương pháp kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, việc gặp chuyên gia trong ngành, giảng viên bộ môn, anh chị tiền bối mà ngay cả bạn bè cùng lớp mỗi ngày luôn có những điều mới mẻ để học hỏi.
Trong các tiết học ở Bách khoa, giảng viên không chỉ đơn giản chia sẻ kiến thức một chiều mà việc đọc tài liệu trước khi đến lớp để đặt câu hỏi cho giảng viên là điều luôn được khuyến khích. Bên cạnh đó, tiết thực hành tưởng chừng như là đơn giản nhưng lại là những buổi học “đi sâu vào lòng người”. Không đơn giản bạn chỉ cần biết sử dụng thiết bị là xong mà bạn phải là người hiểu thiết bị, luôn có ý tưởng cải tiến thiết bị và tận dụng tới hết các công năng của thiết bị đó vào trong môn học và cuộc sống. “Đồ nghề Bách khoa là vô tận, quan trọng bạn có biết tận dụng không thôi.” – Phúc Khang vui vẻ chia sẻ.
Một trong những tiết học thực hành, Khang thích nhất là lúc học cùng thầy Trần Trung Nghĩa (Giáo viên Chủ nhiệm lớp Khang) ở Phòng Thí nghiệm (PTN) Vật lý Đại cương. Nghe tên Đại cương vậy thôi chứ tất cả các thiết bị cơ bản, kiến thức nền tảng cũng từ đây mà ra. Bên cạnh đó ở môn học Nhập môn về kỹ thuật, cả lớp Khang được làm việc chung với một nhóm bạn cùng khóa và cùng với sự hướng dẫn của thầy lớp đã làm ra thiết bị đo nhịp tim và mức độ bão hòa oxy. Còn ở môn chuyên ngành Thiết bị hình ảnh y học, sinh viên cũng được thực hành ở PTN Kỹ thuật Y sinh và sử dụng thiết bị siêu âm ba đầu dò. “Kể sương sương cho các bạn sắp vô ngành Kỹ thuật Y Sinh Bách khoa tò mò, chứ kể hết máy móc thiết bị thì bốn năm thanh xuân Bách khoa chưa hết đâu.” – Khang hài hước chia sẻ.
TỪ CHIA SẺ CỦA BA, TIẾP ĐAM MÊ CHỌN KỸ THUẬT Y SINH
Bên cạnh việc tự tìm tòi nghề nghiệp tương lai cho mình, Khang cũng tham khảo ý kiến từ người thân, đặc biệt từ ba của mình. Qua chia sẻ của ba, Khang biết được sự cần thiết và tầm quan trọng của người làm kỹ thuật, vận hành, am hiểu thiết bị y tế cũng quan trọng không kém nghề bác sỹ. Ngành Y Sinh muốn phát triển rất cần sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và người am hiểu thiết bị y tế. Thấu hiểu điều đó, Khang khao khát trở thành kỹ sư Kỹ thuật Y Sinh để đồng hành cùng trong việc nâng cao sức khỏe con người. Từ ước mơ nhỏ trở thành khao khát lớn, Khang không ngần ngại và quyết tâm chọn ngành Kỹ thuật Y Sinh, và với nhiều bạn cùng trang lứa, ngành học này có vẻ quá lạ lẫm ở nơi mà bạn sinh ra mà lớn lên.
Trước đây, con người chỉ cần “cơm no áo ấm”, nhưng trong xã hội phát triển ngày càng cao, nhu cầu của con người cũng không ngừng phát triển theo, nghĩa là phải “ăn ngon, mặc đẹp”. Đặc biệt, người ta còn chú trọng đến bảo vệ và nâng cao sức khỏe thông qua với việc ứng dụng máy móc, thiết bị vào việc chăm sóc sức khỏe và rèn luyện thể chất. “Gần như các loại máy móc, thiết bị y tế hiện đại đều được nhập từ nước ngoài về. Vì vậy, việc cần một kỹ sư Kỹ thuật Y Sinh giỏi chuyên môn thôi chưa đủ. Bản thân người học và làm trong ngành này cần phải có vốn tiếng Anh chuyên ngành vững chắc. Và không ở đâu khác, chính chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh tại Trường ĐH Bách khoa sẽ cung cấp cho bạn những điều đó. Nếu bạn đơn giản nghĩ chỉ cần học tiếng Anh giao tiếp ở trung tâm ngoại ngữ bình thường là được, thì điều đó chưa hoàn toàn chính xác. Chính những tiết học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, với những từ ngữ chuyên ngành là vốn liếng lận lưng cho bạn chinh phục nhà tuyển dụng và có thể đọc hiểu tài liệu kỹ thuật ngon lành.” – Khang tỏ ra rất am hiểu chương trình mà bạn đã chọn. Và bạn khẳng định chắc chắn trong tương lai gần đây sẽ là một ngành nghề rất hot.
TUỔI TRẺ RỰC RỠ Ở BÁCH KHOA
“Vừa học vừa chơi – em đã không ‘đánh rơi tuổi trẻ’ hay ‘bán rẻ tương lai’ của bản thân vì em luôn cố gắng cân bằng giữa việc học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa” – Khang chia sẻ. Đã qua hai mùa hè ở Bách khoa, bên cạnh việc học tập và rèn luyện, Khang đều đã cố gắng lưu lại cho mình nhiều kỷ niệm bằng những hoạt động ngoại khóa và giao lưu kết bạn, tìm kiếm nhiều mối quan hệ mới.
“Bản thân em tự cho mình là một người rất yêu thích các hoạt động ngoại khóa, hầu như từ năm Nhất đến thời điểm hiện tại, các hoạt động, sự kiện nào tổ chức nếu như em cảm thấy bản thân phù hợp thì hầu như đều có mặt của Phúc Khang trong đó [cười nhẹ].” – Khang dí dỏm khoe. Một số hoạt động nổi bật như: OISP Orientation Week 2022, Hỗ trợ công tác tổ chức chương trình Đi bộ đồng hành vì người nghèo năm 2022, The Face OISP, BKFC – Tư vấn tuyển sinh tại trường THPT… Trong đó, OISP Career Orientation 2022 là hoạt động Khang thích nhất. Tham gia sự kiện này, sinh viên được trực tiếp tham quan các doanh nghiệp trong ngành học của mình để tìm hiểu môi trường trong tương lai, giao lưu, hướng nghiệp cùng đại diện doanh nghiệp…
Và vừa rồi, Khang may mắn được tham quan, học hỏi tại Bệnh viện Quân Y 175. “Hôm đó em đã có được cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc của các y bác sỹ, kỹ sư và quan sát các chú kỹ sư hướng dẫn sử dụng một vài thiết bị đang được vận hành ở đó, điều đó đã giúp em có cái nhìn tổng quan về ngành nghề mà tương lai em sẽ làm.” – Khang hào hứng chia sẻ.
Bên cạnh các hoạt động học thuật, Khang còn tích cực tham gia các câu lạc bộ và hiện tại Khang đang chuẩn bị tham dự Vòng Chung kết cuộc thi Breaking Records 2023, hy vọng sẽ giành được giải thưởng cao nhất.
Sau cuộc thi này, Khang sẽ sắp xếp lại quỹ thời gian và tập trung nhiều hơn nữa cho các môn chuyên ngành cũng như cải thiện bảng điểm học tập và quyết tâm “thoát khỏi” Bách khoa với tấm bằng loại Giỏi.
Trường ĐH Bách khoa tuyển sinh ngành Kỹ thuật Y Sinh, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây là chương trình chính quy, giảng dạy 100% tiếng Anh, lộ trình đào tạo 4 năm tại Cơ sở Q.10 và nhận bằng tốt nghiệp do Trường ĐH Bách khoa cấp . – Mã ngành: 237 – Mã trường: QSB – Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01 Kỹ thuật Y Sinh là lĩnh vực xuyên ngành, kết hợp và ứng dụng các nguyên lý vật lý, toán học, sinh học, y học và công nghệ vào việc chăm sóc sức khỏe con người thông qua quá trình nghiên cứu, chế tạo các thiết bị kỹ thuật và phát triển các quy trình tiên tiến dùng trong y tế, chẩn đoán, điều trị lâm sàng. |
Bài: GIA NGHI – Hình: PHÚC KHANG