Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Có một Nhật Bản thu nhỏ trong lòng Bách khoa

Khối Nhật ngữ không ngừng lớn mạnh qua từng năm và lưu lại những dấu ấn riêng biệt trong cộng đồng Bách khoa Quốc tế.

Bài viết liên quan
SV Bách khoa và học sinh THPT Nhật trổ tài trang trí giỏ tre
SV Bách khoa khối Nhật ngữ hào hứng thưởng thức đấu kiếm và opera Nhật
SV Định hướng Nhật Bản đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật
ĐH Công nghệ Nagaoka tăng cường trao đổi SV với Bách khoa

GIÀU TRUYỀN THỐNG, QUY TỤ NHỮNG NGÀNH “ĐINH” CỦA BÁCH KHOA

Tại Trường Đại học Bách khoa, có một cộng đồng sinh viên (SV) tuy không đông đảo như các chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh, song lại có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, đó là khối Nhật ngữ. Lâu đời nhất phải kể đến chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật), tiền thân là chương trình Tăng cường Tiếng Nhật, với ngành đào tạo chủ lực của Bách khoa là Kỹ thuật Điện – Điện tử. Đến nay, chương trình đã trải qua 16 năm vận hành thực tế, là cái nôi bồi dưỡng những cử nhân Điện – Điện tử hàng đầu, vừa vững chuyên môn, vừa am hiểu ngôn ngữ và văn hóa xứ mặt trời mọc.

Các SV K2022 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật) ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử chụp hình cùng Ban Chủ nhiệm trong buổi gặp mặt đầu năm.

Khối Nhật ngữ cũng có sự góp mặt của ngành hot hàng đầu Bách khoa là Khoa học Máy tính thuộc chương trình Định hướng Nhật Bản. Đây là lựa chọn hoàn hảo cho những bạn trẻ vừa đam mê máy tính, vừa yêu mến văn hóa và con người Nhật Bản. So với sự cạnh tranh khốc liệt của chương trình Tiêu chuẩn hay yêu cầu IELTS chính thức 6.0 của chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, khối Nhật ngữ tương đối dễ thở với thí sinh vì không yêu cầu ngoại ngữ đầu vào. Nếu bạn không có một chút “vốn liếng” tiếng Nhật nào trong tay thì đừng lo, khi theo học chương trình này, nhà trường sẽ đào tạo tiếng Nhật xuyên suốt bốn năm học để bạn ra trường với “khoản lãi” là trình độ tiếng Nhật tối thiểu N3.

SV K2022 chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Khoa học Máy tính rạng rỡ trong sự kiện đầu năm.

Ngoài ra, khối Nhật ngữ còn tuyển một ngành có cái tên độc lạ nhưng chưa bao giờ bớt hot trong mắt nhà tuyển dụng, đó là Cơ Kỹ thuật. Đặc biệt, tỷ lệ SV tốt nghiệp từ ngành này đầu quân vào khối doanh nghiệp Nhật luôn ở mức cao do nhu cầu tuyển dụng kỹ sư mô phỏng (CAE engineer), kỹ sư thiết kế (CAD engineer) tại đây rất lớn. Nếu cử nhân mới ra trường có thể giao tiếp bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh thì đó sẽ là lợi thế để mở rộng con đường thăng tiến, nâng cao thu nhập. Và đây cũng là lý do thôi thúc chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Cơ Kỹ thuật  ra đời.

SV K2021 chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Cơ Kỹ thuật chụp hình lưu niệm cùng cô Huỳnh Thị Thu Thủy (thứ hai từ trái qua) – Phó Trưởng Bộ phận Học vụ.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TÍCH HỢP MÔ HÌNH BÁN DU HỌC (2.5+2)

Với chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật) ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, SV sẽ được tăng cường đào tạo tiếng Nhật trong hai năm rưỡi đầu tại Bách khoa đến khi đạt trình độ N2. Sau khi vượt qua kỳ thi chuyển tiếp du học, SV sẽ sang Nhật học tiếp hai năm cuối tại Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT) và nhận bằng tốt nghiệp do trường này cấp.

SV khối Nhật ngữ tham dự kỳ thi chuyển tiếp du học tháng 1/2023.

Còn với chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Khoa học Máy tính, SV có thể lựa chọn theo học bốn năm tại Bách khoa hoặc chuyển tiếp sang NUT học từ giữa năm Ba như SV chương trình Chuyển tiếp Quốc tế. Sự linh hoạt trong mô hình đào tạo cũng chính là điểm nhấn để khối Nhật ngữ giữ được sức hút và tính cạnh tranh giữa hệ sinh thái đào tạo phong phú của Bách khoa.

Vượt qua giai đoạn học tập có tính cạnh tranh cao tại Bách khoa, SV chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật và được đại diện NUT đón tiếp nồng hậu.
Hào hứng thưởng thức khung cảnh rợp bóng hoa anh đào vào đầu xuân tại khuôn viên NUT.

ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VĂN HÓA NHẬT

Trở thành thần dân Bách khoa khối Nhật ngữ, SV còn được trải nghiệm văn hóa Nhật qua hàng loạt sự kiện thú vị như Mythendary, Natsu Meeting, lễ hội Tanabata, cuộc thi cover rap về Nhật Bản… Đây là nơi để fan Nhật cùng giao lưu, cảm thụ những nét văn hóa được biến tấu hấp dẫn và chia sẻ tình yêu vô bờ bến đối với nước Nhật xinh đẹp.

Chưa hết đâu, SV còn có dịp giao lưu – kết nối với HS-SV đến từ xứ hoa anh đào, được tận mắt chiêm ngưỡng màn trình diễn của các nghệ sĩ Nhật qua những buổi gặp gỡ thân mật tại Bách khoa. Chưa bao giờ Nhật Bản lại gần trong tầm tay đến vậy!

OISP JAPANESE CLUB (OJC) – “THÁNH ĐỊA” CỦA NHỮNG TÂM HỒN MÊ NHẬT

Nếu bạn là một người hướng ngoại và thích kết nối bạn bè gần xa, chớ ngại ngần đầu quân vào OJC –  “trùm bầu sô” của hàng loạt sự kiện kể trên. Đến nay, câu lạc bộ đã tròn hai tuổi rưỡi, không ngừng kết nạp thành viên mới qua các năm và thổi những làn gió mát vào cộng đồng fan Nhật tại Bách khoa. 

“Bật mí” là trong OJC cũng có rất nhiều thành viên đến từ khối Anh ngữ đó! 

Bài: INAKO – Hình: OISP, OJC

Bài trước

Bài tiếp