Chọn Điện – Điện tử dù đam mê âm nhạc

Đó là câu chuyện của Nguyễn Cao Hồng Phúc (K2014 chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử) khoảng mười năm về trước, khi bắt đầu những nét chữ đăng ký nguyện vọng đầu tiên giữa vô vàn sự lựa chọn.

Bài viết liên quan
Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư Điện – Điện tử
“Lén” thi Bách khoa, thành “sắn lùi” đáng gờm của Khoa Điện
Phạm Minh Ngọc Thảo: Từ chối 4 ĐH lớn để về đội Bách khoa

Từ nhỏ, Phúc đã chơi thành thạo dương cầm, guitar và đạt nhiều giải thưởng văn nghệ lớn nhỏ khác nhau. Tuy vậy, Phúc vẫn chọn tập trung lĩnh vực kỹ thuật và theo đuổi điện – điện tử. Bởi anh chàng 18 tuổi khi ấy đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ người chú ruột (cựu sinh viên cùng khoa khóa K95, hiện đang công tác tại Nhật 20 năm) và nguyện vọng của mẹ. 

TIÊN TIẾN: SỰ LỰA CHỌN HOÀN HẢO CHO KHỞI ĐẦU ĐAM MÊ

Thời đó, Phúc chỉ nghĩ tới Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM (ĐHBK) khi chọn học kỹ thuật vì không thể phủ nhận độ nhận diện thương hiệu của trường không chỉ phủ sóng khắp cả nước mà còn trên thị trường quốc tế. Thông qua buổi tư vấn hướng nghiệp, anh chàng có cơ hội biết tới chương trình Tiên tiến. Đây là chương trình theo đề án của Bộ Giáo dục & Đào tạo, được triển khai thí điểm từ năm 2006 tại 10 đại học trọng điểm cả nước, trên cơ sở chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến từ các đại học tầm cỡ trên thế giới. Trong đó, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Tiên tiến của Trường ĐHBK được lấy nguyên bản từ ĐH Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Mỹ. 

Tìm hiểu sâu hơn về chương trình, Phúc nhận ra lựa chọn này tập trung đúng lĩnh vực mình mong muốn theo đuổi, cũng như cơ hội vàng được học tập cùng dàn giảng viên chất như nước cất tốt nghiệp bậc tiến sỹ từ các cường quốc khoa học tiên tiến như Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Ireland và Úc. Hơn nữa, hàng năm, hầu như các giáo sư Mỹ từ UIUC đều qua giảng dạy tại Trường ĐHBK, mang tới nhiều làn gió mới trong phong cách học tập, làm việc và nghiên cứu, cũng như cập nhật kiến thức công nghệ mới nhất. Ngoài ra, bản thân Phúc và gia đình cũng cực kỳ an tâm chất lượng đào tạo bởi chương trình nhận được nhiều kiểm định quốc tế. Đây không chỉ là những cảm nhận của riêng Phúc mà còn của ít nhiều các cựu sinh viên chương trình Tiên tiến từng trải qua.

Khoảnh khắc lưu niệm ngày đầu tiên của buổi học Kỹ năng Mềm
Khoảnh khắc lưu niệm ngày đầu tiên của buổi học Kỹ năng Mềm.
Phúc (trái) chụp hình cùng GS Mỹ từ ĐH UIUC & anh bạn thân - hiện là giám đốc công ty công nghệ tại Hà Nội
Phúc (trái) chụp hình cùng GS Mỹ từ ĐH UIUC & anh bạn thân – hiện là giám đốc công ty công nghệ có trụ sở tại Hà Nội & TP.HCM.

CÁCH HỌC TỐT NHẤT LÀ CÁCH PHÙ HỢP VỚI RIÊNG MÌNH

Bước vào ngôi trường mơ ước, Phúc vui mừng khôn xiết khi thỏa được nguyện vọng ban đầu. Bởi vậy, năm đầu tiên, anh chàng xuất sắc này rất phấn khởi với việc học, đạt điểm rất cao và nhận học bổng liên tục. Sau đó, lợi thế biết nhiều bạn bè hơn khiến Phúc lơ là việc học, chơi nhiều hơn và tụt dốc không phanh. Thời điểm đó, bản thân Phúc rất buồn. Tuy vậy, anh chàng cũng sớm tự vực dậy chính mình, sắp xếp lại hết các kế hoạch học tập và khắc phục sai sót một cách kiên trì và kỷ luật hơn. Trái ngọt cũng liền tới tay khi các học kỳ kế tiếp, Phúc nhận mưa học bổng và tốt nghiệp đúng hạn.

Bàn về cách học đạt kết quả tốt, Phúc cho rằng đây là yếu tố mang tính chất quyết định. Với anh chàng chiến thần săn học bổng, đầu tiên, ta cần hiểu một cách tổng quát về môn học, xem cách thức đánh giá môn học ra sao rồi mới tìm phương pháp học cụ thể hơn. Điều cơ bản nhất là bạn phải tới lớp học, tập trung nghe giảng và tôn trọng giảng viên của mình bằng cách hăng say tương tác, thảo luận. Nhiều bạn hay đi vào vết xe đổ, cứ thấy có người chơi suốt ngày mà vẫn học giỏi là lầm tưởng không cần chăm học. Sau đó, bạn cứ vậy mà rơi khỏi trạng thái học tập suốt đời. Mỗi người sẽ có khả năng tiếp thu khác nhau. Vì vậy, cách học tốt nhất chính là cách phù hợp nhất với bạn. Hãy dành thời gian ban đầu vào việc tư duy khám phá, định hướng bản thân trước khi bắt tay vào hành động bạn nhé.

Trong quá trình học, Phúc cảm thấy biết ơn vì luôn nhận được sự trợ giúp không chỉ từ các thầy cô mà còn từ các anh chị chuyên viên Văn phòng Đào tạo Quốc tế. Được tham gia những buổi trao đổi kinh nghiệm học tập, làm việc, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ là những trải nghiệm quý báu của anh chàng.

Phúc (trái) cùng hai người Thầy đáng kính - TS. Trịnh Xuân Dũng & PGS. TS. Đỗ Hồng Tuấn

“Công tâm mà nói, thầy cô ở Bách khoa rất đáng nể phục vì cái tâm nhà giáo” – Phúc chia sẻ. Bởi các thầy cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn hết mực quan tâm, hỗ trợ sinh viên bất kể ngày giờ. Những cái tên quen thuộc của dân nhà Tiên tiến như GS. TS. Lê Tiến Thường, PGS. TS. Đỗ Hồng Tuấn, PGS. TS. Hà Hoàng Kha, TS. Huỳnh Phú Minh Cường, TS. Võ Quế Sơn, TS. Võ Tuấn Kiệt và đặc biệt là TS. Trịnh Xuân Dũng là những bậc thầy đáng kính mà Phúc may mắn được học tập và làm việc. Thầy Dũng cũng là giảng viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học và định hướng đề tài thạc sỹ của Phúc. Nhờ vậy, Phúc được học rất nhiều từ thầy kể cả chuyên môn lẫn cách sống. Bên trái là hình ảnh Phúc chụp cùng TS. Trịnh Xuân Dũng (bìa phải) và PGS. TS. Đỗ Hồng Tuấn (giữa) trong Hội thảo Khoa học Quốc tế về Viễn thông & Điện tử năm 2022.

TẬN HƯỞNG THÀNH QUẢ NGỌT NGÀO NHỜ NỖ LỰC HẾT MÌNH

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Phúc kết hợp với sự trợ giúp từ thầy cô đã đem tới nhiều trái ngọt đúng thời điểm. Vừa tốt nghiệp, Phúc đã xuất sắc vượt qua hơn 500 ứng viên trong ba vòng xét tuyển của tập đoàn Keppel Land để ẵm một chân quản lý hệ thống tòa nhà với mức lương khởi điểm cao ngất ngưỡng so với tầm sinh viên mới ra trường. Một thời gian sau, Phúc nhận ra niềm đam mê nghiên cứu trong mình nên nhanh chóng quay lại việc học, khăn gói vào lớp sau đại học và làm dự án bên ngoài. Khi ấy, Phúc được đảm trách nhiều vai trò khác nhau từ kỹ sư phần mềm (software engineer), kỹ sư nghiên cứu & phát triển (R&D engineer) và kỹ sư trưởng (technical lead) trong đa dạng lĩnh vực: Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), hệ thống nhúng (embedded system), phát triển phần mềm, ứng dụng, hệ thống đám mây, tích hợp các hệ thống học máy (machine learning) hoặc trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). 

Thuyết trình tại Hội thảo khoa học quốc tế IEEE-ICCE năm 2022
Thuyết trình tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Viễn thông & Điện tử năm 2022.
Hoàn thành chương trình đào tạo về Năng Lượng Tái Tạo theo Chương trình của Uỷ Ban Năng Lượng Châu Âu năm 2018
Hoàn thành chương trình đào tạo về Năng lượng Tái Tạo theo Chương trình của Uỷ ban Năng lượng Châu Âu năm 2018.
Tham gia thuyết trình tại một hội thảo Khoa học - Doanh nghiệp năm 2019
Thuyết trình tại một hội thảo khoa học & doanh nghiệp năm 2019.

Song song đó, Phúc cũng chăm chỉ cho việc học thạc sỹ và hoàn tất đề tài nghiên cứu :“ Đánh giá hiệu suất của Hệ thống radar tái tạo hình ảnh khẩu độ tổng hợp ở bước sóng milimet bằng phương pháp nội suy miền-K và bộ lọc phù hợp” (Performance Evaluation of mmWave SAR Imaging Systems using K-domain interpolation and Matched filter methods). Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phần cứng hệ thống mmWave radar nhằm phân tích mô hình toán và đưa ra các giải thuật để hệ thống có thể quét và tái tạo lại hình ảnh của vật thể mục tiêu một cách rõ ràng và chính xác nhất, bao gồm những trường hợp các vật thể ấy đang được giấu kín hay che đậy mà mắt thường không thể thấy được. Ưu điểm của nghiên cứu là hệ thống phần cứng tối giản nhưng vẫn đạt được độ phân giải cao, tối ưu thời gian xử lý khối dữ liệu lớn. Kết quả của đề tài chứng minh được tính khả thi và tiềm năng ứng dụng, cải tiến cho các hệ thống quan sát trong các lĩnh vực viễn thám, quản lý môi trường, cảnh báo thiên tai, sức khỏe y học v.v.

Phúc bộc bạch thêm, quá trình nghiên cứu khá là gian nan. Dù từ lúc biết đến đề tài, lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thành nghiên cứu là gần ba năm. Trong thời gian đó, tác giả đề tài còn vừa đi học, vừa đi làm, vừa nghiên cứu. Đôi lúc, Phúc tưởng chừng sẽ chùn chân bởi có một thời gian, đêm nào cũng thức tới hai, ba giờ sáng rồi bảy giờ hôm sau thức dậy đi làm, chưa kể những thời gian khó khăn do lock down toàn thành phố vì đại dịch Covid-19. Nhưng rồi cuối cùng cũng kết thúc đẹp đẽ.

HỌC TẬP SUỐT ĐỜI LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

Không dừng lại ở đó, sau khi hoàn tất bậc thạc sỹ, anh chàng tiếp tục chinh phục học bổng nghiên cứu sinh toàn phần bậc tiến sỹ tại ĐH Công nghệ Sydney, Úc (UTS) cho các ứng viên quốc tế tiềm năng, có đề tài sáng tạo, hữu ích, mang tính đột phá thông qua dự án thuộc Hội đồng nghiên cứu Úc. Phúc không quên chia sẻ bí kíp săn học bổng cao học ở các quốc gia tiên tiến cho hậu bối:

  • Nghiêm túc cày thành tích học tập ở đại học: GPA, nghiên cứu khoa học, hoạt động sinh viên
  • Trau dồi chuyên môn chuyên sâu thông qua các đồ án, dự án, cuộc thi học thuật, kinh nghiệm thực chiến (nếu đã đi làm)
  • Cải thiện vốn liếng tiếng Anh đủ tốt để vượt qua các bài kiểm tra, phỏng vấn (nếu có) và đọc hiểu tài liệu học thuật
  • Hoạch định đề tài nghiên cứu kỹ càng để dễ dàng gặt hái học bổng nghiên cứu sinh từ các giáo sư nước ngoài: viết đề cương nghiên cứu, khả năng thuyết trình, phản biện đề tài

Sau cùng, Phúc nhắn nhủ thêm với các sinh viên tương lai rằng hãy học cách cân bằng giữa học, chơi và làm để nhìn nhận mọi thứ tích cực, quản lý, tận dụng quỹ thời gian tối ưu. Khi mệt mỏi, hãy đừng ngại cho bản thân thời gian nghỉ giải lao để xả stress. Đặc biệt, đặc thù khối kỹ thuật cần phải vận dụng đầu óc liên tục, bạn hãy nhớ lên kế hoạch tập luyện thể thao thường xuyên, chế độ ăn uống thích hợp để thân và tâm được hài hòa. Ngoài ra, bất kể trong môi trường học tập hay làm việc, điều cơ bản nhất nhưng quan trọng nhất chính là thái độ làm việc với mọi người, tinh thần cầu tiến, chia sẻ và giúp đỡ. Bởi chúng ta đều là những phần tử nhỏ trong một tập thể, hãy hòa đồng và cùng hướng tới mục tiêu chung của mọi người. Bên cạnh đó, bạn đừng quên nhìn nhận mọi thứ khách quan, khoa học hơn để có góc nhìn phù hợp, tránh phiến diện và đừng ngại thay đổi, điều chỉnh bản thân để phù hợp với tập thể hơn. À, nhớ đừng quên sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên để giải quyết gọn gàng mọi thứ thật thư thả. Làm việc một cách khoa học sẽ giúp chúng ta đạt hiệu quả công việc tốt nhất, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật này.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng (2023), TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch thông qua các hoạt động thực tiễn: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường, vận hành và khai thác hiệu quả thành tựu của các nhà thiết kế, tiếp tục thu hút các dự án từ những tập đoàn vi mạch nước ngoài đến năm 2030. Hiện tại, TP.HCM có khoảng 50 công ty thiết kế vi mạch, chủ yếu là nước ngoài như Intel, Renesas, Marvell, Synopsys v.v. đang tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng vi mạch toàn cầu. 
Từ nhiều năm qua, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã có nhiều tác động giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống. Bởi Việt Nam là điểm đến tiềm năng để phát triển ngành nhờ lợi thế địa chính trị, chính sách mở cửa giao thương cho các doanh nghiệp nước ngoài và nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Đón đầu làn sóng đầu tư mạnh mẽ đó, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) đã triển khai vận hành và giảng dạy lĩnh vực mạch – phần cứng, giúp trang bị cho sinh viên khối kiến thức vững vàng, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động quốc tế. Sinh viên sau khi hoàn tất ba năm đại cương, cơ sở ngành sẽ được lựa chọn một trong ba phân ngành sau: (1) Hệ thống Năng lượng, (2) Hệ thống Tự động hóa, (3) Hệ thống Thông tin , (4) Hệ thống Mạch – phần cứng. Sinh viên với điều kiện năng lực học tập, tiếng Anh và tài chính có thể lựa chọn chuyển tiếp tín chỉ hai năm sau tại các đại học đối tác ở Úc.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp