Gặp anh bạn tốt nghiệp đầu ngành, tạm gác việc xịn để học tiếng Nhật

Lưu loát tiếng Anh, lại tốt nghiệp đầu ngành K2017 chương trình Chất lượng cao, ngành Kỹ thuật Ô tô, thế nhưng Trần Công Sơn quyết định tạm gác công việc xịn sò ở một tập đoàn của Đức để… học tiếng Nhật.

Trần Công Sơn, K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Ô tô
Trần Công Sơn (hàng gần màn hình người đọc, phải), nhận bằng tốt nghiệp đợt tháng 4/2022 từ TS. Trần Hữu Nhân (hàng gần màn hình người đọc, trái) – Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông.

Một ngoại ngữ thôi là chưa đủ

Việc theo đuổi chương trình Chất lượng cao (giảng dạy bằng tiếng Anh) đã mở ra cho Trần Công Sơn nhiều cơ hội việc làm tại các công ty đa quốc gia ngay sau tốt nghiệp. Kỹ sư kiểm thử (tester) cho ứng dụng đóng mở cửa và khởi động xe hơi bằng điện thoại – Perfectly Keyless tại BOSCH Global Software Technologies Vietnam – là lựa chọn của Sơn sau khi ra trường. Tuy nhiên sau vài tháng công tác, Sơn đã tạm gác công việc tại tập đoàn của Đức để chinh phục giấc mơ làm việc tại Nhật thông qua chương trình Phát triển nguồn nhân lực Việt – Nhật (VIJAPED) của Trường Đại học Bách khoa.

Sơn chia sẻ: “Chương trình VIJAPED khá xịn nên mình có ý định theo học và bắt đầu sự nghiệp của mình tại Nhật thông qua chương trình này. Để đạt được điều đó, chương trình VIJAPED đã tạo điều kiện để Sơn được học ngôn ngữ mới (yêu cầu năm buổi/tuần) và tối ưu lộ trình đạt JLPT theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bắt đầu với con số 0 vào khóa 9 (tháng 4/2021), Sơn hiện tại đang ôn luyện cho kỳ thi JLPT N3 vào tháng 12 này và sẵn sàng cho hành trình tại Nhật vào 4/2023. Chương trình VIJAPED sẽ chu toàn mọi thủ tục, kể cả visa đến tìm công ty đối tác. Việc của mình là xách ba lô lên và đi học việc thôi”.

Với Sơn, thông thạo một ngoại ngữ thôi là chưa đủ. Mặc dù đã lưu loát tiếng Anh nhưng Sơn vẫn thích thú muốn trải nghiệm học tập thêm một ngoại ngữ mới: tiếng Nhật. Mặt khác, việc nhanh nhạy nắm bắt thông tin Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 3,23 tỷ USD trong năm 2022 (theo Tổng Cục Thống kê) cũng như bản thân các doanh nghiệp Nhật ngay tại bản xứ đang khát đội ngũ lao động chất lượng cao, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, đã thôi thúc Sơn tiếp tục trở lại con đường học vấn với chương trình VIJAPED.

Trở lại làm sinh viên Bách khoa một lần nữa, Sơn hiện đang dành toàn bộ thời gian để học ngôn ngữ, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp trong môi trường Nhật. Mục tiêu của Sơn là trong vòng tối đa 24 tháng sẽ đạt trình độ tiếng Nhật tương đương JLPT N2-N3 để có thể sang Nhật làm việc.

Công Sơn làm việc tại BOSCH
Sơn (thứ hai từ phải qua) chụp hình cùng đồng nghiệp tại công ty BOSCH.

Bài viết liên quan
Biết thêm một ngoại ngữ, lương tăng thêm số 0
Cù Huy Chiến: 24 ngày CTXH trong năm Nhất và hơn thế nữa
Trên SAMCO tới SAMCO

từ đứa nhút nhát trở nên lanh lẹ

Kể về hành trình bốn năm chinh phục tri thức cùng Bách khoa, Sơn “tự thú” rằng mình vốn dĩ là đứa cực kỳ nhút nhát. Song chỉ sau một kỳ tham gia OISP Camp – hoạt động ngoại khóa của môn Kỹ năng Mềm dành cho sinh viên năm thứ Nhất, Sơn thay đổi ngoạn mục: lanh lẹ, nhạy bén hơn, kết thân được nhiều bạn hơn. Môn Kỹ năng Mềm còn dạy cho Sơn nhiều kỹ năng chuyên nghiệp cần thiết cho cả môi trường học tập lẫn làm việc: làm việc nhóm, chạy dự án cộng đồng, viết e-mail chuyên nghiệp, viết thư ứng tuyển việc làm và nhiều điều mới mẻ khác nữa.

Học là nhất, chơi phải chất” – câu nói cực kỳ phù hợp dành cho thần dân Bách khoa. Trong suốt quãng đời sinh viên thì học kỳ quân sự là trải nghiệm thú vị nhất. Nhớ lại, sau mỗi lăn, lê, bò, trườn mệt xỉu, Sơn và các bạn lại la cà ở mấy quán nhậu [nói nhậu chớ mình không có uống bia đâu – Sơn nháy mắt giải thích] trong làng đại học để xả stress. “Ở đâu nghe than thở chứ ở Bách khoa hổng có à nhen”, Sơn khẳng định. Thậm chí, đại đội của Sơn tập hợp những bạn đến từ ngành Kỹ thuật Ô tô, Quản lý Công nghiệp, Kỹ thuật Cơ khí nên bao vui luôn. Cứ mỗi buổi trưa, Sơn và các bạn lại rủ nhau đặt đồ ăn “chui” bên ngoài và phải luân phiên… lén chạy ra hàng rào cổng để lấy cơm.

Từ năm thứ Ba trở đi, ngành học đòi hỏi nhiều tín chỉ thực hành ở xưởng, “trây trét” dầu mỡ, máy móc nhiều hơn nên cũng lắm lúc khá đuối. Tuy vậy, nhờ có anh em trong lớp, cà phê, ghế đá lại giúp giải khuây. Không những thế, cuối ngày, cả đám tiếp tục cà phê, tỉ tê về chuyện học, chuyện thí nghiệm – thực hành, chuyện thi cử… kể không xuể!

Nhờ nghiêm túc thực hiện các đồ án và luận văn tốt nghiệp, Sơn đã tự trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chãi, từ đó có được sự tự tin khi trao đổi với nhà tuyển dụng và nói về kết quả nghiên cứu của mình. Dù trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp, anh bạn đã không ít lần xỉu up xỉu down.

Ai nói giảng viên Bách khoa khó gần, chứ Sơn thì không thấy vậy. TS. Trần Đăng Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Giao thông & Máy động lực là một giảng viên Sơn nhớ mãi, một người thầy rất giỏi chuyên môn và nhiệt huyết. Bên cạnh truyền đạt kiến thức rất nghiêm khắc, thầy còn giúp sinh viên có một tư duy, góc nhìn đa chiều, điều mà một kỹ sư ô tô cần có. Kỷ niệm Sơn nhớ về thầy nhiều nhất là những lần thầy nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc qua Zalo tận nửa đêm. Mỗi lần kết thúc học kỳ hay hoàn thành đồ án, luận văn, thầy và lớp lúc nào cũng đi ăn cùng nhau. Đó là những kỷ niệm của một thời đại học vang dội của Sơn và hy vọng các bạn cũng sẽ có một quãng thời gian như thế.

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐỘI BÁCH KHOA CHƯA BAO GIỜ LÀ SAI

Kỹ thuật Ô tô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như cơ khí, hệ thống điều khiển, truyền động – truyền lực… Trước đây, Sơn chưa từng nghĩ mình sẽ theo học ngành này, bởi đích đến của anh chàng là theo hướng kinh tế – quản trị. Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu và được định hướng, Sơn bẻ lái sang học Kỹ thuật Ô tô và tới tận giờ phút này, Sơn thấy quyết định đó chưa bao giờ sai.

Bên cạnh đó, Sơn cũng chủ động chọn học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh để gia tăng lợi thế cạnh tranh khi ra trường. Không chỉ các công ty đa quốc gia mà ngày nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng vươn tầm thế giới như THACO, VinFast… Vì thế, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Ô tô, chương trình Chất lượng cao là vô cùng dồi dào.

Theo cảm nhận riêng, Sơn thấy mình đã có một lượng lớn cơ hội gặp gỡ các giảng viên siêu chất lượng, lúc nào cũng quan tâm, chăm chút, góp ý chỉnh sửa cho sinh viên. Đặc biệt, thầy cô có một kho tàng khổng lồ các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh mà chắc chắn bạn sẽ khó tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

Điều duy nhất Sơn hơi tiếc là chưa có cơ hội trải nghiệm hết sự “sang, xịn, mịn” của Phòng Thí nghiệm Công nghệ Ô tô do BOSCH đầu tư ở khu C3, Cơ sở Lý Thường Kiệt. Phòng thí nghiệm được trang bị bộ cảm biến mức nhiên liệu (FLS) và hộp số vô cấp (CVT) của BOSCH. Hãy nhập đội Bách khoa để có cơ hội sử dụng phòng thí nghiệm “đỉnh của chóp” này nha!

Sơn và các bạn cùng lớp trong tiết thực hành tại Xưởng Thực hành Ô tô.

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật Ô tô của nước ta ngày càng gia tăng do ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng sản xuất trong chế tạo – lắp rắp xe hơi, sản xuất – cung ứng linh kiện cho xe hơi, phát triển phần mềm chuyên dụng cho xe hơi… Do đó, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong giao tiếp chuyên ngành, đọc hiểu tài liệu và cập nhật công nghệ mới.
Chương trình chính quy Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Ô tô (mã ngành: 242, mã trường: QSB) của Trường Đại học Bách khoa được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, kế hoạch đào tạo trong bốn năm, bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp. Số tín chỉ, số môn học, nội dung môn học được thiết kế theo hướng tương đương với các trường trong khu vực, cũng như có sự tham khảo và điều chỉnh từ chương trình đào tạo tương ứng của các trường uy tín như Institute of Science & Technology (Ấn Độ), Indiana State University (Mỹ). Sinh viên có thể lựa chọn chuyển tiếp hai năm cuối sang Đại học Griffith (Úc) theo chuyên ngành rộng là Kỹ thuật Cơ khí nếu đạt các điều kiện về học tập, tiếng Anh và tài chính; bằng tốt nghiệp do đại học đối tác cấp.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp