Bốn sinh viên Bách khoa đến từ chương trình Chất lượng cao, Tài năng, Đại trà đã chinh phục các kỹ sư công nghệ của hãng Google bằng ứng dụng mang tên Shareapy.
Đó là các bạn:
- Võ Ngọc Khánh Linh, K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp, trưởng nhóm
- Trần Lâm Bảo Khang, K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp
- Nguyễn Thành Nhân, K2018 chương trình Tài năng, ngành Khoa học Máy tính
- Nguyễn Đăng Huy, K2017 chương trình Đại trà, ngành Khoa học Máy tính
Shareapy là ứng dụng (app), cộng đồng tương tác một chiều, nơi mà người dùng bất kể tuổi tác, giới tính, tôn giáo, tình trạng tài chính… có thể giải phóng cảm xúc và căng thẳng một cách riêng tư hoặc công khai mà không e ngại xấu hổ hoặc bị phân biệt đối xử.
Là thành viên nữ duy nhất đồng thời cũng là người gầy dựng ý tưởng, Khánh Linh cho biết Shareapy là thành quả được nâng cấp từ Barley – nền tảng giao tiếp bằng giọng nói (voice chat platform) hỗ trợ tư vấn tâm lý – đã đạt giải III cuộc thi Bách khoa Innovation 2019 (nhóm khi đó chỉ có Linh và Khang).
Đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm, Linh tận dụng kiến thức học được từ ngành Quản lý Công nghiệp để áp dụng hiệu quả vào mọi mặt của quá trình phát triển sản phẩm: Từ việc lên ý tưởng, lên kế hoạch, phân công, điều phối công việc đến thiết kế chức năng, thiết kế UI/UX… Cộng sự cùng khóa và cùng ngành với Linh là Bảo Khang chuyên trách các mảng phi kỹ thuật (non-tech) khác như tài chính, kiểm tra sản phẩm với người dùng.
“Việc phối hợp với đồng đội thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau giúp em nhận thấy lợi thế của từng ngành cũng như sức mạnh tổng lực của teamwork để tạo nên sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn.” – Linh nói.
Quá trình gầy nhóm tương đối khó khăn, một phần vì Linh biết đến cuộc thi này trễ, một phần vì ngay cao điểm mùa dịch SARS-CoV-2. “Ban đầu đội chỉ có ba người: Em, Khang và một bạn lập trình (developer). Để tìm ra được bạn dev thứ tư, em phải đi liên hệ năm-sáu người lận. Thậm chí tụi em còn phải bắt đầu dự án trước khi đủ người vì sợ không kịp tiến độ cuộc thi.” – Linh chia sẻ.
Mặc dầu cuộc thi diễn ra trong giai đoạn Việt Nam đang thực hiện lệnh cách ly xã hội, song nhóm sinh viên Bách khoa vẫn triển khai công việc trực tuyến hiệu quả thông qua ứng dụng Figma và Google Meet. Sau bốn tháng tâm huyết xây dựng, nhóm đã xuất sắc trở thành một trong 10 đội chiến thắng Solution Challenge 2020 trên toàn thế giới. Đây là nhóm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến nay chiến thắng cuộc thi này.
“Sau khi thi Google thì tụi em đã xây được hoàn chỉnh một chiếc app cho dự án á.” – cô bạn vocalist khả ái của CLB Văn nghệ Bách khoa Quốc tế (BOMB) vui mừng khoe.
Tự hào về thành tích của sinh viên Bách khoa đạt được, PGS.TS. Phạm Trần Vũ – Trưởng Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính bày tỏ: “Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa liên quan đến khoa học và công nghệ, đặc biệt là các cuộc thi có tính quốc tế cao. Việc tham dự các cuộc thi giúp các em mở rộng tầm hiểu biết của mình ngoài những kiến thức được giảng dạy trong nhà trường. Đối với các cuộc thi có quy mô quốc tế như Solution Challenge của Google, các em có cơ hội tiếp cận và vận dụng được những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào thực tiễn. Việc Bách khoa có đội tham dự chiến thắng trong kỳ thi này thể hiện năng lực mang tầm quốc tế của sinh viên, đồng thời còn cho thấy được sự đúng đắn của nhà trường trong việc xây dựng các chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế.”
KHEN THƯỞNG HAI SINH VIÊN BÁCH KHOA QUỐC TẾ ĐOẠT GIẢI GOOGLE SOLUTION CHALLENGE 2020
Ngày 7/7 vừa qua, Trưởng Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), TS. Đặng Đăng Tùng (giữa), đã trao thưởng cho Võ Ngọc Khánh Linh và Trần Lâm Bảo Khang – cùng là sinh viên K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp, vì đã cùng các đồng đội trong dự án Shareapy chiến thắng giải thưởng công nghệ Solution Challenge 2020 của hãng Google.
Mong rằng, sự trao thưởng kịp thời của OISP sẽ tiếp sức cho hai bạn trên chặng đường học tập và nghiên cứu tại Bách khoa.
Solution Challenge là cuộc thi thường niên do cộng đồng Developer Student Clubs (DSC) tổ chức, với sự hậu thuẫn từ hãng công nghệ hàng đầu thế giới Google. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm nền tảng của Google. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm những đề tài công nghệ tiên tiến nhất mà còn nhấn mạnh vào sức ảnh hưởng đến xã hội cũng như khả năng mở rộng phạm vi hiệu dụng của giải pháp trong tương lai. Thang điểm chấm là 100, dựa trên ba tiêu chí: Tác động (50%), công nghệ (40%), khả năng mở rộng (10%).
Cuộc thi 2020 thu hút hơn 800 đại học của trên 60 quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Vượt qua hàng trăm dự án, đội DSC HCMUT của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã được vinh danh ở top 10 chung cuộc cùng với các đội đến từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Zimbabwe, Ghana. Giải pháp của các đội top 10 rất linh hoạt, đa dạng và thông minh, ví dụ như ứng dụng WorthyWalk của Pakistan cung cấp cho người dùng nền tảng để đạt được các mục tiêu về sức khỏe bằng cách đi bộ, chạy hoặc đạp xe; ứng dụng Free-Speak đến từ Đức là phần mềm sử dụng các công cụ phân tích video và âm thanh và máy học hiện đại để phân tích các bài thuyết trình, đưa ra phản hồi và lời khuyên, tư vấn chi tiết cho người dùng nâng cao chất lượng thuyết trình của mình tựa như một huấn luyện viên ảo; ứng dụng SIMHAE của Hàn Quốc giúp con người chia sẻ, tâm sự và thông cảm với nhau, giảm bớt số ca tự tử ở một số nơi nhờ sự chia sẻ và đoàn kết của con người… Theo kế hoạch, 10 đội chiến thắng sẽ đoạt vé đến trụ sở Google tại Sunnyvale, California (Mỹ) để tham gia các hoạt động chuyên môn cùng các kỹ sư của hãng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2 nên kế hoạch bị hoãn lại. Các đội chiến thắng sẽ nhận được giấy chứng nhận, quà từ Google, và tham dự sự kiện ảo để giới thiệu sản phẩm của nhóm đến các thành viên Google trên toàn thế giới. |
THI CA thực hiện, có sử dụng thêm tư liệu từ P.QTTH-TT