Sinh viên Bách Khoa chế tạo máy phân loại rác tự động

Nhóm 5 sinh viên Trường Đại học Bách Khoa đã chế tạo mô hình máy phân loại rác ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là sản phẩm đạt giải Nhì cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020 và giải Ba cuộc thi “Từ nhà sáng tạo đến khởi nghiệp”.

Du-an-yehchai-tai-cuoc-thi-bach-khoa-innovation-2020
Dự án Yehchai tại cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020

ĐỔI RÁC NHẬN QUÀ

Nhóm nghiên cứu gồm năm sinh viên Nguyễn Quốc Thịnh (Ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử – Chất lượng cao), Võ Thị Kiều Quyên (Ngành Kỹ thuật Cơ khí – Đại trà), Trần Minh Khoa (Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá – Tiên tiến), Phạm Trần Thanh Tâm (Ngành Công nghệ may – Đại trà) và Nguyễn Thị Anh Thy (Ngành Kỹ thuật Hàng không – Đại trà). Tận dụng lợi thế đa ngành, nhóm đã phát huy tối đa điểm mạnh của mình để tạo ra sản phẩm hữu ích.

Máy được đặt tên là Yehchai gồm hai chức năng chính là nhận dạng và phân loại rác. Chiếc máy tựa như cây bán nước tự động tại nơi công cộng. Với máy phân loại này, chỉ cần cho rác thải vào ngăn, máy sẽ nhận dạng và đưa về đúng hộc chứa rác. Máy sử dụng công nghệ phân tích ảnh, phân ba loại rác thải cơ bản từ các sản phẩm giải khát là chai nhựa, lon nước, ly giấy. Các hộc được đặt gọn gàng trong bộ khung được gia công đẹp mắt.

Máy nhận diện bằng các camera, nếu rác không thuộc một trong ba loại trên, máy sẽ từ chối nhận. Công đoạn khó nhất nằm ở khâu xử lý ảnh, phải cung cấp cho các mạch rất nhiều dữ liệu để nhận dạng nhiều loại chai, ly, lon khác nhau. Đây cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí có hạn, camera được sử dụng không thuộc những loại tốt nhất. Hiện tại chiếc máy mất khoảng ba giây để hoàn thành mọi thao tác từ nhận diện đến đưa rác vào đúng hộc thu gom. Điểm đặc biệt của chiếc máy này nằm ở chỗ người dùng sẽ được nhận quà khi phân loại rác.

Máy phân loại rác thải tự động Yehchai

PHÁT TRIỂN DỰ ÁN YEHCHAI

Theo TS. Trần Anh Sơn – Phó Trưởng khoa Cơ khí – Trường ĐH Bách Khoa “Ít thấy nhóm nào mà các thành viên đa dạng như nhóm của Thy và Khoa bởi gần như các em là sinh viên ở từng ngành khác nhau. Nhờ vậy các bạn dễ dàng hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tinh thần làm việc nhóm vì thế cũng rất tốt”. TS Sơn cho biết thêm hiện một số đơn vị đã có ý đặt hàng với nhóm nghiên cứu sản xuất để đưa vào hoạt động thực tiễn.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải thiện hệ thống bằng các loại camera “xịn” và có thể tích hợp băng chuyền bên trong cho quy mô lớn. Trong mẫu thử nghiệm, sau khi cho rác vào máy, người dùng sẽ nhận được một dải số may mắn trên màn hình hiển thị.

Nếu kết hợp được với các nhà tài trợ, chẳng hạn như các chuỗi quán cà phê, giải khát, nhóm có thể cho ngẫu nhiên người dùng những mã giảm giá đến các cửa hàng này nhận thưởng. “Những giải thưởng dù nhỏ cũng sẽ khuyến khích mọi người phân loại rác nhiều hơn” – thành viên của nhóm cho biết.

Kế hoạch của nhóm sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm và chinh chiến những cuộc thi khác với mục tiêu kêu gọi hỗ trợ bước đầu trong kế hoạch nhân rộng sản phẩm lên quy mô toàn quốc. Nhóm rất sẵn lòng học hỏi và nhận được ý kiến đóng góp từ mọi người để sản phẩm đạt hiệu quả tốt nhất.

Bach Khoa Innovation là cuộc thi về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp do Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG HCM tổ chức. Cuộc thi nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo và triển khai ứng dụng của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn TP.HCM.

Bach Khoa Innovation giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng để tạo ra các mô hình, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của xã hội.

Bài & Hình: GIA NGHI tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp