Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Xách balo khám phá thế giới với tinh thần Bách khoa sôi nổi, tự tin

Đột ngột chuyển hướng thi vô ngành Khoa học Máy tính Bách khoa từ gốc Ban Khoa học Xã hội ban đầu, Nguyễn Quốc Minh Thư tình cờ trở thành “bóng hồng” duy nhất của lớp CC20KHM2. Đó cũng là lúc thời ĐH chất ngất với thật nhiều trải nghiệm “không gì là không thể” của cô nàng chính thức bắt đầu.

Bài viết liên quan
“Sắn lùi” Bách khoa – Những “đóa hoa” tài sắc
Đậu Bách khoa suýt soát, vào trường trở thành SV tiêu biểu, tài năng
“SV5T” Tiêu biểu cấp Trung ương: Hoạt động tình nguyện giúp mình sống hạnh phúc hơn

NGUYỄN QUỐC MINH THƯ
K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính
GPA: 3.6/4.0
• IELTS: 7.0, Goethe-Zertifikat A2 (tiếng Đức)
• Học bổng trao đổi TL-Stiftung tại ĐH Khoa học Ứng dụng Regensburg (Đức)
• Học bổng Khuyến khích học tập nhiều học kỳ
• Đạt suất thực tập mảng phát triển phần mềm tại công ty công nghệ Monks Ärzte im Netz GmbH (Đức)
• Tham gia Chương trình Đồ án Thiết kế Phần mềm Quốc tế của Trường ĐH Bách khoa và ĐH Sungkyunkwan
• Giải Nhất Văn nghệ OISP Camp 2020
• MC Lễ Bế mạc OISP Camp 2020
• Vi vu 8 quốc gia châu Âu và hơn 30 thành phố suốt gần một năm trao đổi ở Đức

Mình là Nguyễn Quốc Minh Thư, sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính. Có một sự thật thú vị là lớp CC20KHM2 chỉ có một mình mình là con gái. Các lớp chuyên ngành cũng rất ít nữ. Vì vậy, dù sắp ra trường rồi nhưng nhiều khi mình phải ráng gồng, hít một hơi thật sâu để vượt qua cảm giác ngại ngùng mỗi lần lên lớp.

Điểm mạnh của mình là dễ hòa nhập, ham học hỏi và khoái mạo hiểm, không ngại thử thách bản thân với những trải nghiệm mới lạ. Gia đình hay chọc đó là nhược điểm của mình thì đúng hơn, bởi những quyết định liều lĩnh thường dễ dẫn tới sai lầm. Tuy nhiên, chính nét tính cách này đã liên tục thúc đẩy mình bước khỏi vùng an toàn để chinh phục nhiều cột mốc mới.

“Học Bách khoa để kiếm chồng kỹ sư!” – nhà mình hay nói vui như vậy. Thực tế hoàn toàn khác nha. Việc lựa chọn chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính là quyết định được mình cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều tiêu chí.

Hồi cấp Ba, dù học Ban Xã hội nhưng mình cực mê môn Toán và luôn học đều hai khối Tự nhiên – Xã hội. Mình về đội Bách khoa không chỉ vì bề dày lịch sử lâu đời cùng chất lượng đào tạo hàng đầu miền Nam mà còn bởi môi trường học tập năng động với cơ hội nghiên cứu phong phú ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhà trường có nhiều chương trình hợp tác quốc tế và liên kết với hàng loạt doanh nghiệp lớn như: Bosch, Renesas, FPT Software, VNPT, Vettel… Tất cả sẽ là bệ phóng quan trọng cho sự nghiệp tương lai của mình.

Hơn nữa, vốn là cô nàng đam mê thử thách, mình muốn coi bản thân sẽ thích nghi ra sao với “thánh địa” Bách khoa nổi tiếng khô, khó, nặng, nhất là khi theo đuổi ngành hot nhất trường – Khoa học Máy tính.

Và dù bị hàng trăm deadline hành “lên bờ xuống ruộng” suốt bốn năm qua, mình chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã mạnh dạn chọn vô Bách khoa năm nào.

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính không chỉ giúp mình trau dồi tiếng Anh một cách bài bản mà còn cho phép mình tiếp cận xu hướng công nghệ mới nhất toàn cầu. Tiếng Anh chuyên ngành hé lộ cánh cửa rộng mở để mình giao lưu, kết nối với bạn bè thế giới. Điều này rất cần thiết trong ngành công nghệ thông tin – nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chủ đạo.

Đặc biệt, chương trình học không chỉ đáp ứng tốt mà còn vượt xa yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu. Trường và khoa rất chú trọng công tác hợp tác quốc tế thông qua hàng loạt dự án, hội nghị, hội thảo học thuật chuyên ngành và liên ngành. Nhờ đó, sinh viên vừa giao tiếp bằng tiếng Anh một cách tự tin vừa chuẩn bị chạy đà và sẵn sàng cạnh tranh khắp năm châu.

Sự cởi mở và đa dạng trong phương pháp tiếp cận vấn đề từ chương trình đào tạo đã khuyến khích người học nâng cao khả năng ứng biến linh hoạt, đồng thời liên tục mở rộng tầm nhìn trong quá trình tìm kiếm và nắm bắt cơ hội nghề nghiệp.

Sau những ngày triền miên “chiến đấu” với cơn bão deadline, mình nhận ra rằng “không gì là không thể”. Niềm tin này tôi luyện tinh thần cứng cỏi, thôi thúc mình dũng cảm đương đầu với mọi thách thức trong chuyện học, công việc và cuộc sống. 

Trong số các môn chuyên ngành, mình ấn tượng nhất với môn Nguyên lý Ngôn ngữ Lập trình do thầy chủ nhiệm Nguyễn Hứa Phùng đứng lớp. Môn học này nổi tiếng là “môn đồ tể của ngành Khoa học Máy tính” suốt nhiều năm qua.

Quả là “danh bất hư truyền”, mình cũng gặp khá nhiều thử thách như bao sinh viên các khóa. Thế nhưng, chính những khó khăn đã giúp mình hiểu được tầm quan trọng của các nguyên lý cơ bản. Thầy Phùng hay nhấn mạnh rằng: Không có con đường tắt trong việc học lập trình. Mọi thứ đều cần được hiểu thấu đáo và toàn diện.

Những bài kiểm tra đầu tiết buộc mình chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Các bài tập lớn với hàng trăm test case là dịp tốt để tụi mình khắc sâu kiến thức, mài giũa năng lực chuyên môn, đồng thời nâng trình combo kỹ năng mềm: giao tiếp – thuyết trình – làm việc nhóm – quản lý thời gian.

Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc và học hỏi từ những đồng môn Bách khoa ưu tú đã thôi thúc mình hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Bốn năm ĐH vừa qua, mình xây được hội bạn thân siêu chất lượng. Bạn nào cũng năng động và xịn sò. Được học chung với nhóm bạn VIP pro như vậy, mình thấy áp lực đồng trang lứa (peer pressure) ngang nhưng tự dặn lòng cố nỗ lực vươn lên, coi đó là “nguồn nhiên liệu” tiếp sức cho bản thân bay cao, bay xa. 

Mình may mắn nhận học bổng trao đổi TL-Stiftung tại ĐH Khoa học Ứng dụng Regensburg (Đức) vào tháng 11/2022. Quá trình ứng tuyển kéo dài một tháng là hành trình vừa thử thách vừa thú vị. 

Quỹ học bổng TL-Stiftung đã hỗ trợ những khoản chi phí cần thiết để mình tập trung chuẩn bị hồ sơ. Về phía nhà trường, các thầy cô Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính cùng Phòng Quan hệ Đối ngoại đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích, nhờ thế mình có thể đáp ứng mọi tiêu chí của học bổng.

Bên cạnh đó, mình cũng gặp nhiều áp lực khi phải vừa cân bằng việc học vừa hoàn tất thủ tục về trao đổi tín chỉ, môn học, thời gian học hay giấy tờ pháp lý liên quan tới visa, chứng minh tài chính, hợp đồng bảo hiểm… Mình học được nhiều kỹ năng mới như tổ chức cuộc sống, sắp xếp thời gian, giao tiếp quốc tế cũng như biết cách gánh vác và chu toàn mọi việc.

Bí quyết chinh phục hội đồng xét tuyển của mình là chủ động xây dựng hồ sơ từ sớm và khẳng định mục tiêu rõ ràng cùng niềm đam mê khám phá thế giới ở vòng phỏng vấn. Ngoài ra, mình cũng thể hiện năng lực thích ứng – làm việc trong trong môi trường đa văn hóa (yếu tố thường được chú trọng trong các chương trình trao đổi quốc tế).

Vậy là mình “gói” tinh thần “không gì là không thể” của dân Bách khoa vào balo để qua Đức trao đổi tín chỉ trong gần một năm. Với khối kiến thức chuyên ngành vững chắc tích lũy trước đó, mình có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường mới. Đặc biệt, mình nhận thấy chất lượng đào tạo của chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh trường mình không chênh lệch gì mấy so với trường bạn.

Cuộc sống ở Đức và việc học tại ĐH Khoa học Ứng dụng Regensburg đem tới cho mình trải nghiệm phong phú. Một trong những điều bất ngờ nhất là cách các trường Đức tích cực kết nối sinh viên với nghề nghiệp thực tế. Mình có cơ hội học hỏi từ những chuyên gia công nghệ của InterContinental, AWS, Google… Họ không chỉ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn giới thiệu nhiều dự án mang tính ứng dụng cao, giúp tụi mình hiểu rõ hơn về cả lý thuyết lẫn thực tiễn. 

Chưa dừng lại ở đó, phương pháp học tập tại Đức cũng khá khác biệt so với Việt Nam. Phần lớn dự án yêu cầu sinh viên làm việc linh hoạt, độc lập, chịu khó tìm tòi và nỗ lực giải quyết vấn đề. Điều này cổ vũ tụi mình phát huy tính kỷ luật, kỹ năng tự học cùng tư duy đổi – mới sáng tạo.

Ngoài ra, phong cách sống của người Đức cũng rất đáng học hỏi. Họ luôn ưu tiên sự cân bằng trong mọi mặt cuộc sống thông qua thói quen sinh hoạt lành mạnh hay chính sách làm việc linh hoạt.

Sau 11 tháng trao đổi tại ĐH Khoa học Ứng dụng Regensburg, mình đã đạt được hai thành tích nho nhỏ:

  • Tích lũy 63 tín chỉ châu Âu. Điểm số môn chuyên ngành luôn nằm trong khoảng 1-1.7 theo thang điểm Đức (trong đó điểm 1 là điểm cao nhất)
  • Giành được suất thực tập tại một công ty phần mềm uy tín tại TP. Munich với mức lương khởi điểm 1.500 EURO

Với mình, chuyến trao đổi đã vượt xa mong đợi, góp phần mang tới góc nhìn toàn diện hơn về nền giáo dục tiên tiến cùng quy trình làm việc chuyên nghiệp tại Đức. Qua đó, mình củng cố niềm tin vào khả năng hòa nhập – phát triển của bản thân trong môi trường quốc tế, đồng thời nuôi dưỡng khát vọng tiếp tục rèn giũa kỹ năng chuyên môn và thụ đắc tri thức bậc cao trong ngành Khoa học Máy tính.

Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp