Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Từ sinh viên Bách khoa xuất sắc tới nhà sáng lập trung tâm đào tạo vi mạch

Tiếp nối truyền thống rành kỹ thuật, thạo ngoại ngữ, giỏi kinh doanh từ các tiền bối Bách khoa thành đạt, cựu sinh viên Nguyễn La Thông đang miệt mài góp thêm câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của mình.

NGUYỄN LA THÔNG
• K2017 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính
• Nhà sáng lập Trung tâm Đào tạo Vi mạch ICTC
• Kỹ sư Thiết kế Vi mạch tại Công ty NSing Technologies (Singapore)
• Kỹ sư Kiểm định Thiết kế tại Công ty Ampere
• Tác giả bài báo khoa học trên Tạp chí Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers IEEE)
• Giải Vô địch cuộc thi Intel Expert Challenge 2020
• Thực tập sinh tại Công ty Marvell Việt Nam
• Trưởng Phòng Kinh doanh PC 248
• Sáng lập và phụ trách nội dung kênh YouTube review công nghệ JerriTech
• Đồng sáng lập công ty TN7

Mình là Nguyễn La Thông, sinh viên K2017 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính. Hồi học ĐH, bạn bè hay gọi đùa mình là Thông “đa cấp” vì mình hay khởi nghiệp kinh doanh máy tính. Sở trường của mình là giao tiếp, quản lý và tận dụng ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa công việc. Bên cạnh đó, mình cũng rất cầu toàn và tham công tiếc việc. 

Điểm khác biệt giữa mình so với đa số các bạn ngành kỹ thuật là sở thích và năng khiếu kinh doanh. Do đó, hành trình của mình từ nhỏ tới giờ luôn là sự kết hợp giữa hai yếu tố kinh doanh và công nghệ – kỹ thuật.

Mình định hướng thử sức với kinh doanh ngay từ đầu bởi mảng này cần va chạm nhiều. Thế nhưng, với niềm đam mê công nghệ, mình quyết định chọn ngành Kỹ thuật Máy tính vì nếu muốn vừa làm thêm vừa học tốt thì phải chọn ngành bản thân yêu thích. Thêm nữa, tiếng Anh chuyên ngành từ chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh giúp bằng cấp của mình có giá trị quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội làm việc trên toàn cầu. Còn về lý do thi vào trường thì đơn giản thôi: Bách khoa là trường ĐH kỹ thuật hàng đầu cả nước.

Trở thành Quán quân Intel Expert Challenge và công bố bài báo trên Tạp chí Hiệp hội Kỹ sư Điện – Điện tử Quốc tế (IEEE) là hai thành tựu khiến mình tự hào nhất thời sinh viên:

  • Thành tích tại cuộc thi Intel Expert Challenge góp phần chứng tỏ công sức, nỗ lực cùng đam mê công nghệ của mình thực sự có kết quả. Hơn nữa, giải thưởng lớn này cũng là thành quả xứng đáng khi lần đầu tiên, mình đại diện Bách khoa chinh chiến tại đấu trường uy tín cả nước.
  • Dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Ngọc Thịnh và anh Lê Tấn Long, mình đã cùng nhóm bạn luận văn xuất bản một bài báo trên IEEE. Trước đó, thỉnh thoảng, mình phân vân liệu bản thân vừa kinh doanh vừa làm công nghệ có nửa vời, thiếu hiệu quả không. Việc xuất bản bài báo giúp mình thêm tự tin về năng lực kỹ thuật của bản thân. 

Bách khoa cho mình hội cạ cứng chất như nước cất. Có bạn biết nhau từ hồi tiểu học, trung học, lại có bạn mới quen khi lên ĐH. Do mình mải mê làm thêm, kinh doanh và không có nhiều thời gian ôn tập nên các bạn thường xuyên giảng bài hay phụ mình làm bài tập nhóm. Bù lại, khi anh em cần hỗ trợ vấn đề kỹ thuật hoặc tư vấn việc làm, mình sẽ giúp đỡ hết mình.

Ngoài ra, mình còn nhóm bạn xịn sò khác. Tụi mình thực tập chung tại Công ty Marvell và cùng làm luận văn, rồi xuất bản bài báo trên IEEE. Hiện cả nhóm đều làm việc cho các ông lớn trong ngành vi mạch. 

Tình bạn gắn bó với các chiến hữu trên chính là chỗ dựa vững chắc giúp mình vừa cân bằng việc học vừa thử sức với công việc bên ngoài.

Tại Bách khoa Quốc tế, mình có dịp tiếp xúc với nhiều bạn trẻ tài năng, tham gia những cuộc thi bổ ích và phụ trách với các dự án phức tạp, trong môi trường đòi hỏi tiếng Anh chuyên ngành. Chính sự cọ xát từ sớm và liên tục đó giúp mình mạnh dạn đối đầu cũng như tự tin chinh phục thử thách.

Hành trình theo đuổi ngành vi mạch của mình bắt đầu từ vị trí thực tập sinh tuyệt vời tại Công ty Marvell từ năm Ba. Sau khi tốt nghiệp, mình cùng lúc nhận được lời mời làm việc từ cả Marvell lẫn Ampere. Mình chọn Ampere và gắn bó một năm. Tiếp theo, mình “đầu quân” cho NSing Technologies (Singapore) ở vị trí Kỹ sư Thiết kế Vi mạch, mảng kiểm thử. Công việc của mình là kiểm tra xem hiệu năng của chip có đảm bảo yêu cầu không trước khi đưa tới nhà máy (vì một lỗi nhỏ cũng có thể gây hao tốn hàng triệu đô-la). Hiện tại, mình chủ yếu làm việc ở Việt Nam và sẽ qua Singapore công tác vài lần mỗi năm.

Để hoàn thành tốt công việc, mình phải tự học, làm việc nhóm và sử dụng tiếng Anh siêu siêu nhiều. Đây đều là những kỹ năng được rèn luyện nhuần nhuyễn ở Bách khoa nên mọi thứ với mình tương đối dễ dàng.

Đi làm vài năm trong công ty đa quốc gia, mình đã trải nghiệm nhiều điều thú vị về văn hóa – ẩm thực và phong cách làm việc từ các đồng nghiệp Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc. Nếu trước đây, ở Marvell và Ampere, mình làm việc trực tiếp với anh chị người Việt (giao tiếp bằng tiếng Anh), có gì khó cứ hỏi tiền bối là xong thì tại NSing Technologies, mình phải thường xuyên trao đổi trực tuyến với team trên khắp toàn cầu. Điều này cộng thêm sự chênh lệch múi giờ khiến mình phải cố gắng nhiều hơn để xử lý công việc một cách nhanh gọn và hiệu quả. 

Từ nhỏ, mình đã cực mê máy tính, laptop, điện thoại. Trong nhà, không ai có kiến thức về công nghệ thông tin nên mình tự mò mẫm học phần mềm, cài win, cài game đủ hết. Riết rồi nó trở thành đam mê hồi nào hổng hay. 

Lớn hơn một chút, lòng hiếu kỳ của mình dần mở rộng qua mảng vi mạch – phần cứng. Mình bắt đầu tìm hiểu về các loại chip của AMD, Intel, NVIDIA. Chứng kiến sự phát triển vượt bậc của chúng theo thời gian, mình rất bất ngờ trước sức mạnh của công nghệ tiên tiến ẩn giấu trong những con chip nhỏ xíu, chỉ lọt thỏm trong lòng bàn tay. Sự ra đời của mỗi con chip đòi hỏi rất nhiều tài nguyên, tiền bạc và trí tuệ con người. Đó là điều mình thực sự ấn tượng.

Thời còn làm việc ở Ampere, mình nhận được nhiều câu hỏi về ngành vi mạch từ các đàn em. Tuy nhiên, thật khó để học được một ngành mới như vi mạch vì lúc đó thông tin còn ít, gần như chưa có giáo trình bài bản hay môi trường thực hành chỉn chu. 

Từ khi “bén duyên” với NSing Technologies, mình tiếp xúc với giáo trình vi mạch của Singapore, đồng thời làm việc với các kỹ sư có thâm niên trong nghề và cùng đam mê giảng dạy. Vậy là yeah, Trung tâm Đào tạo Vi mạch ICTC chính thức ra đời. Mình hào hứng kết hợp kỹ năng vận hành – quản lý công ty với kinh nghiệm xây dựng hệ thống máy chủ mô phỏng vi mạch. 

Đây là dự án tâm huyết nhất từ trước tới nay vì mình có thể vận dụng tất cả kiến thức, kinh nghiệm bản thân tích lũy suốt nhiều năm qua, đồng thời tập hợp đội ngũ giảng viên xịn sò là các kỹ sư vi mạch kỳ cựu. Thêm nữa, những bài giảng, môn học và trải nghiệm học tập ở Bách khoa Quốc tế đã góp phần xây dựng nền móng chắc chắn để mình thiết kế giáo trình giảng dạy vi mạch cho ICTC.

Song song đó, group Cộng Đồng Chia Sẻ Kiến Thức Vi Mạch cùng ICTC của mình cũng thu hút hơn 10.600 thành viên từ nhiều trường ĐH trên khắp cả nước, trong đó có Bách khoa.

Nhìn lại hành trình từ lúc loay hoay tìm kiếm tài liệu ngành vi mạch tới nay, mình cảm thấy vô cùng hãnh diện và tự hào. Dự án nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ cộng đồng cùng sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư công nghệ – giáo dục. Trong tương lai, mình mong muốn ICTC sẽ hợp tác với các trường ĐH (đặc biệt là Trường ĐH Bách khoa) để bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về vi mạch cho sinh viên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm nóng vi mạch sắp tới của thế giới.

Với mình, nơi tốt nhất để các bạn gầy dựng nền tảng là trường ĐH, còn ICTC sẽ giúp các bạn từng bước phát huy thế mạnh và tiến xa hơn nữa trong mảng chuyên môn đã chọn. 

Dọc hành trình thử sức với nhiều công việc khác nhau, mình gặp phải thử thách quen thuộc là bản thân không phải chuyên gia kinh doanh hay cao thủ kỹ thuật dù có kha khá kinh nghiệm cả hai mảng. Sau nhiều trăn trở, mình phát hiện bản thân tỏa sáng nhất khi kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố này. 

Đôi khi tham gia một cuộc thi hoặc ứng tuyển vô công ty mảng kinh doanh, mình là ứng viên duy nhất xuất thân từ trường kỹ thuật. Vậy nên với những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên khối ngành Kinh doanh/ Kinh tế nắm chắc thì mình phải tự kinh qua khi trầy trật đi làm. Tuy nhiên, chính những kinh nghiệm thực chiến đó cùng khả năng phân tích – giải quyết vấn đề sâu trong tư duy của một cử nhân kỹ thuật lại giúp mình tìm ra giải pháp tối ưu và khác biệt.

Đây cũng là lý do những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng vị trí chuyên viên kinh doanh am tường kỹ thuật trên thị trường ngày càng tăng nhanh. Mình cũng nhận ra vai trò thiết yếu của tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp. Nhiều lúc để xử lý công việc, bạn không cần năng lực chuyên môn quá đỉnh mà cần khả năng truyền đạt mạch lạc, đặc biệt là khả năng giao tiếp tự tin với đối tác nước ngoài bằng tiếng Anh.

Một điều cực kỳ quan trọng nữa là khả năng giao việc và quản lý. Thời gian đầu, với mỗi dự án, mình luôn cố gắng tự làm mọi thứ vì lo người khác không làm đúng ý mình. Sau đó, mình dần cải thiện khả năng phân công – điều phối một cách khoa học, nhờ đó dự án có thể vô guồng dễ dàng trong khi bản thân không còn quá tải.

Là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực này từ hơn 20 năm nay thông qua hai khoa: Khoa học & Kỹ thuật Máy tính và Điện – Điện tử. Quý phụ huynh – thí sinh quan tâm có thể tìm hiểu thông tin về:

Bài: XUÂN MAI

Bài trước

Bài tiếp