Làm thế nào để sinh viên mới ra trường được nhận vào vị trí yêu thích trong một công ty “vạn người mê”? Đây quả là thử thách khó nhằn nếu bạn vẫn còn quá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, không gì là không thể. Nếu áp dụng ba bí quyết hữu ích này thật hợp lý, bạn hoàn toàn có thể giành vé “bay thẳng” tới công việc trong mơ của mình. Cùng Ad khám phá ngay nào!
1. Thiết kế CV chuyên nghiệp, lung linh
CV (curriculum vitae) là một trong những công cụ hiệu quả nhất giúp ứng viên thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khi viết CV, bạn cần trình bày đầy đủ và ngắn gọn thông tin cá nhân, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp cùng mục tiêu sự nghiệp. Với một bản CV ấn tượng, bạn sẽ dễ dàng tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng cũng như được họ chú ý hơn trong những vòng tiếp theo.
Để thiết kế một CV bắt mắt và thu hút, bạn cần lưu ý:
- Độ dài tối đa 2 trang A4
- Đưa những thông tin quan trọng nhất lên phần đầu
- Tuyệt đối không viết tắt, viết sai chính tả, lỗi morasse
- Hạn chế dùng từ ngữ hoa mỹ, chung chung, câu phức
- Ưu tiên sử dụng động từ mạnh để mô tả những công việc/ nhiệm vụ bạn từng phụ trách (tham khảo động từ mạnh tại đây và đây)
- Chọn lọc thông tin, tránh viết lan man, dàn trải
- Nên cung cấp những con số cụ thể để tăng thêm sức thuyết phục
- Đảm bảo thông tin trung thực, khách quan
- Lựa chọn font chữ không chân phù hợp (ví dụ Arial, Roboto, Nunito, Tahoma…)
- Căn lề và điều chỉnh khoảng cách các đoạn
- Trình bày CV gọn gàng, trang nhã, hạn chế dùng các màu sắc rực rỡ, lòe loẹt
2. Trả lời phỏng vấn chủ động, tự tin
Nếu nhận được lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng thì “thời” của bạn đã đến rồi đó. Phải nhanh chóng nắm bắt thôi. Để buổi gặp gỡ diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp, bạn nên thủ sẵn một số mẹo sau:
- Tìm hiểu tất tần tật về công ty mà bạn ứng tuyển (lịch sử hình thành, chức năng, nhiệm vụ, triết lý hoạt động, thành tựu nổi bật…)
- Nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí công việc và xu hướng phát triển của lĩnh vực chuyên môn mà bạn đang theo đuổi
- Chuẩn bị chu đáo cho những câu hỏi/ tình huống có thể xảy ra trong buổi phỏng vấn
- Lựa chọn trang phục lịch sự, phù hợp
- Đến đúng giờ (tốt nhất bạn tới sớm khoảng 15 phút)
- Ghi điểm với phong thái tự tin, bình tĩnh, chủ động và luôn nở nụ cười
- Xử lý những câu hỏi hóc búa theo phương pháp STAR (S-situation, T-task, A-action, R-result)
- Khéo léo nhấn mạnh thế mạnh và tiềm năng của bản thân
- Lên sẵn một số câu hỏi dành cho công ty vào cuối buổi gặp
- Viết một email ngắn gọn để cảm ơn nhà tuyển dụng và trình bày ngắn gọn mong muốn đồng hành với họ
3. Khéo léo thương lượng mức lương mà bạn mong muốn
Trước khi đàm phán mức lương, chúng ta cần nắm vững những khái niệm cơ bản về lương gross, lương net, tiền thưởng (theo tháng, cuối năm, theo chính sách công ty), các khoản khấu trừ cá nhân, chế độ phúc lợi (bảo hiểm, phụ cấp)…
Tiền lương đúng là yếu tố quan trọng đối với người tìm việc, nhưng không phải tất cả. Khi thương lượng với nhà tuyển dụng, bạn cần tìm hiểu cặn kẽ và cân nhắc kỹ lưỡng về những đãi ngộ đi kèm như: xe bus đưa đón, hỗ trợ thiết bị làm việc (máy tính, điện thoại), thù lao tăng ca…
Để đạt được mức lương tương xứng với năng lực bản thân, bạn phải:
- Hiểu rõ thế mạnh của mình: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm
- Tìm hiểu mức lương bình quân của vị trí bạn đang ứng tuyển trên thị trường lao động
- Đặt ra mức lương tối thiểu cũng như tối đa có thể đáp ứng được nhu cầu của bạn
- “Biết người biết ta, trăm trận trăm tháng”, tránh so sánh bản thân với người khác
- Bày tỏ những kỳ vọng khác bên cạnh tiền lương (chẳng hạn, nếu chấp nhận mức thu nhập không quá cao, bạn sẽ được công ty training nhiều hơn, có nhiều ngày nghỉ hơn, được làm việc tại nhà hoặc chuyển tới thành phố ít đắt đỏ hơn…)