Một kiến trúc sư giỏi phải cân bằng được yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Điểm thú vị của Kiến trúc Chất lượng cao Bách khoa là có được cả hai tiêu chí này trong chương trình đào tạo. Đó là lý do em không đắn đo chọn ngành Kiến trúc chương trình Chất lượng cao.
ĐỊNH HƯỚNG ƯỚC MƠ kiến trúc NGAY TỪ NHỎ
NGUYỄN QUANG KHÁNH Sinh viên ngành Kiến trúc, Chương trình Chất lượng cao, khóa 2021 – GPA: 7.5 – IELTS: 7.5 – Giải 3 Thiết kế nhanh A FES13 – Giải 3 Không gian sắp đặt nghệ thuật FES13 (Giải Tập thể Trường Đại học Bách khoa) |
Ngay từ nhỏ em là một đứa bé yêu thích thiên nhiên, thích đi bộ trong rừng và được tận hưởng không khí trong lành. Hơn hết, em cũng rất hứng thú với các công trình quanh nơi mình sống và rộng ra là các công trình ở những nơi em có dịp đặt chân đến. Khi lớn hơn, em càng định hướng được rõ ràng ước mơ của mình là gì. Em nhận ra rằng em muốn làm một kiến trúc sư cảnh quan.
Kiến trúc Bách khoa chú trọng về sáng tạo, thẩm mỹ mà còn dành sự quan tâm lớn kỹ thuật
Điểm thú vị của ngành Kiến trúc chương trình Chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa so với các trường đào tạo kiến trúc khác là chương trình đào tạo chú trọng không chỉ về mặt sáng tạo và thẩm mỹ mà còn dành sự quan tâm lớn về mặt kỹ thuật. Em nghĩ đây là một điều hết sức hợp lý. Theo quan điểm cá nhân, em nghĩ rằng một kiến trúc sư giỏi là một kiến trúc sư phải cân bằng được yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật mới có thể tạo ra những công trình đặc sắc.
Hơn hết, chương trình Chất lượng cao của Trường ĐH Bách Khoa cũng được biên soạn, giảng dạy hoàn bằng tiếng Anh và tiệm cận với chương trình đào tạo của một số nước Phương Tây. Việc này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho sinh viên có thể ứng tuyển và làm việc tốt tại các công ty kiến trúc đa quốc gia hoặc có thể chuyển tiếp du học sang các nước khác và được công nhận.
Một điểm đặc biệt ở Kiến trúc Bách khoa mà em rất thích đó là Khoa, Bộ môn luôn tạo điều kiện để mỗi sinh viên phát triển hết thế mạnh của mình và không rập khuôn thành một hình mẫu nhất định nào. Bởi ngành Kiến trúc đòi hỏi người học, người làm phải luôn tạo ra những tác phẩm mới, không ngừng sáng tạo để vươn lên. Bên cạnh đó, giảng viên ở Bộ môn Kiến trúc rất sâu sát trong việc biên soạn tài liệu, giảng bài cho sinh viên. Khi đến Bách khoa, không những em học được từ thầy cô kiến thức thức chuyên ngành mà còn học được thần thái, tác phong, nguyên tắc làm việc sao cho thật chỉn chủ và tỉ mỉ. Từng hành động, từng cử chỉ khi học hành và làm việc đều được thầy cô hướng dẫn kỹ càng sao cho chuyên nghiệp nhất.
Yêu nghề hơn từ các hoạt động ngoại khóa
Trường ĐH Bách khoa thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như các buổi hội thảo với khách mời là giảng viên từ những trường đại học có tiếng trong và ngoài nước, kiến trúc sư nổi tiếng. Hơn hết, các buổi workshop cũng được tổ chức đều đặn và đa dạng về nội dung, giúp sinh viên hoàn thiện khả năng của mình hơn. Bên cạnh đó, Bộ môn Kiến trúc cũng tổ chức nhiều buổi thi, giao lưu kí họa, nhiếp ảnh để giúp sinh viên trau dồi kỹ năng và học hỏi lẫn nhau. Điển hình như tham quan nhà thờ Ka Đơn (Đơn Dương, Lâm Đồng) với chuỗi hoạt động như workshop thiết kế cảnh quan khuôn viên nhà thờ, workshop về Ngôi nhà ảo (Virtual home) cùng với phái đoàn của thầy Bartosz Sliwecki và KTS. Martin Kaminski tới từ Đại học Công nghệ Bialystok (Bialystok University of Technology); talk show với KTS. Simeon Lim đến từ DP Architects Singapore (công ty kiến trúc lớn thứ 8 thế giới); tham quan Công ty Thiết kế cảng biển PORTCOAST, công ty Thiết kế Công trình Xanh Greenviet…
Đặc biệt là tại kỳ FES13* sinh viên kiến trúc toàn quốc vừa qua, Trường đã tạo điều kiện cho rất nhiều sinh viên năm Nhất tham gia tranh tài (điều mà hiếm có trường nào thực hiện). Một may mắn là em được chọn để tham gia cuộc thi này. Qua các hoạt động, em cảm thấy mình có một góc nhìn mới hơn về ngành Kiến trúc, có sự hiểu biết sâu hơn về chuyên môn. Quan trọng nhất, em cảm thấy yêu nghề và có động lực để bước tiếp con đường khó khăn phía trước.
Sau một tuần tranh tài tại FES13 với biết bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn, em đã đúc kết cho mình được nhiều bài học bổ ích và một số thành tích nhất định như giải Ba Không gian sắp đặt nghệ thuật (thành tích chung của đoàn Trường ĐH Bách khoa) và giải Ba nội dung Thiết kế nhanh A với tác phẩm “Gợi”. Tuy đây là những thành tích này nhỏ bé nhưng lại mang đến cho em một động lực dồi dào, một niềm tin rằng bản thân đang đi đúng hướng và mọi nỗ lực rồi sẽ mang lại trái ngọt.
Em muốn chia sẻ thêm một điều đặc biệt nữa ở Kiến trúc Chất lượng cao Bách khoa nữa là có khá nhiều bạn nữ. Lớp em nữ chiếm khoảng 1/3 dân số. Các bạn nữ thường có khả năng hội hoạ rất tốt cũng như cảm quan về không gian, nghệ thuật tinh tế. Theo em, nữ nắm rất nhiều lợi thế khi học ngành Kiến trúc bởi tính cẩn thận, tỉ mỉ, lắng nghe, chịu khó quan sát. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà Zaha Hadid lại là một trong những nữ kiến trúc sư hàng đầu thế giới và được rất nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, các bạn nữ cũng gặp một số khó khăn nhất định, ví dụ như là sức khoẻ, vì đặc thù của ngành Kiến trúc là một ngành học rất cực. Tóm lại, nữ học Kiến trúc vẫn quá tốt, không có gì phải sợ nên các bạn cứ mạnh dạn đăng ký miễn có đam mê, yêu thích là được.
* Cuộc thi FES13 là một cuộc thi được tổ chức hai năm một lần dành cho tất cả các trường đào tạo ngành kiến trúc trên toàn quốc. Mỗi trường chọn 25 thành viên để tham dự. Cuộc thi được chia thành nhiều nội dung khác nhau để các trường cùng tham gia tranh tài (Thiết kế Logo, bích họa, ký họa, nhiếp ảnh, thiết kế nhanh A, (thiết kế công trình biểu tượng mới dành cho thành phố Tuy Hòa), thiết kế nhanh B (quy hoạch một vùng của thành phố Tuy hòa) và cuộc thi quan trọng nhất chính là cuộc thi Thiết kế không gian sắp đặt nghệ thuật 3x3m và không gian lều trại xung quanh 3x10m. Điểm thú vị và mới lạ tại các cuộc thi này là sinh viên từ chung trường sẽ không thi cùng nhau mà thay vào đó sẽ được bắt đội ngẫu nhiên với tiêu chí là một đội sẽ không có hai sinh viên đến từ một trường. Qua đó, các sinh viên từ mọi miền cả nước được học tập và giao lưu với nhau.
Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tuyển sinh ngành Kiến trúc chương trình Chất lượng cao, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp. – Mã ngành: 217 – Mã trường: QSB Đặc biệt, ngành Kiến trúc của Trường Đại học Bách khoa không thi vẽ đầu vào mà xét tuyển bằng tổ hợp môn A01 và C01. Điều này mở ra cơ hội cho các thí sinh chưa có cơ hội học vẽ ở bậc phổ thông nhưng có đam mê ngành Kiến trúc. Nhà trường sẽ có các kỳ kiểm tra và các khóa bồi dưỡng năng khiếu vẽ cho thí sinh sau khi trúng tuyển. |
GIA NGHI thực hiện