Chọn Quản lý Công nghiệp sau cú “quay xe” khỏi ngành y

“Quẹo cua” cực gắt, nhưng Võ Đặng Phúc Duyên K2017, chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp – vẫn “làm chủ tay lái” siêu xịn với thành tích GPA 8,2/10, IELTS 7.0/9.0 cùng kha khá học bổng trao đổi sinh viên quốc tế.

Trước đây, Duyên đã từng nung nấu ý định học ngành y theo truyền thống của gia đình. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ về sở thích, đam mê, Duyên đã “quay xe” phút chót và chọn học ngành Quản lý Công nghiệp, chương trình Chất lượng cao (giảng dạy bằng tiếng Anh) của Trường ĐH Bách khoa. “Đây chắc là quyết định đúng đắn nhất của tuổi 18!” cô bạn khả ái khẳng định.

Bài viết liên quan
Quản lý Công nghiệp – màu sắc riêng trong khối ngành quản trị
Lương Nhật Phương: càng học càng mê ngành Quản lý Công nghiệp
Nguyễn Thị Cẩm Tú – nàng sinh viên năng động, nhiệt huyết của khoa Quản lý Công nghiệp

BÁCH KHOA QUỐC TẾ MỞ RA NHIỀU CƠ HỘI TRAO ĐỔI SINH VIÊN

Lựa chọn học tập tại chương trình đào tạo quốc tế của Trường ĐH Bách khoa (gọi tắt là BK-OISP) đã đem đến cho Duyên nhiều thử thách, cũng là cơ hội để rèn luyện và phát triển bản thân trên hành trình trở thành công dân toàn cầu.

Việc duy trì kết quả học tập xuất sắc trong quá trình học tại Bách khoa là điều mà tất cả sinh viên nào cũng phải nỗ lực hướng tới. Ngoài mục tiêu chung, bạn sẽ chỉ trở nên khác biệt khi tạo nên dấu ấn “thương hiệu” cho bản thân bằng những thành tích khác. Và việc tham gia nhiều hoạt động sinh viên và tìm cơ hội ẵm học bổng trao đổi chính là lối đi riêng mà Duyên đã chọn để rút ngắn khoảng cách toàn cầu hóa chính mình.

Với cách nghĩ đó, Phúc Duyên đã lần lượt được TFSCALEERASMUS+ gọi tên. Đây là hai chương trình trao đổi học tập trứ danh của giới sinh viên toàn quốc. Chia sẻ cùng BK-OISP, Duyên nói đây là cơ hội quý báu để các bạn được là đại diện sinh viên Việt Nam, mang màu sắc, văn hóa Việt Nam đến các quốc gia phát triển và thắt chặt mối quan hệ giữa các nước ở cấp độ thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Nhờ cơ hội học tập tại BK-OISP, cô bạn đã trang bị cho mình hành trang kiến thức chuyên môn vững từ các thầy cô khoa Quản lý Công nghiệp, kỹ năng thuyết trình tự tin từ môn Kỹ năng Mềm trong học kỳ Pre-University, cùng vốn tiếng Anh để tranh tài hùng biện với các sinh viên nước bạn. Không chỉ vậy, Duyên và các bạn còn được thực hiện nhiều dự án tìm hiểu văn hóa và hiểu được rằng lý do tại sao Singapore lại phát triển mạnh mẽ đến thế. Từ đó, bạn có được cho mình case study thực tế và áp dụng vào việc học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của mình trong những năm còn lại [Duyên đạt học bổng TFSCALE sang Singapore khi đang học năm thứ Hai tại Bách khoa – người viết].

Võ Đặng Phúc Duyên (hàng ngồi gần màn hình, bìa trái) và các sinh viên tham gia chương trình TFSCALE tại Nanyang Polytechnic, Singapore, năm 2019.

MỞ RỘNG MỐI QUAN HỆ BẠN BÈ khắp NĂM CHÂU

Chuyến trao đổi sinh viên ERASMUS+ sang châu Âu là khoảng thời gian ý nghĩa nhất với Duyên. Đúng như dân kinh tế quản trị hay nói, “High risk, high return”, điều này diễn tả đúng và đủ về chuyến đi này. ERASMUS+ là chương trình học bổng hợp tác hỗ trợ sinh viên toàn cầu tiếp cận nền giáo dục của Liên minh Châu Âu và gần như tài trợ toàn bộ chi phí học tập, đi lại, ăn ở và vi vu các nước trong khối.

Thời điểm tham gia chuyến đi này cũng là thời điểm cả nước bùng phát dịch, Duyên cứ ngỡ rằng mình phải nói lời chia tay với cơ hội quý giá này. Thế nhưng, thầy cô Bách khoa, ĐH đối tác và anh chị tiền bối vẫn hỗ trợ Duyên hết mình để kịp hoàn tất visa sát ngày bay và trở thành một trong những sinh viên Việt Nam hiếm hoi tham gia trao đổi sáu tháng trong thời điểm này. Phải mất rất nhiều thời gian để quyết định bay khi cả nước bùng phát dịch, song, Duyên cho rằng những trải nghiệm có được trong hành trình này là bước ngoặt để Duyên được step out khỏi vùng an toàn và đến gần hơn với thế giới.

Nhờ được học tập trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh tại BK-OISP, Duyên dễ dàng học tốt tại Transilvania University of Brasov (Romania) và không quá bất ngờ khi bảng điểm học kỳ này của cô nàng toàn mưa điểm 10. Tại đây, Duyên nhanh chóng kết thân được nhóm bạn năm châu đến từ những đất nước khác nhau: Morocco, Latvia, Azerbaijan, Uzbekistan, Malaysia, Việt Nam cùng nhau vượt qua vũ môn và đi du lịch khắp nơi đến các nước châu Âu. Đương nhiên, chi phí được tài trợ hoàn toàn bởi quỹ ERASMUS+ đó nha! Đến giờ, đã gần hai năm sau chuyến đi này, Duyên và các bạn vẫn duy trì FaceTime với nhau hàng tháng.

THẦY CÔ BÁCH KHOA LÀ ĐỘNG LỰC

Để có được sự tự tin, dám vươn mình ra thế giới, ngoài sự nỗ lực của bản thân, thầy cô Bách khoa là nguồn động lực to lớn của Duyên. Có lẽ, điều may mắn của tất cả sinh viên chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp (SIM-OISPer) chính là thầy cô chủ nhiệm – thầy Trần Duy Thanh cô Lê Thị Thanh Xuân. Không chỉ giảng dạy chuyên môn, thầy cô còn là những-người-bạn-đồng-hành thực sự của SIM-OISPer khi dành nhiều sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ sinh viên rất tận tình. Thậm chí, thầy Thanh còn ghi lại chặng đường bốn năm Bách khoa của lớp bằng hình ảnh, khiến ai nấy cũng đều xúc động khi nhìn lại mình đã trưởng thành như thế nào.

Nhắc đến cô Thanh Xuân, hẳn nhiều thế hệ sinh viên Quản lý Công nghiệp đều nhớ ngay tới hình ảnh một giảng viên nghiêm khắc, học với cô là phải đâu ra đó đàng hoàng. Nhờ vậy, Phúc Duyên đã sớm bén duyên với nghề Quản trị Nhân sự (Human Resources Management) từ lúc trót say môn học cùng tên của cô Xuân. Hiện tại, Duyên đang công tác tại công ty Bosch Global Software Vietnam với vị trí Learning & Development Executive và tự tin dẫn dắt đàn em thực tập sinh tại đây.

Duyên chia sẻ, học Quản lý Công nghiệp tại Bách khoa cho Duyên nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp của mình và có ưu thế trên thị trường lao động. Theo Duyên, Quản lý Công nghiệp là ngành học giúp sinh viên hiểu hơn về vận hành doanh nghiệp nên việc hiểu cặn kẽ công việc các phòng ban chức năng của một tổ chức là điều quan trọng. Sinh viên ngành này được trang bị đầy đủ kiến thức liên quan đến các mảng marketing, nhân sự, kế toán, tài chính, sản xuất, hệ thống thông tin quản lý… Trong quá trình học tập, Duyên được học các môn liên quan như Hệ Hỗ trợ Quyết định & Trí tuệ Kinh doanh (Decision Support. System & Business Decision) – môn học giúp sinh viên được tiếp cận Tableau, Power BI (công cụ để thống kê, báo cáo dữ liệu trực quan). Nhờ vậy, trong công việc hiện tại, Duyên có thể sử dụng những công cụ ấy giúp tăng hiệu quả công việc và tất nhiên là sếp hài lòng hơn [cười].

Hơn thế nữa, thầy cô Quản lý Công nghiệp giảng tiếng Anh rất cuốn bởi đa số thầy cô đều học cao học tại nước ngoài. Chính vì thế, các sinh viên được rèn dũa trong một môi trường học và dùng tiếng Anh rất thường xuyên. Thuyết trình bằng tiếng Anh trở nên đơn giản hơn với Duyên. Đó chính là lợi thế giúp Duyên thích nghi được với môi trường doanh nghiệp đa quốc gia rất nhanh và tự tin giao tiếp, thuyết trình với đồng nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới.


CHỌN NGÀNH PHÙ HỢP VỚI BẢN THÂN LÀ QUAN TRỌNG

Bốn năm học tập tại Bách khoa đã mang lại nhiều trải nghiệm không thể quên và là khởi đầu hoàn hảo cho hành trình khai phá bản thân, từng bước chinh phục ước mơ trở thành công dân toàn cầu. Duyên cho rằng việc chọn bến đỗ quyết định tương lai, chọn ngành phù hợp với bản thân là vô cùng quan trọng. Trước đây, Duyên đã từng nung nấu ý định học ngành y theo truyền thống của gia đình. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ về sở thích, đam mê, Duyên đã “quay xe” phút chót và chọn học Quản lý Công nghiệp, chương trình Chất lượng cao (giảng dạy bằng tiếng Anh) của Trường ĐH Bách khoa. Đây chắc là quyết định đúng đắn nhất của tuổi 18!

Đừng chạy theo xu hướng mà không hiểu năng lực bản thân. Hiện tại, có rất nhiều cách để khám phá về nhóm ngành mình đang phân vân, để hiểu hơn về bản thân như thử các trắc nghiệm sinh học, trắc nghiệm MBTI, tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh. Hy vọng các bạn thí sinh sẽ tìm được ngành học phù hợp và có những trải nghiệm tuyệt vời của thời đại học.

Nếu bạn yêu thích làm việc trong quản lý vận hành thì chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp (mã trường: QSB, mã ngành: 223) là lựa chọn đúng đắn dành cho bạn.

Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo học chế tín chỉ. Nội dung và số lượng môn học cùng số lượng tín chỉ được thiết kế tương đương các ĐH uy tín trong khu vực và trên thế giới như: National University of Singapore, Massachusetts Institute of Technology, Purdue University… và được cập nhật, điều chỉnh liên tục. Đặc biệt, trong hai năm cuối, sinh viên có thể chuyển tiếp sang các ĐH đối tác của Trường ĐH Bách khoa tại Úc nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng tài chính, kết quả học tập và trình độ tiếng Anh.

LIÊN HỆ TƯ VẤN
VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
ⓔ tuvan@oisp.edu.vn
Ⓦ oisp.hcmut.edu.vn

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp