Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Lê Ngọc Duyên Phương: Luôn tự hào là một “củ sắn lùi” của Bách khoa

Tự tin, duyên dáng và đầy bản lĩnh, Lê Ngọc Duyên Phương (cựu sinh viên K2014 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp) là gương mặt MC quen thuộc trong nhiều sự kiện của khoa. Không chỉ dừng lại ở đó, cô gái Song Ngư khả ái này còn giỏi tiếng Anh và học rất cừ nữa! Vậy đâu là “vũ khí bí mật” của bạn ấy? Cùng OISP khám phá ngay thôi.

Lê Ngọc Duyên Phương là “gương mặt thân quen” trong nhiều sự kiện lớn nhỏ của Khoa Quản lý Công nghiệp.Hình: Duyên Phương

* Xin chào Duyên Phương! Bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân nha!

Mình là Lê Ngọc Duyên Phương, cựu sinh viên K2014 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp. Hiện mình đang làm việc tại TP.HCM. Mình là một người khá hòa đồng và chịu khó. Quan niệm sống của mình là trong bất cứ môi trường nào, bản thân có thể không quá nổi trội nhưng nhất quyết không thể “chìm nghỉm” được. Sau nhiều năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và làm việc ở một công ty luôn có áp lực cao về chất lượng công việc, hiện tại, mình cảm thấy như bị “rối loạn ám ảnh cưỡng chế” nếu không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

À, bật mí một chút là dù công việc khá bận rộn nhưng mình vẫn thu xếp thời gian để gầy dựng một thương hiệu phụ kiện nho nhỏ dành riêng cho các bạn nữ đó! ^^

SỐNG TRỌN TUỔI TRẺ DƯỚI MÁI TRƯỜNG BÁCH KHOA

* Vì đâu bạn lại “chọn mặt gửi vàng” ở chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp?

Tuy không phải ngành học quá mới mẻ nhưng Quản lý Công nghiệp đang dần khẳng định tầm quan trọng trong xu hướng nghề nghiệp của giới trẻ. Vì gia đình ở quê làm về xuất khẩu và kinh doanh kho bãi nên mình nghĩ rằng đây sẽ là ngành học cực kỳ phù hợp bởi sau khi tốt nghiệp, mình có thể giúp đỡ gia đình. 

Hơn nữa, mình nhận thấy bản thân có khả năng đáp ứng đầu ra của ngành và bắt nhịp với xu thế thị trường. Ngoài ra, chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa còn được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây chính là môi trường thuận lợi để mình trau dồi ngoại ngữ.

* Là một trong những bóng hồng nổi bật của Khoa Quản lý Công nghiệp, bạn hãy chia sẻ ngắn gọn danh sách hoạt động phong trào của bản thân.

Trước hết, mình rất vui vì đã tốt nghiệp cử nhân đúng hạn. Bên cạnh đó, mình cũng được thầy cô, anh chị và bạn bè nhớ đến vì tham gia nhiều hoạt động phong trào (Mùa Hè Xanh, Xuân Tình Nguyện). Mình từng là MC và thành viên nhóm Văn nghệ OISP Camp 2014, MC OISP Gala 2016, cố vấn team MC OISP Camp 2016, MC và trưởng ban chương trình OISP Gala 2017, Talent OISP Student 2017, MC Đêm hội Quản lý 2017, MC Gala Kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa Quản lý Công nghiệp (16/1/2021).

Duyên Phương rạng rỡ nhận bằng tốt nghiệp.Hình: Duyên Phương

* Bí quyết nào giúp bạn cân bằng việc học tập và hoạt động ngoại khóa giữa “ma trận” deadline dồn dập ở Bách khoa?

Quan niệm của mình là bất kể trong việc học hay hoạt động phong trào, một khi đã góp mặt, mình phải cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, vì học đại học xa nhà nên mình cũng ít nhiều trở nên tự lập hơn, cố gắng xây dựng mối quan hệ, cân bằng giữa việc học và chuyện gia đình, đồng thời chủ động tìm kiếm cơ hội thông qua các hoạt động bổ ích trên trường lớp hay đơn vị thực tập. Đôi lúc, mình cảm thấy thật mệt mỏi nhưng khi nghĩ lại, mình thực sự rất vui vì bản thân đã nỗ lực hết mình.

* Thời sinh viên, chắc hẳn Duyên Phương từng tham gia nghiên cứu khoa học?

Vào năm Ba, mình tham gia một nhóm nghiên cứu khoa học. Với mình, đây vừa là sự tình cờ vừa là một cái duyên. Hơn hết, mình cảm thấy bản thân vô cùng may mắn: may mắn vì gặp gỡ một team đầy nhiệt huyết, may mắn vì chọn được đề tài phù hợp, may mắn vì tìm thấy người hướng dẫn tận tâm và giàu kinh nghiệm…

Dưới sự dẫn dắt của cô Lê Thị Thanh Xuân, nghiên cứu “Đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ tại Việt Nam” đã đạt giải Nhì cuộc thi Scientific Research Conference. Nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học, mình học hỏi được nhiều kiến thức quý báu từ các thầy cô, biết cách làm việc nhóm hiệu quả và hăng hái tranh đua hơn hẳn khi so tài với nhiều nhóm khác.

* Vậy cô Thanh Xuân có phải giảng viên truyền cho bạn nhiều cảm hứng nhất trên giảng đường đại học?

Khoa Quản lý Công nghiệp triển khai chương trình Chất lượng cao kể từ khóa K2014 tụi mình. Ban đầu, đội ngũ giảng viên không quá đông đảo. Mỗi thầy cô sẽ giảng dạy nhiều môn học trong những năm học khác nhau. Đối với mình, đây là một ưu điểm tuyệt vời vì các thầy cô có thể thấu hiểu, gắn bó và thân thiết với cả lớp hơn.

Hai giảng viên truyền cảm hứng cho mình nhiều nhất trong suốt những năm tháng học tập trên giảng đường là thầy Trần Duy Thanh và cô Lê Thị Thanh Xuân. Là hai giảng viên được nhiều thế hệ học trò yêu mến, thầy Thanh và cô Xuân chắc hẳn không còn xa lạ với các bạn sinh viên khóa dưới rồi.

Duyên Phương (trái) chụp hình cùng thầy Duy Thanh trong Lễ ra quân chiến dịch Mùa Hè Xanh năm 2018.Hình: Duyên Phương

Đối với mình, thầy Duy Thanh là một người thầy vô cùng nhiệt huyết với trình độ chuyên môn vững vàng cùng khả năng sư phạm xuất sắc. Thầy có thể truyền đạt toàn bộ kiến thức chuyên ngành khô khan bằng tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu. Bên cạnh đó, thầy cũng là “photographer quốc dân” xịn sò luôn có mặt ở hầu hết chương trình học thuật, hoạt động phong trào của Trường Đại học Bách khoa nói chung và Khoa Quản lý Công nghiệp nói riêng. 

Nhờ đó, thầy đã lưu giữ rất nhiều tấm hình lung linh, xinh đẹp của mọi người. Tụi mình hay nói đùa rằng, nếu muốn tìm kiếm hình ảnh tư liệu của bất cứ hoạt động nào, bạn cứ chủ động liên hệ với thầy Thanh thôi.

Cô Thanh Xuân là giảng viên giỏi nghề và dễ thương không kém. Ngoài nền tảng kiến thức sâu rộng, cô còn vô cùng tâm lý và có tầm ảnh hưởng lớn nữa. Những lời giáo huấn của cô rất có sức nặng và những lời tư vấn của cô luôn đầy thấu hiểu.

* Hãy kể về những trải nghiệm đáng nhớ của bạn ở Bách khoa đi!

Mỗi năm học ở Bách khoa đều để lại cho cho mình những kỷ niệm và trải nghiệm rất riêng. Qua mỗi giai đoạn, mình cảm thấy Bách khoa giúp mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm với bản thân hơn và tìm thấy những mối quan hệ đáng trân trọng. Từ những ngày tháng đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại, mình luôn tự hào vì là một “củ sắn lùi” của Bách khoa nói chung và OISP nói riêng đó nhé!

Mình đã sống trọn vẹn và bùng cháy hết mình trong những năm tháng tuổi trẻ ở Khoa Quản lý Công nghiệp. Chương trình Chất lượng cao mang đến nhiều cơ hội để mình rèn luyện và trau dồi tiếng Anh hàng ngày. Mình phải nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh thường xuyên và liên tục. Do đó, sau một khoảng thời gian “cày cuốc”, mình đã tiến bộ rất nhiều, theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Thật ra, khi quyết định ứng tuyển vào chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp, mình biết rằng bản thân sẽ phải nỗ lực cải thiện trình độ ngoại ngữ rất nhiều để phục vụ việc học cũng như ứng dụng vào công việc thực tế. Mình học tiếng Anh thông qua sách báo chuyên ngành, bài báo khoa học hoặc báo cáo tổng hợp quốc tế. Với vốn từ vựng cơ bản, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, trở nên tự tin và thăng tiến nhanh chóng trong giai đoạn làm quen với ngành.

Đặc biệt, sau một học kỳ làm luận văn tốt nghiệp, trình độ tiếng Anh của mình đã được cải thiện vài bậc vì mình phải ngày đêm sống trong nghiên cứu với từng câu từ, con chữ mà.

HĂNG HÁI XÔNG PHA TRONG CÔNG VIỆC

* Bật mí một chút về công việc hiện tại của bạn nhé!

Mình đang làm trợ lý ban giám đốc của một doanh nghiệp chuyên gia công và xuất khẩu nông sản – thủy hải sản. Đây là một công ty Việt Nam với bề dày kinh nghiệm trên hai mươi năm và đã xây dựng được mạng lưới đối tác, cộng sự rộng khắp. Công việc của mình có thể gói gọn trong bốn cụm từ: trách nhiệm, kỷ luật, đa nhiệm và ứng biến nhanh. 

Công ty đặt văn phòng tại Sài Gòn với nhiều nhà máy sản xuất ở các tỉnh miền Tây và miền Trung. Vì vậy, mình thường xuyên đi công tác để nắm bắt tình hình hoạt động của từng nhà máy cũng như theo dõi những đơn hàng lớn. 

Bên cạnh công việc chính mà bất cứ trợ lý ban giám đốc nào cũng cần đảm nhận (xử lý hợp đồng, tổng hợp – báo cáo tình hình hoạt động của công ty, setup các buổi họp nội bộ, gặp mặt đối tác/ khách hàng…), mình còn được tạo điều kiện thuận lợi để thử thách bản thân ở một số nhiệm vụ khó khăn hơn như: đàm phán với khách hàng, liên hệ trực tiếp với nhà máy để check giá/ quy cách/ tiến độ, theo dõi đơn hàng xuất khẩu hay làm đầu mối liên hệ chính giữa ban giám đốc và các phòng ban.

* Những tấm gương nào mà bạn luôn noi theo trong công việc, cuộc sống?

Thời đại học, mình có cơ hội làm việc với chị Nguyễn Bình Phương Chuyện, cựu sinh viên K2013 ngành Quản lý Công nghiệp, founder chuỗi quần áo thời trang Story ClothesLidu.ClothesS.T Menswear và Story Beauty Room. Mình ngưỡng mộ chị vì chị rất giỏi giang, độc lập, cá tính, cầu tiến và bản lĩnh. Chị Phương Chuyện luôn là hình mẫu để mình thúc đẩy bản thân cố gắng.

* Hiện nay, ngành Quản lý Công nghiệp đang phát triển theo những xu hướng gì? Những vị trí nào sẽ được săn đón trong tương lai?

Mình nghĩ, ngành Quản lý Công nghiệp hiện nay đang chuyển dần sang hướng tích hợp tự động hóa, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và học máy.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật điện tử, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, một số ngành nghề sẽ dần bị thay thế trong tương lai. Tuy nhiên, khoảng 5-10 năm tới, các chuyên gia cải tiến, kỹ thuật sản xuất, kế hoạch sản xuất… sẽ vẫn luôn được trọng dụng.

Ngành Quản lý Công nghiệp hiện nay đang chuyển dần sang hướng tích hợp tự động hóa, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và học máy. – Hình: Internet of Business

Bài viết liên quan
Quản lý Công nghiệp – Màu sắc riêng trong ngành quản trị
Quản lý công nghiệp – Ngành kinh tế trong trường kỹ thuật

* Lời khuyên của bạn dành cho các thí sinh yêu thích ngành Quản lý Công nghiệp đang phân vân về lựa chọn của mình và những bạn tân sinh viên vừa “bén duyên” với ngành.

Các bạn thí sinh thân mến, Quản lý Công nghiệp là một ngành “dễ mà khó, khó mà dễ”. Dễ vì các bạn sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp thu kiến thức bao quát về quản trị và tích lũy trải nghiệm về hệ thống quản lý nhà xưởng, máy móc. Nhưng khó vì bạn sẽ không được đào tạo chuyên sâu ở một lĩnh vực cụ thể nào cả.

Vì vậy, bạn cần hiểu rõ bản thân yêu thích mảng nào trong hệ thống chuỗi cung ứng. Hơn nữa, bên cạnh những kiến thức lý thuyết nền tảng trên giảng đường, bạn đừng quên trau dồi, đào sâu một ngách hẹp nào đó của ngành nhé!

Mình cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn tân sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp rằng việc học tuy rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Hãy chú tâm nâng cao trình độ của bản thân, cải thiện cả về nhận thức lẫn kỹ năng. Hãy cố gắng xây dựng mối quan hệ và bồi đắp tình cảm với thầy cô, tiền bối, bạn bè. Đừng ngại xông pha và tìm kiếm cơ hội bên ngoài nhé!

Cuối cùng, mỗi công việc thực tế đều đòi hỏi một bộ kỹ năng tổng hợp mà chúng ta cần hoàn thiện mỗi ngày. Một số kỹ năng quan trọng mà bạn cần rèn luyện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm, xử lý công việc độc lập, quản lý tài chính cá nhân… 

Cảm ơn Duyên Phương về buổi trò chuyện tràn đầy cảm hứng này. Chúc bạn luôn dồi dào sức khỏe và thành công trong công việc!

Để cung ứng đội ngũ lao động giỏi ngoại ngữ, trình độ cao, có khả năng quản lý trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, Trường Đại học Bách khoa đã triển khai chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp từ năm 2014.
  • Mã trường: QSB
  • Mã ngành: 223
Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo học chế tín chỉ. Nội dung/ số lượng môn học cùng số lượng tín chỉ được thiết kế tương đương các đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới như: National University of Singapore, Massachusetts Institute of Technology, Purdue University… và được cập nhật, điều chỉnh liên tục. 

Đặc biệt, trong hai năm cuối đại học, sinh viên có thể chuyển tiếp sang một trong hai đại học đối tác của Trường Đại học Bách khoa là Macquarie University (Úc) hoặc University of Illinois Springfield (Mỹ) nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng tài chính, kết quả học tập và trình độ tiếng Anh. Mời quý vị phụ huynh và các em học sinh tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chương trình này tại đây.

LIÊN HỆ TƯ VẤN
VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp