Nguyễn Ngân Hà (cựu sinh viên K2015, chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường) ví von những người làm việc trong lĩnh vực môi trường như những chú ong cần mẫn. Cùng OISP trò chuyện với cô nàng năng động này để hiểu rõ hơn về nhận định trên nhé!
Nguyễn Ngân Hà là chủ nhân của Huy chương Vàng tốt nghiệp và Thủ khoa đầu ra Khoa Môi trường & Tài nguyên năm 2019. Với sở thích ngủ, ăn ngon, đọc truyện, xem phim, cô bạn mô tả bản thân là một người khó tính, quyết đoán và nhạy cảm. Trong khi đó, bạn bè thân thiết lại cho rằng cô gái Bạch Dương này rất chăm chỉ, tham vọng và hài hước.
* Chào Ngân Hà! Được biết bạn vốn là “con nhà nòi” trong lĩnh vực môi trường. Vậy đây có phải là lý do thôi thúc bạn lựa chọn chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường?
Mình chọn học chương trình Chất lượng cao vì mong muốn tiếp cận tiếng Anh chuyên ngành sớm nhất có thể. Trước giờ, tiếng Anh không phải là thế mạnh của mình. Tuy nhiên, để theo đuổi chuyên ngành này, mình cần trang bị nhiều kỹ năng làm việc với các tài liệu khoa học, chẳng hạn tìm kiếm, đọc – hiểu hay phân tích tài liệu tiếng Anh. Và tính ứng dụng của Trường Bách khoa là best ở thành phố rồi.
Thật ra, nếu nói mình là “con nhà nòi” trong lĩnh vực môi trường thì hơi phóng đại quá. Đúng hơn là mình may mắn sống cùng những người yêu thích công việc nghiên cứu. Đó là ông bà, cô chú, anh chị em họ hay bạn bè của bố mẹ mình. Không phải tất cả đều làm khoa học mà họ còn là giáo viên hoặc bác sĩ.
Mỗi người đều nghiêm túc theo đuổi lĩnh vực mà bản thân lựa chọn. Điểm chung của họ là đam mê nghiên cứu khoa học và yêu thích ứng dụng lý thuyết vào trong thực tiễn. Vì sống trong môi trường như vậy nên mình đã được truyền cảm hứng rất nhiều (từ tính cách cho đến nghề nghiệp tương lai). Nguồn động lực to lớn và sự hỗ trợ mà mình nhận được từ trước đến nay phần lớn đều tới từ những con người ấy.
* Chia sẻ một chút về những tích nổi bật của bạn trong học tập và công tác Đoàn Hội suốt bốn năm đại học đi nào!
Chà, thành tích học tập nổi bật nhất của mình là đạt được Huy chương Vàng tốt nghiệp của Khoa Môi trường & Tài nguyên vào năm 2019. Đây là phần thưởng lớn lao khích lệ tinh thần của mình và cả gia đình sau khi mình trải qua bốn năm “cày cuốc”. Mình hy vọng rằng phần thưởng này cũng góp phần động viên các em khóa sau. Dân Môi trường cũng được phết phớ hơm? [cười]
Mình cũng nhận được giải Nhất cuộc thi OISP Presentation Contest 2015, giải Nhì Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên OISP 2017-2018 và danh hiệu Sinh Viên Năm Tốt năm học 2017-2018. Ngoài ra, mình còn có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ bên bạn bè, thầy cô khi tham gia hoạt động Đoàn Hội.
* Bật mí về công việc hiện tại của bạn nha.
Mình đang làm nghiên cứu viên về hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS) và viễn thám tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Công việc của mình bao gồm xử lý và số hóa dữ liệu GIS, quản lý cơ sở dữ liệu GIS, nghiên cứu – ứng dụng công nghệ viễn thám vào các dự án và đề tài nghiên cứu khoa học.
* Những kiến thức và kỹ năng mà bạn tích lũy, rèn luyện trên giảng đường đại học đã hỗ trợ công việc hiện tại của bạn như thế nào?
Mình có thể đọc hiểu – phân tích tài liệu, viết báo cáo, trình bày bài báo khoa học. Mình có đủ vốn từ vựng tiếng Anh để làm việc với tài liệu khoa học một cách hiệu quả mà không bị “hết hồn”, hoảng loạn. Những kiến thức chuyên ngành cũng giúp mình xây dựng nền tảng vững chắc, không hề choáng ngợp khi tiếp xúc trực tiếp với công việc thực tế. Đặc biệt, việc học ở Bách khoa còn dạy cho mình cách chịu đựng áp lực công việc khi đi làm.
Bên cạnh đó, tính ứng dụng từ các môn chuyên ngành của chương trình Chất lượng cao khá cao. Mình nhận thấy điều này kể từ khi đi làm bởi lúc đi học mọi thứ vẫn còn mơ hồ lắm. Nhìn chung, mình đã được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc trong suốt bốn năm đại học. Mình có đủ vốn từ vựng tiếng Anh, kỹ năng viết/ trình bày báo cáo, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm, khả năng bền bỉ theo đuổi lĩnh vực khoa học mà mình đã lựa chọn.
Nền tảng vững chắc này đã hỗ trợ mình rất nhiều khi đi làm. Đương nhiên, công việc thực tế sẽ tương đối khác biệt so với lúc đi học. Đôi lúc mình cũng hoang mang. Tuy nhiên, với nền tảng sẵn có, mình có thể tự điều chỉnh, thích nghi và tiếp tục phát triển. Và không thể không nhắc đến mối quan hệ tốt đẹp, quý giá với bạn bè và thầy cô. Khi nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ thời đại học, mình luôn cảm thấy vô cùng trân trọng và tự hào.
* Cơ duyên nào đưa bạn đến với nghiên cứu khoa học? Công việc này giúp bạn trưởng thành ra sao?
Như đã chia sẻ, mình được truyền cảm hứng từ những người đi trước. Và có lẽ, tính cách khùng điên của mình khá phù hợp với con đường nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học tập cho cách suy nghĩ logic, lập luận chặt chẽ và đức tính nhẫn nại khi phân tích số liệu. Hơn nữa, mình cũng học được cách giao tiếp hiệu quả và ứng xử khéo léo hơn với mọi người.
Hiện tại, mình đang thực hiện một số dự án về cơ sở dữ liệu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh cùng những dự án về đánh giá chất lượng nước, đánh giá xu hướng xói lở, phân tích lớp phủ bề mặt khác.
Thông qua công việc này, mình có thể góp phần thống kê số liệu hiện có và quản lý cơ sở dữ liệu bằng phương pháp số hóa (thay vì phương pháp quản lý truyền thống bằng giấy tờ), từ đó hỗ trợ các nhà quản lý của địa phương trong quá trình lập kế hoạch quản lý, quan trắc, xử lý nhiều vấn đề môi trường liên quan đến thảm phủ, chất lượng nước, xói/ bồi đường bờ…
* Những tấm gương nào mà bạn luôn noi theo trong quá trình làm việc – nghiên cứu?
Thứ nhất là những vị lão thành cách mạng, những cây đa cây đề – ông bà, cô chú bác, anh chị em của mình. Họ là những bậc tiền bối luôn trao truyền động lực và đam mê cho con cháu. Thứ hai là các thầy cô trường Bách khoa mình nè. Và thứ ba là sếp mình cùng những anh chị đồng nghiệp và đối tác hiện tại của mình. Mọi người không chỉ hướng dẫn phương pháp nghiên cứu mà còn truyền cảm hứng cho mình về tác phong, cách giao tiếp, thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Thời đại học, thầy Đào Thanh Sơn (thầy chủ nhiệm lớp mình) cùng nhiều thầy cô khác của khoa đã dạy mình về sự nghiêm túc, chỉn chu cùng tính logic trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, thầy Lê Văn Trung và cô Trần Thị Vân của bộ môn Hệ thống Thông tin Môi trường và Tài nguyên cũng rất generous và luôn sẵn sàng đồng hành/ làm cố vấn chuyên môn cho mình kể cả sau khi mình tốt nghiệp đi làm.
* Hiện nay, ngành môi trường đang phát triển theo những xu hướng nào?
Mình nghĩ ngành môi trường đang và sẽ phát triển mạnh mẽ, không chỉ gói gọn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta sẽ được tiếp cận với nhiều cơ hội trên toàn thế giới. Lĩnh vực này luôn được ưu tiên vì một trong những yêu cầu cấp bách đối với nhân loại chính là tích cực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như giải quyết nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Chỉ nhìn riêng vào khối lượng dự án và đề tài ở cơ quan mình thôi thì thực sự đã rất nhiều rồi đấy.
Thế nhưng, tại Việt Nam, xu hướng ngành nghề là một chuyện. Những cơ hội việc làm dành cho sinh viên mới ra trường luôn là vấn đề khiến nhiều người lo ngại. Việc một sinh viên vừa tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên ngành thường không dễ dàng lắm.
Từ quan sát thực tế, yêu cầu của các nhà tuyển dụng hiện tại khá cao. Theo mình, ba điều kiện hàng đầu giúp một sinh viên ngành Môi trường mới ra trường có thể xin vào vị trí bản thân mong muốn là: (1) điểm số ở mức khá; (2) sự năng động của sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường (nghiên cứu khoa học, tham gia nhiều hoạt động thực tiễn); (3) trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Một ưu điểm của chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường là sinh viên có thể dễ dàng ứng dụng kiến thức đã học vào trong thực tế và lựa chọn hướng đi đa dạng. Chẳng hạn, bạn có thể trở thành nghiên cứu viên về mô hình toán/ viễn thám/ GIS; làm việc trong phòng thí nghiệm; hoạt động trong ngành an toàn, sức khỏe và môi trường (Environment, Health and Safety – HSE); làm luật/ chính sách môi trường; quản lý dự án; đánh giá tác động của môi trường (Environmental Impact Assessment – EIA)…
Bài viết liên quan
► Kỹ sư môi trường – Lựa chọn nghề nghiệp “đi trước đón đầu” trong thời đại mới
► Thời đại “cô-vít”, càng kích thích vai trò của kỹ sư môi trường
► Bạn biết gì về ngành Môi trường tại Bách khoa?
* Theo bạn, những vị trí nào trong ngành môi trường sẽ được săn đón ở tương lai?
Tất cả vị trí, từ quản lý đến chuyên viên, nghiên cứu viên đều vô cùng cần thiết. Không có vị trí nào cao siêu hơn vị trí nào, ong thợ, ong chúa đều quan trọng như nhau. Đó là một hệ sinh thái mà mỗi người đều nắm giữ một vai trò riêng biệt và tham gia hỗ trợ công việc của nhiều người khác.
Điều tiên quyết là trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc cùng tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong bộ máy có thể đáp ứng và thích nghi với môi trường làm việc. Nếu bạn thực sự nghiêm túc với công việc của mình, sẽ luôn có nơi dành riêng cho bạn.
* Cuối cùng, Ngân Hà sẽ nhắn nhủ điều gì với những bạn thí sinh yêu thích nhóm ngành Môi trường cũng như các đàn em khóa sau?
Đối với những thí sinh đang phân vân về quyết định lựa chọn ngành Môi trường, mình hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng của các bạn lúc này. Môi trường là một trong những lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì, nhẫn nại, bởi “vũ khí” tối thượng của chúng ta chính là kiến thức vững chắc và kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi một vài ngành khác yêu cầu sự “quen tay” trong công việc thì ngành này luôn bắt buộc bạn phải liên tục học hỏi và đào sâu nghiên cứu.
Chúng ta sẽ như những chú ong chăm chỉ bay khắp muôn nơi, góp nhặt từng chút phấn hoa về xây tổ. Sau cùng, bạn sẽ có một kho cơ sở dữ liệu của riêng mình.
Vì vậy, mình mong rằng các bạn yêu thích ngành Môi trường sẽ mạnh dạn dấn thân. Đừng nghĩ rằng những người làm khoa học quá khô khan hay “mọt sách”. Khoa học cho mình thêm nhiều niềm vui khi tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại cùng những giá trị nhân văn, đạo đức từ con người và xã hội. Riêng đối với mình, sau khi giải quyết vấn đề thành công hay nắm vững một kiến thức mới, mình cảm thấy như bản thân trở thành MVP (Most Valuable Player) khi chơi game và thắng cả năm trận liên tiếp.
Các bạn tân sinh viên cùng các đàn em khóa sau hãy học tập nghiêm túc và tôn trọng chất xám của mình. Hãy phân định rõ ranh giới giữa chuyện học và những thứ khác.
Mình mê game lắm và cũng hay thức khuya chơi game nữa. Khi học đại học, mình từng lập nhóm đi net với bạn bè cùng lớp hoặc chơi game giữa giờ học, lúc nghỉ trưa. Tuy nhiên, khi học tập, mình luôn dành trọn thì giờ cho việc học, đồng thời cố gắng biến kiến thức thành tài sản của mình chứ không “mượn tạm” chỗ thầy cô, sau đó thi xong “trả lại”.
Thầy cô khoa mình luôn nhiệt tình hỗ trợ sinh viên. Hãy đến nhờ thầy cô trợ giúp mỗi khi bế tắc nha. Kể cả lúc bạn không biết tương lai sẽ đi theo ngành nào, thầy cô vẫn sẵn sàng lắng nghe và “hướng nghiệp” cho bạn đấy. Và điều quan trọng không kém chính là hãy tận hưởng trọn vẹn những năm tháng đại học nghen!
* Cảm ơn Ngân Hà về buổi chuyện trò thú vị này. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và ngày càng thành công!
Chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Trường Đại học Bách khoa là chương trình chính quy theo học chế tín chỉ với ngôn ngữ giảng dạy bằng 100% tiếng Anh.
LIÊN HỆ TƯ VẤN Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10 ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798 ⓔ tuvan@oisp.edu.vn |
Thực hiện: XUÂN MAI – Đồ họa: QUỐC HUY