Vào kỳ thi đại học sáu năm trước, với số điểm 28 lung linh, Lồ Sìu Vẫy có thể theo học bất ngành nào của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Tuy nhiên, thay vì lựa chọn một ngành thời thượng nào đó, chàng trai này lại cực kỳ tự tin với quyết định ghi danh vào Khoa Khoa học Ứng dụng, để rồi sau đó trở thành một ngôi sao sáng của lớp Cơ Kỹ thuật khóa 2015.
Lồ Sìu Vẫy là cựu sinh viên lớp Cơ Kỹ thuật khóa 2015 xuất sắc nhận được Huy chương Vàng tốt nghiệp. Hiện nay, cậu bạn vừa tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại Khoa Khoa học Ứng dụng, vừa chuẩn bị hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Trường Đại học Bách khoa.
CƠ KỸ THUẬT – SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN
* Chào bạn Lồ Sìu Vẫy! Cơ duyên nào gắn kết bạn với ngành Cơ Kỹ thuật của Khoa Khoa học Ứng dụng?
Mình quyết định chọn ngành Cơ Kỹ thuật vì nhìn thấy cơ hội bên trong thách thức. Nếu bạn theo học ngành nào đó chỉ đơn giản vì ngành ấy “hot” thì nhiều người khác cũng sẽ lựa chọn giống bạn.
Hiện tại, có thể vì nhu cầu của xã hội quá lớn nên ngành đó trở nên thịnh hành. Tuy nhiên, trong tương lai, khi một khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường, mấy trăm tân kỹ sư sẽ cùng lúc tham gia vào thị trường lao động. Khi đó, tỷ lệ chọi cũng sẽ rất cao. Nếu bạn không thực sự xuất sắc, chắc chắn, nhà tuyển dụng khó lòng để mắt đến bạn.
Trên thực tế, mỗi khóa Cơ Kỹ thuật chỉ khoảng 60 bạn trong khi nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường luôn cao. Đây chính là cơ hội trong thách thức mà mình nói tới.
Ban đầu, mình dự định đăng ký ngành Vật lý Kỹ thuật. Thế nhưng, vào ngày khoa tổ chức tư vấn phân ngành cho sinh viên, thầy Trưởng Khoa Trương Tích Thiện giới thiệu về ngành Cơ Kỹ thuật lôi cuốn quá. Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu và cảm thấy hứng thú.
Hơn nữa, mình cũng đã quá chán ngán học vật lý sau hai học kỳ vật lộn với Vật lý 1 và 2. Do đó, cuối cùng, mình đã đăng ký ngành Cơ Kỹ thuật. Đối với mình, đây thực sự là một quyết định đúng đắn.
Mình xin trích lời anh Nguyễn Đặng Quốc Vinh khóa K2013 (Huy chương Bạc tốt nghiệp): “Em có hối hận khi đăng ký vào ngành mình không? Anh thì không. Anh thấy đây hoàn toàn là một sự lựa chọn đúng đắn”.
* Đối với bạn, ngành Cơ Kỹ thuật thú vị như thế nào?
Mình rất thích mô phỏng các hiện tượng va chạm trong ngành Cơ Kỹ thuật. Như mọi người đều biết, thời gian va chạm trong thực tế thường chỉ diễn ra khoảng vài micro giây. Thế nhưng, máy tính mất đến nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí vài ngày mới giải xong những bài toán này. Các bài toán lưu chất (ví dụ nước, không khí) cũng tương tự. Những hiện tượng đó chỉ xảy ra trong vòng vài giây. Tuy nhiên, chúng ta phải tốn rất nhiều thời gian để mô phỏng chúng.
Thông qua công việc này, mình có thể cảm nhận vẻ đẹp của thế giới vật lý xung quanh, nơi chúng ta đang tồn tại. Để mô tả một cách súc tích về giá trị và ý nghĩa của ngành học này, mình khẳng định một lần nữa: Ở đâu có hiện tượng cơ học, ở đó có kỹ sư Cơ Kỹ thuật.
* Chắc chắn, bạn đã gặp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình học tập – nghiên cứu. Vậy làm thế nào để bạn vượt qua những trở ngại đó và đạt được thành tích nổi bật?
Thật ra, dù đạt Huy chương Vàng tốt nghiệp hay danh hiệu thủ khoa đầu ra thì mình cũng chỉ là con người thôi. Thời đại học, có một số môn học khiến mình cảm thấy khó hiểu, thậm chí hoàn toàn không hiểu. Lúc này, mình sẽ tìm đọc rất nhiều tài liệu để tự giải đáp thắc mắc của mình. Bên cạnh đó, mình cũng theo dõi những bài giảng chuyên ngành trên YouTube.
Có một câu nói vui mà mình hay nói với mấy người bạn và những đứa em là: “Nếu bạn chưa từng được một anh chàng Ấn Độ nào đó trên YouTube dạy học, thì xin lỗi, chúng ta không cùng đẳng cấp”.
Tất nhiên, mình không thể giải quyết 100% khúc mắc trong quá trình học tập – nghiên cứu chỉ bằng cách tự học. Rất may, xung quanh mình luôn có những con người giỏi giang, nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ. Đó là những người thầy gần gũi, tuyệt vời và những đàn anh thân thiện, năng nổ.
HOÀN THIỆN BẢN THÂN NHỜ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
* Trong quá trình học tập, bạn đã tham gia những dự án nào? Hướng nghiên cứu của bạn là gì?
Mình đã thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và được chọn báo cáo kết quả tại Hội nghị Cơ học Toàn quốc 2019 tại Hà Nội. Đề tài này mang tên “Sử dụng phương pháp điểm vật liệu (Material Point Method, MPM) để phân tích các bài toán tĩnh học và động lực học”.
MPM là phương pháp không lưới dựa trên cả mô tả Lagrangian và mô tả Eulerian. Vì vậy, phương pháp này có thể dễ dàng giải quyết nhiều bài toán động lực học và biến dạng lớn. Modified Update Stress Last (MUSL), một giải thuật MPM, đã được sử dụng trong nghiên cứu này để so sánh hiệu quả và độ chính xác so với phương pháp phần tử hữu hạn (Finite Element Method, FEM) thông qua nhiều ví dụ số.
Các kết quả giải tích được dùng để đánh giá mức độ chính xác của phương pháp. Ngoài ra, một số bài toán về va chạm và tĩnh học cũng được phân tích trong đề tài.
Hiện tại, mình tập trung nghiên cứu các phương pháp số và cơ học nứt. Bên cạnh đó, mình cũng đang tìm hiểu về lĩnh vực năng lượng tái tạo.
* Bạn hãy chia sẻ nhiều hơn về công việc hiện tại ở Khoa Khoa học Ứng dụng, Trường Đại học Bách khoa.
Mình bắt đầu làm việc tại Khoa Khoa học Ứng dụng trường mình từ năm ngoái. Hiện tại, công việc chính của mình là nghiên cứu. Trong quá trình đọc các công bố khoa học của những tác giả khác, mình thường nghĩ ra một số ý tưởng thú vị. Sau đó, mình chủ động tìm kiếm các tài liệu liên quan nhằm hệ thống hóa những lý thuyết cho ý tưởng đó. Tiếp theo, mình kiểm tra tính đúng đắn của ý tưởng thông qua các ví dụ cụ thể.
Đây là quá trình thử – sai đầy gian nan, vất vả. Mình cần chỉnh sửa, thực nghiệm, lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi lý thuyết hoàn chỉnh và tạo ra kết quả có độ chính xác cao. Cuối cùng, mình tổng hợp toàn bộ lý thuyết và kết quả, từ đó viết thành bài báo khoa học.
* Bạn đã học hỏi được điều gì từ công việc nghiên cứu?
Công việc nghiên cứu giúp mình trở nên khiêm tốn hơn. Khi là sinh viên năm cuối, trước khi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học, mình cho rằng bản thân đã học được mọi thứ trên đời. Thứ gì cũng dễ dàng và nằm trong tầm tay mình cả.
Tuy nhiên, từ lúc dấn thân vào con đường này, mình phát hiện ra rằng những điều mình biết vốn chỉ là hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc mênh mông. Trên thực tế, mọi việc không hề đơn giản như mình từng nghĩ. Vì vậy, mình luôn cố gắng xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó đánh giá sơ bộ độ khó cùng tính khả thi của nó.
Nghiên cứu khoa học giúp mình thêm năng động, nhạy bén, giúp mình phát hiện nhiều lỗ hổng ẩn giấu bên trong lý thuyết cùng những sai sót trong nghiên cứu của mình. Hơn nữa, công việc này còn rèn giũa cho mình đức tính cẩn thận và kiên nhẫn. Bởi vì quá trình thử – sai trong nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi tinh thần kiên nhẫn. Thêm vào đó, nếu bạn thực sự cẩn thận, quá trình này sẽ kết thúc nhanh chóng và tiết kiệm được rất nhiều công sức.
SỐNG BÌNH THẢN HƠN VỚI TRIẾT LÝ KHẮC KỶ
* Là một nghiên cứu sinh kiêm trợ giảng tại Khoa Khoa học Ứng dụng của trường mình, bạn có cảm thấy hài lòng với công việc và cuộc sống của bản thân?
Mình chỉ mới tốt nghiệp đại học hai năm. Con đường mình theo đuổi cũng hoàn toàn khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Do đó, danh vọng và tiền bạc vẫn chưa tìm đến. Điều này hoàn toàn bình thường.
Sự thay đổi về chất chỉ xuất hiện khi đạt đến sự tích lũy về lượng. Thế nên, mình vẫn đang tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từng chút một cho đến khi đủ giỏi để trở thành một chuyên gia trong ngành Cơ Kỹ thuật. Lúc đó, mình có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội, đồng thời được xã hội tôn trọng và trả công xứng đáng.
Hiện tại, mình rất yêu thích công việc nghiên cứu, bởi mình được làm những điều mình thích. Đây cũng chính là sự tự do mà mình vẫn luôn tìm kiếm. Mình tự tin có thể hoàn thành tốt các công việc/ nhiệm vụ liên quan đến chuyên ngành. Còn về phần nghiên cứu, những kiến thức mình hấp thụ được chỉ là một phần nổi khiêm tốn của tảng băng trôi. Có rất nhiều thứ hay ho trên đời. Và mình vẫn đang nỗ lực học tập mỗi ngày.
* Triết lý sống mà bạn theo đuổi là gì? Đâu là câu trích dẫn yêu thích của bạn?
Một ngày đẹp trời, thầy mình mua về một số văn phòng phẩm cùng vài cuốn sách, trong đó có cuốn Chủ nghĩa khắc kỷ. Lúc ấy, vì không hiểu “khắc kỷ” là gì nên mình đã lên mạng tìm hiểu, từ đó phát hiện nhiều điểm tương đồng với phong cách bản thân và quyết định theo luôn.
Trước đây, mình là một đứa nóng nảy và thường xuyên bức xúc về thế giới xung quanh. Kể từ khi ứng dụng triết lý này vào trong cuộc sống, mình bắt đầu dễ chịu và điềm tĩnh hơn.
Con người không thể kiểm soát điều kiện ngoại cảnh và yếu tố khách quan. Vì vậy, hãy để chúng diễn ra thuận theo tự nhiên. Điều chúng ta có thể điều chỉnh chính là cách thức nhìn nhận sự việc sao cho bản thân cảm thấy nhẹ nhàng, bình thản nhất. Là một người mộng mơ, mình thích nhất câu nói: “A man’s dream will never die”.
* Động lực nào thúc đẩy bạn hoàn thiện bản thân và trở thành phiên bản hiện tại?
Thực ra, mọi điều mình làm đều hướng đến mục tiêu hoàn thiện bản thân. Mỗi ngày trôi qua, mình cố gắng học và làm những điều mới mẻ. Cứ thế, mình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từng chút một để bản thân từ từ tốt lên. Nếu không làm được điều gì đó mới mẻ hoặc trở nên tiến bộ hơn mỗi ngày, mình sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu.
LẠC QUAN VỀ TƯƠNG LAI NGÀNH HỌC
* Định hướng tương lai của bạn như thế nào?
Mình dự định học tiếp lên trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài, có thể bắt đầu từ học kỳ mùa Xuân năm sau. Sau đó, mình sẽ quay về góp phần phát triển bộ môn Cơ Kỹ thuật, mái nhà chung ấm áp đã chắp cánh cho mình và anh em, bè bạn. Trong thời gian tới, mình vẫn sẽ tiếp tục đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại thông qua công việc nghiên cứu (nghe có vẻ hoành tráng!).
Bên cạnh đó, mình đang phấn đấu trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Có rất nhiều người thầy, người anh tuyệt vời mà mình luôn yêu mến, ngưỡng mộ. Và mình cũng mong muốn xuất sắc giống họ. Xa hơn nữa, hy vọng, mình sẽ đào tạo thật nhiều lứa tân kỹ sư Cơ Kỹ thuật giỏi.
* Tầm nhìn của bạn đối với bức tranh nghề nghiệp của sinh viên ngành Cơ Kỹ thuật trong tương lai ra sao?
Mình có cái nhìn khá lạc quan. Trước nay, sau khi tốt nghiệp, nhiều cựu sinh viên Cơ Kỹ thuật trường mình đều làm việc cho các doanh nghiệp lớn đến từ Pháp, Đức, Nhật Bản… Với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp nước nhà, mình nghĩ sẽ có thêm nhiều công ty Việt Nam quan tâm tới công tác mô phỏng thử nghiệm. Vinfast và Viettel là hai ví dụ điển hình.
Để các sản phẩm công nghệ cao được chấp nhận trên thị trường toàn cầu, thay vì sản xuất đại trà theo kinh nghiệm như trước, chúng ta cần thay đổi quy trình sản xuất sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc mô phỏng chắc chắn nằm trong quy trình đó. Như vậy, thị trường lao động sẽ luôn cần đến đội ngũ kỹ sư Cơ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao.
* Theo bạn, một kỹ sư Cơ Kỹ thuật giỏi cần hội tụ những phẩm chất nào? Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đam mê ngành học này không?
Mình nghĩ rằng điều quan trọng nhất đối với một kỹ sư Cơ Kỹ thuật chính là khả năng học tập suốt đời. Những điều được học trên trường lớp sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta làm việc trong môi trường công nghiệp.
Tuy nhiên, những kiến thức đó không đủ và thực sự chưa bao giờ đủ. Trong quá trình làm việc, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hoàn toàn mới mẻ hay những tình huống chưa từng được học. Lúc này, bạn cần chủ động tìm kiếm tư liệu liên quan và tự mày mò học hỏi để hoàn thành công việc.
Những năm gần đây, do có sự dịch chuyển của nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu về nhân lực lĩnh vực tính toán mô phỏng Cơ Kỹ thuật (CAD/ CAE) ngày càng gia tăng. Một số lượng lớn cựu sinh viên tốt nghiệp ngành Cơ Kỹ thuật đang làm việc tại nhiều tập đoàn đa quốc gia và tập đoàn trong nước. Trong số đó, nhiều đơn vị liên quan đến thị trường Nhật một cách trực tiếp (công ty Nhật, công ty có văn phòng làm việc tại Nhật) hoặc gián tiếp (công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường Nhật). Đón đầu làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, từ 2021 Trường Đại học Bách khoa chính thức vận hành chương trình Chất lượng cao Tiếng Nhật ngành Cơ Kỹ thuật nhằm đào tạo lực lượng kỹ sư Việt Nam giỏi chuyên môn, thông thạo nhiều ngôn ngữ (Nhật, Anh) và các kỹ năng nghề nghiệp hiện đại, tự tin hội nhập quốc tế.
|
Bài: XUÂN MAI, Đồ họa: KHUYÊN
Hình: Nhân vật cung cấp