Ngành Kỹ thuật Vật liệu – “Nhịp cầu” giúp sinh viên Bách khoa chinh phục ước mơ

Không chỉ khuyến khích sinh viên khám phá vẻ đẹp mới mẻ của thế giới vật chất dưới lăng kính hiển vi, ngành Kỹ thuật Vật liệu Bách khoa còn trở thành “nhịp cầu” kết nối các bạn với hoài bão phụng sự cộng đồng.

Bài viết liên quan
Kỹ thuật Vật liệu – Đòn bẩy của tiến bộ khoa học, công nghệ
Kỹ thuật Vật liệu – Ngành học đầy lý thú của Trường ĐH Bách khoa
Vật liệu sinh học – Giải pháp tiên phong trong ngành xây dựng
Nữ giảng viên BK tạo cú “hit” ScienceBiz với vật liệu tự lành

Nguyễn Quỳnh Trúc My – sinh viên K2022 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu, thủ khoa đầu vào Khoa Công nghệ Vật liệu năm 2022, tâm sự: “Hồi xưa, mình phân vân rất nhiều giữa khối ngành kỹ thuật và kinh tế. Từ quan sát cá nhân và phân tích của gia đình, mình nhận thấy lĩnh vực kinh tế tuy phổ biến nhưng hiện đã bão hòa. Chúng ta có thể bổ sung kiến thức kinh tế nếu chịu khó mày mò nhưng không thể tự học kỹ thuật mà không được đào tạo chỉn chu, bài bản. 

Ba mình – một máy trưởng công ty hoa tiêu siêu tâm huyết với nghề – đã đưa mình tới với ngành Kỹ thuật Vật liệu. Qua những câu chuyện hấp dẫn về công việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu thủy định kỳ, ba hào hứng giới thiệu các loại vật liệu ưu việt trong ngành hàng hải hoặc chia sẻ khó khăn trong quá trình thi công nhằm đảm bảo kết quả vận hành tốt nhất. Đặc biệt, nếu vật liệu không thể vượt qua thách thức từ điều kiện môi trường thì sẽ dẫn tới nhiều tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Bên cạnh đó, mọi thứ được cấu thành từ “đơn vị” cơ bản – vật liệu. Vậy nên học một ngành kỹ thuật cốt lõi tạo ra nguyên liệu đầu vào của mọi ngành nghề chắc chắn sẽ ổn định, bền vững. 

Năm 2022 là năm đầu tiên Bách khoa vận hành chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu. Sự kết hợp giữa tiếng Anh chuyên ngành và chuyên môn vật liệu từ chiếc nôi Bách khoa giàu truyền thống là lựa chọn đúng đắn. Chương trình mang tính ứng dụng rất cao, vừa khuyến khích sinh viên vận dụng kiến thức Toán – Lý – Hóa để cho ra thành quả hữu hình vừa đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tất nhiên trước một ngành học thú vị với cơ hội làm việc – tu nghiệp phong phú ở trong, ngoài nước cùng môi trường học tập thân thiện, tiến bộ, bình đẳng và uy tín như vậy, mình nhất định phải đăng ký liền tay.

Đúng với tưởng tượng ban đầu, ngành Kỹ thuật Vật liệu định hướng chi tiết các phân mảng kiến thức phù hợp với từng chuyên ngành. Khoa tổ chức nhiều sân chơi học thuật thường niên, đồng thời quan tâm sâu sát tới sinh viên suốt quá trình học tập (kịp thời hỗ trợ, nhiệt tình lắng nghe góp ý từ các bên liên quan). Tụi mình được tạo điều kiện trải nghiệm nhiều nhất có thể thông qua những chuyến tham quan nhà máy hay tham gia nghiên cứu khoa học, làm dự án các môn học có phần thí nghiệm. 

Vì sĩ số lớp Dạy và học bằng tiếng Anh nhỏ nên mình cùng đồng môn có thể thực hành nhiều hơn, dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên kỳ cựu. Chưa hết, Khoa còn đẩy mạnh công tác giao lưu học thuật, trao đổi văn hóa, kết nối doanh nghiệp, đồng thời cập nhật công nghệ tiên tiến vào nội dung đào tạo và chăm chút xây dựng kênh truyền thông chính thức. Nhờ đó, sinh viên luôn nắm chắc thông tin cũng như chuẩn bị đầy đủ hành trang để tự tin trở thành công dân toàn cầu. 

Về dự định tương lai, mình sẽ theo đuổi mảng vật liệu thông minh, có tính tương thích sinh học cao và thân thiện với môi trường. Mục tiêu của mình là hỗ trợ nâng cao sức khỏe cộng đồng và hướng tới sự phát triển bền vững thông qua tri thức có được từ ngành. Trong hành trình này, mình cực kỳ hạnh phúc khi nhận được sự đồng hành tuyệt vời từ các thầy cô Khoa Công nghệ Vật liệu mến thương.

Đinh Nguyễn Khánh Trình – sinh viên K2022 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu, Á quân Ngày hội Kỹ thuật Khoa Công nghệ Vật liệu 2022 – chia sẻ: “Mình vốn mê kỹ thuật từ nhỏ. Trường ĐH Bách khoa luôn là gạch đầu dòng đầu tiên trong danh sách ngôi trường mơ ước của mình. Hơn nữa, vốn là cựu sinh viên Bách khoa, mẹ đã truyền cảm hứng cho mình phấn đấu thi đậu vô trường.

So với các ngành hóa khác, ngành Kỹ thuật Vật liệu Bách khoa không chỉ tập trung vào cấu trúc, thành phần mà còn quan tâm tới tính chất, ứng dụng của các loại vật liệu trong những sản phẩm khác nhau. Với mình, chọn ngành Kỹ thuật Vật liệu luôn là quyết định chính xác khi bản thân vừa thỏa mãn niềm đam mê hóa học vừa khám phá – nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu cùng cách kết hợp chúng để ứng dụng trong thực tiễn.  

Hai năm qua ở Bách khoa, mình đã tích lũy nhiều kiến thức hữu ích về cấu trúc, tính chất, ứng dụng của từng nhóm vật liệu từ những môn học lý thú như: Cơ sở Khoa học Vật liệu, Cơ sở Hóa học Vật liệu, Vật lý Chất rắn, Hóa Lý…

Mình dần tìm thấy lời giải thích cặn kẽ cho những hiện tượng kỳ thú, từ cơ bản tới nâng cao. Chúng ta có thể biến đổi vật liệu để tạo ra sản phẩm từ vi mô tới vĩ mô và ngược lại. Thậm chí, một sự thay đổi nhỏ xíu cũng có thể dẫn đến sự khác biệt lớn lao về tính chất vật liệu. 

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình tại Bách khoa là lớp Kỹ năng Mềm vui nổ trời hồi năm Nhất. Qua những giờ học thoải mái, mình không chỉ cởi mở kết nối với bạn bè mà còn từ từ thoát khỏi vùng an toàn trước đây. Chưa dừng lại ở đó, các sự kiện sôi động do Văn phòng Đào tạo Quốc tế tổ chức đã tạo điều kiện để tụi mình liên tục rèn giũa kỹ năng giao tiếp – thuyết trình bằng tiếng Anh. Ngoài ra, hoạt động trao đổi kiến thức thông qua ngôn ngữ toàn cầu cũng giúp mình tự tin thảo luận, góp ý và cộng tác trong môi trường làm việc chuyên nghiệp sau này.

Hiện tại, mình đang tập trung nghiên cứu vật liệu nano nói chúng và lớp phủ nano (nanocoating) nói riêng, cụ thể là lớp phủ nano composite đa chức năng – sự kết hợp giữa silica (SiO2) và graphene oxide (GO) để tạo nên lớp phủ bề mặt thép carbon thấp và nhựa. Qua đó, tạo thành nhiều sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Trương Trung Anh – sinh viên K2023 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu, thủ khoa đầu vào Khoa Công nghệ Vật liệu năm 2023 – cho biết: “Mình chọn chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu sau một khoảng thời gian dài cùng ba tìm hiểu. Hai cha con nhận thấy tiềm năng phát triển vô cùng rộng mở, nhất là khi người học thông thạo tiếng Anh chuyên ngành.

Ngành Kỹ thuật Vật liệu nghiên cứu về cấu trúc, tính chất, phương pháp sáng chế – thiết kế – chế tạo các loại vật liệu trong đời sống, tiêu biểu là kim loại, ceramic, bán dẫn, polymer… Tuy lý thú và có tính ứng dụng cao là thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn hiểu lầm từ “vật liệu” trong cụm “Kỹ thuật Vật liệu” là “vật liệu xây dựng” nên không ưu tiên đặt nguyện vọng. Mình thực sự hy vọng Kỹ thuật Vật liệu sẽ trở thành ngành học xu hướng nếu được quảng bá rộng rãi.

Hiện tại, tụi mình dành phần lớn thời gian học các môn đại cương khó nhằn để rèn luyện khả năng tập trung và tư duy logic. Tuy nhiên, môn Nhập môn Kỹ thuật đã biến năm Nhất trở nên cực kỳ sôi động. Môn học giúp “tân binh” từng bước hiểu sâu các loại vật liệu, đồng thời cho phép tụi mình gặp gỡ các giảng viên tâm huyết và lắng nghe thầy cô chia sẻ về những đề tài nghiên cứu xịn sò. Nhờ đó, tụi mình được truyền cảm hứng cũng như có thể tự định hướng tốt hơn.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Bách khoa là buổi thí nghiệm về vật liệu polimer do ThS. Trần Tấn Đạt phụ trách. Suốt tiết học, thầy say sưa giảng đủ thứ kiến thức chuyên sâu về vật liệu polimer cùng những ứng dụng thực tiễn. Tuy chỉ làm thí nghiệm trình diễn nhưng thầy Đạt đã cho tụi mình thấy được thái độ nghiêm túc, chỉn chu cùng tinh thần cầu toàn, kiên nhẫn trong từng thao tác. Ấn tượng nhất là khoảnh khắc đứng khuấy tạo khuôn. Nhiệm vụ để ý khi nào khuôn trở nên đặc hơn buộc mình thực sự chú tâm. Nhờ đó, mình ngộ ra rằng lý thuyết và thực hành thực sự rất khác nhau. Mình luôn thầm cảm ơn Bách khoa vì tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên xắn tay thực hành nhiều nhất có thể.

Mong mỏi của mình khi theo học ngành Kỹ thuật Vật liệu là ứng dụng công nghệ in 3D để phục vụ mục đích quân sự. Mình đã theo dõi quá trình phát triển của công nghệ in 3D kể từ khi nó vừa được công bố cho tới lúc ứng dụng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, xây dựng, y học, nha khoa, thậm chí là công nghệ thực phẩm.

Dù xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng đến nay, công nghệ tiên tiến này vẫn chưa đóng góp nhiều vào việc sản xuất khí tài kỹ thuật quân sự ở Việt Nam. Mình muốn là người tiên phong hiện thực hóa ước vọng này. Để điều đó khả thi hơn, mình quyết tâm bắt đầu với mục tiêu chế tạo khí tài từ các kim loại/ hợp kim bằng kỹ thuật in 3D. Phía trước chắc chắn còn nhiều khó khăn nhưng mình tin chắc bản thân sẽ tìm thấy giải pháp phù hợp. Cứ lạc quan thôi vì loài người luôn có cách tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm mà, phải không?

Nắm bắt nhu cầu thực tế, sau 20 năm hình thành và phát triển, Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa triển khai chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu Công nghệ cao (mã trường: QSB, mã ngành: 229). Đây là chương trình đào tạo chính quy đạt chứng nhận kiểm định AUN/QA, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.Bằng do Trường ĐH Bách khoa cấp. Địa điểm học tại Cơ sở Q.10. Chương trình phù hợp với các thí sinh đam mê khám phá vẻ đẹp mới mẻ của thế giới vật chất dưới lăng kính hiển vi, mong muốn phát minh những loại vật liệu tiên tiến, có tính chất ưu việt và thân thiện với môi trường.

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp