Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Kỹ thuật Vật liệu – Ngành học đầy lý thú của Trường ĐH Bách khoa

Vật liệu là lĩnh vực “xương sống” của khối ngành kỹ thuật, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự vận hành của thế giới. Kỹ thuật Vật liệu vừa mang tính nền tảng vừa có yếu tố liên ngành, đã thú vị lại còn thách thức. Cùng OISP tìm hiểu ngành học lý thú này dưới góc nhìn của người trong ngành nha.

Bài viết liên quan
Kỹ thuật Vật liệu – Đòn bẩy của tiến bộ khoa học, công nghệ
Vật liệu sinh học Giải pháp tiên phong trong ngành xây dựng
Nữ giảng viên BK tạo cú “hit” ScienceBiz với vật liệu tự lành
SV Bách khoa Quốc tế liên ngành Vật liệu – Hóa tham gia trao đổi tại Nhật

Kỹ thuật Vật liệu là ngành học vận dụng nhuần nhuyễn nguyên lý Toán – Lý – Hóa – Sinh cùng hiểu biết về tính chất, cấu trúc, thành phần các loại hợp chất hữu cơ để điều chỉnh, xử lý, thiết kế, chế tạo những loại vật liệu tiên tiến và hữu dụng. 

TS. Nguyễn Khánh Sơn – Trưởng Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM), cho biết: “Ngành Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của bất kỳ ĐH nào trên thế giới đều hướng đến việc giúp sinh viên khám phá mối liên hệ phức tạp giữa trạng thái, cấu trúc vi mô, quá trình công nghệ xử lý cùng đặc trưng/ tính chất của vật liệu. 

Qua đó, nắm vững đặc tính vật liệu (độ bền, độ dẻo, khả năng chịu nhiệt…), quá trình giảm cấp, hỏng hóc cũng như tìm kiếm giải pháp tối ưu ưu điểm suốt vòng đời vật liệu, từ lúc khai thác nguyên liệu tới khi tái chế sản phẩm. 

Kỹ thuật Vật liệu là ngành học có tính liên ngành. Lấy ví dụ cụ thể, vật liệu y sinh – giải pháp cấy ghép giúp hàng triệu bệnh nhân phục hồi sau chấn thương, góp phần giảm thiểu số ca phẫu thuật không cần thiết – được tạo ra bằng những loại vật liệu an toàn với cơ thể con người. Để đạt được thành quả đột phá này, các nhà khoa học, kỹ sư cần có sự am hiểu đa lĩnh vực, kết hợp kiến thức Hóa học, Vật lý (thiết kế/ kỹ thuật sản xuất) với Sinh học (đặc tính ứng dụng)”.

Ngày nay, vật liệu có mặt khắp mọi nơi. Ứng dụng của ngành xuất hiện trong mọi mặt đời sống, từ điện tử – viễn thông, giao thông vận tải, hàng không – vũ trụ tới y tế, sức khỏe, năng lượng, môi trường… Có thể dễ dàng nhận thấy, những tiến bộ lớn của nền văn minh nhân loại đều được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành khoa học – kỹ thuật vật liệu.

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 229) trang bị cho sinh viên khối kiến thức vững chắc về quá trình sản xuất, gia công, kiểm tra, đánh giá toàn diện tính chất cơ – lý – hóa – điện của các nhóm vật liệu kim loại, gốm – thủy tinh – xi-măng, cao su – nhựa, đặc biệt là vật liệu năng lượng và các nhóm vật liệu công nghệ cao khác (bán dẫn điện tử, vật liệu thông minh tự lành/ tự liền/ tự cảm biến, vật liệu y tế, vật liệu nano…).

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu của Trường ĐH Bách khoa trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về vật liệu năng lượng cùng các nhóm vật liệu công nghệ cao khác. – Hình: OISP

Chương trình đạt chứng nhận kiểm định quốc tế AUN/QA và do đội ngũ giảng viên ưu tú tốt nghiệp từ các ĐH danh tiếng thế giới ở Mỹ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc trực tiếp giảng dạy bằng 100% tiếng Anh. Trong đó, một số thầy cô hiện là cán bộ quản lý hoặc nhà khoa học nổi tiếng như:
• PGS. TS. Lê Văn Thăng – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, chuyên gia lĩnh vực vật liệu nano carbon, ăn mòn bảo vệ kim loại
• GS. Đỗ Quang Minh – nhà khoa học trong lĩnh vực sản xuất gốm-thủy tinh và vật liệu xử lý môi trường
• PGS. TS. Nguyễn Thị Lệ Thu – nhà khoa học nữ đạt giải thưởng quốc tế L’Oreal-UNESCO 2019, giải thưởng quốc gia Tạ Quang Bửu 2022, chuyên gia lĩnh vực vật liệu polymer nhớ hình, polymer tự lành

Sinh viên chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu có thể đảm nhận nhiều vị trí như: kỹ sư nghiên cứu phát triển sản phẩm, kỹ sư quy trình, kỹ sư đảm bảo chất lượng, kỹ sư hỗ trợ giải pháp kỹ thuật, chuyên viên kinh doanh kỹ thuật… tại các doanh nghiệp tư nhân, quốc doanh hoặc các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghiệp:
• Vi mạch điện tử, vật liệu bán dẫn: Intel, Samsung, Nidec, Kyocera…
• Năng lượng, pin nhiên liệu: VinES, First Solar, LeLong, Solar BK, Pinaco Miền Nam…
• Bao bì đóng gói, sản xuất gia dụng: Rạng Đông, Duy Tân, Tetra Park, Unilever, P&G…
• Vật liệu cơ khí, ô tô: Thaco Trường Hải, Thiên Sơn, Casumina, Michelin, Bridgestone, Robert Bosch…
• Vật liệu xây dựng hạ tầng: Saint-Gobain, Fico YTL, UNIS, Xi măng Hà Tiên, Viglacera, Mapei Vietnam, Silkroad, Nippon Sheet Glass, Hyosung, Cadivi, Posco, Thép Pomina, Tôn Hoa sen, Tôn Đông Á…

Anh Đặng Việt Hải – Giám đốc điều hành Công ty Constantia Flexibles Việt Nam, cho biết: “Là cựu sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Vật liệu K2004, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Khoa và trường trong công tác đào tạo, thực tập và tuyển dụng, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm bản thân về ngành sản xuất vật liệu mà tôi đã gắn bó hơn 15 năm”.

Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm thực tế, sinh viên có thể thăng tiến lên vị trí trưởng nhóm, trưởng phòng, giám sát, giám đốc/ cố vấn kỹ thuật, giám đốc kinh doanh, cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý ngành vật liệu, chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên về sản xuất – kinh doanh các loại vật liệu…

Không chỉ dừng lại ở đó, xuyên suốt bề dày lịch sử, Khoa Công nghệ Vật liệu – Trường ĐH Bách khoa luôn chú trọng hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức học thuật uy tín như: JICA-AUN/SEED-Net, ECP (Ecole Centrale de Paris), INP Grenoble, CEA Grenoble, INSA Lyon (Pháp), ĐH Monash (Úc), ĐH Công nghệ Nagaoka, ĐH Kyushu, ĐH Công nghệ Toyohashi (Nhật), ĐH Sungkyunkwan, ĐH Yeungnam (Hàn Quốc), ĐH Ming Chi (Đài Loan)… 

Vì vậy, bên cạnh cơ hội trao đổi – thực tập phong phú, các sinh viên theo đuổi định hướng giảng dạy – nghiên cứu còn dễ dàng tiếp cận với những suất học bổng du học toàn phần từ các ĐH và mạng lưới đối tác lâu năm.

Dựa trên nền tảng chuyên môn về khoa học và kỹ thuật vật liệu, cử nhân Bách khoa ngành này có thể:
• Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đánh giá, cải thiện, phát triển tính chất các loại vật liệu
• Tư vấn kỹ thuật về các loại vật liệu
• Lập kế hoạch, tổ chức vận hành quy trình công nghệ/ hệ thống kỹ thuật
• Theo dõi, quản lý công việc của kỹ thuật viên và nhân viên sản xuất
• Giám sát, bảo trì dây chuyền sản xuất/ chế tạo vật liệu
Làm cầu nối liên lạc với nhà cung cấp, khách hàng và nhân viên sản xuất/ phát triển

Công việc của cử nhân ngành Kỹ thuật Vật liệu vừa thú vị vừa thách thức. – Hình: PEXELS

Nguyễn Phú Hào – cựu sinh viên K2017 ngành Kỹ thuật Vật liệu, Kỹ sư Nghiên cứu & Phát triển Sản phẩm tại Công ty Kingfa Science & Technology Việt Nam, chia sẻ: “Sở trường của cử nhân vật liệu là đưa ra công thức sản phẩm và quy trình sản xuất phù hợp với từng loại sản phẩm. Mỗi yêu cầu của công ty/ khách hàng là một bài toán có vô vàn lời giải.

Cử nhân vật liệu cần đề xuất phương án tối ưu để đảm bảo đáp ứng mọi tiêu chí về tính năng sản phẩm và chi phí sản xuất. Điều này vừa thú vị vừa thách thức. Thú vị vì cử nhân vật liệu có thể linh hoạt thay đổi lời giải cho từng bài toán dựa trên nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp. Thách thức ở chỗ phải tính toán làm sao để lựa chọn giải pháp tốt nhất.

Ví dụ, tại trụ sở công ty mình ở Quảng Châu (Trung Quốc), kỹ sư phát triển sản phẩm có thể tiếp cận những loại nhựa nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp và luôn có sẵn công thức từng loại sản phẩm được yêu cầu. Tuy nhiên, khi xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam, số lượng loại nhựa nguyên liệu cần vừa được tinh giản vừa đảm bảo nhu cầu sản xuất tại nước ta. Lúc này, kỹ sư vật liệu cần trả lời cùng lúc hai câu hỏi:
• Nên chọn mua những dòng nhựa nguyên liệu nào?
• Chỉ với các dòng nhựa đã chọn, nên thay đổi công thức như thế nào để đáp ứng yêu cầu?

Bên cạnh đó, kỹ sư vừa trình bày phương án phù hợp vừa chỉ ra công cụ kiểm chứng tính hiệu quả của phương án đó. Chẳng hạn, đối với các sản phẩm có yêu cầu cụ thể về tính chất cơ học, nhiệt học, điện học, quang học và hóa học, tụi mình cần giới thiệu phương pháp phân tích cụ thể ứng với từng tính chất nêu trên. Những kiến thức này đều được chương trình Kỹ thuật Vật liệu đào tạo bài bản và chỉn chu”.

Nắm bắt nhu cầu thực tế, sau 20 năm hình thành và phát triển, Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa triển khai chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu Công nghệ cao (mã trường: QSB, mã ngành: 229). Đây là chương trình đào tạo chính quy đạt chứng nhận kiểm định AUN/QA, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Bằng do Trường ĐH Bách khoa cấp. Địa điểm học tại Cơ sở Q.10. Chương trình phù hợp với các thí sinh đam mê khám phá vẻ đẹp mới mẻ của thế giới vật chất dưới lăng kính hiển vi, mong muốn phát minh những loại vật liệu tiên tiến, có tính chất ưu việt và thân thiện với môi trường.

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp