Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Từ “chiếc nôi” Quản lý Công nghiệp Bách khoa, nỗ lực đi thật xa để trở về

Từng nhận “cơn mưa” học bổng kèm thư báo đỗ từ nhiều ĐH danh tiếng trong và ngoài nước, Nguyễn Thành Thơ quyết định chọn “bến đỗ” Bách khoa và trở thành nữ thủ khoa toàn năng, khả ái của Khoa Quản lý Công nghiệp. Điều gì đã thuyết phục cô nàng chốt hạ nguyện vọng một cách đầy mạnh mẽ và tự tin?

Bài viết liên quan
“Sắn lùi” Bách khoa – những “đóa hoa” tài sắc
Phan Châu Dung: Khi bước khỏi vùng an toàn, bạn sẽ ngạc nhiên về bản thân
Trương Cẩm Dung – chân đi xuất ngoại của Khoa Quản lý Công nghiệp
Lê Ngọc Duyên Phương: Tự hào là một “củ sắn lùi” Bách khoa

NGUYỄN THÀNH THƠ
• Thủ khoa đầu vào K2023 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Quản lý Công nghiệp, IELTS 8.0
• Quý quân Vòng Quốc gia và Á quân Vòng Quốc tế cuộc thi Startathon Đổi mới Sáng tạo chủ đề Phát triển Bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Trẻ khối ASEAN – Trung Quốc – Ấn Độ tại Singapore
• Học bổng trao đổi TF SCALE 2023 tại Singapore
• Trưởng Ban Nghiên cứu & Phát triển dự án UniService – dự án hợp tác giữa Khoa Quản lý Công nghiệp và Công ty Cổ phần Thực phẩm Kết Tình
• Bí thư Chi đoàn lớp K2023 Quản lý Công nghiệp chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối Văn phòng Đào tạo QUốc tế
• MC song ngữ dẫn dắt hơn 50 sự kiện học đường (lễ tốt nghiệp, cuộc thi, chương trình giao lưu văn hóa – nghệ thuật – thể thao, hội nghị hội thảo, workshop webinar,…)
• Thành viên CLB Bóng chuyền Ký túc xá Bách khoa, Ban Tổ chức Giải Bóng chuyền Sinh viên Mở rộng Ký túc xá Bách khoa

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Quản lý Công nghiệpchương trình hiếm có khó tìm với định hướng đào tạo kết hợp kiến thức kỹ thuật và kỹ năng quản lý. Ngay từ năm Nhất, tụi mình đã có dịp lắng nghe những chia sẻ quý báu về xu hướng kỹ – trị trong nền kinh tế số từ các giảng viên kỳ cựu thông qua chuỗi workshop bổ ích của Khoa. 

Đây là bước đệm tuyệt vời để người học mở rộng tư duy qua góc nhìn thực tế của sinh viên – khách hàng – doanh nghiệp, từ đó không ngại đổi mới và chủ động tối ưu hóa quy trình sản xuất – vận hành. Hoạt động bổ ích này góp phần nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ xanh cũng như hướng tới cân bằng ba trụ cột môi trường – xã hội – quản trị trong sứ mệnh của doanh nghiệp.

Sự trao quyền chính là điều mình ấn tượng nhất về ngành Quản lý Công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa. Sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi để học, để thử và để sai bằng cách trực tiếp cọ xát ở các cuộc thi kinh doanh – kỹ thuật, kết nối với giảng viên, cộng tác cùng cựu sinh viên trong cộng đồng BKA-SIM, thử sức nghiên cứu khoa học… Tất cả vừa mang tới những trải nghiệm phong phú vừa tiếp thêm nguồn động lực bền bỉ. Tụi mình biết rằng bản thân luôn có Bách khoa – chỗ dựa an toàn và vững chắc, chứ không hề đơn độc một mình.

Nhờ hàng loạt hoạt động ngoại khóa thiết thực do Khoa và trường tổ chức, tụi mình từng bước mở rộng vòng tròn kết nối, đồng thời giao lưu, học hỏi từ các tiền bối thành đạt. Và kết quả là tụi mình cùng nhau “may túi ba gang, mang theo mà đựng” vô vàn kỷ niệm có một không hai ở Bách khoa luôn. ^^

Đội ngũ giảng viên, chắc chắn rồi, là nguồn động lực to lớn! Cô chủ nhiệm Thanh Xuân hay gây thương nhớ với phong cách “có nhu có cương” độc đáo, vừa thể hiện sự quan tâm ân cần vừa cho phép sinh viên bung lụa trong khuôn khổ. Thầy Duy Thanh đã truyền cho tụi mình thiệt nhiều cảm hứng khi viết hẳn một bức tâm thư sau khi kết thúc môn học Kinh tế Vĩ mô. Cô Minh Châu không ngừng gợi mở tư duy và trao tặng cho sinh viên nhiều cơ hội quý giá. 

Cảm ơn Bách khoa Quốc tế đã ôm lấy mình trong một môi trường cởi mở và đa dạng. Bật mí chút xíu là tại đây, mình đã tìm thấy quá trời tâm hồn đồng điệu – dàn trai xinh gái đẹp năng động, cá tính, văn võ song toàn. Đó là những anh chị đi trước hết lòng “pay it forward”, là nhóm bạn học bá bài nào cũng giỏi, là Đoàn Khối yêu thương nhau như một gia đình, là CLB bóng chuyền không ngại “gánh” mình mọi lúc mọi nơi, là mấy chiến hữu “nghệ cả củ”, sẵn sàng cùng nhau chu du những cung đường mới. Mỗi cá nhân ghi dấu với ưu điểm, bản sắc, nền tảng khác nhau, đồng thời nhắc nhở mình về phương châm giản đơn “Hãy luôn sống hết mình!”.

Ngoài ra, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh giúp mình thực sự sống cùng tiếng Anh mỗi ngày. Nhờ có tiếng Anh, mình học tập, lắng nghe, tiếp xúc liên tục với lối tư duy rộng mở, văn hóa làm việc chuyên nghiệp và trau dồi năng lực ngoại ngữ. Lý do mình đặc biệt tâm huyết với công việc MC song ngữ là vì mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực tới với mọi người bất kể sự khác biệt quốc tịch, đồng thời cảm nhận cảm xúc chân thật (dù là vi tế nhất) của nhiều nhóm khán giả khác nhau qua lăng kính ngôn ngữ toàn cầu.

Mình từng nhiều lần tự hỏi vì sao các anh chị trong tổ chức phi lợi nhuận về phát triển bền vững lại nhiệt huyết tới vậy hay vì sao nhiều cựu sinh viên Bách khoa sẵn sàng trở lại và hỗ trợ đàn em định hướng tương lai… Mãi cho tới khi mình biết tới cụm từ “pay it forward”. À, tại sao mình không đóng góp một phần nhỏ bé vào hành trình “giữ lửa” và “truyền lửa”?

Đơn cử, cơ duyên mình “chạm ngõ” Đoàn Hội cực đơn giản và siêu liên quan phương châm sống của bản thân: khiêm nhường góp sức tạo nên môi trường năng động, cởi mở – nơi tiếng nói của sinh viên được ghi nhận, thấu hiểu. 

Ngược lại, mình cũng có dịp lắng nghe, học hỏi thông qua việc tiếp xúc với nhiều cộng đồng khác nhau. Điều này tạo thành tư duy cởi mở, dám mạnh dạn đón nhận và tự tin trải nghiệm của Thành Thơ hiện tại.

Hiểu mình dẫn tới hiểu người, yêu mình rồi sẽ yêu người. Mình rất trân trọng bản sắc cá nhân cùng tinh thần “Keep it real, keep it raw”. Đến tận bây giờ, mình vẫn luôn học cách chậm lại một chút, không vội vàng đánh giá người khác. Bởi mỗi người đều độc nhất, khác biệt và đáng trân trọng, học hỏi. 

Thành Thơ dẫn chương trình cho Tỉnh đoàn Bình Định. – Hình: NGUYỄN THÀNH THƠ

Với mình, “sự thành công của một cá nhân chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong tổng thể giá trị mang lại cho cộng đồng”. Dù vinh dự đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo trẻ ASEAN – Trung Quốc – Ấn Độ hay nhận học bổng trao đổi TF SCALE qua Singapore, mình vẫn tin rằng những thành tích cá nhân chỉ là hạt cát nhỏ bé. 

Điều quan trọng nhất là mọi thứ mở ra cơ hội phong phú, cho phép mình liên tục thử thách bản thân, mở rộng tầm nhìn, để được “learn – unlearn – relearn” (dịch dí dỏm là học cách “học” để “bỏ học” rồi “học lại”). Hơn cả thành tích lung linh, mình cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì có thể đóng góp ý tưởng nhỏ bé vào các cuộc thi khởi nghiệp/ dự án phát triển bền vững, kết nối với bạn bè quốc tế, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và quảng bá hình ảnh đất nước thông qua hoạt động giao lưu văn hóa.

Trở về từ chuyến trao đổi thuộc khuôn khổ học bổng TF SCALE, mình tâm đắc với khẩu hiệu “A Glo-Cal Citizen, think global – act local” quá chừng. Tuy mục tiêu phát triển bền vững nghe có vẻ vĩ đại, xa vời nhưng thầy cô và anh chị đã dạy mình cách nhìn kỹ, đào sâu những vấn đề của cộng đồng xung quanh, để rồi nếu bản thân có cơ hội đi được thật xa thì cũng là để trở về cống hiến, vun bồi cho nơi mình xuất phát.

Nếu bạn yêu thích làm việc trong lĩnh vực kinh doanh – quản lý vận hành thì chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Quản lý Công nghiệp (mã trường: QSB, mã ngành: 223) là lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo học chế tín chỉ. Nội dung và số lượng môn học cùng số lượng tín chỉ được thiết kế tương đương các ĐH uy tín trong khu vực và trên thế giới như: ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Purdue, Viện Công nghệ Massachusetts… và được cập nhật, điều chỉnh liên tục. Đặc biệt, trong hai năm cuối, sinh viên có thể chuyển tiếp sang các ĐH đối tác của Trường ĐH Bách khoa tại Úc nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng tài chính, kết quả học tập và trình độ tiếng Anh. 
Ngoài ra, sinh viên với năng lực học tập, hoạt động xã hội nổi bật cũng có cơ hội vươn ra biển lớn với nhiều cơ hội học bổng trao đổi trong các học kỳ như quỹ học bổng ERASMUS+ (châu Âu), TL-Stiftung (Đức), TF SCALE (Singapore)…

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp