Từ bệ phóng Bách khoa, các cựu sinh viên chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Xây dựng đã tự tin phát triển sự nghiệp với định hướng đa dạng, trong đó có học tiếp cao học ở nước ngoài và làm việc cho tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Bài viết liên quan
► Xây dựng – Triển vọng và cơ hội cho nguồn nhân lực trẻ
► 5 “đặc quyền” của sinh viên Xây dựng chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh
► Nguyễn Anh Tú: Học Xây dựng ở Bách khoa bao vui và chất
► Bộ ba cùng tiến ngành Kỹ thuật Xây dựng “càn quét” học bổng các kỳ liên tiếp
CHẮC KIẾN THỨC, THẠO GIAO TIẾP VÀ RÀNH CÔNG NGHỆ ĐỂ THĂNG TIẾN VỮNG VÀNG
Mình là Nguyễn Ngọc Anh Trâm, cựu sinh viên K2016 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Xây dựng. Hiện tại, mình đang theo học chương trình thạc sỹ ngành Quản lý và Kỹ thuật Xây dựng tại ĐH La Trobe (Úc) với học bổng toàn phần của trường.
Hồi nhỏ, mình đã có niềm đam mê đặc biệt với trò lắp ráp, khoái chơi lego và mê nghề xây dựng. Lớn lên, mình luôn tò mò về mọi công trình kiến trúc, từ những ngôi nhà đơn sơ tới các tòa cao ốc hiện đại.
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Xây dựng giúp mình trau dồi vốn tiếng Anh chuyên ngành, tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân toàn diện trong môi trường đa văn hóa.
Ở Bách khoa, mình xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc về các nguyên lý, phương pháp, kỹ thuật xây dựng mới nhất, đồng thời phát triển kỹ năng phân tích – giải quyết vấn đề phức tạp, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, mình còn rèn luyện nhiều kỹ năng mềm hữu ích (giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm, quản lý thời gian…) trong quá trình triển khai những dự án xây dựng quy mô lớn. Tất cả tạo nên “bước chạy đà” bài bản để mình “cất cánh” vươn cao trong hành trình chinh phục tri thức bậc cao tại xứ sở chuột túi.
Tại ĐH La Trobe, mình tham gia các dự án nâng cao khả năng đảm bảo an toàn tại các điểm giao cắt đường sắt bằng cách sử dụng công nghệ mô phỏng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong các mô hình mô phỏng lái xe. Bên cạnh đó, mình cũng đảm nhận vai trò trợ giảng môn Thiết kế Hạ tầng tại Khoa Kỹ thuật của trường. Theo đó, mình sẽ hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn sinh viên thực hành, giúp các bạn làm quen với công cụ, phần mềm chuyên dụng.
Nhiều người cho rằng con gái không hợp học ngành xây dựng. Mình thì chưa đồng tình lắm. Theo quan sát cá nhân, thế mạnh của nữ giới là sự kỹ lưỡng, cẩn thận, đảm bảo kết quả đầu ra tốt nhất. Hơn nữa, tính cách khéo léo, mềm mỏng của phái đẹp giúp bầu không khí của các cuộc tranh luận/ đàm phán công việc trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn, nhờ đó chiếm được thiện cảm từ phía đối tác và đem về lợi ích cho công ty.
Mình nghĩ để thành công trong ngành xây dựng, chúng ta cần combo kiến thức chuyên môn – kỹ năng giao tiếp – hiểu biết công nghệ. Kiến thức chuyên môn vững chắc là nền tảng không thể thiếu. Sự am hiểu về các kỹ thuật xây dựng, vật liệu, quy trình và tiêu chuẩn trong ngành giúp kỹ sư thực hiện dự án một cách chính xác. Thêm vào đó, kỹ năng giao tiếp cũng cực kỳ quan trọng. Việc giao tiếp hiệu quả với các bên liên quan như đội ngũ công nhân, kỹ sư, khách hàng và nhà đầu tư sẽ đảm bảo thông tin được truyền đạt rõ ràng, thông suốt, góp phần giải quyết xung đột và tăng cường tính thấu hiểu suốt quá trình hợp tác. Cuối cùng, hiểu biết công nghệ là yếu tố then chốt trong thời đại số hóa hiện nay. Nắm bắt và ứng dụng tốt các công nghệ tối tân (mô hình thông tin xây dựng, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo…) không chỉ tối ưu hóa năng suất làm việc mà còn theo kịp xu hướng phát triển của ngành, từ đó mở ra triển vọng nghề nghiệp rộng mở.
Mình nhận thấy mảng quản lý xây dựng và kỹ thuật xây dựng hiện đại rất giàu tiềm năng. Trào lưu đô thị hóa cùng nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng ngày càng yêu cầu chuyên gia quản lý dự án có kiến thức sâu rộng và thông thạo công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, sự hình thành của các thành phố thông minh và xu hướng xây dựng bền vững cũng đang phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng là một phần quan trọng của các dự án xây dựng ngày nay. Điều này đòi hỏi hiểu biết sâu rộng về vật liệu xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng và phương pháp xây dựng thân thiện với môi trường. Do đó, các chuyên gia về vật liệu xanh, kỹ sư môi trường xây dựng, chuyên viên tư vấn, nhà quản lý dự án xây dựng bền vững và những vị trí nghiên cứu – phát triển liên quan đều được doanh nghiệp săn đón nhiệt tình.
KINH NGHIỆM THỰC CHIẾN VÀ KHẢ NĂNG ỨNG BIẾN LÀ MẤU CHỐT THÀNH CÔNG
Mình là Nguyễn Quốc Gia Bảo, cựu sinh viên K2016 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Xây dựng. Hiện mình đang làm Trưởng Phòng Phát triển Dự án của Waymax Holdings. Đây là quỹ đầu tư Singapore chuyên hợp tác với nhiều nhà phát triển bất động sản tên tuổi trên thị trường như: Novaland, Phú Long, An Gia, DIC… để rót vốn cho các dự án bất động sản lớn tại Việt Nam.
Ba mình – một kỹ sư thiết kế cầu đường vô cùng tận tâm – là người truyền cảm hứng để mình dấn thân vào ngành xây dựng. Nhờ ba, mình cảm nhận rõ những đóng góp của ngành cho nền kinh tế đất nước, tuy chậm rãi nhưng bền vững, lâu dài.
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh của Trường ĐH Bách khoa không chỉ bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành mà còn chuẩn bị cho sinh viên trọn bộ kỹ năng mềm hữu ích khi làm nghề như: kỹ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành lưu loát, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng bố trí nguồn lực… từ đó hình thành tác phong làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp của mình hiện tại.
Hồi còn là sinh viên, đa phần thời gian mình dành để học hành, thi cử. Việc nắm vững kiến thức chuyên ngành luôn được đặt lên hàng đầu. Tới khi đi làm, mình nhận ra các tình huống thực tế có thể khác xa, thậm chí trái ngược hoàn toàn so với những gì mình nhận được từ sách vở. Vì vậy, bên cạnh kiến thức nền tảng ở trường ĐH, kinh nghiệm thực chiến cùng năng lực ứng biến uyển chuyển cũng vô cùng quan trọng. Ngành Kỹ thuật Xây dựng giúp mình mài giũa hai điều này – ưu điểm mà mình thích mê.
Thời còn đi học, mình từng nghĩ sau khi ra trường chỉ có thể đảm nhận các nhiệm vụ liên quan tới xây dựng như: tư vấn thiết kế, đấu thầu thi công, giám sát công trình… Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp và gia nhập vào công ty hiện tại, mình phát hiện sự liên kết chặt chẽ giữa ngành xây dựng và các ngành khác, chẳng hạn việc kiểm soát chi phí xây dựng liên quan mật thiết tới việc tính toán tài chính hay việc sử dụng phần mềm quản lý dự án cần dựa trên hiểu biết nền tảng về công nghệ thông tin.
Lúc mới “đầu quân” cho quỹ đầu tư, mình hơi tự ti vì đa số đồng nghiệp xuất thân từ chuyên ngành tài chính, chỉ riêng mình là dân kỹ thuật. Nhưng nhờ khả năng suy luận logic cùng tư duy làm việc hệ thống trau dồi được ở Bách khoa, mình đã phát huy tối đa tiềm năng của bản thân để góp phần tạo nên kết quả mỹ mãn cho nhiều dự án, mang lại giá trị vật chất lẫn tinh thần to lớn cho xã hội.
Đối với mình, sự thăng tiến gắn liền với hành trình phát triển bền vững. Mình luôn cố gắng hoàn thành công việc một cách chỉn chu nhất bất kể công việc đơn giản tới đâu. Điều này giúp mình ghi điểm và nhận được sự tín nhiệm lớn từ cấp trên cũng như đối tác.
Theo mình, số hóa dữ liệu và quản lý dự án kỹ thuật số sẽ trở thành xu hướng trong ngành. Toàn bộ hạng mục thông số, công việc sẽ được tích hợp và quản lý bởi tất cả bên liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu, cán bộ giám sát, chuyên viên tư vấn thiết kế…) trên cùng một nền tảng điện tử, từ đó cập nhật tiến độ kịp thời và bảo đảm thông tin minh bạch, chính xác.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành tự động hóa, mình tin rằng viễn cảnh robot thay thế con người thực hiện các công việc nguy hiểm ở công trường sẽ diễn ra trong một tương lai không xa.
Sự điều chỉnh các chính sách đầu tư công của chính phủ cùng sự gia tăng nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài hứa hẹn mở ra cơ hội việc làm phong phú cho sinh viên xây dựng. Các công việc này không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao mà còn thông thạo ngoại ngữ và được trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm.
XUÂN MAI thực hiện
Kỹ thuật Xây dựng giữ vai trò tối quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia thông qua việc xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt, giao thông, sản xuất – kinh doanh, y tế, giáo dục… Các công tác mà kỹ sư xây dựng có thể đảm trách bao gồm tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý, giám sát và nghiệm thu các công trình như: nhà ở, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, cầu đường… Ngành Kỹ thuật Xây dựng, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh (tiền thân là chương trình Chất lượng cao) tại Trường ĐH Bách khoa được giảng dạy theo học chế tín chỉ và hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên có thể chuyển tiếp tín chỉ sang các ĐH đối tác tại Úc nếu đủ các điều kiện về học lực, tiếng Anh và tài chính. |