Trương Cẩm Dung: Chân đi xuất ngoại của Khoa Quản lý Công nghiệp

Trương Cẩm Dung (K2019 chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh) đã dốc sức làm đẹp profile ở những năm tháng đại học đầu tiên để ẵm học bổng trao đổi ERASMUS+ (Ireland) và TFSCALE (Singapore). 

Thành tích nổi bật
• Đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG-HCM năm 2021
• Nhận học bổng trao đổi ERASMUS+ tại ĐH Limerick, Ireland và TFSCALE tại ĐH Nanyang Polytechnic, Singapore
• Đạt học bổng khóa học Lead You Lead Me của Thinking School
• Tham gia & đạt giải video ấn tượng nhất tại Bách Khoa Innovation 2020
• Đứng Nhất tại Hội đồng số 3 (gồm các Khoa Quản lý Công nghiệp, Kỹ thuật Hóa học, Môi trường & Tài nguyên), Hội thảo Khoa học & Công nghệ Sinh viên OISP năm 2020-2021
• Đạt học bổng khuyến khích học tập từ HK192, 201, 202, 211

Bài viết liên quan
Nâng tầm thế giới với tấm bằng Quản lý Công nghiệp đạt chuẩn FIBAA
Lương Nhật Phương: Càng học càng mê ngành Quản lý Công nghiệp
Chọn Quản lý Công nghiệp sau cú “quay xe” khỏi ngành Y

TRỞ THÀNH PHIÊN BẢN TỐT HƠN SAU CÁC CHUYẾN TRAO ĐỔI

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là câu tục ngữ miêu tả rõ rệt nhất về hành trình vươn ra biển lớn của Dung. Được mở mang tầm mắt với cơ sở vật chất hiện đại, với những người bạn đúng chất global citizen (công dân toàn cầu – giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, có kỹ năng sống tốt), Dung ngày càng hoàn thiện bản thân hơn và nghiệm ra nhiều điều hay ho về cuộc sống. Cụ thể:

  • Biết quan tâm nhiều hơn tới đời sống sức khỏe tinh thần nhờ kỹ năng tự nhận thức bản thân và xung quanh – điều mà bây giờ Dung mới có dịp thực hành sau khi được học trong môn Kỹ năng Mềm, học kỳ Pre-University. Mỗi ngày Dung dành nhiều thời gian cho bản thân để đọc sách, nghe podcast và tập thể dục nhiều hơn là những điều giúp cuộc sống tinh thần của Dung tốt hơn mỗi ngày. Bạn bè quốc tế ai nấy cũng kỷ cương, duy trì việc tập luyện thể thao mà không bỏ lỡ kế hoạch buổi nào. 
  • Đam mê học thêm ngoại ngữ khác để nhanh chóng hội nhập với bạn bè khắp thế giới trong mọi chuyến đi
  • Ham học hỏi, tìm tòi vạn vật xung quanh, về lịch sử thế giới, văn hóa các nước để hiểu, học cái hay, mang về chia sẻ cùng bạn bè trong nước
  • Đặc biệt là luôn khiêm tốn để cảm thấy mình nhỏ bé, cần trau dồi thêm và luôn giữ thái độ biết ơn với tất cả mọi thứ đã xảy ra, dù tốt hay xấu

Cũng nhờ vậy, thông qua những chuyến đi, Dung càng có cơ hội mở rộng mối quan hệ hơn với bạn bè thế giới và thưởng thức nhiều cái hay, món ngon ở nước bạn để quay trở về Việt Nam và nỗ lực hơn nữa.

RÈN LUYỆN HẾT MÌNH, QUYẾT TÂM XÁCH BA LÔ LÊN VÀ ĐI 

Chia sẻ với Bách khoa Quốc tế, trước khi bắt tay apply học bổng, Dung đã tự tìm hiểu tất tần tật mọi thứ, đặc biệt là tiêu chí để có thể phấn đấu, rèn luyện theo đúng mục tiêu. Kể về quá trình tìm tòi và chuẩn bị hồ sơ, Dung chỉ ra bí kíp tuy giản đơn nhưng được đầu tư chỉn chu trong một quãng thời gian dài từ khi còn là sinh viên năm Nhất.

Trương Cẩm Dung vi vu trời Âu

Chủ động theo dõi thông tin các chuyến trao đổi tại trang External Relations Office – HCMUT, Dung nắm kỹ yêu cầu hồ sơ của từng chương trình. Từ đó, Dung có thể làm chủ được tiến trình chuẩn bị và dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi học thuật và đi tình nguyện. Đương nhiên quan trọng nhất vẫn phải tập trung chăm chút cho bảng điểm thiệt đẹp rồi. Trong quá trình học, Dung cũng tranh thủ cơ hội tương tác với các giảng viên để giúp thầy cô hiểu rõ hơn về mình. Nhờ vậy, thầy cô cũng dễ chấp bút cho thư giới thiệu ứng viên đến hội đồng tuyển sinh học bổng hơn. 

Bên cạnh đó, những lời khuyên nhủ từ tiền bối với những kinh nghiệm đi trước quý báu cũng chính là kim chỉ nam giúp Dung chinh phục được học bổng đó dễ dàng hơn. Nào là kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn và vượt qua những khó khăn trong quá trình sinh sống tại nước bạn. Hiện tại, cô nàng cũng rất sẵn lòng để san sẻ kinh nghiệm cho đàn em mỗi khi cần giúp đỡ về học bổng trao đổi. Hình bên phải là những khoảnh khắc Dung và các bạn trong chuyến giao lưu, trao đổi TFSCALE giữa ĐH Nanyang Polytechnic, Singapore và Trường ĐHBK.

Trương Cẩm Dung tham gia trao đổi TFSCALE

ĐƯỢC TRUYỀN CẢM HỨNG TỪ GIẢNG VIÊN KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP

Từ những bước chân đầu tiên mới vào trường, cô bạn cá tính của Khoa Quản lý Công nghiệp đã may mắn có cơ hội chạm mặt các tiền bối thông qua những buổi sinh hoạt định hướng đầu khóa và lắng nghe chia sẻ, hướng dẫn vạch rõ lộ trình chinh phục Bách khoa từ các thầy cô. Cùng với đó là bản tính mê xê dịch, thích đi đây đi đó, tham gia hoạt động ngoại khóa, thử sức với các cuộc thi của Dung. Nhờ vậy, Dung đã sớm nhận ra có rất nhiều thứ hay ho cần trải nghiệm hết trong chặng đường sắp tới và nỗ lực xây dựng profile ấn tượng để rinh các suất học bổng trao đổi văn hóa nước ngoài. 

Nhóm NCKH của Trương Cẩm Dung

“Thực sự giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp rất tuyệt vời” – Dung tâm đắc. Hành trình apply học bổng không thể thiếu công lao rất lớn từ PGS. TS. Phạm Quốc Trung. Nhờ từng câu chữ chăm chút của Thầy trong thư giới thiệu, Dung được công nhận nhiều hơn với bên trao học bổng. Ngoài ra, Thầy Trung còn là người hướng dẫn cho nhóm nghiên cứu khoa học của Dung đứng Nhất trong hội đồng số III của Hội nghị Khoa học & Công nghệ Sinh viên Bách khoa Quốc tế năm học 2020-2021. Hơn nữa, Thầy cũng chưa từng ngại tham gia các cuộc vui của lớp chủ nhiệm. Chính sự gần gũi của Thầy đã khiến Dung và các bạn phá bỏ định kiến giảng viên đại học khó gần, trầm tính. Ngược lại, thông qua những lần như vậy, Dung cảm nhận được Thầy rất vui tính, dễ trao đổi, thảo luận, giúp việc học ngày càng tiến bộ. Thậm chí, Thầy còn cởi mở chia sẻ rất nhiều điều về cuộc sống cho sinh viên. Hình bên trái là chân dung các thành viên trong nhóm nghiên cứu khoa học do Thầy Trung (gần màn hình độc giả nhất) dẫn dắt.

Bên cạnh đó, TS. Lê Thị Thanh Xuân & ThS. Bùi Huy Hải Bích cũng là hai giảng viên mang lại cho Dung nhiều nguồn cảm hứng. Cô Xuân luôn là động lực để cô nàng phải dành 200% công lực vào việc học, chủ động và có trách nhiệm hơn với từng bài tập của mình. Với mỗi tiết học, cô Xuân đều sáng tạo bài giảng và mời rất nhiều diễn giả thực chiến trong ngành về chia sẻ ứng dụng thực tiễn, từ đó sinh viên dễ hiểu và yêu thích môn học hơn. Không chỉ vậy, từ năm Nhất, Dung còn bất ngờ vì phương pháp học đảo ngược (flipped classroom) khi cô Bích luôn đặt sinh viên ở trọng tâm, gợi mở cho sinh viên chủ động tìm kiếm thông tin trước, vào lớp tương tác và thường xuyên khảo sát ý kiến sinh viên cảm nhận về cách dạy. Sự tâm lý của cô Bích đã không hết hớp hồn Dung trong các buổi học nên đã quyết tâm về một đội luận văn tốt nghiệp do cô hướng dẫn. 

Bằng trải nghiệm trên cương vị người đi trước, Dung gởi lời khuyên đến các sỹ tử hãy tự tin thẳng tiến tới ngành học mình mong muốn. Nếu đang lựa chọn ngành học có sự kết hợp giữa kinh tế, quản trị và kỹ thuật, ngành Quản lý Công nghiệp, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh là một lựa chọn hoàn hảo để gia nhập vào môi trường toàn cầu dễ dàng. Mỗi chúng ta có nhiều con đường, nhiều ngã rẽ để bước, nên đừng giới hạn bản thân mình.

Lớp QLCN K2019 cùng bonding
Lớp chủ nhiệm của Dung trong buổi tiệc thân mật.
Nếu bạn yêu thích làm việc trong quản lý vận hành thì chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, ngành Quản lý Công nghiệp (mã trường: QSB, mã ngành: 223) là lựa chọn đúng đắn dành cho bạn.

Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo học chế tín chỉ. Nội dung và số lượng môn học cùng số lượng tín chỉ được thiết kế tương đương các ĐH uy tín trong khu vực và trên thế giới như: National University of Singapore, Massachusetts Institute of Technology, Purdue University… và được cập nhật, điều chỉnh liên tục. Đặc biệt, trong hai năm cuối, sinh viên có thể chuyển tiếp sang các ĐH đối tác của Trường ĐH Bách khoa tại Úc nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng tài chính, kết quả học tập và trình độ tiếng Anh. 

Ngoài ra, sinh viên với năng lực học tập, hoạt động xã hội nổi bật cũng có cơ hội vươn ra biển lớn với nhiều cơ hội học bổng trao đổi trong các học kỳ như quỹ học bổng ERASMUS+ (châu Âu), TL-Stiftung (Đức), TFSCALE (Singapore) v.v.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp – Đồ hoạ: HUY PHAN

Bài trước

Bài tiếp