Làm việc, du ngoạn toàn cầu nhờ “Đôi cánh” Môi trường Bách khoa

“Chạm ngõ” ngành môi trường nhờ định hướng thức thời của ba từ mười năm trước, cựu sinh viên Bách khoa K2014 Phạm Tiến Mạnh đang hào hứng hiện thực hóa ước mơ vươn ra biển lớn của mình.

Bài viết liên quan
Ngành Môi trường: Hiểu vạn vật qua lăng kính nhà khoa học
Trở thành chuyên gia môi trường với bí quyết từ người trong cuộc
Tốt nghiệp đầu ngành, “sắn lùi” Môi trường từng nhát tiếng Anh
HCV Tốt nghiệp Môi trường K2015: Chúng tôi như những chú ong chăm chỉ

PHẠM TIẾN MẠNH

Cựu sinh viên K2014 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường

• Đang học Thạc sỹ ngành Tài chính Xanh và Bền vững tại ĐH Quốc gia Singapore (học bổng toàn phần NUS BIZ Master of Science)

• Tốt nghiệp thạc sỹ Đổi mới Kinh doanh tại ĐH Bangkok (Thái Lan)

• Hiện là nghiên cứu viên tại Viện Tài chính Xanh và Bền vững (Singapore)

• Từng làm Chuyên viên Phát triển Doanh nghiệp Bền vững tại Thai Beverage PCL (Thái Lan) và Chuyên viên Cải tiến Quy trình tại Thai Beverage Recycle Co.,Ltd (Thái Lan)

• LinkedIn: Manh T. Pham

Hồi còn nhỏ, mình rất thích vi vu khám phá đó đây. Niềm đam mê này đã thôi thúc mình theo đuổi nhóm ngành môi trường – lĩnh vực cho phép bản thân rong ruổi khắp thế giới. 

Ba mình, một kỹ sư nông nghiệp tận tụy với hơn 30 năm kinh nghiệm, đã gợi ý mình lựa chọn ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Một lần ông chỉ vào thùng rác hỏi: “Con biết bên trong có bao nhiêu thành phần không? Phần lớn là nguồn tài nguyên chưa được khai thác và hoàn toàn có thể tái chế”. Ký ức đó đã khơi gợi lòng hiếu kỳ trong mình. Ba cũng kể về nhiều dự án triển vọng tại Việt Nam do các tổ chức quốc tế cùng ông hợp tác thực hiện. Nghe theo lời khuyên của ba, mười năm sau, mọi thứ diễn ra đúng như những gì ông từng dự đoán.

Gia đình ủng hộ mình chọn chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh vì tin rằng chương trình sẽ cho phép mình rèn luyện tư duy toàn cầu, tiếp cận nguồn học liệu tiên tiến cũng như tham gia hội nghị, dự án chuyên ngành. Bách khoa chính là bệ phóng giúp mình đạt được những mục tiêu này.

Vai trò của tiếng Anh chuyên ngành trong ngành môi trường vô cùng quan trọng. Hầu hết kiến thức, công nghệ mới nhất đều được trình bày bằng ngôn ngữ toàn cầu. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bền vững, các tiêu chuẩn về ESG như TCFD, CDP, DJSI và GRI luôn được cập nhật thường xuyên. Những gì ta biết hôm nay có thể lỗi thời vào năm sau. Do đó, để chủ động đi tắt đón đầu, bạn cần trau dồi tiếng Anh liên tục.

Với nền tảng tiếng Anh và kỹ năng mềm toàn diện ngay từ năm nhất, mình đã thuận lợi chinh phục nhiều suất học bổng và chuyến trao đổi ở cả châu Á lẫn châu Âu.

Với mình, các ngành liên quan đến môi trường cực kỳ hấp dẫn vì bao gồm đa lĩnh vực. Nhóm ngành này cung cấp cho người học nền tảng kiến thức toàn diện từ Toán, Hóa, Lý tới Luật, Tài chính, thậm chí Vẽ Kỹ thuật. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng theo đuổi nhiều hướng làm việc/ nghiên cứu sau này.

Trong chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Trường ĐH Bách khoa, mình lần lượt nắm bắt từng khía cạnh quản lý môi trường như quản lý nước, vi tảo, vi sinh vật, hệ thống quản lý môi trường, kinh tế môi trường… Mỗi chủ đề đều có tính liên kết và tác động tương hỗ.

Ví dụ, để thiết kế hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy sản xuất nước giải khát, chúng ta cần thực hiện nhiều khâu. Đầu tiên, bạn cần biết tính chất của nước thải đầu vào nhằm xác định phương pháp xử lý phù hợp, có thể là Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Tiếp theo, bạn kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý xem đã đạt tiêu chuẩn chưa. Bên cạnh đó, việc tính toán chi phí và lợi nhuận của dự án cũng rất quan trọng, góp phần quyết định công ty sẽ tự xử lý nước thải hay thuê ngoài. Những bước này giúp công ty giảm thiểu chi phí vận hành trong khi vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

Thời đại học, nhóm ngành môi trường còn khá mới. Nhiều người cho rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ có thể làm giảng viên, chuyên gia an toàn lao động, chuyên gia quản lý chất thải, chuyên viên của các sở, ban, ngành. Quan niệm đó khá gây nản lòng. Tuy nhiên, sau năm năm từng trải, mình nhận thấy cơ hội việc làm trong lĩnh vực này vô cùng phong phú.

Tại Việt Nam, sinh viên nhóm ngành môi trường có thể trở thành chuyên gia tư vấn bền vững cho các công ty Big4, tập đoàn đa quốc gia hay đầu quân cho các tổ chức phi lợi nhuận, ngân hàng phát triển (như IFC, ADB, AIIB…). Ở nước ngoài, bạn có thể tham gia quỹ đầu tư tập trung vào các sáng kiến xanh hoặc ngân hàng quản lý các công cụ đầu tư xanh. Những vị trí này thường có thu nhập tương đối hậu hĩnh so với mức lương trung bình. 

Ngoài ra, nhiều học bổng du học luôn sẵn sàng chào đón những sinh viên nhóm ngành môi trường có nguyện vọng dấn thân vào con đường nghiên cứu. Về mảng công nghệ môi trường, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước châu Âu sẽ là điểm đến lý tưởng. Đối với những ai quan tâm tài chính khí hậu, Singapore, Anh Quốc và Hoa Kỳ chính là miền đất hứa không thể bỏ qua.

Khi vừa tốt nghiệp, mình tình cờ tìm thấy tin tuyển vị trí Chuyên viên Chuỗi Cung ứng tại một trong những nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á qua website của trường. Dù công việc đó trái ngành nhưng mình vẫn mạnh dạn nộp đơn và may mắn được nhận. 

Sau một năm nỗ lực miệt mài, mình đã tự tin chia sẻ với Bộ phận Nhân sự niềm đam mê mãnh liệt với lĩnh vực phát triển bền vững. Trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, mình thành công gia nhập Phòng Phát triển Bền vững và nhận nhiệm vụ quản lý chiến lược khí hậu của toàn công ty. Bài học kinh nghiệm của mình là bạn cần sẵn sàng học hỏi, chủ động tìm kiếm cơ hội và làm việc cực kỳ chăm chỉ để chứng minh bản thân xứng đáng với công việc yêu thích.

Theo mình, khả năng lãnh đạo, tư duy khác biệt cùng tinh thần tự học là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công trong ngành môi trường.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết năm 2023 là năm nóng nhất lịch sử. Nếu thế giới không hành động ngay lập tức, những năm tiếp theo có thể phá vỡ kỷ lục đó. Thực trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng lãnh đạo, nhất là trong lĩnh vực khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, phát triển bền vững vốn chứa đựng nhiều thách thức và đòi hỏi cam kết theo đuổi lâu dài trước khi gặt hái lợi ích cụ thể. 

Ví dụ, bạn là một nhà quản lý bền vững. Một trong những nhiệm vụ của bạn là thuyết phục ban giám đốc, cổ đông và các bên liên quan đóng cửa các nhà máy điện than của công ty và nhanh chóng chuyển sang sử dụng pin năng lượng mặt trời nhằm hạn chế khí thải nhà kính cũng như giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch. Bước chuyển đổi này không chỉ đắt đỏ mà còn gây gián đoạn lớn tới quy trình vận hành hiện tại và tăng thêm khối lượng công việc của tất cả thành viên.

Để vượt qua khó khăn, kỹ năng lãnh đạo cực kỳ cần thiết. Bạn cần có khả năng giải thích cặn kẽ những lợi ích lâu dài của đề xuất trên, không chỉ về tác động môi trường mà còn về việc tiết kiệm ngân sách, tuân thủ quy định và nâng cao uy tín công ty. Bạn phải tạo được niềm tin và động viên đội ngũ của mình, các bên liên quan chấp nhận sự thay đổi tích cực bất chấp những thách thức ngắn hạn. 

Tự học là kỹ năng quan trọng nhất trong nhiều kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc doanh nghiệp. Ngành môi trường rất rộng lớn và đa dạng. Do đó, để trở nên xuất sắc trong lĩnh vực này, bạn cần tự học thật tốt. Việc chia sẻ ý tưởng cũng cần thiết không kém. Đôi khi bạn đúng, đôi khi bạn sai nhưng sau cùng bạn sẽ nhận được bài học giá trị. Ngoài ra, bạn cần một chút tình yêu đối với thiên nhiên và môi trường. Sẽ có lúc bạn phải thu thập dữ liệu trong điều kiện môi trường bất lợi, chẳng hạn giữa rừng ngập mặn Cần Giờ. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho điều đó.

Có được công việc ổn định, đúng chuyên ngành với thu nhập cao tại công ty đa quốc gia hoặc làm việc ở nước ngoài là mục tiêu của nhiều sinh viên mới tốt nghiệp. Mình may mắn sớm đạt được điều đó. 

Nhiều người coi trọng sự trung thành và gắn bó lâu dài với một công ty để thuận lợi thăng tiến. Suy nghĩ của mình thì khác. Mình tin rằng còn rất nhiều điều để khám phá, rất nhiều người để học hỏi, nhất là trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Vì vậy, mình đã xin nghỉ việc và đến Singapore học bậc thạc sỹ mảng này.

Quyết định đó đã kết nối mình với nhiều bạn bè đồng chí hướng. Tụi mình cùng tham gia các cuộc thi tài chính xanh và gầy dựng một công ty khởi nghiệp. Trong vài năm tới, mình hy vọng có thể giúp đỡ nhiều doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á (đặc biệt là Việt Nam) phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và nhận về nguồn tài trợ xanh.

Mình cũng gặp gỡ nhiều giáo sư hàng đầu thế giới như PGS. Weina Zhang (giảng viên ngành Tài chính, Trường Kinh doanh NUS), PGS. Johan Sulaeman (Trưởng Khoa Tài chính, Trường Kinh doanh NUS), GS. Mak Yuen Teen (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh NUS), những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tầm cỡ như bà Franziska Zimmermann (Giám đốc Chiến lược Bền vững và Biến đổi Khí hậu Temasek, Singapore), ông Jackie Surtani (Giám đốc Khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á) cùng các đại diện cơ quan chính phủ uy tín như GS. Bambang Brodjonegoro (nguyên Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và Công nghệ, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia). 

Bên cạnh việc tích lũy những bài học quý giá, mình còn có nhiều cơ hội việc làm và mở rộng mạng lưới mối quan hệ trong ngành. Tất cả trải nghiệm trên không thể có được nếu mình quá ngại thay đổi và đi theo lối mòn.

Đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của lĩnh vực môi trường tại Việt Nam và trên thế giới, từ 2014, Trường ĐH Bách khoa triển khai chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh) ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trườngKỹ thuật Môi trường (mã trường: QSB, mã ngành: 225).
Nếu yêu thích lĩnh vực thú vị này cũng như mong muốn làm việc trong các công ty/ tập đoàn đa quốc gia liên quan đến môi trường, bạn hãy cân nhắc lựa chọn một trong hai chương trình nhé!

Bài, hình: PHẠM TIẾN MẠNH

Bài trước

Bài tiếp