Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Bỏ túi 4 “bí kíp” cho một kỳ học thành công tại Úc

Kỳ học đầu tiên tại Úc sẽ khiến các bạn du học sinh đôi khi cảm thấy áp lực và khó theo kịp bài giảng. Đừng lo lắng! Hãy để OISP cùng bạn lên chiến lược cho một kỳ học mới hiệu quả nhất bằng các phương pháp học tập sau đây nhé!

Bài viết liên quan

O-Week – Tuần lễ định hướng đầy màu sắc cho freshman tại Úc

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU MỘT KỲ HỌC MỚI TẠI ÚC

THỜI GIAN BIỂU

Thông thường, sẽ có hai Học kỳ chính trong một năm học tại Úc:

  • Học kỳ mùa Thu: bắt đầu từ cuối tháng Hai/ đầu tháng Ba đến tháng Sáu
  • Học kỳ mùa Xuân: bắt đầu từ cuối tháng Bảy/ đầu tháng Tám đến tháng Mười Một

Thời gian trên có thể thay đổi tùy vào khóa học và từng trường. Ngoài ra, một số trường có thêm một kỳ học tự chọn vào mùa Hè.

Tùy vào bậc học và chuyên ngành của sinh viên, cách phân bổ kế hoạch đào tạo và chương trình giảng dạy của mỗi đại học tại Úc sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đa số các bài tiểu luận, báo cáo sẽ tập trung hầu hết vào tuần thứ 4 và tuần thứ 8. Trước khi bước vào kì thi cuối kỳ, các sinh viên sẽ có một tuần tự học để hệ thống lại các kiến thức chuyên ngành và lên kế hoạch ôn tập cuối kỳ.

HỆ THỐNG THANG ĐIỂM, XẾP LOẠI, ĐÁNH GIÁ

Hầu hết các trường đại học tại Úc có hệ thống thang điểm, xếp loại, đánh giá như sau:

Điểm
Xếp loại
Giải thích
GPA (điểm trung bình) tương đương
85 – 100%
High Distinction (HD)
Very good/Excellent (Xuất sắc)
7.00
75 – 84%
Distinction (D)
Good (Giỏi)
6.00 – 6.99
65 – 74%
Credit (C)
Quite satisfactory (Khá)
5.00 – 5.99
50 – 64%
Pass (P)
Satisfactory (Trung bình)
4.00 – 4.99
0 – 49%
Fail/Not Pass (F/N)
Unsatisfactory (Rớt)
0.00 – 3.99

Thông tin về hệ thống đánh giá cụ thể thường được cung cấp trong tài liệu hướng dẫn khóa học của mỗi đại học khác nhau.

Tham khảo thêm thông tin tại đây.

Nguồn: Freepik

4 “BÍ KÍP” GIÚP BẠN ĐẠT KẾT QUẢ TỐI ƯU NHẤT TRONG KỲ HỌC ĐẦU TIÊN TẠI ÚC

ĐĂNG KÝ MÔN HỌC VÀ SẮP XẾP LỊCH HỌC MỘT CÁCH KHÔN NGOAN

Tại các đại học ở Úc, mỗi môn học thường có 6 đến 8 tín chỉ. Thông thường, bạn sẽ học 4 môn trong một học kỳ và mỗi trường sẽ quyết định có bao nhiêu môn sinh viên được phép chọn cho từng học kỳ riêng biệt.

Vào tuần lễ định hướng (Orientation Week) trước mỗi học kỳ, tân sinh viên sẽ được hướng dẫn đăng ký môn theo lộ trình học của mỗi ngành/ chuyên ngành. Vì vậy, hãy đọc kỹ thông tin của mỗi môn học bao gồm số tín chỉ, nội dung môn học, thời gian biểu. Điều này sẽ giúp bạn tối ưu hóa thời gian của kỳ học đầu tiên giúp bạn thích nghi với môi trường học tập mới và tự tìm ra phương pháp tự học phù hợp nhất cho bản thân.

“Bí kíp” 1: Chọn môn “khôn ngoan”, tối ưu kỳ học mới. Nguồn: Freepik

Việc đăng ký môn và sắp xếp lịch học trong kỳ học đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tân sinh viên có thể ổn định và sắp xếp đủ lượng thời gian để hệ thống lại lượng kiến thức từ mỗi môn học một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, tân sinh viên có thể tham khảo ý kiến chọn môn học từ các anh chị đi trước. Kinh nghiệm từ các anh chị thật sự sẽ giúp bạn đưa ra quyết định chọn môn sáng suốt đấy!

SỬ DỤNG HƯỚNG DẪN KHÓA HỌC (COURSE GUIDE), HƯỚNG DẪN MÔN HỌC (UNIT GUIDE) VÀ CÁC NGUỒN TÀI LIỆU LIÊN QUAN

Hãy bắt đầu với Hướng dẫn khóa học (Course Guide) để có cái nhìn tổng quan về khối lượng toàn bộ kiến thức của một khóa học cụ thể từ đó xác định được các kỳ vọng và trách nhiệm.

Sau đó, hãy tìm hiểu Hướng dẫn môn học (Unit Guide) để không cảm thấy lạ lẫm. Trong mỗi bản hướng dẫn môn học, bạn sẽ được giới thiệu về những nội dung chủ chốt bao gồm chủ đề của mỗi tuần, nội dung trọng tâm, hướng dẫn tiếp cận môn học từ giáo viên cũng như thời gian biểu của các bài báo cáo và tiểu luận chính. Thực tế cho thấy, tên gọi và nội dung của một số môn học tại nước ngoài có vẻ hoàn toàn khác xa so với lượng kiến thức được học ở trung học phổ thông hay đại học ở Việt Nam. Theo đó là các rào cản về ngôn ngữ đôi khi sẽ làm điều này trở thành nỗi ám ảnh của tân sinh viên trong khoảng thời gian đầu tiên.

“Bí kíp” 2: Các course guide, unit guide và nguồn tài liệu liên quan sẽ cho bạn biết bạn nên làm gì trong kỳ học này. Nguồn: Freepik

Ngoài ra, sách giáo khoa điện tử và nội dung bài giảng tuần đầu tiên sẽ là nguồn tài liệu quý giá giúp bạn đánh giá tổng quan mức độ “nặng” và khó của môn học, từ đó cụ thể hóa những môn học trong kỳ học này sẽ thiên hướng “nặng về lý thuyết” hay “nặng về thực hành”. Nhờ vậy, bạn sẽ có thể sắp xếp thời khóa biểu và thời gian tự học của bản thân một cách hiệu quả hơn.

THIẾT LẬP KẾ HOẠCH HỌC TẬP HIỆU QUẢ

Sự tiếp cận với kiến thức hoàn toàn xa lạ sẽ đem đến tâm lý chung của hầu hết các tân sinh viên là sự ưu tiên tuyệt đối cho việc học. Nói cách khác, tân sinh viên thường có xu hướng dành tối đa thời gian của mình trong kỳ học đầu tiên chỉ để HỌC, HỌC VÀ HỌC. Vì vậy, một kế hoạch học tập hiệu quả luôn luôn cần thiết cho dù bạn là tân sinh viên hay sinh viên sắp tốt nghiệp. Việc lên kế hoạch học tập tốt ngay kỳ đầu nhập học sẽ cải thiện và tối ưu hóa thời gian học tập của bạn rất nhiều trong những kỳ học tiếp theo.

Một kế hoạch học tập được cho là hiệu quả khi bạn vừa có thể hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho việc học, đồng thời vẫn có thể dành thời gian cho bản thân cũng như các hoạt động khác ngoài việc học. Để đạt được điều này, hãy ghi lại lịch học của bản thân và dành 2-4 tiếng vào những ngày nghỉ để xem lại bài giảng, ghi chú và ghi nhớ những nội dung chính trong chủ đề tuần. Phương pháp này sẽ giúp bạn tập trung một cách đáng kể để hoàn thành nội dung của chủ đề tuần trước khi bước sang chủ đề mới, đồng thời vẫn có thời gian cho những hoạt động khác. Ngoài ra, áp dụng phương pháp này sẽ giúp bạn tìm kiếm được phương pháp đọc hiểu và ghi chú hiệu quả, phù hợp nhất với bản thân.

“Bí kíp” 3: Kỳ học “học mà vui-vui mà học” không thể thiếu một kế hoạch học tập hiệu quả. Nguồn: Freepik

Các công cụ giúp sắp xếp lịch trình cá nhân và thời khóa biểu được các bạn học sinh, sinh viên sử dụng nhiều nhất bao gồm Google Calendar và Notions.

ĐỪNG NGẠI “LÀM PHIỀN” GIẢNG VIÊN VÀ CỐ VẤN MÔN HỌC

Một kỳ học mới bắt đầu, bạn đã hoàn thành việc chọn môn học, đọc tài liệu và thậm chí lên kế hoạch học tập một cách rất chi tiết, thế nhưng bạn vẫn cảm thấy nội dung học khó hiểu và bạn gặp khó khăn với việc bắt kịp tiến độ của lớp học? Hãy đừng ngại “làm phiền” giảng viên và cố vấn môn học bằng những câu hỏi, thắc mắc nhé!

Ngoài những tiết dạy chính trên lớp học, giảng viên đại học tại Úc sẽ luôn có những khung giờ dành riêng cho việc tư vấn riêng với các sinh viên của mình. Đây là một cơ hội tốt để bạn đặt ra những câu hỏi, nêu ra những thắc mắc và tìm kiếm giải đáp từ các giảng viên. Ngoài ra, các bạn có thể tìm đến những cố vấn môn học để có những buổi cùng nhau bàn luận về nội dung học. Các cố vấn môn học sẽ giúp bạn nhanh chóng hiểu những khái niệm, công thức cơ bản cũng như các phương pháp viết và trình bày báo cáo theo đúng yêu cầu để đạt được số điểm mà bạn mong muốn.

Thư điện tử (email) luôn là một công cụ và nền tảng hữu ích giúp bạn trao đổi nội dung bài học và những nội dung liên quan cùng với các giảng viên và cố vấn môn học của mình! Hãy liên tục đặt câu hỏi đến khi bạn tìm thấy câu trả lời thỏa mãn mong muốn cá nhân nhé!

“Bí kíp” 4: Kỳ học đầu tiên sẽ có nhiều bỡ ngỡ, hãy tập “làm phiền” giảng viên và các cố vấn môn học bằng những thắc mắc và câu hỏi. Nguồn: Freepik

Hy vọng với những thông tin và các “bí kíp” học tập trên, các “freshman” sẽ có một kỳ học mới tại Úc thật đáng nhớ và gặt hái được nhiều kết quả thật tốt nhé! 

Bài: BÍCH HẰNG

Bài trước

Bài tiếp