Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Chiêm ngưỡng “chiếc túi nhàu nát” của Đại học Công nghệ Sydney

Tòa nhà Khoa UTS Business School thuộc Đại học Công nghệ Sydney gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi du khách bởi thiết kế kỳ quặc trông như những “chiếc túi nhàu nát”.  

TỔNG QUAN

Tòa nhà Dr Chau Chak Wing là công trình kiến trúc đầu tiên ở Úc được thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba người Mỹ gốc Canada – Frank Gehry. Ông mệnh danh là “Picasso của ngành kiến trúc” với những công trình mang phong cách độc đáo và kỳ dị, thường thấy trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. 

Tòa nhà là dự án quan trọng trong quy hoạch tổng thể City Campus trị giá hàng tỷ đô la của Đại học Công nghệ Sydney, lấy ý tưởng từ ngôi nhà trên cây. Dự án hoàn thành vào tháng 11/2014 và chính thức phục vụ mục đích giảng dạy vào tháng 2/2015.

Mặt trước tòa nhà – Hình: Andrew Worssam

Nguồn gốc tên gọi của tòa nhà Dr. Chau Chak Wing bắt nguồn từ tinh thần vinh danh Tiến sỹ Chau Chak Wing, doanh nhân và nhà từ thiện nổi tiếng người Úc gốc Hoa, người đã tài trợ 20 triệu USD cho dự án này và đóng góp 5 triệu USD vào quỹ học bổng Úc – Trung.

Với tổng cộng 14 tầng (bao gồm 11 tầng chính, 1 tầng hầm gửi xe, 1 tầng thượng và 1 tầng chứa máy móc – thiết bị), tòa nhà Dr. Chau Chak Wing có sức chứa đến 1.630 người (trong đó có 1.300 sinh viên và 330 nhân viên).

KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO

320.000 viên gạch được ốp quanh mặt tiền tòa nhà tạo nên vẻ đẹp ngoạn mục. Một mặt làm bằng những viên gạch nhấp nhô, gợi liên tưởng về sa thạch – một trong những di sản phong phú của đô thị Sydney. Mặt còn lại tạo thành từ nhiều tấm kính lớn đầy góc cạnh, dựng nên hàng loạt hình ảnh phản chiếu đứt gãy về các tòa nhà xung quanh.

Lớp gạch nhấp nhô ốp xung quanh tòa nhà – Hình: Andrew Worssam
Bức tường kính của tòa nhà – Hình: Andrew Worssam

Nhưng có lẽ điều được chú ý nhiều nhất chính là thiết kế độc đáo của tòa nhà với vẻ ngoài hệt như một chiếc túi giấy màu nâu dúm dó tuyệt đẹp.

Mặt tiền nhàu nhĩ của tòa nhà Dr. Chau Chak Wing Hình: Andrew Worssam

Nội thất công trình cũng nổi bật không kém. Kiến trúc sư Gehry đã thiết kế tòa nhà từ trong ra ngoài để tạo nên không gian đồng nhất, sáng tạo, từ đó truyền cảm hứng cho quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viênng. Trong đó, cầu thang inox tại sảnh chính là một trong những hình thức nghệ thuật điêu khắc táo bạo nhất.

Cầu thang làm từ thép không gỉ đậm chất thẩm mỹ tân kỳ. – Hình: Andrew Worssam

KHÔNG GIAN GIẢNG DẠY, HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU

Với mục đích phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu, tòa nhà Dr Chau Chak Wing phản ánh và củng cố mô hình học tập đổi mới lấy sinh viên làm trung tâm.

Tất cả căn phòng đều được trang bị công nghệ tiên tiến nhất nhằm nâng cao hiệu quả học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên. Không gian giảng dạy và học tập nằm ở bốn tầng dưới của công trình, bao gồm nhiều loại phòng học khác nhau, chủ yếu phục vụ nghiên cứu sinh bậc Sau Đại học.

1. Phòng học hình bầu dục

Hai phòng học hình bầu dục được tạo nên từ các thanh gỗ ghép thanh lớn. Với 54 chỗ ngồi, mỗi phòng được thiết kế theo hướng tăng cường khả năng tương tác và đối thoại giữa giảng viên với sinh viên. Mỗi lớp học được trang bị sáu màn hình chiếu, màn hình cảm ứng âm thanh hình ảnh, micro và loa.

Phòng học bầu dục – Hình: Andrew Worssam

2. Giảng đường

Không gian giảng dạy linh hoạt đủ chỗ cho 120 người, với hai hàng ghế mỗi tầng. Điều này cho phép người học ở hàng trước có thể quay ra hàng phía sau để thảo luận và làm việc nhóm.

Giảng đường có nhiều màn hình trình chiếu độ phân giải cao và màn hình cảm ứng âm thanh hình ảnh. Ngoài ra, mỗi bàn còn được trang bị micro (giữa hai người có một micro) để sinh viên dễ dàng thảo luận trong lớp học đông người.

Giảng đường hiện đại và ấm cúng – Hình: Andrew Worssam
Collaborative theatre Hình: Andrew Worssam

3. Khán phòng

Khán phòng được đầu tư hệ thống âm thanh hình ảnh hiện đại và tiện nghi cho các hội nghị trực tuyến. Đây là không gian tuyệt vời để tổ chức những bài giảng chung và các sự kiện cộng đồng.

Khu vực khán phòng Hình: Andrew Worssam

4. Không gian sinh hoạt chung

Với hai khoang kính lớn một hình bán nguyệt và một hình bầu dục cùng những dãy ghế lượn sóng, khu vực này tạo ra một không gian thư giãn lý tưởng cho tất cả sinh viên giữa các tiết học căng thẳng.

Không gian sinh hoạt chung của sinh viên Hình: Andrew Worssam

5. Phòng hội thảo

Các phòng hội thảo được thiết kế linh hoạt, với sàn phẳng và đồ nội thất có thể di chuyển dễ dàng, từ đó hỗ trợ tối đa những hoạt động nhóm. Công nghệ đương đại là đặc điểm chung của không gian này, từ bảng tương tác đến bục giảng thông minh với máy tính màn hình cảm ứng. Một số phòng khác được lắp đặt máy tính và màn hình LCD để người học làm việc nhóm thuận tiện hơn.

Khu vực hội thảo Hình: Andrew Worssam

Tòa nhà Dr Chau Chak Wing là một công trình kiến trúc mang vẻ đẹp ngoạn mục, một biểu tượng không thể bỏ qua khi bạn du ngoạn, sinh sống hoặc học tập ở thành phố Sydney.

Thông qua tòa nhà này, kiến trúc sư Gehry muốn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về mong ước và tầm nhìn của chính ông. Đó là xây dựng một trung tâm nghiên cứu và giáo dục công nghệ cao cho phép mọi người thoải mái kết nối và hoàn thành công việc thật tốt.

Biên dịch: BÍCH HẰNG Nguồn: UTS

Bài trước

Bài tiếp