Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

BrSE (kỹ sư cầu nối) – Nghề “hot” dành cho dân lập trình giỏi ngoại ngữ

Nếu giỏi lập trình và vững ngoại ngữ, hãy thử trở thành BrSE – một nghề cực “hot” với thu nhập “khủng” nha!

Bài viết liên quan
Lộ trình chinh phục tiếng Nhật chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt
Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật: Một mũi tên trúng hai đích

HIỂU ĐÚNG VỀ NGHỀ BrSE (KỸ SƯ CẦU NỐI)

Thị trường gia công phần mềm outsource [1] hay offshore [2] đã phát triển sôi nổi tại Việt Nam từ nhiều năm qua. Cùng với đó, nghề IT comtor (phiên dịch IT) và BrSE (kỹ sư cầu nối) cũng ra đời, tạo công ăn việc làm cho những bạn trẻ giỏi ngoại ngữ và đam mê tìm tòi ngành khoa học máy tính.

IT comtor (information technology communication) chỉ thuần túy là nghề phiên dịch. Khác với các thông dịch viên thông thường ở chỗ họ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giữ nhiệm vụ hỗ trợ trao đổi thông tin giữa khách hàng (thường là các công ty Nhật, Mỹ…) với đơn vị outsource/ offshore. Trong khi đó, BrSE (bridge system engineer) đảm nhận cả vai trò system engineer – kỹ sư hệ thống lẫn bridge – cầu nối (phiên dịch) nên đòi hỏi cao nghiệp vụ kỹ thuật hơn IT comtor. Họ buộc phải có kiến thức chuyên môn về IT hoặc kinh nghiệm tiếp xúc với các dự án IT để tiếp nhận chính xác các yêu cầu kỹ thuật từ khách hàng, phân tích cho khách hàng hiểu những yêu cầu nào có thể đáp ứng, những yêu cầu nào nên thay đổi cho phù hợp với điều kiện kỹ thuật… Sau đó họ sẽ họp với đội nhà để đề xuất những phương án phù hợp cho khách hàng, thay mặt bộ phận kinh doanh để thương lượng, thuyết phục khách hàng về giá cả nhân công và thời gian thực hiện dự án. Khi phát sinh lỗi, họ cũng là người đứng ra tiếp nhận các phương án xử lý từ đội nhà và thỏa thuận phương hướng khắc phục với khách hàng.

NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN MỘT BrSE GIỎI

nghề brse doanh nghiệp nhật
BrSE đòi hỏi ứng viên phải có cả năng lực kỹ thuật, ngoại ngữ lẫn quản lý… – Hình: Google Images

Tùy theo từng giai đoạn, quy mô và tính chất của dự án, công việc của BrSE sẽ có sự chuyển đổi liên tục. Để trở thành một BrSE giỏi, bạn cần “lận lưng” cho mình các kỹ năng sau:

  • Năng lực kỹ thuật

Như đã trình bày ở trên, đây là kỹ năng bắt buộc ở BrSE.

Ở giai đoạn chào hàng, họ không chỉ liên hệ khách hàng, lên kế hoạch chi tiết mà còn kiêm cả code và kiểm thử (demo test).

Đến khi triển khai dự án, BrSE phải giám sát đội nhà để đảm bảo quy trình được thực hiện đúng kỹ thuật. Song song đó, họ cũng sẽ tham gia hỗ trợ kỹ thuật nếu có vấn đề phát sinh.

  • Năng lực ngoại ngữ

Tùy vào quy mô dự án, BrSE không những phải liên lạc với khách mà còn với đội phát triển hay đội test mà khách thuê (ví dụ trong mô hình Nhật Bản – Việt Nam – Philippines hay Nhật Bản – Việt Nam – Myanmar thì hai công ty offshore ở Việt Nam và Philippines/ Myanmar sẽ phải làm việc với nhau). Khi đó việc truyền đạt nội dung chính xác và tránh sự hiểu lầm giữa các bên rất quan trọng. Thông thường các công ty tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên BrSE phải thông thạo tiếng Anh hoặc đạt trình độ tiếng Nhật N2 trở lên.

Ngoài ra, BrSE cũng cần phải hiểu biết về văn hóa, cách làm việc, cách trao đổi… của các nước để có phương pháp làm việc phù hợp.

  • Năng lực quản lý

Vì BrSE là người giám sát cả dự án nên cần phải phân công công việc, giám sát tiến độ thực hiện và quản lý những rủi ro phát sinh. Họ cũng phải báo cáo định kỳ cho khách hàng và kiểm soát sao cho sản phẩm làm ra đáp ứng sát sao với yêu cầu của khách hàng nhất.

Bên cạnh đó, BrSE cũng cần có khả năng quản lý cảm xúc của cá nhân lẫn cả team, làm mềm hóa các cơn thịnh nộ từ khách hàng để truyền tải đúng nội dung và tinh thần về cho đội nhà. Ngược lại, họ cũng phải nắm rõ tính cách của developer (lập trình viên) đội nhà để giúp khách hàng hiểu đúng các ý đồ kỹ thuật, tránh áp đặt cách nghĩ của khách hàng dẫn đến nguy cơ tranh cãi lẫn nhau.

THU NHẬP “KHỦNG”, TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CAO

SV chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật ngành Khoa học Máy tính chụp hình lưu niệm cùng các thành viên OISP Japnese Club. Hình: OISP Japnese Club

Với những yêu cầu năng lực khắt khe như trên, mức lương dành cho BrSE cũng “nhỉnh” hơn so với các vị trí công việc khác. Theo anh Nguyễn Văn Trọng – blogger trang Ký sự BrSE, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ, hiện nay lương BrSE ở Việt Nam dao động trong khoảng 1.000 – 3.000 USD/tháng (tức khoảng 23,5 – 70,6 triệu đồng). Còn ở Nhật, thu nhập sẽ khoảng 4 – 7 triệu yên/năm (trung bình khoảng 55,1 – 96,5 triệu đồng/tháng) [3].

Trong tương lai, khi nhân lực IT tại thị trường Nhật Bản không đáp ứng được nhu cầu trong nước nữa, xu hướng outsource/ offshore càng gia tăng thì nghề BrSE chắc chắn vẫn chưa giảm nhiệt. Tuy nhiên, những yêu cầu đối với nghề BrSE cũng sẽ gắt gao hơn, buộc ứng viên phải vừa am hiểu kỹ thuật, vừa giỏi nhiều ngôn ngữ và nắm vững nghiệp vụ chuyên môn.

Đón đầu tiềm năng phát triển của lĩnh vực IT tại thị trường Nhật Bản, từ năm 2020 Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã triển khai chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật cho ngành Khoa học Máy tính. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được trau dồi thêm ngôn ngữ Nhật và Anh, sẵn sàng hành trang chinh phục giấc mơ trở thành kỹ sư cầu nối. Cùng tìm hiểu thêm về chương trình tại đây nha!

INAKO thực hiện


[1] Outsource là hình thức doanh nghiệp thuê đơn vị ngoài để thực hiện các nhiệm vụ, dự án hoặc sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của mình.

[2] Công ty offshore là những công ty được đăng ký ở những vùng lãnh thổ mà ở đó họ được miễn thuế hoàn toàn nếu công ty hoạt động với những khoản lợi nhuận phát sinh ngoài lãnh thổ đó.

[3] Tỷ giá trong bài được tính theo mức bình quân tháng 9/2022.

Bài trước

Bài tiếp