Lộ trình chinh phục tiếng Nhật chương trình CLC Tăng cường tiếng Nhật

Theo học chương trình Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM), SV được tiếp cận với ngôn ngữ Nhật Bản theo lộ trình khoa học và hiệu quả.

Bài viết liên quan
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt
Cơ Kỹ thuật: Hướng đi mới lạ cho dân mê lập trình
Cơ Kỹ thuật: Ngành dự báo được những rủi ro trong vận hành kỹ thuật
Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật: Một mũi tên trúng hai đích

CÁC CẤP ĐỘ CƠ BẢN TRONG TIẾNG NHẬT

Tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ được khuyên học nhiều nhất hiện nay [1] bởi tính phổ biến và triển vọng ứng dụng vào công việc cao.

Bất kể sự khó nhằn do hệ thống chữ viết tượng hình và cấu trúc ngữ pháp phức tạp, người học tiếng Nhật vẫn có thể làm chủ ngôn ngữ này nếu có một lộ trình học đúng đắn. Mỗi chặng trên con đường này sẽ có những yêu cầu về phương pháp học khác nhau.

Tương tự tiếng Anh, tiếng Nhật cũng có những kỳ thi đánh giá năng lực được công nhận quốc tế là JLPT, Nat-Test và Top-J. Trong đó, JLPT (Japanese-Language Proficiency Test) là kỳ thi có lịch sử lâu đời và uy tín nhất, được tổ chức vào tháng Bảy và tháng Mười Hai hàng năm. Kỳ thi này phân loại người học theo năm cấp độ – từ N5 đến N1, trong đó N5 là cấp độ thấp nhất và N1 là cấp độ cao nhất. Các cấp độ này tương ứng như sau:

  • Sơ cấp (N5, N4): Là trình độ cơ bản để giao tiếp hằng ngày với người Nhật, cũng là yêu cầu tối thiểu để SV và người lao động có được visa sang Nhật. Ở cấp độ này, người học có thể nghe được những đoạn hội thoại trong cuộc sống thường ngày và đọc hiểu những cụm từ, đoạn văn cơ bản.
  • Trung cấp (N3, N2): Ở trình độ này, người học có thể nghe, nói, đọc, viết một cách thuần thục, phản xạ nhanh nhạy cũng như thể hiện được quan điểm của mình trong các tình huống đa dạng.
  • Cao cấp (N1): Là trình độ mà người học có thể ứng phó được với mọi tình huống giao tiếp, đọc hiểu những vấn đề về văn hóa – xã hội như người bản xứ.

CHƯƠNG TRÌNH CHẤT LƯỢNG CAO TĂNG CƯỜNG TIẾNG NHẬT: ĐẢM BẢO CHUẨN ĐẦU RA JLPT N3

Trong chương trình Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật của Trường ĐH Bách khoa, SV sẽ được trang bị tiếng Nhật qua tám học kỳ, trải dài từ trình độ sơ cấp cho đến trung cao cấp. Điểm nhấn của chương trình là các tiết học tiếng Nhật được thiết kế xen kẽ với các môn chuyên ngành, đảm bảo sự mới mẻ mà không gây quá tải cho SV.

SV K21 chương trình Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật ngành Cơ Kỹ thuật
SV K21 chương trình Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật ngành Cơ Kỹ thuật giao lưu đầu năm.
  • Từ học kỳ Một tới nửa đầu học kỳ Ba: Sơ cấp (N5, N4)

Trong hai học kỳ rưỡi đầu, SV có thể hoàn thành trình độ Sơ cấp. Giai đoạn này là lúc các bạn bắt đầu chạm ngõ ngôn ngữ mới, xây dựng nền móng căn bản về vốn từ, ngữ pháp, khả năng đọc hiểu và nghe nói tiếng Nhật.

Giáo trình chính được sử dụng là Minna no Nihongo (NXB Trẻ). Song song đó, chương trình cũng bổ sung giáo trình Ryugakusei no Tame no Kanji no Kyokasho (NXB Dân Trí) chuyên hỗ trợ Hán tự, giúp SV có thể tiếp cận Hán tự một cách dễ hiểu, khoa học, đồng thời hiểu được lối sống, văn hóa và tác phong của người Nhật Bản.

  • Từ nửa sau học kỳ Ba tới học kỳ Năm: Trung cấp (N3)

Ở hai học kỳ rưỡi tiếp theo, SV sẽ chinh phục cấp độ N3. Đây là cột mốc rất quan trọng để các bạn tiến lên trình độ cao cấp và học các môn chuyên ngành bằng tiếng Nhật trong học kỳ sau.

Để hoàn thành cột mốc này, các bạn sẽ được rèn luyện bằng nhiều loại giáo trình phong phú như Chukyu e Iko, Chukyu wo Manabo, Kiku Toreningu (3A Corporation), Mainichi Kikitori, Kijutsu Mondai Tema 100 (NXB Bonjinsha)… Những nét văn hóa được đan cài khéo léo qua mỗi bài học sẽ mang đến cho SV sự am hiểu sâu sắc về con người và đất nước Nhật Bản.

  • Từ học kỳ Sáu tới học kỳ Tám: Trung Cao cấp (N2)

Từ học kỳ Sáu trở đi, SV chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật sẽ được học từ bốn đến sáu môn chuyên ngành với giáo sư người bản xứ. Qua đó SV được tiếp xúc với khối từ vựng chuyên ngành và có thể hiểu được phần lớn nội dung bài giảng.

Trong ba học kỳ cuối, tất cả SV đều sẽ được ôn luyện để cán mốc N2. Đây sẽ là bệ phóng giúp người học chạm ngưỡng cấp độ cao nhất và có xuất phát điểm cao khi ra trường.

NĂNG LỰC NHẬT NGỮ QUYẾT ĐỊNH MỨC LƯƠNG KHỞI ĐIỂM

Doanh nghiệp Nhật Bản sở hữu một văn hóa làm việc riêng biệt so với phần lớn những doanh nghiệp đến từ những quốc gia khác. Bởi lẽ đó, họ sẵn sàng trải thảm đỏ mời đón những ứng viên ưu tú vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe về chuyên môn, vừa am hiểu ngôn ngữ Nhật. Con đường thăng tiến của những ứng viên này dĩ nhiên cũng thuận lợi hơn so với những người không thể giao tiếp với cấp trên người bản xứ.

Theo khảo sát từ các trang tuyển dụng uy tín của Việt Nam, có thể thấy mức lương khởi điểm của lập trình viên mới ra trường có chứng chỉ Nhật ngữ N3-N2 khoảng từ 9,4 triệu đồng/tháng trở lên. Sau một năm tích lũy kinh nghiệm, con số này có thể lên đến hơn 23,4 triệu đồng/tháng.

Đối với ngành Cơ Kỹ thuật, khởi điểm của SV mới ra trường biết tiếng Nhật cho vị trí giám sát thi công, bảo dưỡng thiết bị… dao động khoảng 14 triệu – 18,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, khởi điểm của kỹ sư thiết kế sẽ khoảng 8 triệu đồng/tháng, và sau hai năm làm việc có thể nâng lên khoảng hơn 28,1 triệu đồng/tháng [2].

Với những SV có nguyện vọng làm việc tại Nhật Bản, mức lương họ có thể nhận rơi vào khoảng 30,4 triệu – 50,7 triệu đồng/tháng. Con số cụ thể phụ thuộc vào lương cơ bản của vùng địa lý, năng lực chuyên môn và trình độ tiếng Nhật của ứng viên [3][4].

INAKO


[1] The 10 Best Languages to Learn in 2022

[2] Theo 123job, indeed, laodongnhatban, vieclamcongtynhat

[3] Theo topdev, laodongnhatban, japan.net.vn

[4] Mức lương nêu trong bài được tính theo tỷ giá bình quân ở thời điểm tháng 8/2022.

Bài trước

Bài tiếp