Từ nền tảng tri thức truyền thống, Kỹ thuật Cơ khí đã và đang ứng dụng công nghệ liên ngành hiện đại để phát huy tối đa vai trò trụ cột trong khối ngành kỹ thuật.
KỸ THUẬT CƠ KHÍ: NGÀNH HỌC KẾT NỐI HAI ĐẦU CẦU GIẤC MƠ – HIỆN THỰC
Tăng Gia Lạc – cựu sinh viên K2017 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ sư Tự động hóa của Công ty Jabil Việt Nam – chia sẻ:
“Kỹ thuật Cơ khí là ngành học có bề dày lịch sử, giúp thiết kế – chế tạo tất cả máy móc cho nhân loại. Một lần tới tham quan Bách khoa, mình tận mắt chứng kiến và cực kỳ ấn tượng với hình ảnh đàn anh Bách khoa trình diễn kỹ thuật khắc gỗ bằng máy laser. Thì ra ngành Kỹ thuật Cơ khí có thể biến ý tưởng thành hiện thực một cách siêu ngầu như vậy. Về sau, tấm khắc laser – món quà từ tiền bối năm nào, đã trở thành “kỷ vật se duyên” mình với ngành học này.
Nhờ chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh, mình vừa được học với giảng viên đầu ngành, tiếp cận tri thức bậc cao bằng tiếng Anh, bắt kịp tiến bộ khoa học – công nghệ toàn cầu vừa liên tục nâng cấp kỹ năng mềm và rèn luyện phong thái bản lĩnh, tự tin.
Với mình, “cốt lõi, thực chiến, hăng say” là ba từ khóa phù hợp nhất để mô tả ngành Kỹ thuật Cơ khí:
- Cốt lõi vì cơ khí đào sâu vào vật lý cổ điển – nền tảng của vật lý hiện đại. Mọi thứ hữu hình đều có được nhờ ngành kỹ thuật này. Vậy nên mới nói cơ khí mang tính cốt lõi.
- Thực chiến vì nhân sự ngành cơ khí có thể tự nghiên cứu – vận hành máy móc, gia công – chế tạo sản phẩm một cách hoàn toàn độc lập.
- Hăng say vì ngành này đòi hỏi tính chính xác, sự tỉ mỉ cùng khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài để hoàn thiện sản phẩm.
Hồi năm Ba ĐH, bài tập lớn môn CAD/ CAM của nhóm mình là gia công CNC để tạo ra một loài vật 3D bất kỳ. Mình thực sự đã biến hình ảnh con sơn dương trong trí tưởng tượng thành hiện thực. Thành quả này cho thấy khoảng cách giữa giấc mơ và thực tại trong cuộc sống chỉ cách nhau hai chữ “cơ khí”.
Ngành Kỹ thuật Cơ khí Bách khoa giúp mình từ một người chỉ chú trọng kết quả cá nhân thành một nhân tố biết quan tâm tới đồng đội. Bởi tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau là yếu tố then chốt để thành công trong ngành này. Từ lâu, điểm số với mình không còn quan trọng nữa, mà là khả năng gắn bó, thấu hiểu lẫn nhau trong đội nhóm. Ba “đồng đội chí cốt” của mình hồi ấy là Quốc Khánh, Hoàng Phúc và Bảo Thu. Môn học nào tụi mình cũng cố gắng chung nhóm vì khá hợp gu và mỗi người đều có một thế mạnh riêng.
Hiện tại, mình đang theo đuổi mảng phát triển máy móc tự động hóa đặc chế. Những loại máy móc này sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động của người Việt, đưa Việt Nam từ một đất nước chuyên gia công hàng hóa với thế mạnh nguồn nhân công phổ thông giá rẻ thành một quốc gia tự động hóa tiên tiến với nguồn nhân lực trình độ cao cùng chi phí sản xuất cạnh tranh.
Và tất nhiên rồi, mỗi ngày đi làm của mình đều tràn đầy đam mê và năng lượng. Mình tự hào vì bản thân đang hàng ngày đóng góp vào quá trình thay thế công đoạn lắp ráp thủ công giản đơn bằng các loại máy móc đặc chế năng suất cao, tỷ lệ hoàn vốn thấp, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh của nước nhà trên trường quốc tế. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật Cơ khí cũng rất đa dạng, bao hàm nhiều lĩnh vực chuyên môn. Luôn có quá nhiều điều mới mẻ để ta liên tục học hỏi, khám phá và chinh phục.
Theo mình, các xu hướng phát triển của ngành Kỹ thuật Cơ khí trong tương lai bao gồm tự động hóa và robot, gia công chính xác, in 3D tạo mẫu nhanh và năng lượng hạt nhân – nhiệt điện.
Vì đây là ngành rộng nên cơ hội việc làm cực kỳ phong phú. Cử nhân Cơ khí Bách khoa có đủ kiến thức đảm nhận nhiều vị trí kỹ sư trên thị trường lao động, miễn là công việc liên quan tới máy móc – thiết bị như: kỹ sư kỹ thuật kinh doanh, kỹ sư sản xuất, kỹ sư thiết kế, kỹ sư tự động hóa, kỹ sư robot, kỹ sư thủy lực, kỹ sư hạt nhân, kỹ sư quy trình, kỹ sư an toàn, kỹ sư đảm bảo chất lượng… trong các lĩnh vực từ hóa học, công nghiệp nặng/ nhẹ tới y tế, công nghệ thực phẩm…”
CƠ KHÍ – NGÀNH KỸ THUẬT TRUYỀN THỐNG LÀM “XƯƠNG SỐNG” CỦA CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Phạm Hoàng Phúc – cựu sinh viên K2017 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Cơ khí, đang học chương trình thạc sỹ ngành Ô tô điện tại ĐH Erlangen-Nürnberg (Đức), tâm sự: “Hồi xưa, mình chọn chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh vì nhận thấy chương trình kỹ thuật chất lượng cao từ Bách khoa kết hợp giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành chắc chắn tạo ra lợi thế lớn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chương trình là sự tổng hòa của yếu tố kỹ thuật và ngoại ngữ – hai niềm đam mê của mình. Mình như “cá gặp nước” khi biết thông tin về chương trình và quyết định chốt nguyện vọng liền tay.
Cơ khí là ngành kỹ thuật “xương sống” của mọi quốc gia. Một đất nước đang phát triển như Việt Nam luôn cần đội ngũ kỹ sư cơ khí giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, có thể thấy trên quốc huy của Việt Nam còn có hình ảnh bánh răng của ngành cơ khí. Cơ khí không chỉ dừng lại ở công thức, bài vở mà là sự va chạm thực tế với máy móc hàng ngày. Cử nhân cơ khí chỉ thực sự chạm tay vào thành tựu khi hoàn thành một sản phẩm/ dự án. Do đó, tụi mình cần không ngừng thích ứng, sáng tạo, mày mò và giải quyết vấn đề.
Ở Bách khoa, mình được lĩnh hội kiến thức từ các giảng viên ưu tú, tận tâm. Thầy cô luôn nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên. Thế mạnh về tiếng Anh chuyên ngành giúp mình cùng đồng môn chủ động cập nhật kiến thức mới nhất. Những khóa học ngắn hạn với giáo sư ĐH đối tác cũng khuyến khích tụi mình nâng cấp kỹ năng giao tiếp và trau dồi năng lực ngoại ngữ. Tất cả hành trang đó cho mình thêm mạnh dạn hòa nhập và tự tin hợp tác với bạn bè quốc tế.
Mình đặc biệt ấn tượng với PGS. TS. Nguyễn Tấn Tiến (Giám đốc PTN Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số & Kỹ thuật Hệ thống, giảng viên Bộ môn Cơ Điện tử). Nếu tiếp xúc lần đầu, bạn sẽ cảm thấy thầy cực kỳ nghiêm khắc.
Thế nhưng qua thời gian, thầy dần dễ tính hơn khi sinh viên bắt đầu tiến bộ hay chịu khó chuẩn bị bài. Một lần, thầy mở lòng chia sẻ về mong ước đào tạo thật nhiều kỹ sư Cơ khí xuất sắc để cùng nhau xây dựng đất nước. “Kỹ sư” vốn là tiếng gọi cao quý mà không phải ai trong ngành cũng có thể đạt được. Sau khi kết thúc môn học của thầy, mình đã tự giác phát triển kỹ năng tự học. Mình trở thành con người hiện tại cũng nhờ một phần công sức của thầy.
Tính liên ngành của ngành cơ khí được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn ứng dụng của cơ khí trong ngành công nghệ thông tin là hệ thống thiết kế CAD/ CAM, mô phỏng CAE. Với địa hạt kinh tế, cơ khí hỗ trợ giám sát – phân tích số liệu trong nhà máy sản xuất, đưa ra mô hình sản xuất tối ưu…
Trước đây, mọi người từng quen thuộc với hình ảnh kỹ sư cơ khí thường xuyên làm việc với máy móc, dầu nhớt, có phần khô khan, nặng nhọc. Tuy nhiên, ngày nay ngành học này đã có những thay đổi to lớn thông qua việc ứng dụng công nghệ tối tân (học sâu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…) ở đa lĩnh vực. Môi trường làm việc của cử nhân cơ khí không còn bó hẹp trong phạm vi nhà xưởng mà mở rộng ra văn phòng, phòng thí nghiệm, thậm chí là hiện trường thi công.
Xu hướng chú trọng đầu tư kỹ thuật in 3D cùng mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào nguồn năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn triển vọng tươi sáng để sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Cơ khí thỏa sức nắm bắt, dấn thân. Cơ hội là vô hạn, quan trọng là bạn lựa chọn con đường nào và cố gắng ra sao.
Ở Đức, mình đang theo đuổi Ô tô điện – “ngành lai” giữa Kỹ thuật Cơ khí ô tô và Điện tử Công suất. Mình bén duyên với ngành học này một phần vì đam mê ô tô. Bên cạnh đó, điện là trào lưu của cả thế giới nói chung và khối nước châu Âu nói riêng. Cụ thể, Đức đang nghiên cứu công nghệ sạc pin khi xe đang chạy. Mục tiêu là phương tiện này có thể vừa nạp năng lượng vừa di chuyển trên đường, nhờ đó loại bỏ nhược điểm lớn nhất là thời gian sạc lâu.
So với ô tô truyền thống thì ô tô điện chính là phương tiện giao thông tới từ tương lai với nhiều tính năng thông minh và chế độ lái mới lạ. Vì vậy, ngành này chứng kiến sự đổi mới liên tục về công nghệ, đồng thời nhận được nguồn tài trợ dồi dào từ chính phủ các nước và công ty tư nhân. Sinh viên có thể tham gia những dự án lớn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nếu chuẩn bị từ sớm”.
XUÂN MAI thực hiện
Nếu yêu thích lĩnh vực chế tạo, vận hành, bảo dưỡng, cải tiến máy móc và thiết bị công nghiệp thì Kỹ thuật Cơ khí là ngành học dành cho bạn. Chương trình chính quy Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) là chương trình chính quy, giảng dạy 100% tiếng Anh, học tại Cơ sở Q.10.
|