Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Học Kỹ thuật Máy tính Bách khoa để làm việc trong ngành vi mạch, tại sao không?

Giữa thời đại số ngày nay, ngành Kỹ thuật Máy tính tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong khi tập trung vận dụng các giải thuật, mô hình và thư viện để thiết kế – phát triển – kiểm tra phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Trong đó vi mạch bán dẫn nổi lên như một hướng đi đa dạng, sáng tạo và giàu tiềm năng.

Bài viết liên quan
Từ sinh viên Bách khoa xuất sắc tới nhà sáng lập trung tâm đào tạo vi mạch
Bùi Đức Minh: tới Đức học vi mạch, gom về vạn điều hay

Mình là Lê Ngọc Minh Thư, cựu sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính. Hiện tại, mình đang là Kỹ sư Thiết kế RTL tại Công ty Uniquify Việt Nam.

Hồi xưa, mình chọn chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh vì khoái học ở Cơ sở Q10 gần nhà. Bên cạnh đó, việc học các môn chuyên ngành hoàn toàn tiếng Anh giúp mình sớm tiếp cận tài liệu mới nhất. Ngôn ngữ toàn cầu trở thành công cụ hữu dụng để mình truyền đạt ý tưởng và chia sẻ thông tin trong môi trường học tập – làm việc chuyên nghiệp. Hơn nữa, yêu cầu thường xuyên thuyết trình, viết luận, báo cáo bằng tiếng Anh tại Bách khoa Quốc tế khuyến khích mình trau dồi tiếng Anh liên tục từ thời sinh viên tới khi đi làm.

Mình tình cờ “chạm ngõ” ngành vi mạch vào mùa Hè năm Hai. Lúc đó, mình đang rục rịch nghiên cứu các định hướng chuyên sâu để chuẩn bị cho đồ án tốt nghiệp hai năm cuối. Vừa hay bạn mình giới thiệu nhóm nghiên cứu FPGA của PGS. TS. Phạm Quốc Cường (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Máy tính). Dù còn yếu mảng này nhưng nhờ hội bạn động viên, mình đã mạnh dạn xin phép tham gia. 

FPGA và vi mạch giao thoa với nhau ở khâu thiết kế phần cứng bằng ngôn ngữ verilog. Sau khi tích lũy nhiều kiến thức bổ ích và được đàn anh hướng dẫn tận tình, mình dần phát hiện niềm đam mê đối với vi mạch rồi bắt đầu tìm hiểu thị trường vi mạch bán dẫn Việt Nam. Sáu tháng thực tập tại Công ty Uniquify dựng lên trước mắt mình một bức tranh toàn cảnh rõ ràng và tươi sáng. Vậy là mình quyết tâm theo đuổi hành trình vi mạch với tâm thế rất “enjoy cái moment này”.

Cột mốc lớn nhất của bốn năm ĐH là lời mời làm việc chính thức từ Uniquify sau kỳ thực tập nửa năm. Mình đắn đo lắm vì đó là giai đoạn cần tập trung cho đồ án tốt nghiệp để ra trường đúng hạn. Đứng trước hai ngã rẽ, mình lựa chọn vừa học vừa làm vì không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm có. 

Áp lực cân bằng chuyện học – làm cực lớn. Trong hai học kỳ liên tục, mình đi làm giờ hành chính các ngày trong tuần. Tất cả buổi tối và cuối tuần để dành viết luận văn. Đó quả là những ngày tháng gian nan. Thế nhưng, mình đã gom được nhiều bài học quý báu, liên tục động viên bản thân và có gia đình thân yêu kề cận, đồng hành. Cuối cùng cũng tới mùa gặt hái trái ngọt. Đợt bảo vệ đồ án luận văn vừa qua, nhóm mình đạt 9.5 điểm và mình chính thức kết thúc thời sinh viên ở Bách khoa từ đó.

Điều đáng tự hào nhất là giờ đây, nhìn lại chặng đường gần 1,5 năm qua, mình đã hiểu rõ bản thân, biết trân trọng giá trị đồng tiền và có thể tự sắp xếp cuộc sống cá nhân một cách chu toàn. Điều này khiến ba mẹ mình rất yên tâm và hài lòng. 

Còn về mặt chuyên môn, ngành Kỹ thuật Máy tính Bách khoa giúp mình “lận lưng” đủ thứ “chân kinh” xịn sò về giải thuật, cấu trúc dữ liệu, hệ thống phần mềm, hệ thống phần cứng, điện tử số, lập trình nhúng… Môn học nào cũng yêu cầu sinh viên có khả năng tự học cực cao. 

Chưa hết, thầy cô trong khoa luôn tận tình định hướng và tạo điều kiện để tụi mình theo đuổi lĩnh vực yêu thích. Kỳ thực tập Hè năm Tư cho mình trải nghiệm phong phú, tinh thần trách nhiệm cùng sự chủ động chuẩn bị tương lai. Sau cùng, chắc chắn không thể không nhắc tới những người bạn chí cốt kiêm cố vấn chất lượng. Mọi người đã nhiệt tình ủng hộ và truyền thêm động lực để mình tự tin chinh phục đam mê.

Kỹ thuật Máy tính là ngành học giao thoa giữa Công nghệ Thông tin và Kỹ thuật Điện – Điện tử. Đa dạng, cải tiến và đầy tiềm năng phát triển, trải dài từ hệ thống nhúng, trí tuệ nhân tạo, bảo mật thông tin tới tích hợp internet vạn vật, hệ thống thông minh và tự động hóa, thiết kế vi mạch. Vì vậy, sinh viên có cơ hội thử sức ở nhiều mảng khác nhau, đồng thời đảm nhận những vị trí vừa hấp dẫn vừa thử thách như: Kỹ sư Lập trình Nhúng, Kỹ sư Phần mềm, Kỹ sư Lập trình Web/ Ứng dụng Di động, Kỹ sư Vi mạch (thiết kế RTL, kiểm thử thiết kế, DFT)…

Riêng ngành vi mạch đang trở nên thịnh hành và thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Triển vọng nghề nghiệp vô cùng rộng mở khi nhiều công ty/ tập đoàn mở thêm chi nhánh hoặc xây dựng trung tâm thiết kế ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao, giỏi chuyên môn và thạo ngoại ngữ.

Mình là Tôn Huỳnh Long, cựu sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính. Hiện tại, mình đang là Thực tập sinh Kỹ thuật tại Ampere Computing Việt Nam. Công việc hàng ngày của mình là hỗ trợ thiết kế – hiện thực phần lõi và phần mềm để kiểm thử trên các nền tảng của công ty.

Hồi tưởng một chút về thời ĐH, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh đã giúp mình thuyết trình báo cáo bằng tiếng Anh một cách trôi chảy. Thêm vào đó, mình còn cải thiện khả năng tự học, đọc hiểu – phân tích – tổng hợp tài liệu tiếng Anh chuyên ngành. Chắc chắn khi học tập ở Bách khoa, sinh viên tất cả chương trình đều phải nghiên cứu tài liệu tiếng nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, mình cho rằng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh làm sự học thêm liền mạch và chuẩn xác hơn. Có lần mình ghé lớp các bạn học chương trình khác, thấy một số thuật ngữ chuyên ngành được dịch ra tiếng Việt, tuy đọc cũng hiểu nhưng khá hết hồn.

Với mình, Kỹ thuật Máy tính là ngành học mang tính logic, hệ thống và tổng thể rất cao. Logic vì đó là bản chất của điện toán. Hệ thống vì cử nhân Kỹ thuật Máy tính có thể hệ thống hóa các cổng logic dễ hiểu thành những thứ phức tạp. Tổng thể vì hệ thống kiến trúc máy tính không chỉ xuất hiện trong ngành vi mạch mà còn tồn tại ở những lớp cao hơn như phần lõi hay phần mềm.

Những năm đầu ĐH, sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Máy tính bắt đầu làm quen với cổng logic AND, OR… Nhiều lúc mình băn khoăn tự hỏi làm sao những thuật toán siêu đơn giản như vậy có thể kết hợp với nhau để tạo thành những hệ thống tinh vi đủ sức vận hành thế giới như sắp xếp chuyến bay, đường tàu hay quản lý giao dịch chứng khoán, tiền tệ. Có thể nói nền kinh tế thế giới đang phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống máy tính. 

Tất nhiên, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo, người học sẽ được trang bị nền tảng kiến thức chuyên môn đa dạng và vững chắc. Thế nhưng, việc học là sự nghiệp trọn đời, vẫn luôn cần học, học nữa, học mãi.

Theo mình, ngành Kỹ thuật Máy tính gồm hai mảng chính là nhúng và vi mạch. Mảng nhúng thiên về lập trình xe hơi, ứng dụng nhiều trong công nghiệp hoặc liên quan tới phần lõi/ phần mềm để kiểm định nền tảng của các công ty thiết kế chip. Còn mảng vi mạch sẽ có các vị trí đặc thù như thiết kế logic và thiết kế RTL.

Mình chọn hướng vi mạch bán dẫn vì nhận thấy tầm quan trọng của ngành trong thời đại công nghệ 4.0. Mọi máy móc từ thiết bị gia dụng, phương tiện giao thông tới dây chuyền công nghiệp đều có sự tham gia của các loại vi điều khiển. Vì vậy, việc đóng góp vào sự phát triển của vi xử lý và vi điều khiển – cốt lõi của máy tính – sẽ là công việc cực kỳ ý nghĩa.

Xu hướng hiện tại của ngành vi mạch là trí tuệ nhân tạo. Khâu thiết kế phần cứng để tăng tốc độ và cải thiện hiệu quả quá trình học máy cần được nghiên cứu nhiều hơn. Gần đây cổ phiếu của NVIDIA – “ông lớn” trong ngành sản xuất bộ xử lý đồ họa – đang tăng giá ngoạn mục nhờ AI Hype. Điều này chứng tỏ trí tuệ nhân tạo hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng cho lĩnh vực phần cứng. 

Bên cạnh đó, điện toán đám mây cũng là một lối rẽ đầy tiềm năng. Trải nghiệm làm việc tại Ampere Computing Việt Nam – công ty hàng đầu chuyên về thiết kế CPU cho điện toán đám mây – giúp mình nắm chắc, hiểu sâu và nâng cấp khả năng phát triển điện toán đám mây, nhất là trong mảng máy chủ, điện toán cho doanh nghiệp.

Là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực này từ hơn 20 năm nay thông qua hai khoa: Khoa học & Kỹ thuật Máy tính và Điện – Điện tử. Quý phụ huynh – thí sinh quan tâm có thể tìm hiểu thông tin về:
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính (mã ngành: 207)
Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chuyên ngành Hệ thống Mạch – Phần cứng (mã ngành: 208)

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước