Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Sức sống của ngành Kỹ thuật Ô tô trong kỷ nguyên số

Không chỉ bó hẹp trong trụ cột cơ khí trước nay, ngành Kỹ thuật Ô tô đang chuyển mình ngoạn mục và liên tục đón đầu tiến bộ khoa học công nghệ (tích hợp trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng lập trình nhúng…). Cùng OISP khám phá “chân dung” sống động của ngành qua góc nhìn của cựu sinh viên Bách khoa Quốc tế.

Bài viết liên quan
“Bé báo” ngành Ô tô: Giới tính nữ là lợi thế của chị em ta ở Bách khoa
Học một biết mười với ngành Kỹ thuật Ô tô

Mình là Huỳnh Nhật Nam – cựu sinh viên K2018 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô. Hiện tại, mình là Chuyên viên Phát triển Sản phẩm của Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam.

Niềm đam mê của mình đối với khối ngành kỹ thuật nói chung và Kỹ thuật Ô tô nói riêng hình thành từ rất sớm. Để tóm gọn cơ duyên gắn bó với ngành thì chỉ duy nhất cụm từ “born this way” đủ sức diễn tả. Mình vốn say mê các cỗ máy một cách mãnh liệt, nhất là những món đồ chơi tự động, có thể lái được. Ngoài ra, mình cũng cảm thấy bản thân có chút may mắn vì khá nhạy bén trước các kiến thức chuyên ngành.

Ngành Kỹ thuật Ô tô có tính ứng dụng cực cao và luôn yêu cầu tư duy sáng tạo, hiểu biết kỹ thuật cùng kỹ năng giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, nền công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ. Điều này đồng nghĩa với cơ hội việc làm phong phú và triển vọng nghề nghiệp rộng mở. Những ưu điểm này đã thôi thúc mình đăng ký dự tuyển ngay và luôn.

Có thể nói vị trí hiện tại là công việc mơ ước của mình. Nhiệm vụ chính là lên kế hoạch khảo sát thị trường, thăm dò ý kiến khách hàng → đề xuất phát triển sản phẩm mới cho thị trường Việt Nam → theo sát các quá trình liên quan để thuận lợi đưa sản phẩm về Việt Nam → biên soạn tài liệu đào tạo sản phẩm mới cho hệ thống đại lý Isuzu Việt Nam → khảo sát ý kiến đại lý và khách hàng về sản phẩm mới → nghiên cứu cải tiến, nâng cấp sản phẩm.

Ngoài những công tác liên quan trực tiếp đến việc phát triển sản phẩm, mình còn hỗ trợ các sự kiện lớn của công ty như làm giám khảo cuộc thi lái xe Off-road, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm lái xe trong chuyến hành trình Isuzu Caravan 2023 hay hướng dẫn khách hàng trải nghiệm lái thử cung đường Off-road trong chương trình Việt Nam Off-road Cup 2023

Với hành trang toàn diện về kỹ năng mềm, năng lực chuyên môn cùng trình độ ngoại ngữ, mình có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ tiên tiến, chủ động mở rộng thế giới quan và liên tục phát triển bản thân. Hiện tại, mình và công ty tập trung hoàn thiện dãy sản phẩm còn thiếu để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời nghiên cứu – ứng dụng các công nghệ, tính năng mới vào sản phẩm để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Theo mình, ngành Kỹ thuật Ô tô đang trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ về:

  • Tính kết nối và công nghệ internet vạn vật: ứng dụng điện thoại của riêng hãng xe, ứng dụng quản lý phương tiện của bên thứ ba, định vị GPS tích hợp điều khiển từ xa…
  • Công nghệ vật liệu: vật liệu nhẹ và bền để giảm trọng lượng xe
  • Phương pháp thiết kế: áp dụng thiết kế mô-đun nhằm tăng khả năng tùy chỉnh và tiết kiệm chi phí sản xuất
  • Tăng cường hiệu suất và tính an toàn: cải thiện động cơ và hệ thống truyền động, phát triển các tính năng an toàn tiên tiến hỗ trợ người lái
  • Chuyển đổi và tinh chỉnh quy trình sản xuất: sử dụng công nghệ robot và dữ liệu lớn để tối ưu hóa quy trình sản xuất và cắt giảm chi phí, tích hợp công nghệ số để tạo ra những dây chuyền sản xuất ô tô linh hoạt và hiệu quả hơn

Song song đó, những hướng đi tiềm năng trong tương lai gần (tầm nhìn 10 năm) là:

  • Chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu truyền thống qua điện/ năng lượng xanh: các loại xe trọng lượng nhẹ (< 5 tấn) và có cự ly di chuyển ngắn – vừa sẽ ứng dụng công nghệ pin hoặc hybrid; những loại xe trọng lượng nặng và cự ly di chuyển dài đang được nghiên cứu loại năng lượng phù hợp
  • Phát triển các mô hình phụ trợ quá trình chuyển đổi (trạm sạc, trạm đổi pin…)
  • Nghiên cứu xe tự lái
  • Phát triển xe hơi thông minh (tích hợp trí tuệ nhân tạo cho hệ thống giải trí/ trải nghiệm/ học tập dựa trên thói quen dùng xe của người dùng)

Những xu hướng trên vừa đòi hỏi vừa khuyến khích đội ngũ nhân sự của ngành chịu khó nghiên cứu, không ngừng học hỏi và bền bỉ sáng tạo.

Mình là Nguyễn Thiện Tùng, cựu sinh viên K2016 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô. Hiện mình là Kỹ sư Phần mềm Cấp cao kiêm Trưởng nhóm kỹ sư phần mềm ứng dụng hệ thống phanh tại Công ty Bosch Global Software Việt Nam.

Công việc hàng ngày xoay quanh việc nhận yêu cầu từ khách hàng, phân tích và đề xuất hướng phát triển phần mềm tối ưu. Nhóm mình đang nghiên cứu nhiều thứ mới mẻ, hứa hẹn trở thành xu hướng tương lai như hệ thống tự động đậu xe, xe tự hành cùng hàng loạt công nghệ liên quan ô tô nói chung và hệ thống phanh nói riêng. Bên cạnh đó, với vị trí trưởng nhóm, mình còn đóng vai trò định hướng, xây dựng đội ngũ cũng như khuyến khích thành viên trau dồi năng lực. 

Mình đam mê ô tô từ nhỏ và có nguyên bộ sưu tập xe hơi hoành tráng. Thêm một khả năng đặc biệt mà gia đình mình gọi là “thiên bẩm” – mình có thể kể tên mọi loại ô tô nhìn thấy trên đường dù ở Việt Nam hay bất kỳ nơi đâu. Khi lớn lên, mình vẫn kiên định với định hướng ban đầu và quyết tâm thi đậu Bách khoa ngành Kỹ thuật Ô tô.

Hành trang tiếng Anh chuyên ngành vững chắc từ chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh giúp mình thuận lợi học tập, nghiên cứu, dễ dàng nắm bắt ý tưởng và giao tiếp hiệu quả với khách hàng.

Xưa nay, ngành Kỹ thuật Ô tô thiên về hướng cơ khí. Phần lớn sinh viên ra trường đảm nhận các vị trí liên quan tới cơ khí như thiết kế, chế tạo máy. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, ô tô ngày không còn thuần túy về yếu tố cơ khí mà ngày càng trở nên tinh xảo, phức tạp thông qua việc tích hợp hệ thống điện tử tiên tiến. Sắp tới, xe điện, hệ thống tự động trên ô tô, hệ thống đậu xe tự động và hệ thống giúp xe tự hành bắt đầu thịnh hành hơn.

Những công nghệ mới luôn đi kèm nhu cầu tăng cao về nguồn nhân lực am hiểu kỹ thuật ô tô và sở hữu thế mạnh lập trình. Là một trong những người trẻ tiên phong tiếp cận ngành ô tô từ góc độ lập trình nhúng và điện tử ô tô, mình đang từng bước gặt hái thành công với hướng đi này. 

Thiện Tùng nhận bằng khen Nhân viên Xuất sắc nhất quý của bộ phận – Hình: NGUYỄN THIỆN TÙNG

Hành trình vừa qua tuy gian nan nhưng mình đã học hỏi rất nhiều. Khó khăn lớn nhất là trong giai đoạn chập chững vào nghề, vì chưa biết rõ về lập trình cùng các môn liên quan lĩnh vực điện tử nên mình phải tự học rất rất nhiều. Nếu không, bản thân sẽ tụt hậu so với các bạn xuất thân từ ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. 

Để rồi càng làm việc chăm chỉ, mình càng nhận thấy kiến thức ô tô cực kỳ hữu ích. Ví dụ, mình có thể nắm bắt nhanh chóng và giải quyết hiệu quả yêu cầu của khách hàng, nhất là khi họ đề cập tới các từ khóa chuyên ngành ô tô như: lực phanh, gia tốc, hiện tượng oversteering/ understeering…

Trong vai trò kỹ sư phần mềm ứng dụng cho hệ thống phanh trên ô tô, mỗi phần mềm/ dòng code mình viết ra đều ảnh hưởng đến những chiếc ô tô đang và sẽ lưu thông trên đường. Công việc giúp mình nâng trình tư duy cũng như nuôi dưỡng đam mê thời thơ ấu.

Ngoài ra, sự ra đời liên tục của công nghệ tiên tiến ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành ô tô, đã thôi thúc mình không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và đổi mới. Đây cũng chính là nguồn động lực to lớn tiếp lửa cho mình phấn đấu mỗi ngày.

Ngày nay, ngành ô tô không chỉ ứng dụng kỹ thuật cơ khí đơn thuần mà còn phát triển theo hướng liên ngành lập trình – điện tử. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp rất đa dạng, tươi sáng và rộng mở. Bật mí một chút là hồi mới vô team, mình là người đầu tiên gốc Kỹ thuật Ô tô. Sau này, nhận thấy thế mạnh của những nhân sự vừa rành kỹ thuật ô tô vừa đam mê lập trình như mình, bộ phận đã ưu ái tuyển dụng các bạn trẻ có nền tảng tương tự. Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều thành viên trong nhóm đang khá hài lòng và tương đối thành công trên con đường đã chọn.

XUÂN MAI thực hiện

Ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam là rất khả quan vì tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người của chúng ta rất thấp. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đều tập trung về Việt Nam.
Hiện tại đa số các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đều có liên doanh với nước ngoài, kỹ sư Việt Nam phải thường xuyên tiếp xúc và làm việc với chuyên gia quốc tế. Do vậy, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong giao tiếp chuyên ngành, đọc hiểu tài liệu và cập nhật công nghệ mới.
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 242) với ngôn ngữ giảng dạy và học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ sinh viên và hoạt động sinh viên phong phú và đa dạng. Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên ngành cập nhật của khu vực và thế giới do có các môn học có sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài.

Bài trước

Bài tiếp