Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Dầu khí Bách Khoa – Tiềm năng, định hướng và tương lai

Với bề dày lịch sử và thế mạnh đào tạo khối ngành kỹ thuật, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí đã đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư Dầu khí đang công tác tại công ty Dầu khí hàng đầu. Để hiểu thêm về ngành Kỹ thuật Dầu khí chương trình Chất lượng cao, TS. Bùi Trọng Vinh sẽ có những chia sẻ thú vị về ngành học này.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí tham quan, thực tập

TS. Bùi Trọng Vinh – Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất Dầu khí, người đã truyền lửa đam mê cho biết bao thế hệ sinh viên của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia HCM).

Ngược dòng thời gian, xin Thầy chia sẻ cơ duyên nào khiến Thầy dấn thân vào lĩnh vực Dầu khí?

Thầy Bùi Trọng Vinh: Đến với mỗi ngành nghề và cuộc sống, đều cần chữ duyên. Tuy nhiên, cơ duyên đến lại bắt đầu từ những nỗ lực chủ động của bản thân trong học tập, công việc và cuộc sống. Cơ duyên đến với ngành Kỹ thuật Dầu khí bắt nguồn từ gia đình. Bố tôi là kỹ sư Trưởng Địa chất thăm dò dầu khí tại công ty dầu khí Thái Bình từ khi mới thành lập, lênh đênh trên giàn Tam Đảo 01 của VietsovPetro. Chính từ sự dũng cảm của những kỹ sư dầu khí khi đứng trước thách thức tìm tòi, khai thác được nguồn dầu khí đã thôi thúc bản thân tôi bước vào ngành này. Được sự động viên của gia đình, thầy cô trong, may mắn mình đã đạt được Huy chương Vàng toàn khoá năm 1995 và vinh dự được giữ lại làm giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí cho đến nay.

Việt Nam là nơi được thiên nhiên ưu đãi nhiều về khoáng sản, các mỏ khoáng sản cũng như lợi thế về dầu, khí và mỏ, thầy giới thiệu một vài ưu thế nổi bật để phát triển ngành Dầu khí tại Việt Nam?

Thầy Bùi Trọng Vinh: Nguồn tài nguyên trái đất nói chung, tài nguyên khoáng sản rắn và dầu khí năng lượng ở Việt Nam nói riêng khá phong phú và đa dạng. Nguồn tài nguyên dầu và khí cũng như năng lượng được nước ta chú trọng hợp tác với các nước phát triển để khai thác một cách hiệu quả và bền vững trong hơn 20 năm qua. Nguồn tài nguyên này đóng góp hàng năm cho nền kinh tế Việt Nam hàng trăm ngàn tỷ đồng. Kỹ sư tốt nghiệp trong lĩnh vực này đều có bản lĩnh và chủ động gia nhập nền kinh tế đa quốc gia, sẵn sàng là công dân toàn cầu, làm việc không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới.

Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí nói chung và ngành Kỹ thuật Dầu khí nói riêng đã có có bề dày lịch sử khá lâu đời, ngành học này thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và thí sinh, vậy đâu là lợi thế của ngành Dầu khí Bách khoa là gì thưa thầy?

TS. Bùi Trọng Vinh (bìa phải) tại hội nghị kỹ thuật và công nghệ lần thứ 16 về Tài nguyên trái đất và Năng lượng bền vũng

Thầy Bùi Trọng Vinh: Từ khi thành lập khoa năm 1978, các kỹ sư tốt nghiệp từ Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí đã và đang tham gia tích cực, chủ động vào nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, ở những vị trí quan trọng trong các công ty và tập đoàn Dầu, khí, năng lượng, xây dựng, Hoá dầu… Trên cơ sở hợp tác với nhiều đối tác ở các nước phát triển, nhiều học bổng và cơ hội thực tập, làm việc được mở rộng cho sinh viên Kỹ thuật Dầu khí Bách khoa. Đây là là cơ hội tốt cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên chương trình Chất lượng cao.

Trường ĐH Bách khoa đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp Dầu khí, điều này mang đến cho sinh viên Dầu khí Bách khoa những lợi thế gì?

Thầy Bùi Trọng Vinh: Trường chúng ta đã ký kết rất nhiều hợp tác với các tập đoàn, công ty, viện nghiên cứu như là Đây là một trong những thế mạnh vượt trội của chúng ta. Các sinh viên của khoa sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích như tham gia hội thảo trao đổi quốc tế, nghiên cứu khoa học, tham gia hiệp hội các kỹ sư dầu khí quốc tế SPE, học bổng, thực tập nước ngoài, các kỹ năng mềm…

Trong suy nghĩ của nhiều người, ngành Kỹ thuật Dầu khí sẽ làm việc ở giàn khoan, em thấy suy nghĩ này chưa đủ, những vị trí công việc nào kỹ sư Dầu khí có thể đảm nhiệm thưa thầy?

Thầy Bùi Trọng Vinh: Hiện nay, các kỹ sư tốt nghiệp ngành dầu khí có thể làm việc nhiều lĩnh vực như trên các giàn khoan, tại văn phòng công ty. Lĩnh vực cụ thể như: Logistics dầu và khí, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong dầu khí, quản lý dự án, kinh doanh xăng dầu, địa kỹ thuật xây dựng, địa chất môi trường, sức khỏe an toàn môi trường trong các lĩnh vực dầu, khí, lọc hoá dầu, công trình ngầm chứa năng lượng, cảng dầu khí, thăm dò dầu khí, khoan khai thác dầu khí…

Năm 2020, Khoa có chương trình thực tập tại Malaysia và Philippin cho sinh viên, chương trình này cụ thể là như thế nào và điều kiện để để được thực tập là gì thưa thầy?

Thầy Bùi Trọng Vinh: Về thực tập nước ngoài, không chỉ ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin… mà các em sinh viên vẫn có thể chọn lựa đi Hàn, Nhật, Úc… Về học phí, SV được hưởng nhiều chính sách học bổng, ưu đãi, hỗ trợ từ các giáo sư và tập đoàn trong ngành Dầu khí. Điều này giúp SV được giảm chi phí rất nhiều.

Bên cạnh năng lượng hóa thạch, ngành Kỹ thuật Dầu khí đang hướng đến năng lượng từ sinh khối và cũng là định hướng năng lượng bền vững của thế giới. Thầy có thể chia sẻ sâu hơn về lĩnh vực này ạ?

Trong xu thế dịch chuyển năng lượng, lĩnh vực dầu khí truyền thống vẫn giữ vai trò chủ động trong vận hành nền kinh tế. Bên cạnh đó, các loại năng lượng thay thế và sạch hơn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydrogen, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối đang tham gia tích cực và công cuộc chuyển đổi này. Các em sinh viên học chương trình Dầu khí cũng sẽ góp phần vào sự phát triển năng lượng mới trong tương lai.

Hướng phát triển tương lai của ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc vào những yếu tố nào? Và định hướng năm năm tới ngành Dầu khí Việt Nam sẽ có những thay đổi gì?

Xu hướng chuyển dịch về khai thác nguồn khí thiên nhiên (trữ lượng hàng trăm tỷ mét khối và khai thác hàng chục năm tiếp tục) cũng như các lĩnh vực về nguồn năng lượng thay thế. Trong năm năm tới, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật sẽ được ứng dụng nhiều trong thăm dò khai thác tài nguyên dầu, khí và năng lượng.

Vừa rồi, Việt Nam đã khảo sát và phát hiện mỏ khí Kèn Bầu được đánh giá là có trữ lượng lớn nhất Việt Nam. Phát hiện này có tác động thế nào tới ngành Dầu khí và cơ hội nghề nghiệp của kỹ sư dầu khí?

Đây là một trong những phát hiện lịch sử tại Việt Nam. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các mỏ này, nhu cầu đào tạo là rất lớn và cơ hội mở ra cho các em cũng rất lớn. Mỏ Kèn Bầu, mỏ Cá Voi Xanh cùng các mỏ khí, dầu truyền thống sẽ vẫn tiếp tục đóng góp hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước và rất nhiều công ăn việc làm cho các kỹ sư dầu khí.

Sinh viên chương trình Chất lượng cao, Liên kết Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí có thể chuyển tiếp sang The University of Adelaide của Úc. Thầy có thể chia sẻ thêm về đối tác này?

Đây là một trong những trường top đầu xứ sở chuột túi và xếp thứ bảy toàn cầu về đào tạo lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí (chương trình chính quy Chất lượng cao) hoàn toàn có thể chuyển tiếp du học hai năm cuối sang Adelaide để học tiếp và nhận bằng kỹ sư danh giá do Úc cấp. Hiện nay, khoa cũng mở rộng rất nhiều trường để các em sau khi tốt nghiệp có thể nhận học bổng và học tiếp bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều nước trên thế giới.

Cảm ơn thầy đã chia sẻ.

Bài: GIA NGHI – Hình: TS. BÙI TRỌNG VINH

Bài trước

Bài tiếp