Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Học một biết mười với ngành Kỹ thuật Ô tô

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực tự học trong ngôi trường kỹ thuật giàu truyền thống, từ đó tự tin hiện thực hóa những ý tưởng ô tô táo bạo của mình.

Bài viết liên quan: “Bé báo” ngành Ô tô: Giới tính nữ là lợi thế của chị em ta ở Bách khoa

Ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức khoa học, kỹ thuật cơ sở ngành và chuyên ngành vào quá trình thiết kế – phân tích – đánh giá – tối ưu hóa các chi tiết, hệ thống, tổng thành của động cơ & ô tô, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tế về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội.

Khi trực tiếp phát triển động cơ & ô tô hay một chi tiết/ hệ thống trên ô tô, sinh viên ngành Kỹ thuật Ô tô sẽ nắm chắc ý nghĩa thực tiễn của các nguyên lý khoa học tự nhiên, đồng thời khám phá mối tương quan mật thiết giữa ngành này với Kỹ thuật Cơ khí, Cơ Kỹ thuật, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Công nghệ Thông tin, Khoa học Máy tính… Do đó, người học ngành Kỹ thuật Ô tô có thể dễ dàng làm việc trong những lĩnh vực kỹ thuật kể trên.

Sinh viên chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô thực tập kỹ thuật tại xưởng, kết hợp lý thuyết với thực tế.

Các chuyên gia ngành Kỹ thuật Ô tô không chỉ cần liên tục nâng cao hiểu biết về ngành Kỹ thuật Ô tô mà còn phải hiểu sâu nhiều ngành kỹ thuật cơ sở, có khả năng xử lý vấn đề thực tiễn mang tính liên ngành, đồng thời không ngừng trau dồi chuyên môn ngành gần.

Ví dụ, việc thiết kế, chế tạo bộ phận chẩn đoán lỗi hư hỏng cho động cơ đòi hỏi kỹ sư am hiểu:

  • Đối tượng làm việc: động cơ (cấu tạo, nguyên lý làm việc, đặc điểm vận hành…)
  • Công cụ sử dụng: kỹ thuật điện – điện tử (cảm biến, mạch đo các thông số vận hành…) và kỹ thuật lập trình (chương trình điều khiển đo, xử lý và hiển thị…)
  • Vấn đề cụ thể cần giải quyết: mối liên hệ giữa nguyên nhân hư hỏng với thông số vận hành động cơ

Để đánh giá hiệu quả của cánh đuôi đến tính năng của ô tô, kỹ sư cần hiểu rõ: 

  • Đối tượng làm việc: các lực tương tác giữa xe với môi trường làm việc, các đặc điểm động lực học của xe…
  • Công cụ sử dụng: kỹ thuật cơ lưu chất (tính chất dòng chảy và sự phân bố áp suất xung quanh vật thể) và kỹ thuật tính toán – mô phỏng số (chương trình mô phỏng lưu chất)
  • Vấn đề cụ thể cần giải quyết: sự ảnh hưởng của lực cản khí động, lực nâng, lực ép đến tốc độ xe, mức tiêu thụ nhiên liệu, khả năng bám đường khi xe di chuyển tốc độ cao…

Hiện nay, xu hướng phát triển các công nghệ hiện đại ứng dụng trong ô tô ở nước ta và trên thế giới tập trung vào từ khóa EASCY, cụ thể:

  1. Xu hướng điện hóa ô tô (Electrified) với các loại xe điện, xe điện hybrid, xe điện dùng pin nhiên liệu vận hành với nhiên liệu H2 (có nguồn gốc từ các nguồn năng lượng tái tạo như: gió, sóng biển, thủy điện, mặt trời…) để nâng cao hiệu suất năng lượng của hệ thống động lực, giảm phát thải ô nhiễm, tiến tới trung hòa CO2 khi vận hành ô tô. Bên cạnh đó, các loại động cơ đốt trong dùng năng lượng thay thế như H2, CH4, NH3 (với năng lượng từ nhiên liệu tái tạo) cũng đang được nghiên cứu – phát triển. Sử dụng động cơ đốt trong dùng năng lượng thay thế cho xe điện hybrid là xu hướng chính trong tương lai gần khi mà công nghệ pin chưa thể đạt mật độ năng lượng lớn và an toàn như các loại nhiên liệu lỏng/ khí và chưa có công nghệ tái chế pin hiệu quả, thân thiện với môi trường, để có thể chuyển sang 100% xe điện.
  2. Xu hướng công nghệ ô tô tự hành (Autonomous) là bước phát triển tiếp theo của các công nghệ hỗ trợ người lái (ADAS-Automatic Driver Assistance Systems) nhằm nâng cao tính năng an toàn.
  3. Xu hướng công nghệ ô tô kết nối (Connected) với kết nối mạng không dây giữa các ô tô đang lưu thông, giữa ô tô với cơ sở hạ tầng giao thông để chia sẻ thông tin (ví dụ hướng di chuyển, tín hiệu đèn giao thông, mật độ lưu thông…) để truy cập mạng tốc độ cao phục vụ giải trí, làm việc (văn phòng di động).
  4. Xu hướng công nghệ ô tô dùng chung (Shared) với dịch vụ dùng chung phương tiện giao thông để giảm số lượng xe cá nhân, giảm nhu cầu số chỗ đậu xe, phát triển giao thông bền vững. Người dùng đăng ký sử dụng xe qua app với thời gian sử dụng cụ thể, thanh toán chi phí theo thời gian sử dụng.
  5. Xu hướng công nghệ nâng cấp chức năng ô tô (Yearly Updated) giúp liên tục nâng cấp các tính năng của ô tô (thuộc các công nghệ EASC) thay vì phải thường xuyên thay đổi hay mua ô tô có tính năng mới/ ô tô có tính năng tối ưu hơn với chi phí cao qua mỗi chu kỳ 3-5 năm.

Để kịp thời tiếp cận mọi bước chuyển công nghệ, sinh viên ngành Kỹ thuật Ô tô cần đọc nhiều sách chuyên ngành/ báo cáo khoa học, nâng cấp vốn kiến thức công nghệ, thường xuyên tiếp xúc với các tài liệu kỹ thuật chính thức… Người học chỉ có thể hiểu kỹ những thuật ngữ chuyên sâu và nguyên lý phức tạp nếu có trình độ tiếng Anh vững vàng.

Việc trang bị vốn tiếng Anh chuyên ngành ngay từ năm nhất trong chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô là bước đệm lý tưởng để sinh viên Bách khoa tìm kiếm việc làm phù hợp tại các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng trên khắp toàn cầu như: Bosch, Toyota, Hella, Mitsubishi, Isuzu…

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa được thiết kế theo hướng liên ngành toàn diện, lấy sinh viên làm trung tâm. Ngoài khối kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, kinh tế – chính trị – xã hội, con người – môi trường, quản lý – khởi nghiệp, sinh viên sẽ được đào sâu khối kiến thức cơ sở ngành cùng khối kiến thức chuyên ngành động cơ & ô tô (chức năng, nhiệm vụ, các nguyên lý cơ bản, các dạng kết cấu, các công nghệ mới của chi tiết, hệ thống, động cơ & ô tô…).

Sinh viên năm Nhất, năm Hai có cơ hội tham gia các buổi báo cáo mở để học hỏi và rèn luyện kỹ năng thực hành. Trong khi đó, vào năm Ba, các bạn bắt đầu lựa chọn khối kiến thức tự chọn đa ngành bổ ích để phù hợp với một trong các định hướng chuyên môn sâu như:

  • Nghiên cứu chuyên sâu (tính toán mô phỏng & thực nghiệm) về động cơ hay ô tô
  • Thiết kế cơ khí và chế tạo, công nghệ sản xuất & lắp ráp ô tô
  • Điện – điện tử, cơ – điện tử ứng dụng trong ô tô
  • Chẩn đoán, sửa chữa, dịch vụ động cơ & ô tô
  • Ô tô điện, ô tô điện hybrid, ô tô điện dùng pin nhiên liệu
  • ADAS và ô tô thông minh

Thêm vào đó, người học còn được khuyến khích tham dự những buổi chia sẻ xu hướng công nghệ từ các doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam (Bosch, Mitsubishi, Toyota, Vinfast…).

Đặc biệt, Bộ môn không chỉ liên tục lồng ghép các công nghệ tiên tiến, chủ đề nghiên cứu mới nhất vào bài tập lớn mà còn thường xuyên thỉnh giảng giáo sư nước ngoài, tổ chức hội thảo học thuật, trao đổi sinh viên với các trường đối tác uy tín như: ĐH Teikyo (Nhật Bản), ĐH Quốc gia Thành Công (Đài Loan), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), ĐH Kỹ thuật Petronas (Malaysia), ĐH Bina Nusantara (Indonesia)…

Bên cạnh kiến thức chuyên môn về động cơ & ô tô, tư duy hệ thống về thiết kế sản phẩm, cử nhân chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô còn được trang bị nền tảng vững chắc về ít nhất một chuyên ngành khác. Vì vậy, các bạn có thể thuận lợi học tiếp lên cao, tiếp thu hướng chuyên môn mới, dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc và có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ô tô và các ngành gần.

Thêm vào đó, bốn kỹ năng được Bộ môn chú trọng trong chương trình đào tạo là tư duy thiết kế, năng lực tự học, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng trình bày giúp sinh viên năm cuối tự tin thử sức với những vị trí hấp dẫn như:

  • Chuyên viên Phát triển và Thử nghiệm Sản phẩm phục vụ ô tô (hệ thống điều khiển thời gian thực, phần mềm chức năng, bộ phận chức năng) tại Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Ô tô của Bosch, Công ty Hella, Tập đoàn FPT… (mức lương khởi điểm 11-20 triệu/tháng)
  • Chuyên viên Sản phẩm, Kỹ sư Thiết kế, Kỹ sư Sản xuất tại các đơn vị thiết kế, sản xuất xe chuyên dùng như THACO, SAMCO, Đức Long Auto, IMAE, Tân Thanh Container… (mức lương khởi điểm 11-15 triệu/tháng)
  • Kỹ thuật viên, Cố vấn Dịch vụ, Chuyên viên Kinh doanh, Chuyên viên Chăm sóc Khách hàng tại các đơn vị thương mại, dịch vụ ô tô (thu nhập tối thiểu là 9-12 triệu/tháng)
  • Giảng viên đào tạo ngành ô tô tại các trung tâm đào tạo nghề/ trường CĐ – ĐH ở TP.HCM và khu vực phía Nam (mức lương khi có bằng thạc sỹ là 15-30 triệu/tháng)

Mạng lưới cựu sinh viên Bách khoa Khoa Kỹ thuật Giao thông nói chung và Bộ môn Kỹ thuật Ô tô nói riêng đoàn kết, vững mạnh. Nhiều cựu sinh viên nắm giữ chức vụ chủ chốt trong các đơn vị đầu ngành như: Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Ô tô của Bosch, Công ty TNHH Ô tô ISUZU Việt Nam, Công ty TNHH Ô tô MITSUBISHI Việt Nam, Xí nghiệp Cơ khí Ô tô An Lạc (SAMCO An Lạc), Xí nghiệp Cơ khí Ô tô chuyên dùng An Lạc (SP.SAMCO), Công ty Cổ phần VT-TM-XD-CN Đức Long (Đức Long Auto), Công ty TNHH Phân phối Thaco Auto, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, ĐH SPKT TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một… Đây cũng lợi thế cạnh tranh giúp sinh viên sớm tìm được công việc yêu thích và phù hợp.

Bài, hình: TS. Trần Hữu Nhân – Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông, Trường ĐH Bách khoa

Ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam là rất khả quan vì tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người của chúng ta rất thấp. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đều tập trung về Việt Nam.
Hiện tại đa số các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đều có liên doanh với nước ngoài, kỹ sư Việt Nam phải thường xuyên tiếp xúc và làm việc với chuyên gia quốc tế. Do vậy, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong giao tiếp chuyên ngành, đọc hiểu tài liệu và cập nhật công nghệ mới.
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 242) với ngôn ngữ giảng dạy và học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ SV và hoạt động SV phong phú và đa dạng. SV được trang bị kiến thức chuyên ngành cập nhật của khu vực và thế giới do có các môn học có sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài.

Bài trước

Bài tiếp