Kiến thức chuyên ngành trong khối óc, kỹ năng thành thạo từ đôi tay và ngọn lửa nhiệt thành tận trái tim là bộ ba quyền lực giúp cử nhân Kỹ thuật Y Sinh miệt mài làm nên những điều kỳ diệu vì sức khỏe cộng đồng.
Bài viết liên quan
► Kỹ thuật Y Sinh: Không làm bác sỹ vẫn cứu được bệnh nhân
► Cử nhân Y Sinh – Trợ thủ đắc lực của bác sỹ
► Thích Y Sinh vì tính liên ngành độc đáo
KỸ THUẬT Y SINH – KỸ THUẬT TIÊN PHONG VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Kỹ thuật Y Sinh (Biomedical Engineering) là lĩnh vực kết hợp các nguyên tắc vật lý, hóa học, toán học, tin học, kỹ thuật, khoa học máy tính… để giải quyết vấn đề y sinh học và chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, ngành Kỹ thuật Y Sinh Việt Nam không chỉ đào tạo đội ngũ cử nhân lâm sàng giúp vận hành, bảo trì, sửa chữa, sản xuất thiết bị y khoa trong cơ sở y tế mà còn mở rộng dần sang chế tạo vật liệu nhân tạo thay thế trong lĩnh vực y học tái tạo, phát triển hệ thống – phương tiện chăm sóc sức khỏe từ xa…
PGS. TS. Trần Thị Thu Hạnh (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, Khoa Khoa học Ứng dụng – Trường ĐH Bách khoa) cho biết: “Sứ mệnh của ngành Kỹ thuật Y Sinh là cải thiện sức khỏe và nâng cao tuổi thọ con người thông qua quá trình nghiên cứu – phát triển vật liệu y sinh tiên tiến, thiết bị y tế hiện đại cho việc hỗ trợ chẩn đoán, phòng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả.
Đặc trưng của ngành là tính đổi mới – sáng tạo. Kỹ thuật Y Sinh phát triển không ngừng trong kỷ nguyên số. Những sáng kiến xuất hiện liên tục. Bên cạnh đó, giá trị nhân văn cũng là lý do nhiều bạn trẻ theo đuổi ngành học này. Kỹ thuật Y Sinh luôn hướng tới mục tiêu cao cả là phòng – trị bệnh, cứu người và đẩy lùi bệnh tật”.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi khắc nghiệt từ môi trường sống cùng sự bùng phát trên diện rộng của nhiều loại dịch bệnh đã thách thức con người không ngừng “đấu tranh để sinh tồn”. Thực trạng này càng tiếp thêm động lực để sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Y Sinh bền bỉ học tập – nghiên cứu và miệt mài tạo nên “phép màu” nhờ công nghệ – kỹ thuật.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TIÊN TIẾN, TOÀN DIỆN
Đón đầu xu thế thời đại, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Y Sinh của Trường ĐH Bách khoa (mã trường QSB, mã ngành 237) giúp sinh viên chuẩn bị hành trang toàn diện bao gồm nền tảng kiến thức vững chắc (về vật lý, sinh học, y học, toán học, công nghệ thông tin) cùng bộ kỹ năng cần thiết (lập trình, thực nghiệm – thiết kế kỹ thuật, giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm) cho nghề nghiệp tương lai.
Đặc biệt, tiếng Anh chuyên ngành trở thành điều kiện tiên quyết để người học thành công trong môi trường quốc tế. Nếu thông thạo tiếng Anh, sinh viên có thể tự tin thụ đắc tri thức mới nhất, tham dự hội thảo quốc tế, góp sức trong các dự án đa quốc gia, chinh phục học bổng cao học hay lựa chọn công việc trên khắp thế giới.
Nhà trường tự hào về đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao và đạt nhiều thành tích trong giảng dạy. Tất cả xu hướng nghiên cứu – ứng dụng của ngành luôn được thầy cô chủ động lồng ghép trong những môn học tương ứng. Ngoài ra, các hội thảo chuyên ngành và các kỳ thực tập/ kiến tập định kỳ cũng thúc đẩy người học liên tục cập nhật kiến thức thực tế.
Cơ sở vật chất hiện đại với các phòng thực hành tiên tiến, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị tối tân. Môi trường học tập cởi mở và năng động, luôn khuyến khích sinh viên đổi mới – sáng tạo – khởi nghiệp.
Bộ môn Vật lý Kỹ thuật Y Sinh còn có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với ĐH Otago, Phòng Thí nghiệm Đo lường Tiêu chuẩn New Zealand (New Zealand), ĐH Tokyo, Học viện Công nghệ Tokyo, ĐH Kyushu, Học viện Công nghệ Kyushu (Nhật Bản), ĐH Quốc lập Thành Công, ĐH Quốc lập Trung Hưng (Đài Loan)… Nhờ đó, người học có cơ hội trao đổi ngắn hạn tại châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan…
TÍNH LIÊN NGÀNH THIẾT THỰC VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG RỘNG RÃI
Khả năng ứng dụng của ngành Kỹ thuật Y Sinh vô cùng thiết thực và phong phú, chẳng hạn trong:
- Chẩn đoán bệnh: Các thiết bị y tế do cử nhân Kỹ thuật Y Sinh nghiên cứu được dùng để chẩn đoán nhiều bệnh khác nhau, bao gồm Alzheimer, ung thư, tim mạch…
- Điều trị bệnh: Kỹ thuật Y Sinh giúp tìm ra hướng điều trị mới (thuốc, liệu pháp gen, phương pháp cấy ghép…) cho nhiều loại bệnh.
- Giám sát sức khoẻ bệnh nhân: Các thiết bị y sinh có công dụng theo dõi sức khỏe bệnh nhân cả ở bệnh viện, trong cộng đồng và tại nhà.
- Phục hồi chức năng: Ngành Kỹ thuật Y Sinh hỗ trợ phát triển các công nghệ giúp bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật, chấn thương hoặc bệnh tật.
- Phát triển thiết bị y tế: Cử nhân Kỹ thuật Y Sinh làm việc với bác sỹ, nhà khoa học và kỹ sư ngành khác để thiết kế – chế tạo nhiều thiết bị y tế mới.
- Kỹ thuật vật liệu sinh học: Nhân sự ngành Kỹ thuật Y Sinh hợp tác nghiên cứu mô và cơ quan nhân tạo với bác sỹ, chuyên gia sinh học để phát minh phương pháp cấy ghép, liệu pháp gen/ tế bào mới.
- Tin sinh học: Cử nhân Kỹ thuật Y Sinh sử dụng các kỹ thuật toán học và máy tính để phân tích dữ liệu y tế, phát triển thuật toán chẩn đoán và tạo ra các mô hình mô phỏng sinh học.
- Robot y sinh: Nhân sự ngành Kỹ thuật Y Sinh thiết kế – chế tạo robot được sử dụng trong phẫu thuật, phục hồi chức năng và nhiều ứng dụng y tế khác.
- Vật liệu y sinh mới: Kết hợp thế mạnh về nông nghiệp và công nghệ thông tin, ngành Kỹ thuật Y sinh nước ta đang nghiên cứu các vật liệu tiêu hao y tế, vật liệu cảm biến sinh học, vật liệu y dược mới ứng dụng trong quy trình điều chế thuốc đặc trị, thuốc trúng đích… trong điều trị bệnh.
Tính liên ngành của ngành Kỹ thuật Y Sinh thể hiện rõ nét qua hàng loạt sáng kiến trong mảng:
- 3D sinh học: Máy in 3D sinh học có thể tạo mô và cơ quan nhân tạo (sụn, xương, tim…) để phục vụ quá trình cấy ghép.
- Vật lý trị liệu thông minh: Những thiết bị đeo được hỗ trợ chuyển động của cơ thể, giúp bệnh nhân phục hồi sau chấn thương/ đột quỵ cũng như tăng cường sức mạnh và khả năng di chuyển.
- Y học nano: Ngành Kỹ thuật Y Sinh dùng hạt nano để chẩn đoán và điều trị bệnh. Ví dụ sử dụng hạt nano đưa thuốc trực tiếp đến tế bào bị bệnh nhằm giảm tác dụng phụ và cải thiện hiệu quả điều trị.
- Sức khỏe kỹ thuật số: Kỹ thuật Y Sinh góp phần phát triển các ứng dụng di động và thiết bị đeo được giúp mọi người theo dõi sức khỏe và quản lý bệnh tật.
- Tư vấn sức khỏe từ xa: Kỹ thuật Y Sinh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cho người bệnh vùng sâu – vùng xa, không thể trực tiếp đến gặp bác sỹ.
- Khoa học dữ liệu y tế: Cử nhân Kỹ thuật Y Sinh sử dụng các kỹ thuật khoa học dữ liệu để phân tích dữ liệu y tế lớn, giúp cải thiện chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật.
TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ, TƯƠI SÁNG
Ngày nay, xu hướng già hóa dân số và sự phát triển nhanh chóng của khoa học – kỹ thuật kéo theo nhu cầu nhân lực trình độ cao của ngành Kỹ thuật Y Sinh rất lớn. Cử nhân Bách khoa ngành này có thể làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, công ty sản xuất vật liệu, thiết bị y tế ở vị trí:
- Kỹ sư Y sinh Hệ thống: thiết kế, phát triển, thử nghiệm và bảo trì các hệ thống y sinh phức tạp, chẳng hạn hệ thống hình ảnh y tế, hệ thống giám sát bệnh nhân và robot y tế
- Kỹ sư Y sinh Lâm sàng: hỗ trợ chuyên gia y tế trong việc sử dụng và bảo trì thiết bị y tế, đồng thời cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về các thủ tục y tế
- Kỹ sư Y sinh Mô: thiết kế và phát triển các mô và cơ quan nhân tạo để cấy ghép như van tim, xương, da…
- Kỹ sư Y sinh Sinh học: nghiên cứu và phát triển vật liệu/ công nghệ mới cho các ứng dụng y tế, ví dụ băng sinh học, thuốc phân phối, liệu pháp tế bào…
- Kỹ sư Y sinh Tin học: phát triển các phần mềm và hệ thống máy tính để quản lý dữ liệu y tế, mô phỏng, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh
Nếu theo đuổi định hướng nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu/ trường đại học, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng hoặc tiếp tục học lên cao học, tham gia các chương trình đào tạo chuyên môn ngắn hạn/ dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kỹ thuật Y Sinh và công bố bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.
Theo PGS. TS. Trần Thị Thu Hạnh, ngành Kỹ thuật Y Sinh chứa đựng tiềm năng to lớn với nhiều xu hướng mới nổi đầy hứa hẹn, tập trung vào mảng trí tuệ nhân tạo – học máy, in 3D, vật liệu sinh học, kỹ thuật số hóa, y học chính xác. Đây là “mảnh đất màu mỡ” để gen Z phát huy tối đa trình độ chuyên môn, tư duy công nghệ, thế mạnh ngoại ngữ, khả năng thích ứng cùng tinh thần tự học.
Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Y Sinh là chương trình chính quy, giảng dạy 100% tiếng Anh, lộ trình đào tạo 4 năm tại Cơ sở Q.10 và nhận bằng tốt nghiệp do Trường ĐH Bách khoa cấp.
|
Bài: XUÂN MAI