SV Bách khoa Quốc tế liên ngành Vật liệu – Hóa tham gia trao đổi tại Nhật

Hai sinh viên Bách khoa Quốc tế chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh là Nguyễn Quỳnh Trúc My (K2022 ngành Kỹ thuật Vật liệu) và Nguyễn Mạnh Khang (K2021 ngành Kỹ thuật Hóa học) cùng các đồng môn chương trình Tiêu chuẩn và Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp ngành Kỹ thuật Vật liệu, vừa kết thúc đợt trao đổi ngắn hạn tại trường Kurume (thuộc Viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản). 

Bài viết liên quan
▶ Từ TF SCALE 2022, thấy được tầm quan trọng của việc biết nhiều ngoại ngữ
▶ Chuyến thực tập hè đáng giá của SV Bách khoa khối Nhật ngữ
▶ SV Bách khoa Quốc tế giao lưu trực tuyến cùng học sinh Aomori (Nhật)

Chuyến đi diễn ra vào đầu tháng Ba, thuộc khuôn khổ International Global Camp 2024 của SAKURA Exchange Program in Science[1]. Xuyên suốt chương trình, bốn gương mặt đại diện Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) có dịp trải nghiệm hàng loạt hoạt động lý thú:

  • Đào sâu hiểu biết chuyên môn khi nghiên cứu về cuộc “đọ sức” giữa các loại vật liệu khác nhau
  • Lắng nghe chuyên gia Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia chia sẻ kiến thức trồng trọt trong bối cảnh nóng lên toàn cầu
  • Làm việc nhóm, thảo luận, thuyết trình về chủ đề phòng chống thiên tai
  • Tìm hiểu quy trình sản xuất nước sốt Mayonnaise khép kín, nghiêm ngặt của nhà máy KEWPIE
  • Tham quan nhiều địa danh nổi tiếng của thành phố Kurume, tỉnh Fukuoka và học hỏi về văn hóa – lịch sử – con người Nhật Bản
Nhóm bạn Bách khoa tranh thủ tạo nét tại Nhật.
Trúc My (người chụp) và Mạnh Khang (đánh dấu bằng vòng tròn cam) chụp hình kỷ niệm cùng các bạn sau khi kết thúc buổi thảo luận về chủ đề phòng chống thiên tai.

Trúc My (đánh dấu bằng vòng tròn vàng) và Mạnh Khang (đánh dấu bằng vòng tròn cam) nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trao đổi.

Nguyễn Quỳnh Trúc My – sinh viên K2022 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Vật liệu, bày tỏ: “Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ trao đổi chung nhưng trong lớp, mỗi bạn lại nói một kiểu giọng khác nhau. Điều này khá là thú vị. Sự khác biệt về cách phát âm của các thành viên đến từ nhiều đất nước dễ dẫn tới sự hiểu lầm. Ở vai trò nhóm trưởng, mình tranh thủ trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, xử lý vấn đề và học cách diễn giải dễ hiểu, chân phương, tận dụng ngôn ngữ cơ thể để kết nối các bạn.

Mình cảm thấy biết ơn và hạnh phúc khi nhận được học bổng trao đổi ngắn hạn này. Nhờ đó, mình trải nghiệm nhiều lần đầu tiên trong đời (lần đầu đi nước ngoài, lần đầu tự lập, lần đầu sống tại một quốc gia không nói tiếng Anh nhiều trong khi mình không biết ngôn ngữ của họ). 

Mình làm quen với nhiều bạn bè quốc tế. Điểm chung của tụi mình là lòng nhiệt huyết tuổi trẻ cùng tinh thần ham học hỏi bất chấp bất đồng ngôn ngữ. Sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô vô cùng tuyệt vời và quý giá với mình. Yêu cầu thuyết trình, làm việc nhóm, đặt câu hỏi nâng cao, ứng dụng lý thuyết vào thực tế giúp mình học nhanh, hiểu sâu và nhớ lâu hơn. 

À phải nhấn mạnh là mình thích mê mấy loại đồ dùng tiện lợi, ứng dụng công nghệ tiên tiến và những món ăn siêu siêu ngon của Nhật Bản đó nha”.

Trúc My (phải) nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trao đổi từ TS. Matsumura Syo (hiệu trưởng trường Kurume).

“Đây là lần đầu tiên mình thuyết trình trước bạn bè quốc tế. Để chia sẻ về biện pháp phòng chống lũ lụt tại Việt Nam, mình cần giải thích cặn kẽ về tình hình ở nước ta và tại sao cần áp dụng cách làm đó. Vì vậy, mình phải nghĩ hướng trình bày thật trôi chảy, mạch lạc bằng tiếng Anh. 

Với mình, có lẽ hoạt động thảo luận nhóm là phần hay ho nhất. Không chỉ tiếp thu kiến thức mới, mình còn gom thêm góc nhìn đa chiều dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia. Tuy làm việc hăng say và tập trung cao độ nhưng tụi mình cũng cực kỳ nhí nhố, háo hức lập hội làm một chuyến campus tour trường Kurume để thư giãn và gắn kết hơn.

Bên cạnh đó, tụi mình cũng được tận mắt chứng kiến các kỹ sư tiền bối thực hiện phép thử để chọn ra loại vật liệu phù hợp nhất với từng mục đích cụ thể, thay vì chỉ học lý thuyết khô khan. Điều này thực sự khiến mình cảm thấy hào hứng và mở rộng tầm mắt”, Nguyễn Mạnh Khang – sinh viên K2021 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Hóa học, tâm sự.

Trúc My (bìa trái) và Mạnh Khang (đánh dấu bằng vòng tròn cam) thưởng thức bánh đậu đỏ cùng đồng môn Bách khoa và những người bạn Nhật trước khi quay về Việt Nam.

PGS. TS. Phạm Trung Kiên – Phó Trưởng Khoa Công nghệ Vật liệu, cho biết: “Trao đổi sinh viên quốc tế là một trong những công tác quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Trường ĐH Bách khoa nói chung và Khoa Công nghệ Vật liệu nói riêng. Trường Kurume là đối tác quan trọng, đã đồng hành với Khoa trong các sự kiện học thuật thường niên suốt nhiều năm qua. Hy vọng, trong tương lai Global Camp tiếp tục được tổ chức tại Kurume để sinh viên của Khoa có cơ hội sang trường bạn học hỏi, từ đó thắt chặt mối quan hệ hợp tác vững mạnh giữa đôi bên”.

Chương trình năm nay đón tiếp 16 sinh viên đến từ nhiều ĐH trong khu vực như Trường ĐH Bách khoa (Việt Nam), Temasek Polytechnic (Singapore), King Mongkut’s Institute of Technology Ladkrabang (Thái Lan) và University of Technology Malaysia (Malaysia) tới gặp gỡ, giao lưu với hơn 20 sinh viên bản xứ từ các trường thành viên của Viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản.

Xem thêm hình ảnh chuyến đi tại đây.


[1] SAKURA Exchange Program in Science là chương trình trao đổi thanh niên giữa Nhật Bản và châu Á trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, nhằm củng cố sự gắn kết chặt chẽ giữa chính phủ – nhà trường – doanh nghiệp, thông qua hình thức trao đổi ngắn hạn.

Bài: XUÂN MAI – Hình: TRÚC MY, MẠNH KHANG

Bài trước