Hiểu ngành dầu khí từ lăng kính của người trong nghề

Bạn giỏi tiếng Anh, khoái vi vu, mê nhà giàn, yêu biển cả nhưng chưa biết ngành Kỹ thuật Dầu khí có thực sự dành cho mình? Cùng OISP ngồi xuống lắng nghe các đàn anh Bách khoa tâm sự chuyện ngành, chuyện nghề để lựa chọn nguyện vọng phù hợp nghen.

Bài viết liên quan
5 lý do không trật vào đâu để theo đuổi ngành Dầu khí Bách khoa
Lê Văn Sĩ: Từ bệ phóng Bách khoa, tự tin bay xa trong ngành dầu khí
Thủ khoa Địa chất & Dầu khí K2006: Luôn đặt tính chính xác lên hàng đầu
Huy chương Vàng CLC Dầu khí K2017: Học giỏi nhờ hội bạn thân

Trần Hưng Thịnh, cựu sinh viên K2014 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Dầu khí, Kỹ sư Quy trình kiêm Trợ lý Giám đốc Công ty Hyosung Vina Chemicals Việt Nam, chia sẻ: 

“Mình đang làm việc trong mảng vận chuyển – lưu trữ – xử lý khí dầu hóa lỏng và phụ trách dự án kho ngầm khí dầu hóa lỏng lớn nhất Đông Nam Á (độ sâu 192m dưới lòng đất, sức chứa 240.000 tấn). Nhiệm vụ của mình là vận hành thiết bị xử lý khí dầu hóa lỏng và lưu trữ khí dầu hóa lỏng; vận hành hệ thống điều khiển kỹ thuật số (Digital Control System); vận chuyển khí dầu hóa lỏng trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Đa dạng, tiềm năng và phát triển là dấu ấn của ngành mà mình cảm nhận được sau hơn năm năm xây dựng sự nghiệp. 

  • Đa dạng: Sau khi ra trường, sinh viên không chỉ làm việc trong ngành kỹ thuật dầu khí mà còn có thể hoạt động đa ngành: hóa dầu, khí đốt, năng lượng sạch… Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể đảm nhận nhiều vị trí như: kỹ sư dự án, kỹ sư quy trình, kỹ sư hiện trường…
  • Tiềm năng: Nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng cao. Xu thế này đặt ra hàng loạt thách thức, đồng thời đòi hỏi nguồn nhân lực đạt trình độ cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thời đại. Do đó, đây tiếp tục là ngành nghề đầy tiềm năng trong tương lai.
  • Phát triển: Nếu chuẩn bị đầy đủ hành trang từ thời ĐH, cử nhân dầu khí hoàn toàn có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc chuyên nghiệp, học hỏi từ đội ngũ chuyên gia quốc tế cũng như tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới. Từ đó phát triển bản thân và nhanh chóng thăng tiến.

Đơn cử trường hợp của mình, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Dầu khí đã trang bị bộ ba kiến thức chuyên môn – tiếng Anh chuyên ngành – kỹ năng mềm cần thiết (giao tiếp, phân tích, phản biện, tư duy logic…) để mình tự tin gia nhập thị trường lao động đầy tính cạnh tranh. Chưa hết, suốt quá trình làm việc và học lên thạc sỹ, các tiền bối Bách khoa đã hỗ trợ nhiệt tình cũng như đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích. Nhờ đó, mình liên tục nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm việc hiệu quả và đạt được vị trí như ngày hôm nay.

Hiện nay, dầu khí đang là một trong những ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong – ngoài nước rất quan tâm tới lĩnh vực này. Chưa dừng lại ở đó, ngành dầu khí thế giới cũng đang sải những bước dài vững chắc. Nhiều nhà máy bắt đầu mở rộng quy mô trên toàn thế giới. Nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cùng mức thu nhập hấp dẫn sẽ mở ra triển vọng việc làm phong phú cho sinh viên ngành kỹ thuật dầu khí”.

Nguyễn Phát Tài, cựu sinh viên K2016 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Dầu khí, Chuyên viên Tư vấn Chuyên môn tại Công ty PVD Training, cho biết: 

“Công việc của mình là tư vấn cho khách hàng về mảng an toàn và khoan – khai thác dầu khí, đồng thời tham gia hỗ trợ các học viên tham gia khóa kỹ thuật kiểm soát giếng của công ty. 

Với mình, ngành dầu khí chứa đựng nhiều thách thức, cơ hội và trải nghiệm. Đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam, đòi hỏi người trong ngành không ngừng đổi mới để nắm bắt cơ hội, làm chủ cuộc chơi. Đồng thời, những trải nghiệm có một không hai khi trực tiếp làm việc tại giàn khoan trên các địa hình đa dạng, với giờ giấc sinh hoạt – nghỉ ngơi khác nhau cũng là yêu cầu đặc thù của ngành dầu khí.

Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Dầu khí của Bách khoa đã tạo điều kiện cho mình cọ xát thường xuyên với tiếng Anh chuyên ngành – điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ. Từ kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất mà sinh viên ngành dầu khí cần chủ động thông thạo từ sớm. 

Bên cạnh đó, nền tảng kiến thức chuyên môn phong phú, trải dài từ địa chất, khoan, khai thác dầu khí tới các vấn đề môi trường tích lũy từ thời sinh viên cũng giúp mình đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Hơn nữa, nhờ bộ kỹ năng mềm được nhà trường đào tạo ngay từ năm Nhất, mình có thể nhanh chóng hòa nhập với công ty. 

Ngoài ra, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí có nhiều cựu sinh viên rất thành công. Nếu sớm chủ động tạo dựng mối quan hệ với các đàn anh đi trước, bạn sẽ có cơ hội nghề nghiệp tươi sáng và rộng mở”.

Bài: XUÂN MAI

Nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực dầu khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) (mã trường: QSB) đã triển khai chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh và Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí từ năm 2013 đến nay, cụ thể:
  • Chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã ngành: 220): giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, số lượng tín chỉ và nội dung môn học được tham khảo từ chương trình đào tạo của các đại học Mỹ, Úc uy tín như ĐH Công nghệ Texas, ĐH California San Diego (Mỹ), ĐH Adelaide (Úc)… Sinh viên được khuyến khích nghiên cứu khoa học từ sớm, tiếp xúc thường xuyên với những tài liệu chuyên ngành mới nhất cũng như tham gia thực tập, kiến tập ở các công ty, tập đoàn dầu khí hàng đầu Việt Nam.Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã ngành: 320): hợp tác đào tạo cùng ĐH Adelaide (Úc). Nội dung giảng dạy là sự kết hợp hài hòa của khoa học địa chất (vỉa tích hợp, mô hình vỉa, mô hình địa chất, kỹ thuật khoan và khai thác…) với khoa học quản lý thông qua việc thực hiện các dự án nghiên cứu thực tế.

Bài trước

Bài tiếp